Trung Quốc nhắm đích hàng đầu thế giới về nghiên cứu khoa học

Từ một công xưởng của thế giới, Trung Quốc (TQ) đang nỗ lực để trở thành quốc gia nghiên cứu hàng đầu. Các nhà khoa học TQ đang phấn đấu để vươn lên vị trí đầu bảng, liên kết với các đồng nghiệp ở Hoa Kỳ và Tây Âu. Liệu điều này có đưa đến sự thay đổi xã hội ở TQ?

Cách đây 30-40 năm TQ còn là một quốc gia nông nghiệp chậm phát triển và buộc phải nhập kỹ thuật đắt đỏ của nước ngoài. Nhưng với những chính sách ưu đãi và đầu tư lớn cho lĩnh vực giáo dục, nghiên cứu và phát triển, đến nay TQ đã trở thành một trong những quốc gia nghiên cứu hàng đầu.

Theo số liệu công bố năm 2007, TQ có trên 750 trường đại học và có tới 1,5 triệu nhà nghiên cứu – bình quân cứ 1.000 người lao động có 1,9 nhà khoa học (năm 1990 tỷ lệ này mới là 0,79).

Theo các nhà nghiên cứu thị trường thuộc Thomson Reuters số lượng các công trình khoa học của TQ được công bố trên 10.500 tạp chí khoa học đang ngày càng tăng, cao gấp 64 lần so với năm 1981. Năm 2008 các nhà nghiên cứu TQ công bố 112.000 công trình, vượt Nhật Bản (khoảng 80.000), Đức (khoảng 90.000), và chỉ đứng sau Mỹ (khoảng 340.000) – chí ít tính theo số lượng bài báo trên các tạp chí chuyên đề. Nếu giữ tốc độ tăng như hiện nay – và có nhiều dấu hiệu cho thấy điều đó – thì đến năm 2020 TQ sẽ vươn lên vị trí thứ nhất.

Đáng lưu ý là trong mười năm qua TQ đã tiến và đuổi kịp thế giới trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu hàng đầu. Thí dụ trong ngành du hành vũ trụ: năm 2003 tên lửa Trường Chinh “Thần Châu 5” đã bay lên vũ trụ. Nhà du hành vũ trụ TQ đầu tiên là Dương Lý Văn đã có mặt trên con tàu này. Năm 2007 tàu vũ trụ không người lái “Hằng Nga 1” đã chụp được những bức ảnh đầu tiên từ mặt trăng. Trong các lĩnh vực nghiên cứu về nguyên tử, vật lý năng lượng cao và tin học các nhà khoa học TQ đã vươn lên trình độ mới. Như công bố quốc tế về vật liệu của TQ chiếm tới 21% số công bố của thế giới trong thời gian từ 2004 đến 2008. Trong một số lĩnh vực đặc biệt như tinh thể học hay luyện kim TQ thậm chí đạt tỷ trọng trên 30%.

Ông Karlheinz Meier, giáo sư vật lý trường Đại học tổng hợp Heidelberg, thành viên ban lãnh đạo Hội Vật lý Đức (DPG), phụ trách về quan hệ quốc tế, trong một cuộc trao đổi với SPIEGEL ONLINE cho rằng “các nhà khoa học ở TQ thường nghiên cứu những vấn đề rất gần với ứng dụng trong thực tiễn. Cái mà TQ ít nhiều còn yếu là nghiên cứu cơ bản, thí dụ như về lĩnh vực vật lý thiên văn hay vật lý hạt nhỏ.” Theo GS Meier thì điều này đặc biệt quan trọng, vì những thành tựu nghiên cứu cơ bản sẽ nâng cao vị thế của khoa học TQ trên thế giới. Tuy nhiên điều này sẽ thay đổi ở TQ, như GS Meier nhận xét : “Quan niệm cần tăng cường nghiên cứu cơ bản đang có xu hướng ngày càng được chấp nhận nhiều hơn.”

TQ còn có một lợi thế nữa là hiện nay nhiều người TQ đang học tập, bảo vệ luận án tiến sỹ hoặc làm việc có thời hạn tại một số viện nghiên cứu ở nước ngoài. Năm 2008 ở Đức có gần 26.000 sinh viên TQ, chiếm 11% số sinh viên nước ngoài theo học ở nước này.

TQ đang tìm cách thu hút sinh viên và các nhà nghiên cứu của họ trở về nước bằng một số biện pháp hấp dẫn – qua đó có thể thực hiện chuyển giao kiến thức. GS Meier cho hay, người ta sẵn sàng chi nhiều tiền bạc “để thu hút các nhà nghiên cứu hàng đầu”.

Khi các nhà khoa học trở về nước họ không chỉ mang theo chất xám. Những ai đã quen với tự do phương Tây, sẽ nhìn nhận xã hội TQ với một cách nhìn khác. Theo GS Meier thì “khoa học cũng có khả năng làm thay đổi xã hội”.

Hiện nay sự giao kết với các nhà nghiên cứu nước ngoài đang tăng lên. Theo điều tra của Thomson Reuters, 9% các bài báo chuyên đề của TQ thường viết chung với tác giả người Hoa Kỳ. Vị trí thứ hai và ba là Nhật Bản (3%) và Đức (2,3%).

Với tốc độ phát triển kinh tế và khoa học kỹ thuật hết sức nhanh chóng TQ sẽ từng bước thoát khỏi tình trạng là nhà sản xuất hàng hóa với số lượng lớn và sẽ trở thành nhà sản xuất sản phẩn có hàm lượng công nghệ cao hơn. Đây là một sự phát triển tương tự như Nhật Bản và Hàn Quốc – khoảng cách về công nghệ so với Hoa Kỳ và Tây Âu đang ngày càng thu hẹp hơn. Từ lâu đã có nhiều doanh nghiệp ở châu Âu và Hoa Kỳ không còn coi TQ chỉ là công xưởng mà đã xúc tiến phát triển các sản phẩm mới của mình tại đây, bất chấp những lời chỉ trích về tình trạng sao chép vô tội vạ, mà ví dụ điển hình là nạn sao chép trong ngành công nghiệp chế tạo ô tô.

Theo GS Meier, không có gì phải e ngại trước một TQ là siêu cường về khoa học. “Không bao giờ phải lo lắng về sự dư thừa các nhà nghiên cứu được đào tạo tốt.” Ở các nước phương tây sự quan tâm đến khoa học đang có phần giảm sút. Nhưng nhiều vấn đề của thế giới như biến đổi khí hậu hay cung cấp năng lượng chỉ có thể giải quyết thông qua nghiên cứu khoa học. “Nếu như trong nhũng vấn đề trên, người TQ đóng một vai trò to lớn hơn thì bản thân tôi thấy chẳng có gì phải lo ngại cả.”

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)