Tài trợ cho nghiên cứu: Cơ chế niềm tin

TS. Nguyễn Tô Lan- Viện Nghiên cứu Hán Nôm, tác giả một chuyên khảo và nhiều bài nghiên cứu chuyên sâu về tuồng xuất bản trong và ngoài nước, chia sẻ kinh nghiệm dự tuyển học bổng cũng như cách nhìn nhận của bản thân về tài trợ nghiên cứu KHXH với tạp chí Tia sáng.  

Được biết sau hai tháng tốt nghiệp bằng TS Ngữ văn, chuyên ngành Hán Nôm với đề tài về tuồng cổ, chị đã nhận được học bổng Visiting Scholar của Viện Harvard Yenching (Hoa Kỳ). Chị có thể nói đôi chút về học bổng này, yêu cầu của học bổng và những khó khăn các ứng viên thường gặp phải?

Viện Harvard Yenching (Harvard – Yên Kinh Học xã, viết tắt là HYI) được thành lập năm 1928 từ tài sản của ngài Charles M. Hall (1863 -1914). Dù nằm trong khuôn viên Đại học Harvard, Viện là một Quỹ hoạt động độc lập với mục đích ban đầu nhằm thúc đẩy giáo dục đại học ở Á châu. Từ những năm 1950, Viện chú trọng tới hoạt động cung cấp các học bổng học tập và nghiên cứu tại nước ngoài về KHXH&NV cho nghiên cứu sinh Tiến sĩ và sau Tiến sĩ. Tuy nhiên, đặc thù của Viện là chỉ tiếp nhận ứng viên từ những trường đại học và viện nghiên cứu hàng đầu từ khu vực Đông và Đông Nam Á. Đây được gọi là những đơn vị liên kết, được Viện tuyển chọn dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau.

Hiện nay, đối tác của Viện đã bao gồm hơn 50 đơn vị, trong đó có bốn đơn vị ở Việt Nam là ĐH Quốc gia Hà Nội, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam (tại Hà Nội và chi nhánh Nam Bộ), ĐH KHXH&NV TP. Hồ Chí Minh. Đặc điểm này một mặt là lợi thế cho ứng viên vì với điều kiện như vậy số lượng ứng viên sẽ bị giới hạn và xác suất thành công có thể sẽ cao hơn. Mặt khác, đây cũng là thách thức khi các ứng viên từ các đơn vị liên kết này bản thân họ đã là những học giả xuất sắc trong từng lĩnh vực, hơn nữa, chủ trương của HYI là không tuyển theo chỉ tiêu, nên có nhiều năm không có ứng viên nào từ Việt Nam, Campuchia hay Thái Lan trúng tuyển.

Chỉ bằng một máy vi tính có kết nối mạng và một ID để truy cập, tôi có thể kết nối với toàn bộ các thư viện thuộc trường Harvard cũng như hầu hết các thư viện lớn trên toàn thế giới.

Tôi biết tới học bổng của HYI khá sớm, từ năm 2005 (khi tôi vừa tốt nghiệp ĐH KHXH & NV và trở thành cán bộ nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Hán Nôm) qua thuyết trình của TS. Nguyễn Nam –Trợ lý Giám đốc, phụ trách Chương trình tuyển sinh của HYI tại Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam. Hoạt động này được duy trì thường niên cho tới nay. Ngoài đại diện của HYI, còn có chia sẻ của những học giả Việt Nam đã từng thành công với học bổng.Tuy nhiên, nhận thấy bản thân chưa đáp ứng được điều kiện của học bổng nên tôi duy trì việc quan sát và cập nhật thông tin về học bổng mà không nộp đơn ứng tuyển. Sau nhiều năm học tập và nghiên cứu ở trong nước, tới năm cuối của chương trình học Tiến sĩ (2012), với tư duy ứng tuyển để lấy kinh nghiệm là chính, tôi nộp hồ sơ tới HYI. May mắn là với sự giúp đỡ tận tình của bạn bè trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hồ sơ, và đặc biệt là những lời khuyên từ một vị tiền bối đã nhiều lần thành công với học bổng của HYI, tôi đã trúng tuyển học bổng Visiting Scholar dành cho ứng viên đã có bằng Tiến sĩ và sang nghiên cứu tại HYI sau khi tôi nhận bằng hai tháng.

