Từng người thông minh chưa đủ

Trong bất cứ cộng đồng nào, tài trí thông minh riêng lẻ của từng thành viên chưa làm nên sức mạnh trí tuệ của cộng đồng, mà phải có tổ chức, cơ chế phù hợp, tạo ra một môi trường khuyến khích, liên kết tất cả họ lại qua sự tương tác, hợp tác, tạo ra synergy (cộng năng) cần thiết, nhân lên nhiều lần và liên tục khả năng, tài trí từng cá nhân, từng bộ phận.

Việc thứ bậc Việt Nam trên bảng xếp hạng trí tuệ toàn cầu: báo động đỏ (Tia Sáng số 15-05/8/2012) là đúng, không oan. Thực ra chẳng cần phải nghiên cứu kỹ, ai cũng thấy rõ điều này ít nhất từ 20 năm nay rồi. Mọi người làm khoa học kỹ thuật, làm giáo dục, ở Việt Nam đều ý thức rõ sự lạc hậu, sự yếu kém của chúng ta so với thế giới. Trừ một số ít người vì những lý do dễ hiểu cứ cố tình nhắm mắt trước thực trạng đó, còn những ai có chút lương tâm với đất nước thì đều hết sức lo lắng, vì thời nay một đất nước thua kém trí tuệ mà cứ dửng dưng vô tư thì coi như đang… “chết lâm sàng”, như có người đã dùng từ rất xác đáng.

Nếu xét từng con người có lẽ dân Việt không kém gì ai về trí thông minh, chúng ta có thể tin như vậy. Tuy nhiên điều đó hoàn toàn không mâu thuẫn với việc chúng ta đứng thấp trong bảng xếp hạng trí tuệ toàn cầu. Mấu chốt vấn đề là trong bất cứ cộng đồng nào, tài trí thông minh riêng lẻ của từng thành viên chưa làm nên sức mạnh trí tuệ của cộng đồng, mà phải có tổ chức, cơ chế phù hợp, tạo ra một môi trường khuyến khích, thúc đẩy tính tích cực năng động và phát huy tài trí thông minh của từng cá nhân, từng bộ phận, liên kết tất cả họ lại qua sự tương tác, hợp tác, tạo ra synergy (cộng năng) cần thiết, nhân lên nhiều lần và liên tục khả năng, tài trí từng cá nhân, từng bộ phận. Cái cơ chế đó có thể gọi nó là trí tuệ của hệ thống, là phầm mềm vận hành hệ thống. Tất cả thông minh tài trí của cộng đồng tập trung ở đấy, nhờ đấy mà ra, mà nhân lên. Cũng giống như cái phần mềm của chiếc máy tính mà tồi thì máy tính vô tích sự, dù các chip, các phần cứng của nó đều tốt.
Mà nói đến cơ chế quản lý tức là nói đến thể chế chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Trước đây chúng ta theo chế độ bao cấp, cái gì cũng do trên quyết định, người dân chỉ việc nghe theo, làm theo, cái cơ chế đó có thể thích hợp với thời chiến, nhất là khi có những nhà lãnh đạo kiệt xuất, một lòng một dạ vì Tổ quốc, vì nhân dân. Nhưng qua thời bình cái cơ chế bao cấp đã biến tướng thành lực cản tai hại, kiềm chế, hủy hoại, tiêu diệt nhiều sáng kiến tích cực. Điều không may là cái cơ chế kiểu ấy có sức sống dai dẳng, tuy về kinh tế đã bị lên án từ lâu nhưng tàn tích của nó vẫn tiếp tục ngự trị trong hầu hết các lĩnh vực hoạt động của xã hội. Báo động đỏ về thứ bậc của Việt Nam trong bảng xếp hạng trí tuệ toàn cầu ở đây thực chất là báo động về thể chế. Nếu thể chế không phù hợp mà cứ cố duy trì thì sự ức chế trí tuệ đối với xã hội vô cùng tai hại. Giáo dục, khoa học không thể phát triển lành mạnh bình thường, ắt phải tụt hậu ngày càng xa. Tài trí thông minh tàn lụi, con người tha hóa, xã hội ngày một suy đồi. Người giỏi bỏ nước ra đi, ai muốn phát triển tài năng đều tìm cách ra nước ngoài. May ra còn một số ít có tâm có tài thì làm việc cô độc và không mấy người được thật sự trọng dụng. Đó là nguy kịch thật sự chứ không phải chỉ là báo động. Nói cho đúng, chúng ta từng có những nhà lãnh đạo biết nhìn xa trông rộng, thấy trước nguy kịch, đã nêu cao phát triển giáo dục, khoa học là quốc sách hàng đầu. Tiếc thay, cái chủ trương ngàn lần sáng suốt ấy chưa bao giờ được thực hiện nghiêm chỉnh trong mười lăm năm qua.

Vì vậy trước hết phải cải cách thể chế, cơ chế quản lý. Cải cách chính trị đi đôi với cải cách kinh tế, cải cách giáo dục. Cần dân chủ hóa chế độ, bài trừ tham nhũng, làm trong sạch bộ máy hành chính. Chỉ trên cơ sở đó thì trí tuệ quốc gia mới có điều kiện phát triển thuận lợi.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)