Thâm Quyến, thành phố của niềm kinh ngạc
Tựa đề của bài này không phải để giật gân, mà chính là cảm giác thường trực của tôi trong suốt một tuần ở Thẩm Quyến, dù ngày trở về có thêm sự bất bình việc người láng giềng phương Bắc lại chèn ép ta ở biển Đông.
Dân số của Thâm Quyến hiện được công bố là mười ba triệu, nhưng giáo sư Huang, anh bạn Tàu cùng nghề quen nhau 15 năm trước khi dẫn tôi đi thăm SIAT nói rằng thật ra con số này chừng mười bảy triệu. Có hai nhóm công dân đông đảo và tiêu biểu nhất ở Thâm Quyến, một là những trí thức được giáo dục và đào tạo ở trình độ cao, và hai là những người lao động di dân vốn rất ít học đổ đến vùng đất hứa này từ mọi nẻo. Tờ Nhật báo Thâm Quyến ngày 13 tháng 6 năm 2007 nói rằng thành phố này thu hút 20% số tiến sĩ toàn Trung Quốc đến đây làm việc.
Thâm Quyến là một thành phố rất trẻ, mới 30 tuổi. Thâm Quyến trẻ khi trong thành phố chỉ thấy nhà mới xây nhưng không chùa chiền miếu mạo như những nơi khác. Thâm Quyến trẻ khi trên đường như chỉ có nam thanh nữ tú rất ít ông bà già. Thống kê cho biết 1,22% số người sống ở đây tuổi từ 65 trở lên.
Trước đây, mảnh đất Thâm Quyến là một làng chài nhỏ trên đất Trung Quốc, cách phía Bắc Hồng Kông chừng 5 km đường chim bay. Ba mươi năm trước, vào tháng 5 năm 1980, người đứng đầu nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Đặng Tiểu Bình đã quyết định xây dựng và chuyển Thâm Quyến thành đặc khu kinh tế đầu tiên và lớn nhất nước, nhằm thử nghiệm mô hình kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa tại nước Trung Hoa cộng sản và đối trọng với một Hồng Kông hiện đại, ngạo nghễ nằm sát nách.
Như trong một câu chuyện cổ tích, làng chài vụt biến thành một thành phố hiện đại và nguy nga với rất nhiều nhà cao chọc trời, trong đó có 13 tòa nhà cao hơn 200 m. Vào thập niên 90 của thế kỷ trước, Thâm Quyến nổi tiếng với khẩu hiệu ‘‘mỗi ngày xây một cao ốc, ba ngày làm một đại lộ”.
Có thể tóm tắt là Thâm Quyến nằm trong những thành phố hàng đầu ở Trung Quốc về sức mạnh kinh tế. Thâm Quyến xếp thứ 4 Trung Quốc về GDP, thứ nhất về thu nhập bình quân đầu người (hơn 13.500 USD vào năm 2009, và anh bạn Huang nói rằng Thâm Quyến đang phấn đấu cho mục tiêu 20.000 USD vào năm 2015), và thứ nhất về kim ngạch xuất nhập khẩu trong 9 năm liên tục gần đây. Thâm Quyến là một trung tâm thương mại lớn của Trung Quốc với giao dịch trung bình hằng ngày trên 800 triệu USD. Chính quyền Thâm Quyến đẩy mạnh công nghiệp kỹ thuật cao (gồm cả kêu gọi các hãng công nghiệp nước ngoài tới đầu tư và sản xuất) như một trong ba ngành chủ lực của thành phố cùng với ngành tài chính và hậu cần. Cùng Thượng Hải và Bắc Kinh, Thâm Quyến là một trong ba trung tâm công nghệ cao hàng đầu của Trung Quốc.
Thâm Quyến, thành phố hướng đến khoa học và công nghệ
Thâm Quyến đã bắt đầu phát triển vũ bão bằng tài chính và sản xuất dựa trên công nghệ cao, và gần đây đang đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ. Trung Quốc dành 1,4% GDP năm 2010 (quãng 141 tỷ USD) cho nghiên cứu và phát triển khoa học [1]. Mục tiêu dành 4% GDP vào năm 2015 cho khoa học và công nghệ trong chuyến thăm SIAT vào năm 2009 của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào được công bố trang trọng ở Viện, và chính quyền Thâm Quyến còn nhằm đến sự đầu tư cao hơn con số này. Viện SIAT trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, gồm ba viện thành viên: Viện Công nghệ Số và Tính toán Tiên tiến, Viện Công nghệ Y Sinh và Viện Công nghệ Tích hợp Tiên tiến. SIAT đang chuẩn bị thành lập viện thứ tư về Khoa học Vật liệu, và đang phấn đấu nâng số 1300 nghiên cứu viên hiện nay lên 4500 vào năm 2015 [2].
