Tư duy mới trong quy hoạch điện
Cần đổi mới tư duy trong quy hoạch điện, xem sử dụng hiệu quả điện năng và tài nguyên thiên nhiên như tiêu chí tối thượng, từ bỏ tư duy theo kiểu “con nhà giàu”, nhìn thẳng vào những khuyết tật trong nền kinh tế để sớm thoát khỏi tình trạng phung phí điện bấy lâu nay, và có giải pháp quyết liệt làm chủ công nghệ để sớm từ giã những công nghệ nước ngoài lạc hậu, rẻ tiền nhưng gây ô nhiễm môi trường trong cả sản xuất và tiêu thụ điện năng.
Khác hẳn với nền văn minh điện khí hóa trước đây, đặc điểm của nền văn minh thế kỷ XXI là khoa học công nghệ mang lại ngày càng nhiều tiện ích cho cuộc sống nhờ giảm thiểu triệt để năng lượng tiêu tốn cho các tiện ích ấy. Nếu không có xu thế này thế giới giờ đây sẽ ra sao? Hãy nhìn chiếc iPad với nguồn điện không quá vài chục watt. Nếu thế giới bỗng dưng dừng lại sau thập kỷ năm mươi của thế kỷ trước (lại một chữ nếu nữa!), thời kỳ cao trào của các bóng đèn điện tử chân không, chiếc iPad này chắc phải cần đến không ít hơn 3 nhà máy thủy điện Hòa Bình! |
Thừa hưởng di sản Liên Xô cũ, giờ đây, gần hai thập kỷ sau khi Nhà nước Xô Viết sụp đổ, các nước trong khối SNG phải sở hữu những kỷ lục thế giới về lãng phí điện. Dùng 1 kWh họ chỉ tạo ra 0,5 USD, bảy tám lần thấp hơn hiệu suất ở các nước tư bản phương Tây từng được Liên Xô xem như đồng hành trên đường đua chứng minh tính ưu việt của hai hệ thống kinh tế.
Không nói như Lê-nin, nhưng Việt Nam ta lại có khẩu hiệu ngắn gọn và dễ hiểu “điện đi trước một bước”.
Từ đây, quy hoạch điện năng phục vụ phát triển kinh tế xã hội liên tục ra đời dưới dạng các Tổng Sơ Đồ, nay đã đến lần thứ bảy cho giai đoạn 2010-20. Xin nói tóm lược cách làm quy hoạch như sau. Để biết điện năng năm sau tăng hơn năm trước bao nhiêu người ta lấy tốc độ tăng trưởng GDP nhân với một hệ số đàn hồi (HSĐH). GDP được phân ra theo nhiều thành phần như công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, hộ gia đình…, mỗi thành phần lại có HSĐH riêng.
Trong nhiều năm gần đây HSĐH cho cả nền kinh tế ở ta thường lớn hơn 2, tốc độ tăng điện luôn gấp đôi tốc độ tăng GDP, trên dưới 14%/năm. Nhưng điện vẫn cứ thiếu, thậm chí thiếu trầm trọng. Cố gắng lắm nhưng EVN chưa bao giờ tạo ra đủ nguồn điện dự trữ, nên dù phải mua thêm từ nước ngoài, cúp điện vẫn xảy ra thường xuyên.
Bức xúc trước tình hình này, có lần Chính phủ đã chỉ đạo EVN: “Nếu tăng 17% chưa đủ thì tăng 25%!” Không một vị chuyên gia hay tham mưu nào có mặt trong cuộc họp lúc ấy dám nói thật với lãnh đạo rằng ở hầu hết các nước trên thế giới tốc độ tăng trưởng điện năng ít khi vượt quá 7-10%/năm, và thường thấp hơn tốc độ tăng GDP hằng năm. Càng văn minh hiện đại, tốc độ tăng điện càng thấp hơn tốc độ GDP. Không có bất cứ lý do nào để Việt Nam tự xem mình là ngoại lệ, nhất là khi mục tiêu hiện đại hóa đang đến gần, chỉ chưa đầy mười năm nữa.
