Xây dựng hạ tầng cơ sở thông tin KHCN hiện đại

Một lĩnh vực thiết yếu đối với toàn bộ nền KHCN mà cho đến nay vẫn chưa có được đầu tư, xây dựng và phát triển bền vững đúng mức không chỉ từ phía giới quản lý mà còn từ chính cộng đồng đội ngũ KHCN của đất nước, Đó là việc xây dựng và phát triển hạ tầng cơ sở thông tin KHCN hiện đại

Mặc dù ai cũng hiểu là làm nghiên cứu khoa học, tiếp thu hoặc sáng chế, phát minh công nghệ mới hoàn toàn không khả thi nếu không có tham khảo sử dụng thông tin, tri thức chuyên môn hiện đại trong những lĩnh vực tương ứng, khâu quan trọng này của quá trình nghiên cứu hoàn toàn không dễ dàng trong điều kiện hạ tầng cơ sở (HTCS) thông tin KHCN hiện nay ở Việt Nam. HTCS được bàn ở đây trong nghĩa rộng, không chỉ bao gồm cơ sở vật chất cho lưu trữ và phổ biến thông tin KHCN như các thư viện, trung tâm thông tin… ở các đơn vị KHCN mà còn phải xét đến lực lượng nhân lực khoa học thông tin (information science)1. Theo đúng bản chất của khoa học thông tin (KHTT) thì đội ngũ nhân lực này thực sự rất yếu, đúng hơn là không có ở Việt Nam. Khác với vai trò thủ thư truyền thống ở các thư viện, nhân lực KHTT phải được đào tạo bài bản trong quản lý và vận hành cơ sở thông tin KHCN chuyên ngành cũng như có khả năng kết nối các chuyên gia KHCN với các nguồn thông tin chuyên sâu cần thiết. Hơn thế nữa, nhân lực KHTT ở các quốc gia có nền KHTT phát triển cũng thường xuyên có mặt trong đội ngũ chuyên gia tư vấn cho những hoạt động điều hành và quản lý KHCN, cũng như các lĩnh vực kinh tế xã hội khác 2. Thực tế hiện nay ở Việt Nam là nhiều quyết sách, quyết định (decision making) cho các hoạt động nghiên cứu và triển khai KHCN vẫn được thông qua trên cơ sở tư vấn của các hội đồng chuyên gia các cấp mà thường còn mang tính chủ quan, thiếu sự tham khảo nghiêm túc và sử dụng khách quan những dữ liệu thông tin KHCN quốc tế. Kết quả là có đề tài, dự án được đầu tư không nhỏ từ ngân sách nhà nước nhưng chỉ để triển khai thí nghiệm nghiên cứu những vấn đề mà đã được cộng đồng KHCN quốc tế giải quyết từ nhiều năm trước. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin ở các cấp thường chỉ tham gia vào những hoạt động liên quan tới thông tin KHCN đại chúng như phổ biến kiến thức thường thức trên báo chí hay tổ chức hội chợ và triển lãm KHCN… Rõ ràng, việc xây dựng đội ngũ nhân lực KHTT cho các lĩnh vực KHCN trọng điểm là một trong những vấn đề cấp bách phải được bàn đến trong đề án tái cơ cấu nền KHCN nước nhà. Quá trình này cần được tiến hành một cách bài bản, với tinh thần hội nhập quốc tế cao nhất.

