Thách thức cho cộng sinh công nghiệp

Cộng sinh công nghiệp có thể trở thành giải pháp cho Việt Nam để hướng đến phát triển bền vững. Tuy nhiên, việc triển khai mô hình này ở Việt Nam đặt ra nhiều khó khăn khi lựa chọn phương án “sửa” Khu công nghiệp (KCN) truyền thống thành KCN sinh thái có liên kết cộng sinh.

Theo số liệu WRI CAIT 2.0 và FAOSTAT, năm 2012, phát thải khí nhà kính do ngành công nghiệp, năng lượng của Việt Nam là 166,33 triệu tấn CO2, chiếm 66% tổng phát thải khí nhà kính cả nước. Ngoài ra, các KCN còn gây ra ô nhiễm nguồn nước khi có đến 13% các KCN chưa có hệ thống xử lý nước thải theo quy định. Tình trạng này đặt ra nhiều thách thức đối với Việt Nam trên con đường thực hiện cam kết về biến đổi khí hậu và các mục tiêu phát triển bền vững.

Cùng với đó, vấn đề lãng phí năng lượng của các KCN của Việt Nam cũng là một vấn đề đáng báo động. Tại Hội thảo chuyên gia quốc tế về Khu công nghiệp sinh thái (30/9/2016) do Bộ KH&ĐT tổ chức, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, PGS. Trần Đình Thiên cho biết: Ở nhiều ngành như công nghiệp xi măng và nông nghiệp, lãng phí năng lượng chiếm đến 50% tổng năng lượng tiêu thụ – “Tăng trưởng của Việt Nam đang dựa vào tiêu tốn năng lượng. Để tạo ra một đơn vị giá trị GDP, Việt Nam đã phải tốn lượng điện năng bằng 4,65 lần Hong Kong; 3,12 lần Singapore; 2,1 lần Hàn Quốc và 1,67 lần Malaysia.”

Biến chất thải thành nguyên liệu đầu vào

Để giải quyết bài toán về bảo vệ môi trường và tiết kiệm, ngay từ năm 2014, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) thực hiện dự án “Triển khai sáng kiến KCN sinh thái hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam”, với tổng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại trị giá 4,554 triệu USD của Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF), Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) và UNIDO.

Dự án này nhằm mục đích chuyển đổi các KCN truyền thống thành KCN sinh thái, và thí điểm tại các KCN: Khánh Phú (Ninh Bình), Hòa Khánh (Đà Nẵng) và Trà Nóc 1 và 2 (Cần Thơ).Một trong những cấu phần quan trọng của dự án là xây dựng được mạng lưới cộng sinh công nghiệp trong các KCN, theo đó có sự hợp tác giữa hai hay nhiều cơ sở công nghiệp mà chất thải hay phụ phẩm của cơ sở này trở thành nguyên liệu đầu vào của cơ sở khác.
“Tượng đài” về cộng sinh công nghiệp nổi tiếng nhất thế giới là mô hình KCN sinh thái ở Kalundborg Đan Mạch. Trung tâm của KCN Kalundborg là nhà máy nhiệt điện Asnaes với công suất 1500MW, dư điện được cung cấp cho các cơ sở lân cận như Nhà máy lọc dầu Statoil, nhà máy sản xuất enzyme Novozymes và nhà máy sản xuất insulin Nordisk; dư hơi nước cho Statoil và nhiệt thải cung cấp cho hệ thống sưởi ấm của 3500 căn nhà. Thạch cao từ quá trình khử lưu huỳnh của Asnaes được chuyển đến Gyproc để sản xuất tấm thạch cao và chiếm đến hai phần ba nhu cầu thạch cao của Gyproc. Ngược lại, Asnaes sử dụng nước đã qua làm mát của Statoil để làm hơi nước, bùn thải từ nhà máy Novo Nostdick và nông trại nuôi cá được chuyển thành phân bón cho nông trại.

Mô hình cộng sinh như vậy đã giúp Kalundborg tiết kiệm được 190.000 tấn dầu, 30.000 tấn than, 1,2 triệu tấn nước, giảm phát thải khí nhà kính là hơn 13.000 nghìn tấn, giảm phát thải SO2 là 25.000 tấn mỗi năm. Ngoài ra, hiện nay trên thế giới đang tồn tại nhiều mô hình KCN sinh thái thành công tại các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ,… Đây là những bằng chứng thuyết phục cho thấy rằng mô hình cộng sinh công nghiệp có thể trở thành một lời giải phù hợp cho bài toán phát triển công nghiệp hóa nhưng không đánh đổi môi trường mà Việt Nam vẫn trăn trở lâu nay.

