Viện Toán học: Mái nhà chung của các nhà toán học

Hơn năm mươi năm trước, Viện Toán học của Việt Nam ra đời trong hoàn cảnh chiến tranh, điều kiện vật chất chất thiếu thốn lạc hậu, nguồn nhân lực toán học trên cả nước chưa có đến 50 tiến sĩ, trong đó phần lớn đã thôi nghiên cứu. Tuy nhiên, tất cả những bất lợi đó đã không thể ngăn cản những con người tiên phong bắt tay vào thực hiện tham vọng xây dựng một trung tâm nghiên cứu toán học có vai trò xung yếu để thúc đẩy phát triển nền toán học của nước nhà ngay từ buổi sơ khai.

Các viện nghiên cứu toán trên thế giới chủ yếu được hình thành ở những quốc gia có nền toán học đã phát triển đến một mức độ nhất định, đồng thời có điều kiện vật chất ưu đãi để nuôi dưỡng một đội ngũ hùng hậu các nhà toán học, với sứ mệnh là nơi tập hợp những nhà toán học xuất sắc hàng đầu được chọn lọc, nhằm xây dựng và thực hiện những định hướng nghiên cứu quan trọng, song song với bồi dưỡng các nhà toán học trẻ và hỗ trợ phát triển đội ngũ nghiên cứu toán ở các trường đại học.

Hơn năm mươi năm trước, Viện Toán học của Việt Nam ra đời trong hoàn cảnh chiến tranh, điều kiện vật chất chất thiếu thốn lạc hậu, nguồn nhân lực toán học trên cả nước chưa có đến 50 tiến sĩ, trong đó phần lớn đã thôi nghiên cứu. Tuy nhiên, tất cả những bất lợi đó đã không thể ngăn cản những con người tiên phong bắt tay vào thực hiện tham vọng xây dựng một trung tâm nghiên cứu toán học có vai trò xung yếu để thúc đẩy phát triển nền toán học của nước nhà ngay từ buổi sơ khai. Kết quả thực tiễn đã chứng minh tham vọng tưởng như phiêu lưu ấy là hoàn toàn đúng đắn.

Chuyên đề 50 năm Viện Toán học của ấn phẩm Tia Sáng kỳ này tập hợp một số góc nhìn nhằm cung cấp cho độc giả một bức tranh chấm phá tổng quan phản ánh những cống hiến quan trọng của Viện Toán học trên chặng đường vừa qua, đồng thời khơi gợi chúng ta cùng suy nghĩ về một con đường phía trước của Viện Toán nói riêng, nền toán học Việt Nam nói chung, để sao cho phù hợp với những điều kiện, bối cảnh, và mục tiêu của thời kỳ mới, kế thừa xứng đáng thành quả và kỳ vọng của những người đi trước.        


Viện Toán học trong dịp kỷ niệm 45 năm thành lập. Nguồn: VTH.

Ngày 5 tháng 2 năm 1969, năm đầu tiên miền Bắc tạm im tiếng bom sau bốn năm bị bắn phá nặng nề, Chính phủ ban hành quyết định thành lập Viện Toán học. Hơn một năm sau, khi GS Lê Văn Thiêm được bổ nhiệm làm Viện phó, Viện mới chính thức đi vào hoạt động. Cho đến nay vừa tròn 50 tuổi; còn nếu tính cả “tuổi bà mụ”, thì hơn 51 tuổi. Một nửa thế kỉ thăng trầm, đã bước qua tuổi trung niên, việc thành lập và tồn tại cũng như sự hữu dụng của Viện vẫn luôn luôn là một câu chuyện được bàn luận.

