Trò chuyện với GS. Lưu Lệ Hằng
Nhân dịp, GS. Lưu Lệ Hằng mang bài thuyết trình “Một cái nhìn khác về hệ Mặt trời” của mình tới các sinh viên ở Quy Nhơn, Huế, Đà Nẵng, Hà Nội, phóng viên Tia Sáng đã đề nghị với bà một buổi phỏng vấn riêng, và hỏi đùa bà rằng: “Giáo sư có thấy chán khi cứ phải nói đi nói lại một bài thuyết trình trong suốt năm ngày vừa qua không?”. “Không hẳn, nhưng tôi chỉ chán khi cứ bị hỏi đi hỏi lại những câu giống nhau. Chính vì vậy bạn nên chuẩn bị cho kĩ vào đấy!”
Câu chuyện của giáo sư về việc mọi người than khóc cho Diêm Vương Tinh khiến tôi nhớ tới một câu nói của nhà sinh học được giải Nobel Jacques Monod. Ông từng nói rằng: Tầm quan trọng lớn nhất của những kết quả khoa học từ trước đến nay là thay đổi mối quan hệ của con người với vũ trụ hoặc cách anh ta nhìn vị trí của mình trong vũ trụ.
Đúng vậy. Chính xác. Khám phá về Diêm Vương Tinh (không phải là hành tinh mà chỉ là một vật thể trong vành đai Kuiper) đã thay đổi cách nhìn của mọi người về các hành tinh và hệ Mặt trời. Họ từng nghĩ rằng, họ biết tất cả về hệ Mặt trời và chẳng còn gì mới để nghiên cứu về nó. Thế nhưng, chúng tôi đã làm thay đổi tất cả. Bây giờ thì họ nhận ra rằng, họ không hiểu lắm về hệ Mặt trời và vẫn chưa bao giờ hiểu được.
Giáo sư có nghĩ là câu nói của Jacques Monod phổ quát cho khoa học nói chung, không chỉ riêng thiên văn học không?
Có chứ, nó đúng với mọi lĩnh vực của khoa học. Nhờ khoa học, chúng ta hiểu hơn về thế giới nơi chúng ta sống, chúng ta hiểu hơn về từng cái cây, ngọn cỏ, động vật… Tất cả mọi thứ về thế giới. Khoa học ở mọi nơi. Nếu đứng ngoài khoa học, người ta chẳng thể hiểu được điều gì, từ việc tại sao Mặt trời mọc rồi lặn. Đúng là khoa học đã thay đổi cách chúng ta nhìn vị trí của mình trong thế giới, trong vũ trụ này.
Dưới cái nhìn của Jacques Monod, khoa học thay vì khiến mọi người trở nên thoải mái hơn, lại làm cho họ liên tục khó chịu vì nó thách thức quan điểm của họ.
Thế giới như nó vẫn vậy. Người ta dù thích nó hay không thì đó là cách nó vận hành. Nó có khiến người ta khó chịu không? Có lẽ là một số ít người. Tôi nghĩ là tôi không có vấn đề gì. Vật lý hay khoa học, chúng là định luật của vũ trụ, bạn học nó và nó giúp bạn hiểu được mọi thứ vận hành như thế nào. Nó không khiến tôi khó chịu, đối với tôi, nó chỉ là một thứ khách quan thôi.
Thế khoa học có khiến bà thoải mái hơn khi hiểu về nó không?
Không, đó là một thứ khách quan. Tôi thừa nhận nó và cố gắng lý giải tại sao nó lại như vậy. Nếu tôi hiểu nó rõ hơn một chút, tôi reo lên: “Tuyệt!”. Nó có khiến tôi buồn hơn không? Không. Nó cũng không khiến cuộc sống của tôi thoải mái hơn. Chỉ là, với tôi, thật tốt khi hiểu hơn về mọi thứ quanh mình.
Hôm qua, giáo sư nói rằng tiến trình khoa học là liên tục thay thế những quan niệm cũ bằng những quan niệm mới. Nhưng mỉa mai thay, công việc của nhà khoa học có vẻ không giống như thế, nó lặp đi lặp lại, nhàm chán và nặng nhọc.
Đúng rồi. Hầu hết thời gian, bạn chỉ cắm mặt vào công việc, công việc và công việc, có thể, bạn sẽ khám phá ra một ý tưởng mới thay đổi mọi thứ. Bạn cần sự kiên trì, bền bỉ và may mắn. Kiên trì và bền bỉ thì mình có thể cố gắng nhưng may mắn thì không kiểm soát được. Vậy nên, bạn chỉ có thể an ủi mình rằng: kiên trì, bền bỉ sẽ chuẩn bị cho bạn để khi may mắn đến, bạn hiểu được điều gì đang diễn ra.
Khoa học là thay đổi những quan niệm cũ nhưng điều đó rất khó khăn bởi chúng rất khó bị đánh đổ. Phải mất một thời gian rất dài trước khi bạn có thể thay đổi được những quan niệm cũ. Nó chẳng diễn ra trong một cái búng tay. Nhưng đó là mục đích của khoa học. Chúng tôi khám phá ra vành đai Kuiper vào năm 1992 và cho đến năm 2006, mọi người mới thừa nhận rằng: “Ok, Diêm Vương Tinh không còn là hành tinh nữa”. Thế là 14 năm!
