Thành lập các nhóm liên kết nghiên cứu đa ngành
Khuyến khích và tạo điều kiện để thành lập các nhóm liên kết nghiên cứu liên ngành và đa ngành trong mỗi trường/viện và giữa các trường/viện, không phụ thuộc vào “biên giới” quản lý hành chính
Có một mâu thuẫn hiện nay không dễ giải quyết để đẩy mạnh NCKH, đó là mâu thuẫn giữa số giờ dạy quá lớn (có giảng viên dạy đến gần 2000 tiết/năm) với thực hiện (thực sự) nhiệm vụ NCKH; mâu thuẫn giữa thế hệ già đã bắt đầu trì trệ trong tư duy và kém năng động trong sáng tạo nhưng lại nắm các vị trí lãnh đạo chủ chốt trong các trường; và mâu thuẫn giữa đồng lương và phụ cấp còn nhiều hạn hẹp của các trường đại học với sự trọng vọng và trả lương cao của các tổ chức nước ngoài/các tổ chức có yếu tố nước ngoài. Để giảm thiểu những mâu thuẫn này, giải pháp trước mắt là hạn chế số giờ dạy của giảng viên các trường đang xây dựng để trở thành trường đại học nghiên cứu (các trường trọng điểm?), không cho phép những giảng viên này đi dạy để kiếm thêm tiền của các trường dân lập và tư thục (lúc nào cũng mời gọi với phụ cấp đứng lớp hấp dẫn) nếu như giảng viên ấy đã vượt quá số giờ dạy theo quy định của Bộ GD&ĐT(200% giờ đứng lớp?), và chưa hoàn thành nhiệm vụ NCKH tại trường họ đang làm việc. Còn về lâu dài cần khuyến khích và tạo điều kiện để thành lập các nhóm liên kết nghiên cứu liên ngành và đa ngành trong mỗi trường/viện và giữa các trường/viện, không phụ thuộc vào “biên giới” quản lý hành chính của các viện/trường.
Các nhóm nghiên cứu này là tập hợp các nhà khoa học có cùng chí hướng và cùng đam mê về một lĩnh vực nghiên cứu nào đó, họ là thành viên của các khoa, trung tâm, trường, viện khác nhau, tự nguyện cùng làm việc dưới sự dẫn dắt của một hay vài GS nhiệt huyết, công tâm, có khả năng lãnh đạo và biết tập hợp lực lượng. Những nhà khoa học này là người đang có nhiều công trình công bố quốc tế, có hướng nghiên cứu rõ ràng, họ có quyền quyết định trả lương, tuyển hay thải hồi cán bộ nghiên cứu theo những dự định phát triển của phòng thí nghiệm. Nhóm trưởng mỗi nhóm nghiên cứu (team leader) vẫn có thể là (và nên là) các nhà khoa học trẻ triển vọng. Họ có quyền đăng ký đề tài nghiên cứu và chứng minh tiềm lực và tiềm năng nghiên cứu của họ bằng các sản phẩm đã “trình làng” (bằng phát minh, sáng chế, bài báo quốc tế, các sản phẩm đã được thương mại hóa hoặc các “bán thành phẩm” mà họ đã nắm được bí quyết công nghệ, cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ, cần tiếp tục tìm giải pháp công nghệ để hạ giá thành sản xuất, v.v…). Cơ quan quản lý kinh phí nghiên cứu giao kinh phí cho nhóm tác giả này (trả tiền qua sản phẩm) không cần quan tâm nhiều đến việc những nhà khoa học ấy thuộc “biên chế” của trường nào, viện nào.
Từ các nhóm nghiên cứu như vậy sẽ dần hình thành các trường phái KH-CN riêng, thành các “Trung tâm xuất sắc – Center of Excellence” trong hoạt động KH-CN. Có như vậy chúng ta mới có thể từng bước xây dựng tiềm lực khoa học cho việc hình thành các đại học nghiên cứu.