Có người cho rằng tốc độ tăng điện cao vì chúng ta phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng quá nhiều. Nhưng theo thống kê chính thức, điện cho công nghiệp và xây dựng chỉ chiếm 51%, nào có đặc biệt gì hơn các nước khác? Có người lại bảo do người dân thiếu ý thức tiết kiệm điện. Nhưng vài con số thống kê cho thấy trong hai năm 2008-2009, điện tiêu thụ ở TP.HCM chỉ tăng 7%/năm; Hải Dương 8,3%; Khánh Hòa 8,4%; Đồng Nai 9,4%/năm…, tiến gần đến xu thế chung trong khu vực. Trong khi đó, vì lý do gì Hà Nội lại tăng đến 16%/năm, Hải Phòng 15%, Đà Nẵng 15,8%, Quảng Ninh 26,8%/năm… Đâu phải do người dân ở các địa phương sau không biết tiết kiệm điện.
Rất nghèo tài nguyên thiên nhiên nhưng lại quy hoạch theo kiểu “con nhà giàu”, xem tài nguyên lúc nào cũng sẵn, xã hội cần bao nhiêu, quy hoạch phải bố trí đủ, không quan tâm điện đi về đâu, ai sử dụng, hiệu quả đến mức nào. Trong quy hoạch không có lịch trình làm chủ công nghệ để hạ giá thành sản xuất điện năng. |
Bên cạnh việc lạm dụng vốn, tài nguyên và môi trường, phung phí điện năng đã tô đậm bức tranh kém hiệu quả của nền kinh tế, khiến đất nước trong nhiều năm liền cứ phải lắc lư giữa những thái cực mất ổn định vĩ mô. Nói tròn cho dễ nhớ. Hiện nay bình quân GDP của Việt Nam là 1.000 USD, bình quân tiêu thụ điện cũng vào khoảng 1.000 kWh/năm. Khoảng mười năm trước đây, người Philippines và Indonesia cũng đạt đến mức sống 1.000 USD/năm, nhưng cả hai chỉ tiêu thụ 500 kWh/năm, một nửa mức tiêu thụ của ta hiện nay. Chúng ta đi sau, thiết bị ngày càng được cải tiến theo xu thế tiết kiệm điện, mà xài điện lại nhiều hơn họ mười năm về trước, vì sao?
Tư duy quy hoạch điện bấy lâu nay luôn theo những lối mòn. Rất nghèo tài nguyên thiên nhiên nhưng lại quy hoạch theo kiểu “con nhà giàu”, xem tài nguyên lúc nào cũng sẵn, xã hội cần bao nhiêu, quy hoạch phải bố trí đủ, không quan tâm điện đi về đâu, ai sử dụng, hiệu quả đến mức nào. Trong quy hoạch không có lịch trình làm chủ công nghệ để hạ giá thành sản xuất điện năng.
Đánh giá tác động môi trường không đưa vào quy hoạch. Cách đây mấy năm, tại một cuộc họp bàn về phát triển điện, một vị chủ tịch tập đoàn đã lớn tiếng: “Bình quân điện của ta thấp hơn Thái Lan năm lần, ta phải gấp rút xây nhiều nhà máy để đuổi kịp họ.” Vị này quên rằng bình quân GDP của người Thái cao hơn ta cũng năm lần.
Hệ quả của tư duy quy hoạch điện theo lối mòn lâu nay là hằng năm chúng ta phải bỏ ra những khoản đầu tư khổng lồ, nguồn lực thiên nhiên bị vắt kiệt mà điện vẫn không đủ cung cấp cho nền kinh tế. Tư duy ấy lại ăn sâu vào dư luận xã hội, báo chí, thậm chí đến giới chuyên môn, hễ thiếu điện là đồng thanh đổ lỗi cho phía cung (EVN), ít ai chịu nhìn thẳng vào những tổn tại nghiêm trọng vốn có từ lâu về phía cầu. Nền kinh tế giống như một cỗ xe nóng máy, bình xăng bị thủng mà hành khách trên xe lại ra sức hô hào tài xế đổ thêm xăng vào bình!
