Về việc trả lương cho người làm khoa học.

Sau khi trở thành Giám đốc Viện các vấn đề Vật lý, Kapitsa đã viết nhiều thư cho lãnh đạo Xô-viết than phiền về cơ chế tài chính quá cồng kềnh và cứng nhắc ở Nga. Trong đoạn thư gửi V.I.Mezhlauk, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân ủy Liên Xô, ngày 26/10/1936 được giới thiệu dưới đây, ông đề nghị áp dụng một cơ chế trả lương ở Viện ông giống như ở Anh.

…Nguyên tắc cơ bản để đánh giá lao động ở Liên Xô được quy định rất rõ ràng và chính xác trong Hiến pháp Stalin [1]: hưởng theo lao động và năng lực [2]. Nguyên tắc này được áp dụng hết sức nhất quán trong phong trào Stakhanov và đưa đến những thành quả chói lọi. Nó cho mỗi cá nhân một khoảng không rộng lớn để phát triển; một người công nhân xuất sắc, biết tổ chức lao động và vượt mức khoán nhiều lần, sẽ được trả công theo lao động đúng như năng lực người đó thể hiện trong công việc.

Cách trả lương theo thang lương nhà nước như hiện hành mâu thuẫn với nguyên tắc này. Các cơ quan hành chính quan liêu thường hay tuyển những người thích làm việc yên ổn, không thích có sáng kiến, thậm chí trái lại chỉ cố gắng làm càng chính xác chỉ thị từ trên càng tốt. Với những người này, hệ thống trả lương theo thang nhà nước có lẽ là hoàn toàn bình thường. Hệ thống này được áp dụng ở ta trước đây và các nước Tây Âu hiện nay và dẫn đến một tệ quan liêu được [Guy de] Maupassant mô tả sống động mà chưa nước nào tránh được.

Đáng tiếc là chưa ai tìm được cách nào để áp dụng được phương pháp Stakhanov cho các nhân viên hành chính văn phòng, tức là căn cứ vào năng suất lao động để tăng lương.

Áp dụng thang bậc lương nhà nước cứng nhắc đối với các viện khoa học là hoàn toàn sai. Chúng tôi không chấp nhận được kiểu làm việc công chức: công việc của chúng tôi mở ra không gian rộng lớn cho việc hoàn thiện lao động, phát triển cá nhân và phát huy năng lực riêng của từng con người. Hệ thống trả lương cứng nhắc theo thang lương nhà nước hoàn toàn không phù hợp ở đây. Nhưng áp dụng hệ thống trả lương kiểu Stakhanov trong các cơ quan nghiên cứu khoa học cũng không thể được. Trở ngại chính là ở chỗ công việc của chúng tôi không phải là sản xuất, nên không đưa ra được những chuẩn mực cứng để đánh giá công việc theo sản phẩm. Vì thế cần tìm những phương pháp khác. Đó là điều cơ bản.

Phương pháp đáng tin cậy duy nhất để đánh giá công việc trong một viện khoa học là dựa vào ý kiến của ban giám đốc viện, ý kiến mà theo tôi là duy nhất có thẩm quyền để định mức lương, bởi vì ban giám đốc là người giao nhiệm vụ, biết mức độ khó khăn của nhiệm vụ, và chỉ đạo công việc cho nên có thế đánh giá công việc tốt hơn bất cứ ai. Không có lối thoát nào khác.

Hệ thống thang lương nhà nước như hiện nay không thích hợp, và bằng chứng ngay trước mắt là tất cả các cơ quan khoa học đang tìm mọi cách để lách khỏi hệ thống này. Các mức lương được xào xáo, thổi phồng bằng một kiểu toán tổ hợp rất phức tạp để làm rối và trốn khỏi con mắt thanh tra của cơ quan tài chính. Phương pháp này đang được chào đón như một công cụ tự vệ tốt nhất để khỏi phải tuân theo kỷ luật ngân sách nghiêm ngặt, cái kỷ luật đi ngược lại các nhu cầu cơ bản của nền khoa học. Kiểu tự lừa dối như thế làm tôi vô cùng ghê tởm…

[1] Hiến pháp Liên Xô năm 1936.

[2] Đúng ra phải là: làm theo năng lực, hưởng theo lao động.

Đàm Thanh Sơn dịch

Nguồn: http://lib.rus.ec/b/214793/read#t40

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)