Trách nhiệm đến cùng

Bài viết này đưa ra một vài cảm nhận và đánh giá mang tính cá nhân về văn hóa khoa học ở Nhật Bản từ những kinh nghiệm và quan sát trong một thời gian ngắn học tập và làm việc tại đất nước này của người viết.

Phẩm chất làm nên nền tảng

Các nền kinh tế mới nổi ở Đông Á và Đông Nam Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Singapore.., có một sự khác biệt khá căn bản trong hoạt động nghiên cứu khoa học so với Nhật Bản. Với các nước nói trên, có vẻ như ban đầu họ đầu tư vào công việc nghiên cứu ứng dụng với tinh thần khá thực dụng là tập trung để tạo ra các sản phẩm hàng hóa, thương mại. Khi sang thăm và làm việc tại Đại học Quốc gia Singapore, một nhà khoa học ở đây nói với tôi rằng giới nghiên cứu khoa học của những nước này chịu một áp lực lớn trong việc tìm kiếm nguồn hỗ trợ tài chính, mà để làm việc đó, hoặc là phải nhanh chóng xuất bản các công trình theo nhiệm vụ và kế hoạch với nhà trường/nhà nước, hoặc phải tập trung nghiên cứu ứng dụng theo đơn đặt hàng của các công ty, khó có thời gian và tâm sức để nghĩ tới những cái to lớn và dài hơi hơn. Có thể khi nền kinh tế phát triển tốt, các quốc gia này sẽ chú trọng hơn đầu tư vào khoa học cơ bản với tinh thần kiểu như “tìm kiếm một giải Nobel”. Trong khi đó, một giải thưởng Nobel khó mà có thể tới từ một “chiến dịch đầu tư cho khoa học cơ bản” – nó chỉ có thể là hệ quả của một nền học thuật với các giá trị văn hóa về học thuật có nền tảng vững chắc.

Khoa học và công nghệ hiện đại của Nhật Bản đã xây dựng được nền tảng đó từ thời kì Minh Trị (1868) và mặc dù trải qua nhiều biến cố lịch sử, có lúc kinh tế bị tàn phá nặng nề, nước này vẫn luôn tiến hành song song những nghiên cứu ứng dụng (ở bộ phận R&D của các công ty tư nhân hoặc các trường đại học) và nghiên cứu cơ bản (trong các viện hàn lâm và trường đại học). Phải nhớ rằng, ngay từ đầu thế kỷ XX, Nhật Bản đã tự xây dựng được một hạm đội tàu chiến rất mạnh, và trước Thế chiến II, nước này đã tự xây dựng được 10 tàu sân bay với hàng ngàn máy bay các loại. Không chỉ phát triển công nghệ và nghiên cứu ứng dụng, trong thời kì này, Nhật Bản cũng rất quan tâm phát triển các ngành khoa học cơ bản, đặc biệt trong lĩnh vực Vật lý, Hóa học, Vật liệu và Y – Sinh – Nông nghiệp. Thành tựu nổi bật là hai giải thưởng Nobel Vật lý của Hideki Yukawa năm 1949 về lực hạt nhân mạnh với tiên đoán về sự tồn tại của các hạt meson, và của Sin-Itiro Tomonaga năm 1965 với các công trình xây dựng nền móng cho điện động lực học lượng tử.

Bên cạnh một nền tảng về công nghệ, Nhật Bản còn có nền tảng về văn hóa với hệ thống giá trị rõ ràng, chi phối đời sống hằng ngày như tinh thần ham học hỏi, tinh thần kế thừa các giá trị truyền thống, tinh thần tự tôn, tinh thần kỷ luật, tinh thần tập thể (thậm chí đặt tập thể lên trước cá nhân) và tinh thần nhân văn. Những đặc tính này cũng một phần lí giải tại sao Nhật Bản có truyền thống chú trọng các giá trị cơ bản, cốt lõi, và hướng đến sự phát triển bền vững trong các mục tiêu của mình.

Trong một nền văn hóa thì hoạt động học thuật là điểm quan trọng then chốt. Tinh thần học thuật của Nhật Bản thời kỳ cận – hiện đại khá tự do và cởi mở, giới trí thức thực sự được cả xã hội và nhà nước đề cao, các hoạt động học thuật tương đối độc lập với hoạt động chính trị. Đơn cử một ví dụ là hình các danh nhân trên các tờ tiền giấy của Nhật Bản đều là các nhà trí thức lớn về tư tưởng, văn hóa, khoa học…, không phải là các nhân vật chính trị, vua chúa hay tướng lĩnh nổi tiếng.