Trong buổi nói chuyện ở Đại học Bách khoa Hà Nội, khi một số giáo sư hỏi bà, họ vẫn muốn khôi phục vị trí của Pluto như một hành tinh.
Đúng vậy, tôi không hiểu sao họ lại có nhiều xúc cảm về điều đó như thế. Nhiều người thực sự thích Diêm Vương Tinh, bạn thấy đấy, ở Mỹ từng có cả những cuộc biểu tình, diễu hành đòi khôi phục vị trí của nó như một hành tinh. Nhưng sự thực thì cảm xúc chẳng nên liên quan gì đến chuyện này.
Tôi cực kì, cực kì may mắn
Trong sự nghiệp nghiên cứu của mình, giáo sư luôn làm việc trong nhóm nghiên cứu phải không?
Đúng thế, trong lĩnh vực thiên văn, tôi luôn làm việc với duy nhất một người, David Jewitt. Trước đây, đó là giáo viên hướng dẫn luận văn tiến sĩ cho tôi và tôi vẫn tiếp tục làm việc với ông ấy ngay sau khi tốt nghiệp. Theo quan điểm của tôi, đó là một nhà thiên văn học tuyệt nhất trên thế giới. Nhiều người có thể không đồng ý nhưng tôi nghĩ như vậy. Chúng tôi rất hợp nhau, đó là người hài hước, tốt bụng và hào phóng. Chính vì vậy, tôi cực kì, cực kì may mắn.
Thế theo giáo sư, yếu tố quan trọng nhất để duy trì một nhóm nghiên cứu là gì?
Mọi người tôn trọng và yêu quí nhau. Giống như hai chúng tôi, có những lúc thăng trầm nhưng rốt cục, chúng tôi vẫn cực kì gắn bó. Đã hơn 20 năm rồi và tôi nghĩ rằng tôi không muốn làm việc với ai khác ngoài ông ấy. Nếu được, tôi sẽ trao tất cả công trạng cho ông ấy. Chúng tôi không bao giờ tranh cãi về việc mình hay người kia đã làm những gì trong công trình chung vì chúng tôi rất tôn trọng nhau. Chúng tôi luôn muốn người kia xuất sắc hơn và làm tốt hơn nữa.
Từng làm việc tại ba quốc gia – Mỹ, Đức và Hà Lan- giáo sư thấy môi trường nghiên cứu ở đâu là tốt nhất?
Mỹ, vì môi trường ở đó cởi mở hơn, họ chấp nhận những người nước ngoài như tôi dễ dàng hơn và đó là điều mà tôi thích. Ai cũng muốn làm việc trong một môi trường thân thiện.
Bây giờ nhìn lại quá trình nghiên cứu của mình, giáo sư có điều gì hối tiếc không?
Không. Tôi đã có một người cộng sự tuyệt vời nhất. Tôi không hối tiếc gì cả.
Được làm điều mình muốn?
Giáo sư có thể chia sẻ về công việc mình đang làm không?
Công việc hiện nay của tôi là xây dựng thiết bị cho kính viễn vọng. Nó không hứng thú như thiên văn học đâu. Nhưng công việc mà. Bạn không thể luôn được làm những điều mình muốn, tôi muốn nghiên cứu thiên văn nhiều hơn nhưng bạn biết đấy, ở Việt Nam cũng vậy, rất khó để tìm được một công việc và càng khó hơn để được làm việc mình thực sự thích. Chính vì vậy, mình chỉ có thể cố gắng hết sức trong khả năng của mình thôi.
Khám phá của giáo sư về vành đai Kuiper là một thành công lớn và nhờ đó, bà đoạt hai giải thưởng lớn về thiên văn học là giải thưởng Kavli và Shaw nhưng tại sao lúc đó giáo sư lại chuyển hướng, không nghiên cứu về thiên văn nữa?
Tôi muốn thử làm một cái gì đó mới, tôi không muốn làm đi làm lại một cái cũ. Có thể một ngày nào đó, tôi sẽ nghiên cứu về vành đai Kuiper nhưng bây giờ, chỉ là tôi đang làm một cái khác.
Tôi được biết là giáo sư còn chơi cả cello đúng không? Từ bao giờ vậy?
Đúng vậy, tôi từng chơi cello nhưng mấy năm nay, tôi không có thời gian chơi. Tôi bắt đầu học cello từ lúc còn đang làm postdoc. Lúc đó, tôi mới có tiền mua cello để tập. Không bao giờ quá muộn [để học một thứ gì mới] mà. Tôi chơi lúc có thời gian và ngừng khi quá bận rộn. Cứ thế, chơi, ngừng và tập lại trong suốt 20 năm.
Thế chơi cello có giúp ích gì cho công việc nghiên cứu không?
Có lẽ là không. Với tôi, làm việc và thực hiện sở thích cá nhân là hai việc hoàn toàn tách biệt với nhau. Nhưng nếu cứ làm việc suốt, thực sự là rất rất buồn chán và chính vì vậy, nên có một sở thích gì đó khác công việc để thay đổi nhịp điệu của một ngày.
Cảm ơn giáo sư về cuộc trò chuyện này!