Từ “nhà khoa học chân đất” nghĩ tới sức mạnh sáng tạo vô tận

Ngày 12/5, Bộ KH&CN tổ chức cuộc gặp gỡ các nhà khoa học không chuyên mà người dân trìu mến gọi là các “nhà khoa học chân đất” nhằm tìm hiểu, động viên, khích lệ sự sáng tạo và niềm đam mê không mệt mỏi, gắn liền với ruộng vườn của họ.  

Phóng viên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ KHCN Phạm Công Tạc xung quanh vấn đề này.

– Thưa Thứ trưởng, vì sao Bộ KH&CN tổ chức buổi gặp gỡ với những người dân có sáng kiến, sáng chế và cải tiến khoa học kỹ thuật mà ở địa phương mọi người quen gọi là những nhà “khoa học chân đất”?

– Chúng ta đang sống trong thời đại văn minh, được thừa hưởng thành tựu sáng tạo của biết bao nhiêu cá nhân, thế hệ… Sáng tạo vốn không có biên giới, không phân biệt màu da, tôn giáo, sáng tạo cũng không phân biệt tuổi tác, giới tính hay trình độ học vấn…

Tổ chức gặp mặt những người dân đam mê nghiên cứu, có các sáng kiến, sáng chế, cải tiến kỹ thuật mà nhiều người quen gọi là “nhà khoa học chân đất” (nhà KHCĐ) là một trong những hoạt động quản lý Nhà nước của Bộ KH&CN và nằm trong chuỗi các sự kiện được tổ chức nhân Ngày KH&CN Việt Nam 18/5 năm nay.

Các nhà KHCĐ có thể chưa được đào tạo bài bản, không có các trang thiết bị hiện đại, chưa nhận được đầu tư của Nhà nước, nhưng những đóng góp của họ là rất đáng ghi nhận.

Nhân đây, chúng tôi cũng xin được cảm ơn các cơ quan truyền thông đã phổ biến những thành quá sáng tạo của các “nhà KHCĐ” đến với xã hội, qua đó một mặt phổ biến tri thức cho cộng đồng, một mặt góp phần động viên khuyến khích họ cũng như mọi người dân tích cực nghiên cứu, sáng tạo…

– Thứ trưởng đánh giá như thế nào về sức sáng tạo và những sáng chế, cải tiến kỹ thuật thời gian qua của các “nhà khoa học chân đất”?

– “Nhà KHCĐ” là cách gọi trìu mến những người dân có các kết quả nghiên cứu, sáng tạo gắn liền với ruộng vườn, với cuộc sống hàng ngày của họ. Họ nghiên cứu để giải quyết những vấn đề cụ thể, do nhu cầu bức thiết và do vậy kết quả nghiên cứu, các sáng chế, cải tiến kỹ thuật được ứng dụng trực tiếp vào phục vụ sản xuất, cuộc sống thường nhật.

Thời gian vừa qua, những sáng chế, cải tiến kỹ thuật dạng này chủ yếu tập trung trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, phục vụ chế biến nông, lâm, thủy sản… Một số khác liên quan đến sản xuất công nghiệp, dược phẩm…

Trong thế giới hiện đại, sức mạnh của một quốc gia chính là từ sức mạnh của tri thức, của sáng tạo. Nếu đa số người dân nước ta đều có ý thức tìm tòi, sáng tạo thì đây sẽ là một nguồn lực vô tận tạo nên sức mạnh cho đất nước.

– Có nhiều ý kiến cho rằng, nước ta có nhiều giáo sư, tiến sỹ được làm việc với các phòng thí nghiệm, trang thiết bị hiện đại, được Nhà nước hỗ trợ nhưng chưa thấy kết quả gì đáng kể trong khi người nông dân bình thường lại có đóng góp lớn cho khoa học… Dư luận có quá thổi phồng những sáng chế của họ không, quan điểm của Thứ trưởng về việc này như thế nào?

– Xin cảm ơn nhà báo. Đây là một câu hỏi rất thú vị. Đúng là có nhiều ý kiến như vậy, nhưng thực tế là cộng đồng thế giới biết đến nền khoa học Việt Nam trước tiên là biết đến các công bố của họ trên những tạp chí khoa học uy tín, biết đến những thành tựu của các nhà khoa học nước ta đạt được trong những lĩnh vực như: Toán học, Vật lý, Sinh học, Nông nghiệp, Y tế,…

Việc truyền thông về sáng chế, về khoa học là rất khó, mong rằng các nhà báo khi viết về khoa học xin hãy tìm hiểu thông tin thật kỹ càng, cần thiết có thể tham khảo ý kiến của các nhà khoa học khác trong cùng lĩnh vực, đảm bảo thông tin đưa đến cho cộng đồng là những thông tin chính xác.

