Trước tiên vẫn là tự chủ trong các viện nghiên cứu

Để tháo gỡ vướng mắc trong quá trình đăng ký, nghiên cứu, nghiệm thu các đề tài, dự án, chương trình khoa học, trước tiên các viện nghiên cứu, các tổ chức KH&CN trực thuộc Bộ KH&CN, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam cần có sự tự chủ về chuyên môn và tổ chức. Đây là một trong những nhiệm vụ cốt lõi của các tổ chức KH&CN, viện nghiên cứu.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đối thoại với các nhà khoa học ngày 11.4/2018. Nguồn: VGP/Đình Nam

Trong buổi Đối thoại với các nhà khoa học vào ngày 11/4/2018 với Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh; Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, GS. TS Châu Văn Minh; Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, GS. TS Nguyễn Quang Thuấn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã lắng nghe những đề xuất và kiến nghị của các nhà khoa học về những vấn đề mà các nhà khoa học gặp phải trong quá trình triển khai nhiệm vụ, đề tài, dự án KH&CN liên quan đến cơ chế quản lý, cơ chế sở hữu trí tuệ, xử lý tài sản, các thủ tục tài chính trong một số thông tư hướng dẫn… Sau buổi đối thoại này, ngày 27/1/2018, Văn phòng Chính phủ đã thông báo kết luận của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ mà Bộ KH&CN, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam và Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam cần tập trung thực hiện 1. Đây cũng đồng thời là những giải pháp có thể tháo gỡ rốt ráo những vướng mắc các nhà khoa học đã nêu.

Tự chủ trong chuyên môn, tổ chức và tài chính

Nhiệm vụ đầu tiên mà kết luận của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nêu là hai Viện Hàn lâm cần rà soát lại toàn bộ cơ chế hoạt động liên quan đến quyền tự chủ trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học và cần xác định đây là nhiệm vụ cốt lõi của các viện nghiên cứu. Để làm được điều đó, trước hết hai Viện Hàn lâm cần phải đảm bảo về chuyên môn học thuật, từ đó có sự tự chủ về bộ máy tổ chức, biên chế, tài chính của mình..

Không phải lần đầu tiên, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề cập đến vấn đề tự chủ. Trong nhiều buổi làm việc với Bộ KH&CN, hai Viện Hàn lâm cùng một số trường đại học lớn trước đây, Phó thủ tướng đã nhấn mạnh đến yếu tố tự chủ. Ngay tại Hội nghị sơ kết năm năm thực hiện Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2010-2020 và tổng kết công tác năm 2015, phương hướng, nhiệm vụ năm 2016 của Bộ KH&CN, Phó thủ tướng đã lưu ý: “Tự chủ không có nghĩa là không có ngân sách [đầu tư] nhưng việc giải ngân phải trên cơ sở hiệu quả”. Còn trong buổi Đối thoại với các nhà khoa học vào ngày 11/4/2018 vừa qua, ông nêu rõ hơn bản chất của tự chủ: “Tự chủ nghiên cứu khoa học là đổi mới cách cấp ngân sách nhà nước cho các nhiệm vụ khoa học… Việc đăng ký đề tài, kế hoạch nghiên cứu khoa học hàng năm phải có cơ chế, giải pháp về ngân sách để các cơ sở nghiên cứu khoa học có thể đăng ký bổ sung những đề tài cấp thiết theo tình hình mới” 2.

Kết luận của Phó thủ tướng cũng nêu, đồng thời với việc đảm bảo tự chủ, hai viện Hàn lâm cần đề xuất các cơ chế, chính sách cần đổi mới, bổ sung, hoàn thiện (cơ chế cấp ngân sách, định mức chi, đấu thầu thiết bị đặc thù trong thực hiện nhiệm vụ khoa học…); kiến nghị các bộ quản lý ngành, lĩnh vực hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, xử lý theo thẩm quyền quy định.

Công khai minh bạch các khâu liên quan đến nghiên cứu khoa học

Nhiệm vụ thứ hai trong kết luận của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam là Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ và các bộ, cơ quan liên quan tổng hợp xử lý hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết để đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách, quy trình, thủ tục trong các khâu đề xuất, xét duyệt, thực hiện, đánh giá, nghiệm thu đề tài, nhiệm vụ KH&CN với tinh thần:

– Đổi mới phương thức cấp ngân sách nhà nước cho các nhiệm vụ KH&CN, tăng cường thực hiện việc bố trí kinh phí nghiên cứu khoa học theo cơ chế quỹ. Có cơ chế, giải pháp cho phép các đơn vị, tổ chức KH&CN chủ động đăng ký bổ sung nhiệm vụ, đề tài cấp thiết theo yêu cầu tình hình mới. Chủ nhiệm đề tài được quyền lựa chọn, ký hợp đồng với các chuyên gia, nhà khoa học không thuộc các cơ sở khoa học của nhà nước.

