Xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh

Nhìn lại lịch sử Việt Nam, trong thời gian chiến tranh, điều kiện đời sống cũng như điều kiện kinh tế còn khó khăn hơn hiện nay rất nhiều nhưng tại sao chúng ta vẫn có những nhà khoa học lớn, những con người mà ngày nay nhắc đến tên tuổi của họ, ai cũng phải kính trọng như cố Giáo sư Tạ Quang Bửu, Tôn Thất Tùng, Trần Đại Nghĩa, Lê Văn Thiêm… và đương thời là Giáo sư Hoàng Tụy. Họ đều có chung một điểm, đó là tinh thần dấn thân trong nghiên cứu khoa học.

Để có được những thành công trong nghiên cứu, các nhà khoa học thế hệ chúng tôi cũng cần phải có tinh thần dấn thân, tinh thần dám nghĩ dám làm, dám đi tiên phong để theo đuổi bằng được mục tiêu nghiên cứu của mình. Ai cũng biết rằng, muốn thực hiện tốt mục tiêu nghiên cứu dài hạn phải có một nhóm nghiên cứu đủ mạnh và phải có đủ kinh phí để thực hiện (dĩ nhiên hướng nghiên cứu đó phải được xác định một cách cẩn trọng). Và như vậy, bất cứ nhà khoa học nào cũng phải tự tay gây dựng nhóm nghiên cứu của mình và thúc đẩy sự phát triển của nó.

Nhưng làm cách nào để nhóm nghiên cứu phát triển và trở thành nhóm nghiên cứu mạnh? Rõ ràng yếu tố quan trọng nhất vẫn nằm ở người đứng đầu – trưởng nhóm nghiên cứu. Có nhiều tiêu chuẩn đối với nhà khoa học ở vị trí quan trọng này nhưng theo tôi, yếu tố quan trọng nhất vẫn là năng lực nghiên cứu ở tầm quốc tế và khả năng tìm nguồn đầu tư dài hạn cho nhóm nghiên cứu của mình. Với điều kiện nguồn kinh phí đầu tư cho khoa học ở Việt Nam vẫn còn hạn hẹp, nên tìm nguồn từ các quỹ tài trợ quốc tế ở châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc… và thêm vào đó là nên kiên nhẫn theo đuổi các dự án R&D của doanh nghiệp trong và ngoài nước. Kinh phí đầu tư cho nghiên cứu ở các quỹ quốc tế khá lớn, đặc biệt là có các quỹ đầu tư cho các dự án nghiên cứu ở các nước đang phát triển như Việt Nam với quãng thời gian thực hiện tương đối dài. Để có được kinh phí theo đuổi các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn thông qua nghiên cứu, trưởng nhóm cần có “chính sách xin kinh phí gối đầu” với các quỹ tài trợ quốc tế với việc xin gia hạn dự án, bổ sung thêm dự án với những nội dung mới vào thời điểm năm thứ ba thực hiện. Như vậy, các nhóm nghiên cứu sẽ hạn chế phần nào rủi ro dựa vào các dự án nghiên cứu ngắn hạn. Tuy nhiên việc thuyết phục thành công các quỹ tài trợ đồng ý rót tiền cho các ý tưởng khoa học sẽ phụ thuộc phần lớn vào các nhà khoa học đầu mối và tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực chuyên môn của họ.

Thông qua nguồn tài trợ quốc tế, các nhà khoa học sẽ có khả năng gây dựng nhóm nghiên cứu và thúc đẩy nó phát triển. Khi diện mạo hình thành với những sản phẩm là các công bố trên các tạp chí ISI, sáng chế và sản phẩm ứng dụng, các nhóm nghiên cứu sẽ có cơ hội được những nguồn tài trợ trong nước quan tâm đầu tư. Như vậy, phía tài trợ sẽ bớt băn khoăn rằng rót kinh phí đầu tư cho nhóm nghiên cứu nào và làm cách nào để nguồn kinh phí ấy được sử dụng một cách hiệu quả.

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)