Đón đọc Tia Sáng số 10 năm 2022

Tia Sáng số mới chào bạn đọc,

Thế giới ngày hôm nay chúng ta đang sống đã được bắt rễ từ thế giới của ngày hôm qua, nơi cũng đón nhận những giá trị đẹp đẽ từ “quá khứ của quá khứ”. Dòng chảy giá trị ấy được nối tiếp liền mạch, hòa quyện với dòng chảy thời gian, tưởng chừng chỉ trôi đi mải miết không ngừng nhưng lại chuyên chở và gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống… Đó là lý do vì sao chúng ta còn tồn tại ngày hôm nay, trong tâm thế vừa đón nhận những thành tựu mới của thế giới hiện đại lại vừa mang theo những giá trị truyền thống.
Với suy nghĩ như vậy, Tia Sáng số mới giới thiệu với bạn đọc “Tài liệu lưu trữ quốc gia: Việc công bố trong hoàn cảnh hiện nay” của nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh. Sau khi nhìn toàn cảnh về số phận của tài liệu lưu trữ quốc gia của Việt Nam kể từ thời kỳ đầu dựng nước cho đến trước năm 1975, khi những cuộc chiến tranh loạn lạc và biến động xã hội đã tàn phá hệ thống tài liệu lưu trữ quốc gia, ông phân tích về việc công bố những tài liệu đó. “Việc Chính phủ phê duyệt Chương trình Công bố tài liệu lưu trữ quốc gia phục vụ xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ chủ quyền đất nước mang giá trị như sự mở đầu cho một thay đổi to lớn và sâu sắc trong hoạt động lưu trữ nên cần được nhận thức một cách toàn diện và thực hiện một cách nghiêm túc, để nó có thể tác động tích cực không những tới quá trình hiện đại hóa của chính ngành lưu trữ mà còn tới công tác sử liệu vốn còn yếu kém suốt nhiều năm nay của nền sử học hiện đại Việt Nam”.
Ý nghĩa của hoạt động này không chỉ bao phủ phạm vi hoạt động của ngành lưu trữ mà tác động rộng lớn đến nhiều ngành nghề, tác động đến xã hội theo cách: “mở rộng không gian thông tin, nâng cao nhận thức lịch sử của người dân, tránh rơi vào lối mòn độc quyền giác ngộ, che dấu sử liệu…”.
Như vậy, chúng ta không thể sống trong hiện tại mà không có mối liên hệ nào với quá khứ. PGS. TS Nguyễn Văn Huy, một người gắn bó với di sản nhiều năm qua, đã chia sẻ với Tia Sáng những suy nghĩ của ông về di sản Hà Nội. Trong làn sóng “đập cũ, thay mới” đang diễn ra ở Hà Nội hay nhiều nơi khác, ông đau xót vì chúng ta không bảo tồn được di sản, khi ký ức lần lượt rời chúng ta. Sự thờ ơ với di sản hoặc nếu quan tâm thì chỉ thấy chúng ở khía cạnh tài sản khiến chúng ta sẽ ngày một nghèo đi… Tuy nhiên, việc gìn giữ chúng, ngoài giá trị tinh thần, chúng ta sẽ được gì? Nếu có cái nhìn rộng mở hơn và đem lại cho chúng một đời sống mới, ắt hẳn chúng ta sẽ không chỉ gặt hái được những giá trị tinh thần mới mà còn để “di sản nuôi di sản” một cách đàng hoàng…
Những câu chuyện khơi gợi những giá trị tích cực trong đời sống hôm nay, dù nhỏ bé trong một xã hội rộng lớn và vận động không ngừng nhưng lại mang cho chúng ta những tia hi vọng. Ở nơi mà nhiều khi, người ta vẫn bị lung lạc bởi giá trị vật chất hay dùng thước đo tiền bạc để đánh giá, tia hi vọng về những gì tốt đẹp của hôm nay và cả ngày mai, khiến lòng người không khỏi xúc động.
Đó là nỗ lực bền bỉ trong 20 năm của giáo sư Cao Chi, bất chấp những thăng giáng của thời gian và thời cuộc, tập hợp trong sáu cuốn sách những vấn đề thời sự của nhiều chuyên ngành khác nhau từ vũ trụ học, lỗ đen, hạt cơ bản, các lý thuyết thống nhất, lý thuyết tai biến, hạt nhân, môi trường đông đặc, cơ học lượng tử, toán học sinh học trong vật lý… đến các vấn đề triết học, lý thuyết hiện sinh, phân tâm học… Với một nhà vật lý đương ở tuổi sung sức nghiên cứu, hoàn thành một bộ sách như vậy ắt phải dày công khó nhọc, nói chi đến sự tận tâm của một nhà nghiên cứu đã ở tuổi ngoài 90. “Tôi nói hơi mạnh tay một tí là nếu ai đó theo dõi bộ sách của tôi thì sẽ dễ tiếp cận các vấn đề vật lý hiện đại hơn bởi đã có được những hiểu biết nhất định rồi”, giáo sư Cao Chi từng chia sẻ như vậy về bộ sách.
Đó là tâm huyết của Lê Ngọc Anh và Nguyễn Tuấn Anh cùng những người bạn yêu âm nhạc cổ điển, đặc biệt tác phẩm của nhà soạn nhạc Berlioz, trong dịch thuật và giới thiệu với các bạn đọc Việt Nam cuốn “Hồi ký của Berlioz”. Bản thân việc xuất bản một cuốn sách về nhạc cổ điển, và về một nhà soạn nhạc còn ít được biết đến ở Việt Nam, đã nói lên sự dũng cảm của những người dịch cũng như những khó khăn mà họ đã từng bước vượt qua…
Với niềm vui của những người đọc, những người yêu văn hóa khi tìm thấy những hạt ngọc như thế, chúng ta sẽ còn được chia sẻ những hạt ngọc hiểu biết mới “Bảo vệ dữ liệu dựa trên an ninh quốc gia: Mô hình thứ ba trong quản lý dữ liệu” (Nguyễn Hồng Hải Đăng), “Lộn trái quyền riêng tư: Một cách tiếp cận hiệu quả hơn?” (Huỳnh Thiên Tứ), Thạch Chính Lệ và nguồn gốc COVID-19 (Kỳ 2) (Phạm Vĩnh Anh dịch); “Phòng chống tự sát: Một nỗ lực liên ngành” (Phạm Thị Thu Hường); “Tự tử và trách nhiệm của truyền thông” (Lê Vũ Phương Thủy); “Gia tộc trà Mariage Frères và dấu ấn của trà Việt” (Nguyễn Thanh Hằng); “Câu chuyện Hội An” (Thái Kim Lan)…
Vậy thì ngại ngần gì chúng ta không ngồi xuống và cầm một tờ Tia Sáng trên tay!
BBT
—————————-
Tất cả những ai quan tâm và yêu quý Tia Sáng đều có thể đăng ký mua bản giấy, bản PDF và đọc thử các số Tia Sáng trước tại đây: https://bit.ly/DatmuaTiaSang

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)