Từ góc độ là một ứng viên, tôi thấy có ba khó khăn cơ bản khi ứng tuyển học bổng HYI nói riêng cũng như bất kỳ học bổng nước ngoài nào.Thứ nhất là việc chọn đề tài. Thông thường, những đề tài được quan tâm từ các nhà xét duyệt thường mang tính chất liên quốc gia (về mặt địa bàn) và liên ngành khoa học (về phương pháp nghiên cứu). Ứng viên phải thể hiện được tính “hấp dẫn” của đề tài họ chọn và nhận thức rõ ràng về vị trí vấn đề họ theo đuổi trong bối cảnh nghiên cứu thế giới.

Thứ hai là kỹ năng viết hồ sơ ứng tuyển. Mỗi học bổng có định dạng riêng và những điểm cần chú ý riêng. Như với hồ sơ ứng tuyển Quỹ học bổng châu Á, tôi đã nộp tổng cộng 20 trang, trong khi đó toàn bộ hồ sơ ứng tuyển HYI chỉ vẻn vẹn có sáu trang (trong đó có ba trang là các thông tin các nhân; nội dung nghiên cứu và tài liệu tham khảo chỉ trong vòng ba trang). Đưa nội dung gì vào hồ sơ, lược bỏ nội dung gì đã là một lựa chọn khó khăn.

Thứ ba là trình độ ngoại ngữ. Với học giả trong ngành KHXH như chúng tôi thì đa phần có thể đảm bảo được ở phương diện đọc hiểu tài liệu nhưng kĩ năng nghe, nói và viết thì hầu như không được chú ý rèn luyện. Trong khi đó, ngay cả đối với người bản ngữ, việc viết tiếng Anh thuộc chuyên ngành KHXH cũng được coi là một thứ ngôn ngữ thứ hai. Đương nhiên, trình độ ngoại ngữ không đảm bảo cũng là một điểm bất lợi khi dự tuyển các học bổng có bao gồm vòng phỏng vấn.

Vậy đề tài chị nghiên cứu là gì và những thuận lợi chị nhận được từ học bổng của HYI?

Về mặt đối tượng nghiên cứu thì các nghiên cứu của tôi xoay quanh nghệ thuật biểu diễn tuồng của Việt Nam. Về phương diện lý thuyết nghiên cứu thì tôi tùy theo từng đề tài mà có các góc độ tiếp cận khác nhau. Đề tài tôi thực hiện tại HYI là về sự tiếp nhận tiểu thuyết Tam quốc chí diễn nghĩa vào văn học sân khấu Việt Nam từ hai góc độ văn học so sánh (comparative literature) và chuyển hóa văn hóa (transculturation studies).

Nghiên cứu và xây dựng chính sách đầu tư cho KHXH bên cạnh những vấn đề về tài chính, “cơ chế niềm tin” cũng cần được chú trọng để tạo điều kiện cho các cá nhân tự phát triển.

Từ cá nhân tôi, phương pháp nghiên cứu là yếu tố quan trọng nhất đối với nhà nghiên cứu. Học bổng HYI đã cung cấp cơ hội cho tôi được tiếp cận trực tiếp về phương diện cá nhân với những học giả chủ chốt trong lĩnh vực nghiên cứu của mình, cập nhật những lí thuyết mới nhất. Đồng thời, bản thân mỗi học giả đều chủ động đăng kí tham gia các hoạt động trao đổi học thuật diễn ra hằng ngày, hằng tuần với nhiều tư cách khác nhau như thính giả, diễn giả, người phản biện v.v…

Bên cạnh phương pháp nghiên cứu, tư liệu là cơ sở quan trọng quyết định chất lượng công trình. Ở mặt này, tôi được tạo điều kiện làm việc lý tưởng từ thư viện của HYI – một trong những thư viện nổi tiếng nhất trong nghiên cứu châu Á. Tưởng tượng rằng chỉ bằng một máy vi tính có kết nối mạng và một ID để truy cập, tôi có thể kết nối với toàn bộ các thư viện thuộc trường Harvard cũng như hầu hết các thư viện lớn trên toàn thế giới. Tài liệu không có tại Harvard có thể được mượn qua kênh liên thư viện rất nhanh chóng, thuận tiện và miễn phí.