Một điều đáng kể là SIAT đang xây dựng Trung tâm Tính toán Hiệu năng Cao. Tòa nhà cao tầng đang xây, hoàn thành cuối 2012, được dành cho Trung tâm này. Trung tâm có mục tiêu xây dựng siêu máy tính lớn thứ hai Trung Quốc sau máy tính Thiên Hà-1A ra đời tháng 10 năm 2010 [3], và đưa công nghệ tính toán hiệu năng cao vào giải quyết những vấn đề lớn của khoa học và công nghệ. Qua câu chuyện, thấy những đồng nghiệp ở đây đã có dự kiến rõ và cụ thể sẽ làm những việc gì với cái siêu máy tính này. Chợt lại băn khoăn nghĩ đến tin nhà nước định mua siêu máy tính qua hãng Intel nhưng dường như chưa có kế hoạch cụ thể và hình dung hết về việc sử dụng, cũng như cả ở cơ quan nghiên cứu khoa học nòng cốt của nước ta, hiện chủ yếu cũng chỉ đang có các máy tính cá nhân [4].
Để đạt mục tiêu trên Thâm Quyến đang có chiến lược thu hút nhân tài. Theo lời giáo sư Huang, lương của người làm nghiên cứu khoa học ở đây khá cao so với các nơi khác ở Trung Quốc, như người với bằng tiến sĩ có mức lương quãng 2 nghìn USD/tháng, và tốt nghiệp đại học chừng 500-600 USD/tháng. Đây là mức lương đủ để sống dễ dàng với giá cả sinh hoạt ở Thâm Quyến. Vướng mắc nhất trong việc thu hút giới trẻ vẫn là nhà cửa, khi giá trung bình của mỗi mét vuông nhà căn hộ trong các cao ốc là quãng 3000 USD. Đây vẫn là một thách thức lớn của thành phố.
Điều đáng chú ý là nghiên cứu ở SIAT được kết hợp chặt chẽ với đào tạo qua Trường Đại học Cao học GUCAS của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (Graduate University of Chinese Academy of Sciences), chi nhánh ở Quảng Châu. Thành lập năm 1978, đến nay GUCAS đã đào tạo được 20 nghìn tiến sĩ và 30 nghìn thạc sĩ. Tại các phòng thí nghiệm của SIAT, cán bộ nghiên cứu cùng làm việc với các sinh viên thạc sĩ và nghiên cứu sinh của GUCAS [5].
Một điều ngạc nhiên nữa là sự thể hiện chính trị ở SIAT. Trên bảng hiệu ở cửa phòng mỗi giáo sư, nếu là đảng viên sẽ có thêm một hình búa liềm nhỏ đặt bên cạnh bảng tên. Mỗi nghiên cứu viên hoặc sinh viên cao học hay nghiên cứu sinh có một góc làm việc riêng chừng 4 m2, và cũng có hình búa liềm đặt trên bảng tên nếu là đảng viên. Những người đảng viên này liệu phải có trách nhiệm nghiên cứu ra được nhiều kết quả hơn những quần chúng ngoài đảng không? Chính trị có là thống soái trong nghiên cứu khoa học như hồi xưa? Anh bạn Huang cho biết, trở thành đảng viên cộng sản vẫn là mục tiêu của nhiều người trẻ tuổi ở đây. Tuy nhiên, Huang chưa phải đảng viên.
Theo quan sát nhanh của tôi, SIAT chưa phải một viện nghiên cứu mạnh với nhiều thành tựu sau 5 năm ra đời vào tháng 2 năm 2006. Nhưng nhìn vào cách và việc họ đang làm, đáng nói là họ phát triển rất có mục tiêu, rất có kế hoạch, và có phương pháp.
Nhìn Thâm Quyến thu hút con người và đầu tư cho khoa học, chợt thấy thật thấm thía rằng không có động lực nào mạnh mẽ với những người dân nghèo bằng khi họ có được niềm hi vọng đổi đời, rằng không nước nghèo nào có đường vươn lên nếu không phát triển được giáo dục, khoa học và công nghệ.