Không dễ “chỉnh sửa” cái cũ

KCN Hòa Khánh (Đà Nẵng) đã được chọn là nơi thí điểm xây dựng mạng lưới cộng sinh công nghiệp đầu tiên ở Việt Nam. Từ tháng 6/2016, các chuyên gia từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổ chức phát triển Công nghiệp Hàn Quốc (KICOX) thực hiện ba chuyến khảo sát thực địa tại KCN Hòa Khánh để đánh giá tiềm năng xây dựng các mạng lưới cộng sinh công nghiệp nơi đây. Các kết quả nghiên cứu và thí điểm tại KCN Hòa Khánh sẽ là cơ sở để nhân rộng mô hình trên phạm vi toàn quốc.

Tuy nhiên, ngay tại Hội thảo chuyên gia quốc tế về Khu công nghiệp sinh thái, TS. Vũ Tuấn Anh, Viện Nghiên cứu Phát triển Việt Nam, đã đặt câu hỏi về khả năng “chỉnh sửa” các KCN đang tồn tại thành mạng lưới cộng sinh trong bối cảnh các doanh nghiệp thiếu sự tương thích, thể hiện trên nhiều khía cạnh, từ khả năng cung ứng của doanh nghiệp này so với nhu cầu tiêu dùng của doanh nghiệp kia, khác biệt về trình độ công nghệ, quy mô giữa dây chuyền hai bên, trình độ quản lý và mô hình tổ chức giữa các doanh nghiệp.

Những sự “lệch pha” này dễ dẫn đến các rủi ro hoạt động không thể lường trước được, cũng như các chi phí phát sinh, ví dụ như nguồn cung từ cộng sinh công nghiệp không đủ để đáp ứng nhu cầu sản xuất, buộc doanh nghiệp phải bổ sung bằng nguồn ngoài, và với chi phí cao hơn. Các KCN đang tồn tại không được lên kế hoạch để phát triển mạng lưới cộng sinh, vì thế mà các cơ sở sản xuất tại đó sẽ có tỷ lệ không tương thích với nhau cao hơn, dẫn tới việc thiết kế mạng lưới cộng sinh ở nhóm KCN có sẵn sẽ khó hơn là cho KCN đang còn trên giấy tờ. Dễ nhận thấy là các KCN sinh thái nổi tiếng trên thế giới như Ulsan (Hàn Quốc), Tianjin (Trung Quốc),… đều có chiến lược phát triển thành KCN sinh thái ngay từ khi thành lập.

Không chỉ yếu tố tương thích, việc triển khai này đòi hỏi sửa đổi cả hoạt động sản xuất hiện tại của doanh nghiệp và đầu tư cho kết cấu hạ tầng kỹ thuật thiết yếu tối thiểu phục vụ xây dựng các liên kết cộng sinh. Khó khăn này có thể lý giải một phần vì sao chỉ đến nay mới chọn được ra duy nhất mạng lưới cộng sinh xử lý nước thải để tiến hành thí điểm tại KCN Hòa Khánh, tuy nhiên dù chỉ còn chưa đến một năm nữa là dự án kết thúc nhưng việc triển khai tại Hòa Khánh có vẻ vẫn “im hơi lặng tiếng”.

Cán bộ dự án “Triển khai sáng kiến KCN sinh thái hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam” đang khảo sát tại KCN Hòa Khánh. Nguồn: eipvn.vn

Trong khi báo cáo của nhóm khảo sát cho thấy có thể triển khai tới 6 liên kết cộng sinh, bao gồm: 2 liên kết trao đổi nhiệt thừa, như mạng lưới biến rác thải thành năng lượng, 2 liên kết trao đổi chất thải rắn, trong đó có mạng lưới trao đổi tro xỉ giữa những công ty sản xuất vật liệu xây dựng và những công ty sản xuất tro, và mạng lưới nước giữa các công ty thuê và Công ty Phát triển và Khai thác hạ tầng KCN Đà Nẵng (DAIZICO).

***

Dù còn nhiều khó khăn, việc phát triển cộng sinh công nghiệp, hay rộng hơn là KCN sinh thái, sẽ vẫn là ưu tiên chiến lược của Việt Nam trong thời gian tới, vì “KCN sinh thái được chính phủ lựa chọn nhằm đảm bảo các KCN phát triển theo hướng bền vững và bao trùm” – ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế, Bộ KH&ĐT, đồng thời là Giám đốc Dự án, phát biểu tại hội nghị thường niên lần thứ 3 của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAIS) ngày 29/8 vừa qua. Một tín hiệu tích cực là các nội dung về KCN sinh thái và Cộng sinh công nghiệp đã được thể chế hóa chính thức trong Nghị định 82/2018/NĐ-CP quy định về Khu công nghiệp và Khu kinh tế, đây là một sự hỗ trợ rất cần thiết để việc triển khai được thuận lợi hơn.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)