Xâm nhập thị trường cao cấp

Muốn xuất khẩu gạo Việt Nam sang phân khúc các thị trường cao cấp như Nhật Bản, doanh nghiệp cần thay đổi thói quen canh tác sản xuất của người nông dân.

Thị trường hấp dẫn nhưng khó tính

Một trong hai nội dung của việc xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam (Đề án “Phát triển thương hiệu gạo Việt Nam” mới được phê duyệt vào tháng năm vừa qua) là lựa chọn phân khúc thị trường gạo chất lượng cao và đặc sản cho xuất khẩu nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, giá trị của sản phẩm trên các thị trường có yêu cầu khắt khe về chất lượng như EU, Mỹ, Nhật… Trong buổi trao đổi với phóng viên tạp chí Tia Sáng, ông Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp đã đưa ra gợi ý rằng, Việt Nam nên lựa chọn thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và tập trung phát triển giống gạo hạt tròn (Japonica).

Quy mô thị trường nhập khẩu gạo Japonica ở Nhật Bản và Hàn Quốc khoảng hơn một triệu tấn mỗi năm. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, năm 2014, Nhật Bản nhập khẩu 770.000 tấn gạo Japonica, còn Hàn Quốc 440.000 tấn. Bên cạnh đó, giá gạo Japonica cao gấp hai-ba lần so với giá gạo xuất khẩu trung bình của Việt Nam hiện giờ, là 700 – 1.500 USD/tấn.

Với một doanh nghiệp vừa như Seibu Nousan Việt Nam, họ tập trung phát triển chất lượng gạo xuất khẩu đồng thời nâng dần kỹ thuật canh tác của người nông dân thay vì xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm: Bước đầu, họ xác định phân khúc thị trường chính là hàng nghìn nhà hàng ở Singapore và Hồng Công (như vậy, họ vừa dễ xuất khẩu, vừa có động lực nâng cao chất lượng gạo); sau đó, khi xây dựng được vùng nguyên liệu rộng lớn, hướng dẫn người dân thành thục trong việc canh tác theo tiêu chuẩn kỹ thuật của Nhật Bản, họ mới xuất khẩu gạo sang phân khúc thị trường cao cấp hơn như Nhật Bản và Hàn Quốc.

Mặc dù việc xuất khẩu gạo Japonica sang Nhật Bản sẽ gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt do hiện nay thị trường này được “chiếm giữ” bởi các nước có trình độ nông nghiệp rất phát triển như Úc, Mỹ, Thái Lan, nhưng ông Lê Huy Hàm khá lạc quan cho rằng, với mối quan hệ hợp tác lâu dài trong sản xuất và nghiên cứu, các doanh nghiệp Nhật sẽ mua gạo Việt Nam. Trong tương lai, khi tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương – TPP, Nhật Bản phải cân nhắc giữa hai khả năng: hoặc xóa bỏ thuế xuất nhập khẩu hoặc tăng lượng gạo nhập khẩu đối với các nước thành viên. Vì vậy nhiều doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tới Việt Nam sản xuất lúa gạo để giảm giá thành. Anh Akira Ichikawa, Tổng giám đốc chi nhánh Công ty Lương thực Seibu Nousan tại Việt Nam (chuẩn bị trồng gạo Japonica ở Việt Nam để xuất khẩu) cho biết, nước ta đang  đứng thứ hai về số lượng du học sinh và người xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, nên thông qua mối quan hệ với nhân viên, ngày càng nhiều các chủ doanh nghiệp Nhật muốn tìm kiếm cơ hội hợp tác với Việt Nam. Anh cũng nói rằng, Việt Nam đang có cơ hội giành thị phần xuất khẩu gạo Japonica từ Mỹ do diện tích đất nông nghiệp của nước này năm 2015 giảm 30% vì tình trạng hạn hán nghiêm trọng tại California.

Tuy việc xuất khẩu gạo Japonica sang Nhật Bản và Hàn Quốc là tiềm năng nhưng đây là hai thị trường rất khó tính, đặc biệt là thị trường Nhật Bản. Ở Việt Nam, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo sang Nhật đều nằm ở tỉnh An Giang và phải liên kết với đại diện các tập đoàn nông sản lớn của Nhật tại Việt Nam. Năm 2012, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) đã trúng thầu xuất khẩu 30.000 tấn gạo Japonica sang Nhật. Để làm được điều này, họ phải đảm bảo mỗi hạt gạo đáp ứng hơn 600 tiêu chuẩn về dư lượng hóa chất1. Theo anh Akira Ichikawa, tính khắt khe của các cơ quan Nhật Bản nằm ở khâu kiểm định dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Trong khi Nhật Bản đưa ra hai danh sách gồm Positive List (những chất được có trong sản phẩm dưới liều lượng cho phép) và Negative List (những chất cấm trong sản phẩm) với hàng trăm tên chất phụ gia và các thành phần trong thuốc bảo vệ thực vật thì những thị trường dễ tính hơn (như Hồng Công và Singapore) chỉ có Negative List.

Doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo

Việc quảng bá thương hiệu gạo Việt Nam trong các thị trường cao cấp như Nhật Bản  phụ thuộc rất lớn vào sự tham gia của doanh nghiệp. Tìm kiếm phân khúc thị trường, đăng kí nhãn hiệu, quảng bá nhãn hiệu chỉ là một khâu nhỏ, ít khó khăn hơn so với việc trả lời câu hỏi, làm sao để gạo Việt Nam đáp ứng đủ những tiêu chuẩn xuất khẩu bao gồm cả về chất lượng và dư lượng hóa chất (trong đó, chất lượng gạo không chỉ nằm ở giống cây trồng mà còn nằm ở khâu chế biến, bảo quản). Những yêu cầu này, phụ thuộc rất lớn vào khả năng tổ chức canh tác sản xuất và trình độ máy móc của doanh nghiệp.

Anh Akira Ichikawa đưa ra hai nguyên nhân chính khiến gạo Việt Nam chưa vào được thị trường Nhật bao gồm: Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; tỉ lệ gạo Indica (gạo hạt dài) bị lẫn trong gạo Japonica cao (hơn 17%). Hai nguyên nhân này là do thói quen sản xuất manh mún, nhỏ lẻ của người nông dân, những gia đình có ruộng gần nhau trồng những loại gạo khác nhau dẫn đến gạo thu hoạch lẫn lộn Japonica và Indica. Ngoài ra, người dân thường phun thuốc bảo vệ thực vật ngay trước thời điểm thu hoạch và đa số sử dụng thuốc của Trung Quốc với nồng độ cao nên dẫn đến dư lượng hóa chất lớn. Một điểm quan trọng khác mà các doanh nghiệp Nhật không đồng tình với các doanh nghiệp Việt Nam, đó là thu mua gạo để bán và xuất khẩu thông qua thương lái nên dù sử dụng máy móc để chọn lựa các hạt gạo cùng kích cỡ, vẫn không thể kiểm soát được nguồn gốc xuất xứ và chất lượng sản phẩm.

Để khắc phục những nhược điểm trên, chỉ có cách duy nhất là doanh nghiệp liên kết hợp tác sản xuất chặt chẽ với người nông dân, kiểm soát toàn bộ quy trình sản xuất bao gồm từ khâu chọn giống, phát thuốc bảo vệ thực vật, hướng dẫn người dân phun thuốc đúng thời điểm cho đến việc lưu trữ, bảo quản và chế biến (trước đó, các doanh nghiệp còn phải phân tích mẫu đất, nguồn nước để xử lý kim loại nặng và khảo nghiệm giống để tìm kiếm giống có năng suất và khả năng chống chịu cao nhất với khí hậu Việt nam). Hiện nay, theo khảo sát thị trường của Seibu Nousan Việt Nam, chỉ có 5% doanh nghiệp bán gạo Japonica ở nước ta sử dụng phương thức này, còn lại là thu mua qua thương lái.

Việc liên kết, hợp tác sản xuất với người nông dân có thể thực hiện theo hai cách: Cách thứ nhất, doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu riêng (cánh đồng mẫu lớn) bằng cách ký hợp đồng với từng hộ nông dân và kiểm soát quy trình canh tác của họ trực tiếp bằng đội ngũ kĩ sư nông nghiệp. Đây là cách mà các doanh nghiệp xuất khẩu gạo sang Nhật tại An Giang đang thực hiện khá bài bản. Cách thứ hai, doanh nghiệp liên kết với các hợp tác xã để sản xuất. Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình đang thực hiện theo phương thức này. Theo đó, cách thứ hai được đánh giá là mang lại hiệu quả lớn và bền vững hơn, đồng thời giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp.
————–
1 http://www.thesaigontimes.vn/99685/Vi-sao-gao-Viet-kho-vao-thi-truong-Nhat.html

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)