Trong khi đó, thế giới đang đối mặt với khủng hoảng năng lượng toàn cầu. Giá đầu tư điện ngày càng leo thang. Than vẫn còn khá dồi dào ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng đốt than, dầu sẽ gây ô nhiễm nặng nề, và phí tổn xử lý các khí thải sẽ đội giá thành điện chạy than lên rất cao. Điện hạt nhân cũng đang sốt giá trước xu thế “hồi sinh” vừa mới xuất hiện gần đây. Năm 2009, khi trình ra Quốc hội dự án đầu tư nhà máy điện hạt nhân, Bộ Công thương đã lấy suất đầu tư 2700 USD trên một kW công suất để chứng minh điện hạt nhân sẽ mang lại hiệu quả kinh tế. Nhưng khi làm việc với đối tác xây dựng nhà máy đầu tiên, con số do họ đưa ra đã nhiều hơn gấp rưỡi, chưa kể lãi suất tín dụng và bao nhiêu chi phí nội địa khác sẽ còn đội giá lên cao hơn nhiều.
Giá điện cho một kWh tính bằng cent (Mỹ) ở một số nước và vùng lãnh thổ trong khu vực |
Trước tình hình nguồn lực sắp cạn kiệt, than dầu sắp phải nhập khẩu, chỉ còn cách trông chờ vào nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng với giá điện quá thấp như hiện nay, cho dù vừa mới tăng lên 5,1 cent/kWh, thị trường điện nước ta vẫn chưa thể hấp dẫn họ (xem thông tin trên biểu đồ).
Điều nghịch lý là trong khi nhà đầu tư điện không mặn mà, thì Việt Nam vẫn tiếp tục hấp dẫn để các công nghệ lạc hậu tiêu tốn điện năng không còn đất sống ở các nước khác tìm thấy nơi tị nạn. |
Tăng giá lần này khiến nhiều hộ gia đình và xí nghiệp ngắc ngoải, nhưng vẫn không ngăn được những cơ quan công quyền thanh toán hóa đơn điện bằng tiền chùa, hoặc bày ra những dự án tiêu tốn điện không bị ai kiểm soát. Tăng giá điện mà thiếu giải pháp chế tài thì nhiều nhà máy xí nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu vẫn ung dung tồn tại, người dân sẽ lãnh đủ do họ tăng giá thành sản xuất lên cao hoặc đẩy nhiều chất thải độc hại ra môi trường để giảm chi phí sản xuất. Hệ quả là GDP vẫn tăng trưởng, nhưng nhiều phần ảo, năng lượng bị phung phí, nguồn lực ngày càng cạn kiệt.
Công khai thông tin bên cầu sẽ cho thấy địa phương nào, xí nghiệp nào, dự án nào là thủ phạm gây lãng phí điện, khiến người dân phải gánh chịu và từ đó sẽ giúp tái cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển bền vững. Đây không phải là bí mật quốc gia, nên yêu cầu công khai minh bạch chẳng những rất chính đáng mà còn làm cho xã hội lành mạnh hơn. |
Nhân tăng giá điện lần này, nhiều người yêu cầu EVN phải công khai tài chính. Đó là đòi hỏi chính đáng, vì thủy điện, than, dầu là tài sản của dân. Chẳng những EVN là bên cung, mà chiếc hộp đen phía bên cầu cũng phải mở ra. Công khai thông tin bên cầu sẽ cho thấy địa phương nào, xí nghiệp nào, dự án nào là thủ phạm gây lãng phí điện, khiến người dân phải gánh chịu và từ đó sẽ giúp tái cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển bền vững. Đây không phải là bí mật quốc gia, nên yêu cầu công khai minh bạch chẳng những rất chính đáng mà còn làm cho xã hội lành mạnh hơn.
Đổi mới tư duy trong quy hoạch điện chính là xem sử dụng hiệu quả điện năng và tài nguyên thiên nhiên như tiêu chí tối thượng, từ bỏ tư duy theo kiểu “con nhà giàu”, nhìn thẳng vào những khuyết tật trong nền kinh tế để sớm thoát khỏi tình trạng phung phí điện bấy lâu nay, và có giải pháp quyết liệt làm chủ công nghệ để sớm từ giã những công nghệ nước ngoài lạc hậu, rẻ tiền nhưng gây ô nhiễm môi trường trong cả sản xuất và tiêu thụ điện năng.