Tạp chí KHXH&NV: Cần tham gia tranh luận những vấn đề học giả quốc tế quan tâm

Mới thành lập 4 năm, Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn (Tạp chí) của trường đại học KHXH&NV (ĐHQGHN) đã bắt đầu tạo dựng được uy tín bởi hệ thống bình duyệt chặt chẽ và nhiều bài viết có chất lượng. Tuy nhiên, để bước được vào “sân chơi” học thuật quốc tế và sớm đạt được mục tiêu vào danh mục Scopus vào năm 2030, Tạp chí cần phải đáp ứng được các chuẩn mực quốc tế và thảo luận được những vấn đề mà giới học thuật quốc tế quan tâm.


GS.TS Phạm Quang Minh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Xuân Hùng.

Theo GS.TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng trường ĐH KHXH&NV và là Tổng biên tập Tạp chí chia sẻ trong hội nghị Cộng tác viên của Tạp chí ngày 26/2/2019, hiện tại, với quá trình bình duyệt nghiêm cẩn, nên Tạp chí có tỉ lệ từ chối đăng bài cao (lên tới 50%). Ví dụ trong hai năm gần đây: năm 2018 Tạp chí nhận 119 bài, đăng 29 bài còn từ chối 40 bài; năm 2017 Tạp chí nhận 141 bài, đăng 64 bài, từ chối 50 bài.

Điều khó khăn của Tạp chí là một mặt phải đảm bảo quy trình chặt chẽ ấy, mặt khác phải thu hút bài từ các học giả trong và ngoài nước. Có thực tế là nguồn bài gửi về Tạp chí đang bắt đầu có dấu hiệu giảm xuống trong khi lượng bài từ các học giả nước ngoài còn ít – trong vòng 4 năm qua chỉ có 17 tác giả nước ngoài đăng bài, dù trong hội đồng biên tập Tạp chí có 5 nhà KHXH tên tuổi lớn trong giới học thuật quốc tế và các nhà khoa học trong trường đều tích cực quảng bá Tạp chí ra cộng đồng khoa học quốc tế. Bản thân ban biên tập tạp chí cũng nỗ lực: ngay khi bắt đầu ra ấn phẩm đầu tiên, Tạp chí đã gửi đi các trường đại học ở nước ngoài. GS. Phạm Quang Minh cho rằng “đây rõ ràng là một cuộc cạnh tranh khốc liệt không kém tuyển sinh hay tuyển chuyên gia giỏi” bởi vì các tác giả nước ngoài cũng “chạy đua” gửi bài cho các tạp chí có ảnh hưởng.

Hầu hết các nhà khoa học tại Hội nghị đều cho rằng, Tạp chí nhất thiết phải đưa ra được các chuyên đề, dự định xuất bản trong thời gian tới và thông báo, mời các nhà khoa học đầu ngành, giàu uy tín viết; mời các guest editor (biên tập viên khách mời) là các học giả uy tín quốc tế tổ chức các chuyên đề theo các chủ đề học thuật chuyên sâu; tổ chức các hội thảo, tọa đàm để thảo luận về các chuyên đề; duy trì mục điểm sách, điểm các khuynh hướng lý thuyết trong giới KHXH quốc tế. 

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Chính, Khoa Nhân học, Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội, một hình thức điểm sách thường được nhiều tạp chí quốc tế uy tín thực hiện mà Tạp chí KHXH&NV nên quan tâm tham khảo là liên hệ với các nhà xuất bản uy tín để giới thiệu các đầu sách mới ra, sau đó thông báo trong cộng đồng khoa học, nhà khoa học nào điểm cuốn sách đó sẽ được tặng một bản cứng. Cách làm này sẽ thu hút được nhiều người quan tâm – lôi kéo được sự thảo luận của nhiều bên, “bởi khi sách của anh được/bị phê phán, phân tích, thì tác giả đó không thể không đọc các tạp chí ấy”, PGS.TS Nguyễn Văn Chính nói.

Tuy nhiên, ở Việt Nam việc đưa ra các chủ đề tiệm cận được với các mối quan tâm của cộng đồng khoa học quốc tế lại vấp phải nỗi ám ảnh của “các chủ đề có tính nhạy cảm”, “cần phải tính đến đặc thù của KHXH”. Cho rằng, thúc đẩy các thảo luận với giới học thuật quốc tế cũng phải có lộ trình nhưng GS.TS Trần Ngọc Vương, Khoa Văn học, trường ĐH KHXH&NV lưu ý, “khoa học là không biên giới, nhưng khoa học xã hội ở Việt Nam, trong điều kiện Việt Nam nhất thiết phải có biên giới”.

Nhưng càng đặt ra các biên giới thì càng khó thảo luận. Lấy dẫn chứng về việc giới KHXH&NV hầu như còn ít tham gia vào các thảo luận chính trị, xã hội trong khu vực, PGS.TS Nguyễn Văn Chính kể: năm 2014 tôi là đại diện khoa học từ Việt Nam tham dự một hội thảo về biển Đông. Khi thảo luận, bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lý Triệu Tinh chỉ thẳng vào mặt tôi hỏi trong các vấn đề về biển đảo và chiến tranh biên giới, Việt Nam có những xuất bản khoa học nào không, có thảo luận gì không. 

“Thế trước những vấn đề đó thì KHXH đứng ở đâu?”, PGS.TS Nguyễn Văn Chính nói. “Tôi không cho rằng đó là những vấn đề nhạy cảm mà nghĩ đó là các vấn đề đang được thảo luận, các nhà khoa học, các tạp chí trong nước cần phải tham gia vào các vấn đề đang được tranh luận đó”, ông nói thêm.

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)