Năm mươi năm tồn tại và phát triển của Viện đã chứng tỏ rằng cái quyết định, thoạt nhìn thấy có vẻ phiêu lưu, trên thực tế hoàn toàn chính xác và là con đường đi tắt để xây dựng ngành Toán. Lực lượng khi thành lập Viện quả thực rất mỏng, chỉ có 6 tiến sĩ và 20 cán bộ nghiên cứu. Mãi đến khoảng cuối những năm 1980, con số biên chế của Viện mới tương đối đầy đủ (khoảng 80 cán bộ nghiên cứu). Tuy nhiên, ngay từ buổi đầu, giáo sư Lê Văn Thiêm và giáo sư Hoàng Tụy đã cố gắng xây dựng Viện theo các chuẩn mực quốc tế, bằng việc thiết lập một hệ thống sinh hoạt khoa học với các seminar và hội thảo được tổ chức đều đặn, dần dần hình thành các nhóm nghiên cứu, và đặc biệt là yêu cầu công bố quốc tế. Với một ưu đãi đặc biệt là không bị bận bịu giảng dạy, cán bộ Viện Toán học được dành toàn bộ thời gian để nghiên cứu. Kết quả là, trong khoảng 30 năm, từ 1975 đến 2005, trong số hơn 4.000 công bố được liệt kê trên MathSciNet có tác giả Việt Nam, hơn 50% có tác giả từ Viện Toán học. Một con số đầy ấn tượng và thuyết phục. Một số hướng nghiên cứu được hình thành và phát triển mạnh mẽ, tạo được uy tín quốc tế cao. Nổi bật nhất chính là hướng nghiên cứu Lý thuyết Tối ưu do giáo sư Hoàng Tụy xây dựng. Thế giới bắt đầu nói đến sự xuất hiện của Toán học Việt Nam. Không có Viện Toán học thì không biết đến bao giờ mới có được điều này. Năm 1994, Viện được Viện Hàn lâm thế giới thứ ba (nay là Viện Hàn lâm vì sự tiến bộ khoa học của các nước đang phát triển – TWAS) công nhận là trung tâm xuất sắc.

Sự trưởng thành của Viện đã góp phần rất lớn tới sự phát triển nghiên cứu Toán học tại nước ta. Không chỉ đóng góp vào số lượng công bố, mà điều quan trọng không kém là, kết quả nghiên cứu tại Viện Toán học chứng minh được khả năng tiến hành nghiên cứu và xây dựng nhóm nghiên cứu Toán trong nước. Từ đó khích lệ, tạo nên niềm tin và cuộc thi đua nghiên cứu Toán của các giảng viên Toán ở các trường đại học. Dần dần, việc nghiên cứu như là một trách nhiệm và niềm vui của giảng viên Toán ở các trường đại học hàng đầu trong nước trở thành điều đương nhiên. Thêm vào đó là những đóng góp của Viện vào việc đào tạo nghiên cứu sinh. Có thể nói Viện là một trong số ít cơ sở đào tạo nghiên cứu sinh tốt nhất của cả nước. Nhờ thành tích nghiên cứu và đào tạo, tính đến năm 2019, cả nước có 91 nhà toán học được công nhận chức danh giáo sư, thì có 30 người được phong tại Viện Toán học. Một con số ấn tượng ngầm công nhận vị trí và đóng góp của Viện Toán học tại Việt Nam. Điều quan trọng nhất để có được điều đó chính là tư tưởng xây dựng Viện trở thành mái nhà chung cho các nhà toán học, chứ không phải tháp ngà cho ai đó.


Giáo sư Endre Szemredi, giải thưởng Abel 2012, trong lần tới làm việc tại Viện Toán học năm 2014.

Ngoài nghiên cứu và đào tạo, Viện Toán học còn thể hiện ý thức cao về trách nhiệm phụng sự cộng đồng xã hội. Từ năm 2009, sau khi đóng vai trò chủ yếu trong việc tổ chức thành công kỳ thi Olympic Toán học quốc tế dành cho học sinh THPT (IMO) lần thứ 48 tại Việt Nam (2007), Viện tích cực tham gia vào công tác bồi dưỡng đội tuyển dự thi IMO. Nhiều cán bộ của Viện liên tục tham gia công tác tuyển chọn học sinh tham dự đội tuyển. Từ nhiều năm, Viện cũng hỗ trợ tổ chức các hình thức câu lạc bộ toán học, trường Xuân, Hè, Thu, Đông về Toán dành cho học sinh giỏi cấp THPT toàn quốc. Các hoạt động này là gợi ý để Chương trình phát triển Toán học 2010-2020 tổ chức các hoạt động thường niên bồi dưỡng học sinh, giáo viên và sinh viên ngành Toán.