Ngoài đội ngũ nhân lực KHTT, cơ sở hạ tầng thông tin KHCN trong thế kỷ 21 không còn chỉ là những tòa nhà thư viện với sưu tầm các phiên bản in của các sách, tài liệu và tạp chí chuyên ngành KHCN mà còn bao gồm các cơ sở dữ liệu thông tin điện tử tham khảo online. Với sự phát triển mạnh mẽ của internet và công nghệ thông tin, việc cập nhật, tra cứu, tham khảo và sử dụng thông tin KHCN hiện nay đã hoàn toàn khác phương pháp sử dụng thư viện truyền thống trước đây, trong thời đại tiền internet. Cho đến nay, mỗi lĩnh vực chuyên sâu của KHCN đều có tập hợp những phiên bản điện tử các sách, tạp chí chuyên ngành được xuất bản bởi các nhà xuất bản nổi tiếng trên thế giới và những người làm nghiên cứu khoa học hay sáng chế, phát minh công nghệ đều có thể cập nhật cho mình những dữ liệu thông tin và tri thức khoa học cần thiết được tích lũy từ đầu Thế kỷ 20 cho đến nay. Ngoài ra, còn phải kể đến những cơ sở dữ liệu online lớn phục vụ riêng cho những chuyên ngành KHCN quan trọng như khoa học và công nghệ hạt nhân, công nghệ điện tử, vật liệu… Tùy vào trình độ phát triển KHCN mà các quốc gia trên thế giới cũng có những cách tiếp cận khác nhau đối với việc xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin KHCN online của mình. Thí dụ, trong lĩnh vực khoa học hạt nhân, các quốc gia đã và đang phát triển điện hạt nhân cũng như những ứng dụng bức xạ hạt nhân trong y tế, công nghiệp và nông nghiệp… đều đặt việc xây dựng cơ sở dữ liệu hạt nhân là một trong những việc đầu tiên phải làm. Hiện nay ở Hoa Kỳ, ngoài một Trung tâm Dữ liệu hạt nhân Quốc gia ở Brookhaven, còn có chương trình dữ liệu hạt nhân của chính phủ liên bang đặt dưới sự giám sát của Bộ trưởng Bộ Năng lượng nhằm luôn duy trì khả năng tiên phong của nền KHCN hạt nhân Hoa Kỳ; các quốc gia có nền KHCN hạt nhân phát triển ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… đều có cơ sở dữ liệu hạt nhân của riêng mình. Những cơ sở dữ liệu hạt nhân quốc gia này được kết nối chặt chẽ trong mạng lưới của Tổ chức năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA, giúp phục vụ việc phát triển KHCN hạt nhân toàn cầu. Việt Nam là một quốc gia có chiến lược phát triển KHCN hạt nhân từ những thập kỷ 70 – 80 của thế kỷ trước nhưng cho đến nay vẫn chưa xây dựng được một cơ sở dữ liệu hạt nhân của mình (dù chỉ là một mạng lưới thông tin kết nối online, giúp đỡ cộng đồng các nhà khoa học hạt nhân hay các hội đồng chuyên gia ngành năng lượng nguyên tử cập nhật, tra cứu, tham khảo và sử dụng tối ưu các nguồn dữ liệu hạt nhân quốc tế). Các hoạt động thông tin trong lĩnh vực KHCN hạt nhân ở Việt Nam thường chỉ tập trung vào việc phổ biến kiến thức hạt nhân thường thức và tham gia tổ chức các triển lãm công nghệ điện hạt nhân… Đã nhiều lần việc nghiêm túc xây dựng một cơ sở dữ liệu hạt nhân quốc gia đã được nêu ra với giới quản lý ngành nhưng đều không đến được quyết định cụ thể nào với lý do thiếu nguồn nhân lực KHTT và tài chính cần thiết. Trong khi đó, hàng trăm tỷ đồng lại dễ dàng được lãnh đạo ngành thông qua cho công việc tuyên truyền thông tin, giới thiệu về điện hạt nhân. Rõ ràng đây là một nghịch lý thể hiện cách tiếp cận không chuyên nghiệp và thiếu hội nhập của chúng ta trong quá trình phát triển KHCN hạt nhân.