Trách nhiệm gánh vác của người đứng đầu và sự cộng tác tập thể

Hiện nay, các hiệp hội khoa học có vai trò quyết định tới hướng nghiên cứu và khoản tiền tài trợ cho nghiên cứu cơ bản hằng năm, và trong các kế hoạch phát triển khoa học tổng thể của Chính phủ.

Các hội nghị khoa học toàn quốc docác hội khoa học tại Nhật Bản (như Hội nghị Vật lý toàn quốc) tổ chức là nơi các nhà khoa học đem đến các vấn đề chưa hoàn thiện trong nghiên cứu của mình nhằm trao đổi, thu thập các ý kiến đóng góp để chỉnh sửa thêm rồi mới đưa đi đăng trên các tạp chí khoa học uy tín. Những người nghiên cứu cùng quan tâm một vấn đề say mê thảo luận từ trong phòng hội nghị đến giờ nghỉ giải lao, giờ ăn trưa, hầu như không có ai bỏ về sớm. So sánh với Việt Nam, cá nhân người viết thấy rằng, khá nhiều nhà nghiên cứu coi hội nghị chỉ là nơi công bố công trình, họ làm rất nhiều việc ngoài lề chứ chưa tập trung vào việc thảo luận, liên hệ và trao đổi khoa học. Ở nhiều tiểu ban báo cáo khoa học, đoạn gần cuối chỉ còn nhóm nghiên cứu đang có báo cáo và nhóm báo cáo tiếp theo sau.

Có một lần hệ máy tạo mẫu bị hỏng, giáo sư bảo người bạn đồng môn của tôi tìm và sửa chữa theo hướng dẫn của bộ hồ sơ do một nghiên cứu sinh viết từ khi xây dựng hệ đo này cách đó 10 năm. Tuy nhiên, anh bạn tôi tự sửa được (vì anh có kiến thức khá tốt về điện tử cơ khí) và nhanh hơn rất nhiều. Biết chuyện, giáo sư phê bình hơn là khen ngợi. Ông cho rằng người đi trước làm cẩn thận đầy đủ rồi thì cứ thế mà làm lại, làm cách khác vừa mất thời gian, công sức mà rủi ro cao, lần này sửa được nhưng chắc gì lần khác đã thành công. Từ câu chuyện này có thể thấy đôi chút cứng nhắc và hạn chế sáng tạo trong tinh thần kế thừa và tin tưởng những giá trị đã có ở người Nhật. Đôi khi tôi nghĩ, trong triết lí về sự chuyên môn hóa của người Nhật, phải chăng họ cho rằng “sáng tạo” chỉ là việc của thiểu số?

Trước khi về Việt Nam, người trưởng nhóm nghiên cứu tại nơi tôi làm việc (Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Nhật Bản – JAEA) và giáo sư hướng dẫn (ở Đại học Osaka) nói với tôi rằng, khi về nước, tôi có thể sẽ trở thành một trưởng nhóm nghiên cứu khoa học, rồi tôi sẽ lập gia đình, có con cái, đồng thời phải chăm sóc bố mẹ già, vậy nên hãy kiềm chế bớt bản tính “vô tư và quá tự nhiên” của mình; để đứng vào vị trí “trung tâm”, tôi cần phải sống có trách nhiệm hơn vì niềm vui hay nỗi buồn của tôi sẽ ảnh hưởng tới người khác. Sau này, qua kênh thông tin cá nhân, giáo sư hướng dẫn biết tôi chưa xin việc ở đâu, ông bèn viết thư cho một giáo sư Việt Nam là bạn thân của ông đề nghị quan tâm tới tôi, rồi ông viết thư cho tôi bảo rằng hãy liên hệ ngay với giáo sư đó. Đại thể, tính trách nhiệm với công việc và với cộng đồng của người Nhật nói chung và của người làm nghiên cứu khoa học nói riêng rất cao. Người dưới gần như tin tưởng tuyệt đối và tuân theo người trên, còn người trên thì có trách nhiệm gánh vác rất lớn.
————–
*TS, Phòng thí nghiệm Hiển vi điện tử và vi phân tích, Viện Tiên tiến về Khoa học và Công nghệ (AIST), Đại học Bách khoa Hà Nội

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)