Thực trạng vốn xã hội Việt Nam: Hai vấn đề cần bàn

  Để cải thiện thực trạng vốn xã hội của chúng ta, có hai vấn đề nổi bật cần lưu ý: một là đánh giá đúng kết cấu nền tảng xã-hội-tâm-lý biểu hiện ở các đặc trưng tính cách, phong tục, tập quán, cách suy nghĩ, lối sống của người Việt; thứ hai là xem xét tình trạng phát triển của xã hội dân sự, tức là những tổ chức tự nguyện của người dân trong sinh hoạt của cộng đồng bên ngoài thị trường và nhà nước.

 

Về vấn đề thứ nhất, đã có nhiều người bàn về những điểm mạnh, yếu, những cái hay, dở của người Việt. Ở đây tôi chỉ muốn nêu lên một số nhược điểm tính cách mà theo tôi có tầm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của văn hóa, khoa học, giáo dục.

Cách đây hơn 10 năm, trong một hội thảo về đặc trưng văn hóa dân tộc ở TP. HCM tôi có nhấn mạnh yếu kém của người Việt về đầu óc tưởng tượng. Nói cho chính xác, trí tưởng tượng của người Việt không thuộc loại xuất sắc trên thế giới. Nhận xét đó có thể chạm tự ái dân tộc của nhiều người, nhưng tôi nghĩ đó là thực tế chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận. Điều này thật ra cũng chẳng có gì lạ đối với một dân tộc bị đô hộ hàng nghìn năm, triền miên phải chống nhiều kẻ thù xâm lược lớn hơn, mạnh hơn gấp bội, tất nhiên trí tưởng tượng của dân tộc chỉ có thể phát huy mạnh mẽ trong chiến tranh giữ nước. Nhưng cũng chính vì thế trí tưởng tượng của người Việt bị hạn chế trong nhiều lĩnh vực khác của đời sống bình thường. Chẳng hạn, trong kiến trúc truyền thống, ta không có công trình nào tầm cỡ như Angkor Wat của người Khmer. Trong kho tàng văn học, những tác phẩm hay nhất của ta cũng lấy cốt truyện dựa theo Tàu. Ta ít có những pho truyện lớn, với nhiều tình tiết phức tạp hay ý tưởng kỳ lạ độc đáo, lôi cuốn người đọc vào những thế giới tưởng tượng nửa thực nửa hư như ở nhiều nền văn học lớn khác trên thế giới. Hoàn cảnh lịch sử cũng đã giam hãm ông bà ta quá lâu trong lối học từ chương khoa cử, nên tư duy bị gò bó, chúng ta thiếu những nhà tư tưởng lớn, những triết gia tầm cỡ nhân loại. Tóm lại, gia tài để lại về trí tưởng tượng sáng tạo của chúng ta phải nói là khiêm tốn. Trong thời đại kinh tế tri thức, đây là một nhược điểm mà nếu không cố gắng khắc phục nhanh ta sẽ luôn ở thế yếu trong sự cạnh tranh với thế giới. Einstein từng nói một câu nổi tiếng: “Trí tưởng tượng còn quan trọng hơn tri thức.” Mới nghe tưởng như một nghịch lý nhưng thật ra là chân lý rất sâu sắc. Ý nghĩa thời sự của chân lý đó là: học để hiểu, để nhớ, để mở mang kiến thức là rất cần thiết, nhưng chỉ đủ để làm theo, đi theo, chứ hoàn toàn chưa đủ để khám phá, sáng tạo; mà người ta không thể khám phá, sáng tạo với một trí tưởng tượng nghèo nàn.

Nhược điểm thứ hai cần nói đến ở người Việt là thiếu tinh thần kỷ luật và ý thức gắn kết cộng đồng. Trên thế giới người Đức nổi tiếng về hai đức tính đó, đặc biệt về tính kỷ luật chính xác. Người Trung Quốc, người Do Thái cũng nổi tiếng về tinh thần gắn kết cộng đồng. Còn người Việt chúng ta thì quá yếu về hai đức tính đó. Nhiều chuyện tiếu lâm trong dân gian xung quanh việc này không phải không có cơ sở. Ngay những việc rất nhỏ trong giao thông đường phố cũng thấy rõ ứng xử khác nhau của người Việt và người Đức: khi đèn đỏ, mặc dù nhìn quanh không thấy có xe cộ qua, người Đức vẫn kiên nhẫn đứng đợi, còn người Việt thì thường sẽ tranh thủ vượt. Tính cách này ảnh hưởng sâu sắc tới sự phát triển khoa học, công nghệ, và xây dựng công nghiệp. Nền văn minh hiện đại đòi hỏi mọi người phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình, nề nếp đã được chuẩn hóa chính xác để bảo đảm sự vận hành nhịp nhàng tối ưu của xã hội. Thế mà đã có biết bao công trình xây dựng, nhà máy trên đất nước ta vừa mới khánh thành đã phải liên tục sửa chữa, thậm chí làm lại, chỉ vì sự cẩu thả trong việc tuân thủ các quy trình, các chuẩn mực từ thiết kế đến thi công. Đáng nói nhất là ý thức tôn trọng luật pháp chưa thành thói quen hằng ngày ngay từ các quan chức, khiến trong xã hội có nhiều tình huống tưởng như không có luật pháp, rất nguy hiểm.