– Công khai minh bạch mọi khâu liên quan đến nghiên cứu KH&CN. Quá trình thẩm định, bỏ phiếu đánh giá thuyết minh và kết quả đề tài từ khâu đăng ký đến nghiệm thu, công bố kết quả đề tài, nhiệm vụ KH&CN cần được cộng đồng khoa học tham gia góp ý, đánh giá, phản biện.

– Kết nối cơ sở dữ liệu khoa học trong nước và quốc tế để các nhà khoa học tiết kiệm thời gian, công sức, tránh trùng lặp trong nghiên cứu, giải quyết những vấn đề đã được nghiên cứu, công bố hoặc chỉ cần tiếp tục nghiên cứu sâu hơn.

Trong phát biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh tại chương trình Phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 19/3 vừa qua, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng, “hiện nay chúng ta đã có đổi mới trong quản lý khoa học nhưng chúng ta phải đổi mới mạnh hơn. Chúng ta đã có được ví dụ rất tốt trong thực tiễn như Quỹ Nafosted – hiện nay Quỹ này quản lý khoa học theo cơ chế quỹ chứ không theo mô hình ngày trước. Quỹ Nafosted đã đầu tư cho 50% các nghiên cứu ở Việt Nam và những công bố từ các đề tài do Quỹ tài trợ chiếm ¼ tổng số công bố của Việt Nam trong những năm gần đây”.

Một ví dụ thực tiễn khác vẫn được Phó thủ tướng Vũ Đức Đam lấy ví dụ là việc Bộ kH&CN đã thực hiện tốt, đó là duy trì sự minh bạch trong quy trình thẩm định, xét duyệt hồ sơ đề cử của Hội đồng Giải thưởng Tạ Quang Bửu hàng năm. Tại lễ trao giải thưởng Tạ Quang Bửu 2017, Phó Thủ tướng đã đề nghị cần lan tỏa cách làm của giải thưởng này trong các hoạt động quản lý khoa học và phân bổ ngân sách đầu tư cho khoa học. Kết quả của việc công khai và minh bạch trong quản lý khoa học là chia sẻ, phổ biến những kết quả nghiên cứu tốt trong cộng đồng xã hội, trong các doanh nghiệp, còn với trường hợp đề tài không tốt, không thiết thực thì cộng đồng cũng có thể cùng nhận biết, đánh giá.

Kết luận của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đề cập đến một số nhiệm vụ khác của Bộ KH&CN: Bộ KH&CN chủ trì, làm đầu mối phối hợp với các bộ chuyên ngành với cán bộ chuyên ngành, tổng hợp, đề xuất xử lý các bất cập, vướng mắc liên quan đến định mức kỹ thuật, đơn giá, ngày công khi thực hiện các đề tài khoa học để sớm có văn bản điều chỉnh. Trong đó, làm rõ từng điểm, đề xuất giải pháp sửa đổi từng vấn đề cụ thể đối với mỗi thông tư, quy định có liên quan của các bộ, ngành. Những điểm, những quy định đã đúng nhưng các cơ quan, nhà khoa học hiểu chưa đúng, chưa rõ yêu cầu các bộ chuyên ngành như Bộ KH&CN, Bộ Tài chính cần có văn bản hướng dẫn thống nhất thực hiện. Bộ KH&CN, Bộ Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ được giao, nghiên cứu, hướng dẫn thống nhất đối với kiến nghị về cơ chế sở hữu trí tuệ, xử lý tài chính hình thành trong quá trình hoạt động khoa học nhằm ưu tiên sử dụng cho phát triển khoa học, trực tiếp là cho đơn vị chủ trì nghiên cứu hình thành kết quả khoa học, tài sản đó.

1. http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=2&_page=1&mode=detail&document_id=193553

2. http://baodientu.chinhphu.vn/Khoa-hoc-Cong-nghe/Pho-Thu-tuong-du-doi-thoai-cua-Bo-truong-Bo-KHCN-voi-cac-nha-khoa-hoc/333933.vgp

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)