Quay trở lại với những nguồn dữ liệu điện tử của các sách, tạp chí chuyên ngành của các nhà xuất bản KHCN uy tín trên thế giới mà thường phải đóng phí mới được phép truy cập online, đây là HTCS thông tin khoa học thiết yếu nhất đối với cộng đồng các nhà khoa học đang miệt mài nghiên cứu trong tất cả các lĩnh vực khoa học cơ bản và ứng dụng. Trong Thế kỷ 21, sự cần thiết của nguồn dữ liệu điện tử các sách, tạp chí chuyên ngành đối với các nhà nghiên cứu khoa học hay phát minh sáng chế công nghệ đã trở thành nhu cầu không thể thiếu được như nhu cầu điện và nước sạch đối với cuộc sống dân sinh hằng ngày. Tuy nhiên, với nền KHTT trong nước chưa được phát triển và thiếu sự quan tâm chính đáng từ phía lãnh đạo KHCN, cho đến nay chúng ta vẫn chưa có chiến lược đầu tư nghiêm túc cho lĩnh vực này. Kết quả là nhiều cơ sở KHCN trong nước, cũng như một số trường đại học công lập không thể có nguồn tài chính thường xuyên để chi mua quyền truy cập online các sách, tạp chí chuyên ngành cần cho tập thể các nhà nghiên cứu khoa học cũng như nghiên cứu sáng chế và phát minh công nghệ. Cách đây 6 năm, do có khuyến cáo tập thể của nhiều nhà khoa học đầu ngành từ các trường đại học và viện nghiên cứu trong nước trên tạp chí Tia Sáng, lãnh đạo Bộ KH&CN đã quyết định chi một phần kinh phí hoạt động thường xuyên của Cục Thông tin KH&CN Quốc gia (NASATI) cho việc mua quyền truy cập các nguồn dữ liệu điện tử của nhiều sách và tạp chí KHCN chuyên ngành cho các bạn đọc online. Quyết định quan trọng đó của lãnh đạo Bộ KH&CN đã được cộng đồng các nhà nghiên cứu (đặc biệt các bạn đọc online từ xa) đánh giá rất cao, góp phần mang lại niềm phấn khởi thực sự động viên các hoạt động nghiên cứu khoa học. Đã tưởng rằng đây là bước đi đầu tiên trong một chương trình đầu tư tổng thể, lâu dài và thường xuyên để duy trì HTCS thông tin KHCN hiện đại cho toàn thể cộng đồng khoa học, nhưng giới bạn đọc online của thư viện điện tử NASATI đã thực sự thất vọng khi thấy việc mua bản quyền truy cập tới nhiều sách và tạp chí quan trọng đã bị dừng lại do thiếu kinh phí. Hơn nữa cũng đã có những ý kiến sai lệch là các nguồn thông tin KHCN online phần lớn chỉ cần cho nghiên cứu khoa học cơ bản. Theo thống kê đánh giá của Viện Thông tin khoa học ISI Thompson Reuters, năm 2014 có 11.719 tạp chí chuyên ngành khoa học kỹ thuật khác nhau được đưa vào bảng xếp hạng tạp chí ISI và trong đó chỉ khoảng 25% là các tạp chí thuộc các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, còn lại là các tạp chí chuyên ngành ứng dụng kỹ thuật khác nhau (từ kỹ thuật điện, công nghệ động cơ ô tô cho đến các quy trình nuôi dưỡng lạc đà, nung chế gốm sứ…). Với vai trò của thông tin KHCN online chưa được hiểu rõ và đánh giá đúng mực như hiện nay, Việt Nam chắc còn lâu mới có được vị trí đáng kể trong bảng xếp hạng công trình khoa học cũng như phát minh sáng chế của thế giới. Việc nhiều nhà khoa học (kể cả tác giả bài này) ở các cơ sở KHCN cũng như các giáo sư và sinh viên ở nhiều trường đại học công lập phải tìm cách truy cập online sách và tạp chí chuyên môn qua những trang mạng trung gian bất hợp pháp (thiếu bản quyền) là một hiện trạng thực sự đáng buồn đối với Việt Nam, một quốc gia có GDP đang tiến dần tới ngưỡng 200 tỷ USD, cùng với mục tiêu xây dựng một nền kinh tế theo hướng công nghiệp hiện đại và KHCN phát triển. 
———–
Tài liệu tham khảo
1 https://en.wikipedia.org/wiki/Information_science
2 E.C. McNie, Reconciling the supply of scientific information with user demands: an analysis of the problem and review of the literature, Environmental Science & Policy10 (2007) 17.

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)