Nhược điểm thứ ba là thiếu tinh thần học hỏi, thực sự cầu thị. Nhược điểm này của người Việt được thể hiện rõ nhất nếu chúng ta đối chiếu với người Nhật để thấy hết sự tương phản. Người Nhật có tinh thần khiêm tốn học tập cái hay của người khác và ít có thói chủ quan tự mãn, tự ru ngủ, tự cho mình là nhất thiên hạ. Khác với nhiều người chúng ta, làm được chút gì thì ba hoa thiên địa, đến khi thất bại thì chậm rút kinh nghiệm, viện đủ mọi lý do để biện bạch ngoan cố. Đồng thời, cách học hỏi của người Nhật không mang tính nô lệ, không bị lệ thuộc; tuy học người khác nhưng cũng biết đặt câu hỏi, lật tới lật lui, tìm cho ra đạo lý, căn nguyên, chứ không tiếp thu máy móc hời hợt. Điều này thấy rõ ngay cả trong các hội thảo khoa học: thường người Nhật rất chịu khó lắng nghe, đặt nhiều câu hỏi, biểu lộ sự quan tâm, khuyến khích diễn giả phát biểu hết ý kiến. Nhiều hội thảo khoa học ở Nhật không khí sôi nổi hơn cả ở một số nước phương Tây. Có lẽ nhờ cái tinh thần đó mà từ rất sớm họ đã biết mở cửa, tiếp thu nền văn minh phương Tây, mau chóng trở thành cường quốc và khi thất bại họ cũng biết nhẫn nhục học hỏi, rút ra những bài học cần thiết để mau chóng vươn lên trở lại từ đống đổ nát. Thật khác với chúng ta, trong quá khứ và hiện nay đã bỏ lỡ biết bao cơ hội chỉ vì cái tính bảo thủ, không biết kịp thời học hỏi, rút kinh nghiệm nghiêm chỉnh từ thất bại.

Cuối cùng, ngoài những nhược điểm đề cập trên đây, có một đặc tính tiêu cực rất nghiêm trọng, đó là thói giả dối. Từ chỗ vốn không thuộc truyền thống của người Việt, trong mấy chục năm nay, cái thói xấu này đã dần dần trở thành phổ biến đến mức có thể nói đang trở thành một tính chất tiêu biểu. Và nếu cứ để bệnh giả dối ngày càng xâm nhập sâu vào mọi ngóc ngách cuộc sống, kể cả các hoạt động khoa học và giáo dục, thì thật đáng lo cho tiền đồ đất nước. Trong giáo dục, căn bệnh này với các biến tướng của nó (tiêu cực trong thi cử, chạy theo thành tích, v.v.) sẽ ngày càng lấn át các xu hướng lành mạnh tích cực, làm hỏng cả thanh thiếu niên, đẩy họ vào lối sống sa đọa, không lý tưởng, không mục đích. Trong khoa học, nếu không kịp thời chấn chỉnh thì nạn đạo văn và nạn gian dối trong các báo cáo nghiên cứu sẽ phát triển ngày càng tinh vi, trắng trợn, xóa nhòa ranh giới giữa thật và dỏm, đầu độc môi trường học thuật, làm nản lòng mọi người trung thực, đẩy khoa học vào thế bế tắc rất khó thoát.

Vấn đề thứ hai cần xem xét về thực trạng vốn xã hội ở Việt Nam là sự phát triển của xã hội dân sự. Gần đây có điều đáng mừng là xã hội dân sự của chúng ta đang dần dần hình thành và mạnh lên. Ví dụ như ngày càng nhiều những người dân tập hợp trong những tổ chức tự nguyện hoạt động ngoài khuôn khổ chính quyền và không nhằm lợi nhuận, chỉ với những mục đích cao quý, như từ thiện, giúp đỡ, bênh vực người nghèo và những số phận không may mắn, cả về vật chất lẫn tinh thần; hoặc đơn giản là hợp tác hỗ trợ nhau trong nghề nghiệp. Qua những tổ chức đó, ý thức trách nhiệm công dân được nâng cao, sự gắn kết cộng đồng được tăng cường, có lợi cho cộng đồng, có lợi cho đất nước. Nhiều việc, thị trường và Nhà nước không thể làm, hoặc không thể làm tốt bằng xã hội dân sự. Đồng thời, xã hội dân sự cũng là cầu nối giữa chính quyền và người dân, là cái phanh để ngăn chặn chính quyền lạm dụng quyền lực và nạn suy thoái đạo đức, giữ cho xã hội phát triển hài hòa, lành mạnh.

Nói tóm lại, để phát triển vốn xã hội và qua đó thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự phát triển của đất nước rất cần hai điều. Thứ nhất, cần nhận thức rõ những điểm yếu trong con người Việt Nam, tìm ra nguyên nhân để từ đó có cách hạn chế và loại trừ. Trong số các nguyên nhân, cần đặc biệt chú ý tới những vấn đề về thể chế Nhà nước và cơ chế thị trường, vì mặc dù vốn xã hội nằm ngoài phạm trù thể chế và cơ chế thị trường nhưng những cải cách về thể chế Nhà nước và cơ chế thị trường lại có tác dụng thúc đẩy phát triển vốn xã hội. Ví dụ đơn giản như nếu cơ chế thị trường không phát triển, thì người dân không có động cơ cạnh tranh, khiến cho trí tưởng tượng sáng tạo không được phát huy và ngày càng teo tóp.

Thứ hai là phải tạo điều kiện phát triển xã hội dân sự thay vì ràng buộc và hạn chế nó, bởi ngày càng thấy rõ vai trò không thể thiếu được của xã hội dân sự trong sự phát triển của đất nước. Một xã hội dân sự phát triển lành mạnh, có tiếng nói và vai trò độc lập với thể chế và thị trường, mới có thể góp phần nâng cao vốn xã hội và qua đó phục vụ lợi ích của cộng đồng ở những việc mà thị trường và nhà nước không hoặc khó làm được tốt.

Chúng ta luôn nói chiến lược phát triển đất nước là chiến lược con người nhưng nếu không chú ý tới hai điểm trên thì thật sự chỉ là lời nói suông, chẳng có mấy tác dụng.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)