Xin chị cho biết quan điểm của chị về nguồn tài trợ nghiên cứu KHXH, phương thức tài trợ và cơ chế kiểm soát sản phẩm được tài trợ từ những học bổng chị nhận được ?

Cho tới nay tôi đã nhận được ba tài trợ từ nước ngoài là từ Quỹ học bổng châu Á (ASF), HYI và Đại học Kyoto. Mỗi tài trợ này đều có mục đích, phương thức tài trợ, trọng tâm tài trợ và cơ chế tài chính đi kèm. Đối với KHXH&NV, dường như chúng ta thấy mục đích tài trợ thường có tính “công ích” như thúc đẩy phát triển văn hóa, tăng cường hiểu biết lẫn nhau v.v… nhưng nếu xét kĩ thì mỗi Quỹ được lập ra đều trên một số cơ sở lợi ích vật chất nhất định.

Thử làm một bài toán đơn giản, ví dụ thu nhập của tôi là trên 100 triệu USD/năm tôi phải chịu thuế là 30% chẳng hạn, nhưng nếu thu nhập là 98 triệu USD/năm thì thuế phải chịu ít hơn hẳn. Vậy nếu tôi đem 2 triệu USD đó để tổ chức một Quỹ tài trợ nghiên cứu thì số tiền của tôi phải đóng thuế trừ đi 2 triệu USD đó vẫn ít hơn số tiền đúng ra tôi phải đóng thuế.

Thành lập một Quỹ như vậy vừa mang tới “tư lợi”, vừa đảm bảo “công lợi”. Như vậy, chính phủ thay vì hô hào “xã hội hóa nghiên cứu khoa học” thì sử dụng chính sách thuế để xã hội tự điều chỉnh. Những Quỹ như vậy ở nước ngoài rất nhiều. Tôi thường đùa với các bạn đồng nghiệp là, “vàng đầy ngoài đường, có điều có đi mà lấy nó về hay không mà thôi.”

Phương thức tài trợ thì cũng khá phong phú, như ASF cung cấp cho tôi một khoản sinh hoạt phí hằng tháng cùng với một khoản cố định để trang bị các phương tiện máy móc làm việc cùng kinh phí mua tài liệu để tôi tới nghiên cứu tại địa bàn phù hợp với đề tài của tôi (ở đây là các cơ sở nghiên cứu tại Trung Quốc, chủ yếu ở Quảng Tây, Quảng Đông, Thượng Hải); HYI và Đại học Kyoto thì cung cấp chi phí để tôi tới nghiên cứu đề tài của mình và trao đổi với các học giả tại đơn vị tài trợ.

Một khi học bổng đã được phê duyệt thì kinh phí được chuyển toàn bộ vào tài khoản cá nhân hoặc trao trực tiếp cho ứng viên, việc sử dụng kinh phí này thế nào hoàn toàn do ứng viên quyết định. Đương nhiên, các khoản mục chính như mua sắm trang thiết bị, đi lại v.v… đều phải hoàn trả hóa đơn tương ứng, nhưng trong nhiều trường hợp, chỉ cần một chứng nhận viết tay hoặc một giải trình có chữ ký của ứng viên là hợp lệ. Phương thức tài trợ này trao toàn quyền cho ứng viên trúng tuyển để họ sử dụng cho mục đích nghiên cứu mà theo cách gọi của tôi thì là “cơ chế niềm tin”.

Một khi học bổng đã được phê duyệt thì kinh phí được chuyển toàn bộ vào tài khoản cá nhân hoặc trao trực tiếp cho ứng viên, việc sử dụng kinh phí này thế nào hoàn toàn do ứng viên quyết định.