Thâm Quyến, thành phố của cây xanh và của tầm nhìn
Điều làm tôi kinh ngạc về Thâm Quyến chính là cây xanh ở thành phố này. Đường phố ở Thâm Quyến được quy hoạch tốt, hai bên đường luôn rợp mát bóng cây. Điều làm tôi nghĩ mãi là sao chính quyền Trung Quốc khi biến cái làng chài thành một đặc khu kinh tế để thoát nghèo với những cao ốc và nhà chọc trời, vẫn quyết định phủ xanh đến 55% diện tích thành phố, làm mọi cách để mỗi người dân ở nội thành bình quân có một diện tích cây xanh 16 m2. Con đường tôi đi đến chỗ hội nghị hằng ngày như đi trong rừng. Năm 2000, Thâm Quyến được Hiệp hội Công viên Quốc tế tặng danh hiệu ‘‘Thành phố vườn hoa của thế giới”.
Những hàng cây xanh ở Thâm Quyến làm tôi nghĩ tới những hàng cây xanh ở rất nhiều đường phố tại Singapore, gặp và ấn tượng ngay khi từ sân bay vào thành phố. Trong ba mươi năm đầu sau độc lập (1965-1995), Singapore đã nổi tiếng khắp thế giới về thành công trong phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng 8,6% hằng năm. Trong suốt 25 năm đầu phát triển (1980-2005), kinh tế của Thâm Quyến đã tăng trưởng với tốc độ bình quân 28% hằng năm. Tăng trưởng thật nhanh nhưng lại trồng thật nhiều cây xanh nghĩa là gì? Tăng trưởng thật nhanh nhưng không hủy hoại môi trường, không vội đổi tài nguyên để ăn liền mà quyết đầu tư vào khoa học và công nghệ nghĩa là gì?
Còn gì khác nữa ngoài tầm nhìn của những người lãnh đạo?
Tầm nhìn ấy còn có thể thấy trong ý kiến của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo vào tháng 8 năm 2010 khi đến Thâm Quyến tổng kết 30 năm phát triển ở đây. Ông Ôn Gia Bảo nói rằng Trung Quốc phải không chỉ thúc đẩy cải cách kinh tế mà cả cải cách chính trị: “Nếu không bảo vệ việc cải cách chính trị, Trung Quốc sẽ đánh mất những gì đã đạt được của cuộc tái cơ cấu kinh tế và những mục tiêu hiện đại hoá cũng sẽ không đạt được”.
Bây giờ tôi hiểu vì sao mình lại kinh ngạc khi đến Thâm Quyến.
—————————————
Tài liệu tham khảo và ghi chú
[1] ‘‘2011 Global R&D Funding Forecast”, http://www.battelle.org/aboutus/rd/2011.pdf
[2] Việc tăng rất nhanh số lượng người ở các cơ quan nghiên cứu luôn tiềm ẩn rủi ro nhận phải những người không có khả năng làm nghiên cứu, và đây là một trở ngại về lâu dài cho sự phát triển.
[3] Hồ Tú Bảo, ‘‘Khoa học hai, ba hay bốn chân”, Tia Sáng, 2.2011, http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=62&CategoryID=2&News=3835
[4] Trên trang Web của SIAT trang trọng đăng tin và ảnh đoàn đại biểu của VAST do một Phó Chủ tịch dẫn đầu đến thăm vào năm 2009. Chạnh lòng khi thấy trong một chuyến thăm cấp nhà nước ấy, người trưởng đoàn khi thăm các labs tay xách một chiết cặp rất to và chắc là nặng, và người phụ trách hợp tác quốc tế hồn nhiên diện T-shirt.
[5] Trong khi Trung Quốc tăng cường xây dựng các đại học ‘‘đẳng cấp quốc tế” của mình bằng nội lực và mời người Trung Quốc ở bên ngoài về góp sức, thì Việt Nam dành rất nhiều tiền đi vay để cùng mở một số đại học nước ngoài tại Việt Nam, với các giảng viên nước ngoài đến dạy. Lựa chọn giải pháp này dựa trên tầm nhìn của những người chủ trương và thực hiện, và hiệu quả của lựa chọn này là câu hỏi sẽ được thời gian trả lời.