Tương lai của Viện Hàn lâm Khoa học Nga

Vào tháng 5, thủ tướng Nga Vladimir Putin đã phát biểu tại phiên họp toàn thể của Viện Hàn lâm Khoa học Nga (RAS- Russian Academy of Sciences) đề cập tới những kế hoạch xốc dậy những chương trình khoa học và đổi mới sáng tạo của đất nước với mục tiêu phục hồi nền kinh tế và tăng cường tính cạnh tranh, trong đó RAS – cơ quan khoa học lớn và có uy tính nhất của Nga có vai trò chủ đạo trong các dự án này.

Uy tín của RAS dựa trên truyền thống hoạt động khoa học từ nhiều thập kỷ qua. Ngoài việc hàng tiến sĩ đã được RAS đào tạo, nhiều nhà khoa học đoạt giải Nobel từng làm việc tại đây và nhiều nhà khoa học, học giả của RAS đã trở thành giáo sư tại nhiều trường đại học. Hiện nay dù RAS bị báo chí phương Tây và Nga chỉ trích hoạt động kém hiệu quả nhưng rất khó có thể tìm ra một tổ chức nào đó trong tương lai có thể đảm nhận các nhiệm vụ đa dạng như RAS hiện nay. Một trong những lý do chính dẫn tới sự hoạt động kém hiệu quả của RAS là mức tài trợ mà Viện đã nhận được ngày càng thấp trong những thập kỷ vừa qua. Thật khó mà hình dung hơn 50.000 nhà khoa học có thể tiến hành các kế hoạch cải tổ của quốc gia khi thiếu trầm trọng nguồn kinh phí. Tình hình của ngành sinh học phân tử là một ví dụ điển hình. Trong thời kỳ Liên Xô, RAS đã nỗ lực trong việc thúc đẩy nghiên cứu sinh học phân tử. Nhưng tất cả gần như bị hủy hoại sau khi nguồn tài trợ giảm sút rõ rệt vào năm 1990, dẫn tới nhiều chuyên gia ưu tú phải di cư sang các gia khác. Tuy nhiên, vẫn còn một số các nhóm nghiên cứu mạnh “sống sót” và nhận được những khoản tài trợ lớn từ bên ngoài, thiết lập các mối hợp tác với các nhóm nghiên cứu phương Tây. Sau khi tài trợ cho khoa học ở Nga bắt đầu tăng trở lại, ban giám đốc của RAS đã tạo ra chương trình Sinh học phân tử và tế bào năm 2003. Chương trình này tài trợ cho hơn 100 nhóm nghiên cứu mạnh của Nga với số tiền có thể lên tới 150.000 USD/năm. Những người nhận tài trợ được lựa chọn dựa trên thành tích nghiên cứu trên các tạp chí được xếp hạng của thế giới, kết quả là từ 2003 tới 2009, chương trình này đã công bố 2000 bài báo trên các tạp chí bình duyệt quốc tế, bao gồm cả những tạp chí có uy tín nhất. Kết quả này đã chứng tỏ khi cung cấp đủ nguồn tài chính cho các nhóm nghiên cứu mạnh có thể làm sống lại hoạt động khoa học tại các cơ sở của RAS ở khắp nước Nga. Thật đáng tiếc, tài trợ cho các chương trình này bị giảm sút vì lạm phát những năm qua và bị cắt giảm 1/3 vào năm 2010, và điều này có thể xóa sạch các nỗ lực trước đó.

Để nâng cao được chất lượng khoa học nhất là trong khoa học cơ bản và thực nghiệm cần tới 3 yếu tố: các nhà khoa học tài năng; trang thiết bị phù hợp; điều kiện thuận lợi cho các nhà nghiên cứu trong công việc và cuộc sống. Vẫn còn một số nhà khoa học tài năng sinh sống ở Nga. Nhưng tại nhiều cơ sở nghiên cứu các trang thiết bị lỗi thời, lương thấp, thiếu nhà ở đã buộc phần lớn các nhà khoa học tài năng rời bỏ đất nước.

Trong bài phát biểu, thủ tướng Putin đã nhấn mạnh tới một vài điểm chính yếu liên quan tới vài trò của RAS trong kế hoạch tăng cường khả năng đổi mới sáng tạo của đất nước. “Viện hàn lâm khoa học Nga sẽ luôn và phải giữ vai trò là cơ quan trọng yếu của sự phát triển quốc gia, xã hội… các nhà khoa học phải có cơ hội làm việc trong những trung tâm tiên tiến”. Đây là những ý tưởng chiến lược đúng đắn, và chúng cần phải được triển khai dựa vào năng lực của RAS. Để thực hiện được trọng trách của mình đối với nền khoa học Nga, RAS phải thay đổi những bất cập  trong cơ chế tuyển chọn những nhóm nghiên cứu xứng đáng được tài trợ, đồng thời đóng vai trò như cầu nối giữa bên nghiên cứu và công nghiệp để thúc đầy sự phát triển của xã hội. 

Ngọc Tú dịch (Science, Vol 330, 1/10/2010)

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)