Tăng cường hợp tác quốc tế về an ninh hạt nhân
Trong bối cảnh Việt Nam dự kiến sẽ sớm xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên và đưa vào vận hành từ năm 2020, tạp chí Tia Sáng đã có bài phỏng vấn Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, người tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân 2012 được tổ chức tại Seoul trong 2 ngày 26-27/3 vừa qua, về ý nghĩa của sự kiện này đối với vấn đề an ninh hạt nhân của Việt Nam trong thời gian tới.  
Xin Bộ trưởng cho biết Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân 2012 có ý nghĩa và tầm quan trọng như thế nào?
Đây là Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân được tổ chức lần thứ hai kể từ lần đầu tiên năm 2010 tại Mỹ theo sáng kiến của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Hội nghị lần này tại Seoul có sự tham gia của các nguyên thủ từ 53 quốc gia, trong đó có những nước đang sở hữu công nghệ hạt nhân, các cơ sở, thiết bị hạt nhân, và vũ khí hạt nhân như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, v.v.
Nội dung chủ yếu thảo luận về các hành động, giải pháp cụ thể nhằm đảm bảo an ninh hạt nhân không chỉ trong lãnh thổ của mình mà còn ở quy mô toàn thế giới, ngăn chặn và phòng chống những hành vi buôn bán, vận chuyển vật liệu hạt nhân trái phép với những chế tài xử lý hình sự được quy định cụ thể, rõ ràng, và đồng bộ. Chính vì thế trong Hội nghị lần này ngoài sự tham gia của các quốc gia thì có các tổ chức quốc tế như IAEA, Interpol, Hội đồng Châu Âu, và Ủy ban Châu Âu.
Ý nghĩa quan trọng của Hội nghị lần này chính là sự nhất trí, đồng thuận cao của tất cả các thành viên tham dự trong việc tăng cường các nỗ lực đảm bảo an ninh hạt nhân ở mọi nội dung được đem ra thảo luận.
Vậy những nội dung cụ thể đạt được sự đồng thuận trong Hội nghị lần này là gì?
Ý nghĩa quan trọng của Hội nghị lần này chính là sự nhất trí, đồng thuận cao của tất cả các thành viên tham dự trong việc tăng cường các nỗ lực đảm bảo an ninh hạt nhân ở mọi nội dung được đem ra thảo luận. |
Hội nghị đã thống nhất được trong nhiều nội dung, liên quan đến việc hạn chế sử dụng nhiên liệu hàm lượng uranium độ giàu cao (HEU), chuyển đổi từ sử dụng nhiên liệu HEU sang nhiên liệu hàm lượng uranium độ giàu thấp (LEU); các biện pháp tăng cường bảo vệ an ninh cho cơ sở, thiết bị, nhiên liệu và chất thải hạt nhân, các chế tài được hình sự hóa nhằm ngăn chặn mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép vật liệu hạt nhân; cố gắng đưa phần sửa đổi năm 2005 của Công ước Bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân vào hiệu lực tại các quốc gia từ 2014; thúc đẩy hợp tác quốc tế trong các nỗ lực đảm bảo an ninh hạt nhân, ủng hộ việc hình thành các trung tâm đào tạo về an ninh hạt nhân cùng các hoạt động hỗ trợ mang tính mạng lưới giữa các trung tâm với nhau, v.v. Bên cạnh đó, một số quốc gia cũng đề xuất các sáng kiến nhằm tăng cường an ninh hạt nhân toàn cầu, ví dụ như sáng kiến của Hàn Quốc về định vị nguồn phóng xạ qua vệ tinh.
Tham gia Hội nghị này, mục tiêu của Việt Nam đặt ra là gì?
Mục tiêu của Việt Nam mang đến hội nghị lần này là thông điệp khẳng định sự thiện chí và nghiêm túc của Việt Nam đối với vấn đề an ninh hạt nhân, thể hiện qua những tiến bộ Việt Nam đã đạt được kể từ sau Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân 2010 như: Việt Nam đã tích cực tham gia và thực hiện hàng loạt những hiệp ước, công ước quốc tế về an ninh hạt nhân; đã và đang thực hiện việc chuyển đổi các thanh nhiên liệu HEU sang nhiên liệu LEU. Ngày 16/3 vừa rồi, Việt Nam và Nga đã ký hiệp định về việc chuyển các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng của lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt về Nga. Theo kế hoạch, chậm nhất vào giữa năm 2013 sẽ hoàn thành việc chuyển đổi cho Nga các thanh nhiên liệu HEU; đang hoàn tất các thủ tục cần thiết để tham gia vào một công ước quốc tế rất quan trọng là Công ước Bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân, vốn đã có hiệu lực từ năm 1987 (hiện đã có 145 nước trong số 153 nước thành viên của IAEA tham gia Công ước này, trong đó đã có 56 nước thông qua phần sửa đổi được đề xuất năm 2005).
Được biết, một trong những điểm đạt được sự thống nhất của Hội nghị là sẽ cố gắng đưa phần nội dung sửa đổi của Công ước trở nên có hiệu lực từ năm 2014. Vậy nguyên nhân nào khiến chúng ta chưa thông qua phần nội dung sửa đổi này?