 

Năm 2014, nhân ngày Khoa học & Công nghệ lần thứ nhất (18/5), Viện Toán học tổ chức hoạt động đại chúng với tiêu đề “Một ngày với Toán học”. Đối tượng của hoạt động này là sinh viên, học sinh, phụ huynh và tất cả những người quan tâm tới Toán học nói chung. Hoạt động này đã thu hút được đông đảo người tham dự và được đánh giá cao. “Một ngày với Toán học” được Viện tiếp tục tổ chức vào các năm 2015, 2016, sau đó cũng được một số đơn vị khác học tập kinh nghiệm và tổ chức thành công.

Tạp chí Pi, do GS Ngô Bảo Châu khởi xướng và bảo trợ, là một tạp chí phổ biến toán học, dành cho không chỉ học sinh phổ thông và cả những người yêu toán bất kể tuổi tác. Nhận thấy đây là một hoạt động rất có ý nghĩa cho việc quảng bá toán học tới đại chúng, từ năm 2019, Viện cũng hỗ trợ việc xuất bản tạp chí. Sự tham gia tích cực vào công tác xuất bản Pi của nhiều các bộ Viện Toán đã khiến tạp chí trở nên sinh động hơn, nhìn chung được độc giả đánh giá tốt.


Trung tâm quốc tế Vật lý lý thuyết (International Centre for Theoretical Physics – ICTP) trao giải thưởng Ramanujan năm 2019cho GS Phạm Hoàng Hiệp.

Tương lai của Viện Toán học

 

Viện Toán học là một viện nghiên cứu ra đời khá sớm và có may mắn là luôn nhận được sự quan tâm, thậm chí là ưu ái, của nhiều lãnh đạo cấp cao của đất nước cũng như của Viện Khoa học, nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Ngay từ khi mới thành lập, nhờ uy tín của những người dẫn đầu, Viện đã thu hút được nhiều cán bộ nghiên cứu trẻ xuất sắc, tốt nghiệp từ trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, cũng như được đào tạo từ các nước XHCN như Liên Xô, Đức, Ba Lan, Hungari, Tiệp Khắc. Do có những định hướng đúng đắn ngay từ khi mới thành lập, Viện đã phát triển thành công, tồn tại và vững mạnh sau năm mươi năm. Đến nay, Viện vẫn là cơ sở nghiên cứu hàng đầu về Toán trong cả nước. Viện đã có nhiều đóng góp trong đào tạo và nghiên cứu cơ bản, được tặng thưởng nhiều huân chương, giải thưởng cao quý cho tập thể và cá nhân. Viện cũng được đồng nghiệp trên toàn thế giới công nhận và đánh giá cao.

Ngày nay, với sự đẩy mạnh nghiên cứu ở các trường đại học, lại được tài trợ hiệu quả của Quỹ NAFOSTED và Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển về Toán, tỷ lệ công bố của cán bộ Viện Toán học rút xuống còn 15 – 17% so với số lượng công bố toán học trên cả nước, và chắc chắn sẽ giảm tiếp trong các năm tới. Tại các trường đại học, càng ngày càng xuất hiện thêm những nhóm nghiên cứu mạnh và những nhà toán học trẻ giỏi, có nhiều triển vọng. Vị thế của Viện Toán học hiện giờ đương nhiên không còn như trước đây. Điều này không có gì đáng buồn, mà ngược lại là một chỉ dấu tốt cho sự phát triển nghiên cứu Toán ở các trường đại học – tiến tới trào lưu chung như ở các nước tiên tiến là nghiên cứu Toán được thực hiện chủ yếu ở các trường đại học.


Grothendieck trong chuyến sang Việt Nam, cùng với các học trò của mình trong rừng. Ảnh: pnp.mathematik.uni-stuttgart.de/lexmath/kuenzer/sinh pnp.mathematik.uni-stuttgart.de/lexmath/kuenzer/sinh


Một buổi seminar ở Viện Toán năm 1980.