Đảng và Nhà nước ta luôn trân trọng và khuyến khích hoạt động nghiên cứu sáng tạo của mỗi người dân, Bộ KH&CN tổ chức gặp gỡ các nhà khoa học không chuyên lần này tại Hà Nội cũng là để thể hiện việc thực hiện chính sách nhất quán đó. Các cơ quan quản lý Nhà nước đã ban hành và đang xây dựng các quy định nhằm quản lý, động viên phong trào nghiên cứu sáng tạo, cải tiến kỹ thuật… trong mọi tầng lớp nhân dân nhằm tăng năng suất lao động, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta

– Thưa Thứ trưởng, nếu cho rằng sự tham gia của nhân dân trong nghiên cứu và sáng chế  là một nguồn lực vô hạn để phát triển KH&CN nước nhà thì Bộ KH&CN tới đây cần có chính sách, biện pháp gì để hỗ trợ, khuyến khích phát triển?

– Sáng tạo luôn là một nguồn tài nguyên vô hạn của mỗi quốc gia. Tài nguyên thiên nhiên càng khai thác thì càng cạn kiệt nhưng ngược lại nguồn tài nguyên trí tuệ càng khai thác, sử dụng lại càng sinh sôi, phát triển và dồi dào thêm.

Để khuyến khích hoạt động sáng tạo, ngoài việc tuyên truyền, động viên,… thì một vấn đề rất quan trọng là cần bảo đảm quyền lợi cho người là chủ sở hữu của sáng tạo đó. Chúng ta đã có Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT), có Điều lệ sáng kiến 2015 và các văn bản hướng dẫn.

Các tổ chức, cá nhân cũng có thể nhận được nguồn tài chính hỗ trợ thông qua một số dự án như: Chương trình đổi mới sáng tạo (IPP) Việt Nam – Phần Lan, Dự án “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu KH&CN (FIRST) do Ngân hàng Thế giới tài trợ,…

Các địa phương cũng có những chính sách hỗ trợ khuyến khích sáng tạo trên địa bàn của mình như ở Yên Bái, Nghệ An, Đồng Nai,…

Trên thực tế, sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước chủ yếu là cung cấp thông tin, hỗ trợ viết bản mô tả giải pháp kỹ thuật để tham gia các hội thi sáng tạo kỹ pháp kỹ thuật tại các hội chợ công nghệ…

– Việc đăng ký các sáng chế, nghiên cứu của người dân với cơ quan chức năng còn phức tạp như họ không biết viết bản mô tả sáng chế thế nào bởi điều này đòi hoải sự chuyên nghiệp, rồi qúa trình thẩm định, chờ kết quả… Làm gì để việc đăng ký sáng chế của người dân nhanh hơn, hiệu quả hơn, thưa Thứ trưởng?

– Từ việc sáng tạo ra một sản phẩm sở hữu trí tuệ đến đưa vào thực tiễn cuộc sống, đóng góp thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội đã là một quá trình cần đầu tư rất nhiều thời gian, công sức. Vì thế, Bộ KH&CN từ trước đây đã có các biện pháp để ngày càng nâng cao tính hiệu quả của việc đăng ký sở hữu trí tuệ cho người dân.

Từ năm 2005, Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2005 – 2010 đã được phê duyệt theo Quyết định số 68/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là “Chương trình 68) với hai mục tiêu là: Nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp Việt Nam về bảo hộ sở hữu trí tuệ để các doanh nghiệp chủ động xây dựng, khai thác phát triển và bảo vệ tài sản trí tuệ; Nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam thông qua việc hỗ trợ xác lập, khai thác, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ.

Hiện nay, Chương trình 68 vẫn đang được triển khai để tiếp tục giúp đỡ các cá nhân với sản phẩm xứng đáng thực hiện việc đăng ký sản phẩm của mình. Ngoài ra, Sở KH&CN của các tỉnh, thành phố cũng đều có chức năng hỗ trợ và tư vấn cho người dân trong việc đăng ký quyền SHTT.

Các cá nhân có đề tài, dự án được Quỹ NAFOSTED tài trợ cũng được xem xét để hỗ trợ chi phí đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho kết quả nghiên cứu của mình. Về vấn đề thời gian, do ta đã là thành viên của các tổ chức đa quốc gia như Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) nên các quy định phải phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, các nhà sáng chế cần nắm được là khi đơn đăng ký sáng chế đã được chấp nhận là hợp lệ và được Cục Sở hữu trí tuệ công bố thì người nộp đơn đã có quyền tạm thời đối với sáng chế đó. Do vậy, việc khai thác sáng chế thông qua việc sản xuất và/hoặc là thương mại hóa có thể được tiến hành ngay; còn khi được cấp bằng độc quyền sáng chế thì tác giả có sáng chế được Nhà nước công nhận chính thức quyền đối với sáng chế.

Cảm ơn Thứ trưởng!

Nguồn: http://baodientu.chinhphu.vn/Hoat-dong-Bo-nganh/Tu-nha-khoa-hoc-chan-dat-nghi-toi-suc-manh-sang-tao-vo-tan/226594.vgp

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)