Phần nội dung sửa đổi năm 2005 cụ thể hóa một số điều khoản của Công ước, với những yêu cầu ràng buộc rất chặt chẽ. Vì vậy, trong số 145 nước đã tham gia vào Công ước, hiện cũng chỉ mới có 56 nước thông qua được phần nội dung sửa đổi, trong khi để nội dung này có hiệu lực sẽ cần tối thiểu 2/3 số thành viên IAEA thông qua.
Đối với Việt Nam, ngoài việc trình Chủ tịch nước phê chuẩn việc tham gia Công ước vào thời gian tới, chúng ta cũng dự định sẽ thông qua phần nội dung sửa đổi, nhưng hiện nay chưa làm được vì Luật pháp của Việt Nam chưa quy định đủ cụ thể và đồng bộ để tương thích với phần nội dung này. Ví dụ, trong số 14 tội danh vi phạm Công ước, trong Bộ Luật Hình sự của Việt Nam chỉ mới quy định 9 tội danh, và cũng không hoàn toàn đồng bộ. Như vậy, để có thể sớm thông qua và phê chuẩn phần nội dung sửa đổi năm 2005 của Công ước, chúng ta sẽ phải gấp rút hoàn thiện hơn nữa Bộ Luật Hình sự trong các nội dung liên quan đến an ninh hạt nhân.
Cộng đồng quốc tế đánh giá như thế nào về những nỗ lực của Việt Nam trong việc tham gia đảm bảo an ninh hạt nhân?
Cộng đồng quốc tế đánh giá cao thiện chí và những nỗ lực của Việt Nam trong thời gian qua. Ví dụ, trong một thời gian ngắn, chúng ta tiến hành được những thủ tục cần thiết để trình Quốc hội thông qua về Công ước Bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân. Ngoài ra chúng ta cũng đã có chương trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống luật pháp về an ninh hạt nhân trình Chính phủ; các bộ, ngành cũng ban hành các văn bản quy định về an toàn hạt nhân, như quy trình thủ tục để xây dựng các cơ sở hạt nhân, trong đó đặc biệt là dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Cũng tại Hội nghị lần này, Việt Nam đã đồng ý về nguyên tắc với Hàn Quốc trong việc tham gia dự án thử nghiệm định vị nguồn phóng xạ qua vệ tinh. Đây là dự án được sự ủng hộ và tài trợ của IAEA. Theo đó, Hàn Quốc sẽ cung cấp cho chúng ta trang thiết bị, Việt Nam sẽ nhận được dữ liệu từ vệ tinh của nước bạn và có nghĩa vụ báo cáo với IAEA. Dự án này sẽ giúp chúng ta định vị và kiểm soát được các nguồn phóng xạ được sử dụng, tàng trữ, và vận chuyển trên lãnh thổ Việt Nam.
Thiện chí và những nỗ lực của chúng ta giúp cộng đồng quốc tế có thể yên tâm rằng những vật liệu hạt nhân khi được sử dụng hoặc vận chuyển trên lãnh thổ Việt Nam sẽ được đảm bảo an ninh theo đúng cam kết.
Một khi Việt Nam bắt tay vào xây dựng và vận hành các nhà máy điện hạt nhân, đâu là nguy cơ gây mất an toàn lớn nhất, và chúng ta sẽ phòng ngừa nguy cơ này như thế nào?
Có một số nguy cơ gây mất an toàn hạt nhân trên thế giới, trong đó có nguy cơ khách quan do thiên tai và nguy cơ chủ quan do con người. Tuy nhiên, nguy cơ lớn nhất gây mất an ninh hạt nhân là từ con người. Hiện nay, nhiều quốc gia lo ngại về khả năng xảy ra những vụ tấn công chủ định vào các cơ sở hạt nhân, hoặc khi vật liệu hạt nhân rơi vào tay những phần tử khủng bố.
Đối với Việt Nam, con người cũng có thể là yếu tố tiềm tàng gây ra nguy cơ mất an toàn hạt nhân. Điều chúng ta phải ngăn chặn, phòng ngừa là sự bất cẩn, chủ quan, thiếu kỷ luật của những người phụ trách trong quá trình giám sát, xây dựng, vận hành các cơ sở hạt nhân, và vận chuyển, xử lý các vật liệu hạt nhân. Để có thể đảm bảo an toàn hạt nhân trong thời gian tới, trước hết Việt Nam sẽ phải cẩn trọng trong các khâu lựa chọn địa điểm an toàn cho nhà máy điện hạt nhân. Đối với con người, bên cạnh việc nghiêm túc xây dựng và thực thi những chế tài chặt chẽ phù hợp không có cách nào khác là chúng ta phải đào tạo được một đội ngũ cán bộ khoa học, vận hành có trình độ cao, có tinh thần kỷ luật cao nhất, và ý thức được trách nhiệm của mình đối với quốc gia và loài người.
Xin cảm ơn Bộ trưởng
PV thực hiện