Cán bộ Viện Toán và một số đồng nghiệp Việt Nam chụp ảnh cùng các giáo sư Hironaka Heisuke (huy chương Fields 1970) và Frédéric Phạm tại Hội nghị “Lý thuyết kỳ dị” Trieste, 1991. Từ phải: Trần Văn Nhung, Nguyễn Văn Tịnh, Nguyễn Thanh Hải, Hà Huy Vui, Lê Tự Quốc Thắng, Hironaka Heisuke, Ngô Việt Trung, Nguyễn Tự Cường, Frédéric Phạm, Nguyễn Việt Dũng, Nguyễn Văn Châu, Nguyễn Hữu Đức, Hà Huy Khoái, Lê Văn Thành.

Trong bối cảnh nhân lực và khả năng nghiên cứu Toán trong cả nước đã lớn mạnh và được mở rộng, cần có một chiến lược mới để phát triển Viện Toán học, nhằm đảm bảo sự hữu dụng thực sự của nó, chứ không phải bảo vệ sự tồn tại của nó bằng mọi giá. Phải chăng Viện cần tiến tới tập trung nhân lực xây dựng một số hướng nghiên cứu hiện đại, trọng điểm hay một số hướng nghiên cứu mới? Trở thành nơi đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ xuất sắc (thông qua Trung tâm UNESCO)? Một môi trường thích hợp cho các nghiên cứu sau tiến sĩ (post-doc) và các tân tiến sĩ trưởng thành hơn trước khi tìm kiếm một vị trí hấp dẫn tại các trường đại học hay tập đoàn nào đó?… Có rất nhiều điều đáng nghĩ, không dễ trả lời trong một sớm, một chiều! Nhưng tựu trung lại, chắc chắn phải duy trì ý tưởng xuyên suốt đã nêu ở trên. Đó là: Viện Toán học phải là mái nhà chung của các nhà toán học trong nước.

Nhưng mặt khác, trong bối cảnh Viện Nghiên cứu cao cấp về toán là trung tâm nghiên cứu chung cho cả nước cũng dễ dàng thực hiện những tư tưởng đó, Viện Toán học vốn được xây dựng theo mô hình là một viện nghiên cứu độc lập, cần tìm một con đường khác để không trùng lặp. Con đường cụ thể nào thì phải do các nhà toán học trong và ngoài Viện suy nghĩ, bàn luận để xây dựng.

Tính đến nay, Viện Toán học đã công bố hơn 2400 bài báo quốc tế, đào tạo 176 tiến sỹ và hơn 600 thạc sỹ. Chất lượng công bố quốc tế ngày càng tăng, đặc biệt trong những năm gần đây, tạo nên uy tín của Viện trong cộng đồng toán học thế giới. Nhiều cán bộ nghiên cứu của Viện được trao tặng các giải thưởng uy tín trong và ngoài nước, được bầu vào các viện hàn lâm khoa học trên thế giới, được trao bằng tiến sỹ danh dự của các trường đại học uy tín, được mời vào ban biên tập tạp chí chuyên ngành uy tín, được mời tới giảng dạy và nghiên cứu tại nhiều trường đại học và viện nghiên cứu lớn trên thế giới. Ngay từ khi mới thành lập, Viện Toán học đã tích cực thực hiện các hoạt động ứng dụng toán học. Đặc biệt trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, một nhóm nghiên cứu do GS Lê Văn Thiêm chủ trì đã ứng dụng bài toán nổ mìn định hướng trong việc nạo vét Kênh nhà Lê phục vụ giao thông thời chiến. Trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau chiến tranh, nhóm nghiên cứu do GS Hoàng Tụy lãnh đạo cũng đã có nhiều nghiên cứu, tư vấn cho các lãnh đạo về vấn đề quản lý kinh tế. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do hoàn cảnh kinh tế xã hội, Viện Toán học vẫn luôn kiên trì tìm kiếm các khả năng ứng dụng toán học vào khoa học kỹ thuật và kinh tế xã hội.

Tác giả

(Visited 39 times, 1 visits today)