Một khi nhà nghiên cứu đã trúng tuyển, họ “được tin tưởng là” sẽ sử dụng kinh phí để nâng cấp nghiên cứu của mình. Nếu họ không tận dụng tối đa những gì được cung cấp để hoàn thiện mình thì người thiệt hại chính là bản thân họ chứ không phải phía nhà tài trợ. Chính vì vậy, tuy học bổng khá lớn (so với thu nhập của học giả Việt Nam) nhưng sản phẩm chỉ là một báo cáo khoa học (thường là một bài báo) khi kết thúc thời gian nghiên cứu mà thôi. Báo cáo này được gửi thẳng cho Quỹ, không cần thiết phải là bài báo đã được xuất bản.

Nhà tài trợ chấp nhận rủi ro ở một xác suất nhất định, nhưng đa phần cơ chế này đem lại hiệu quả rất cao. Tôi tin là khi nhà tài trợ đặt niềm tin vào nhà khoa học, đa phần họ sẽ không phụ niềm tin đó. Những cơ chế kiểm soát cơ học như đếm số trang, hoàn hóa đơn thuế v.v… chỉ càng tạo ra cơ chế đối phó chứ không thể kiểm soát được sự phát triển của khoa học, nhất là trong KHXH, sự chuyển biến trong nghiên cứu phải tính bằng đơn vị năm, và nhiều năm. Để tạo dựng cơ chế ấy, nên chăng hãy bắt đầu bằng việc đặt lòng tin vào các nhà khoa học.

Chị đã từng nhận tài trợ kinh phí từ các nguồn trong nước chưa, chị có suy nghĩ gì về đầu tư nghiên cứu KHXH ở Việt Nam hiện nay?

Tôi cũng may mắn nhận được một số tài trợ nghiên cứu từ các nguồn trong nước, tiêu biểu là tài trợ liên tục từ quỹ Nafosted qua hai đề tài mà tôi là thành viên nghiên cứu. Viện Nghiên cứu Hán Nôm hằng năm đều đầu tư kinh phí để tôi thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học cơ sở, ngoài ra tôi còn tham gia hoặc nhận tài trợ từ một số dự án của các đơn vị trong và ngoài công lập khác v.v…

Có thể thấy, về KHXH thì hằng năm nhà nước đều có đầu tư ở các mức độ khác nhau. Tuy nhiên, khó có thể so sánh đầu tư cho KHXH ở Việt Nam với các nước khác vì mỗi quốc gia có một nền tảng kinh tế và chiến lược phát triển khác nhau.

Trong bối cảnh Việt Nam cần đầu tư phát triển ở nhiều phương diện khác thì yêu cầu quá nhiều cho KHXH từ chính phủ có vẻ là hơi “quá” mặc dù đó là điều chúng ta mong muốn có được trong hoàn cảnh hiện tại.

Những cơ chế kiểm soát cơ học như đếm số trang, hoàn hóa đơn thuế v.v… chỉ càng tạo ra cơ chế đối phó chứ không thể kiểm soát được sự phát triển của khoa học, nhất là trong KHXH, sự chuyển biến trong nghiên cứu phải tính bằng đơn vị năm, và nhiều năm.

Chính vì vậy, thay vì ngồi chờ Nhà nước phân bổ kinh phí để nghiên cứu khoa học và than thở về sự thiếu thốn kinh phí thì bản thân nhà khoa học cần chủ động tìm kiếm các nguồn tài trợ cho nghiên cứu của mình. Điều này sẽ phá vỡ được thế “dàn hàng ngang” trong nghiên cứu, để mỗi nhà khoa học trên nền tảng nghiên cứu của mình và thực tế xã hội tự lựa chọn những vấn đề cần thiết. Nghiên cứu và xây dựng chính sách đầu tư cho KHXH bên cạnh những vấn đề về tài chính, “cơ chế niềm tin” cũng cần được chú trọng để tạo điều kiện cho các cá nhân tự phát triển.

Xin trân trọng cảm ơn chị!

Vũ Hải An thực hiện

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)