Đón đọc Tia Sáng số 10 tháng 5/2023
Điều gì chờ đợi chúng ta, trong số báo này?
Những khuôn gạch vỡ, gờ tường rạn nứt và cấu trúc xô lệch…, tất cả những điều đó gợi mở cho chúng ta biết bao điều về quá vãng, di sản kiến trúc trong lòng đô thị và đời sống đô thị hôm nay.
Những xúc cảm mà những ngày qua chỉ chực chờ trào lên, khi dư luận xôn xao về việc trùng tu biệt thự kiến trúc Pháp cổ ở 49 Trần Hưng Đạo, góc giao giữa Trần Hưng Đạo và Hàng Bài. Tình cảm của người dân đô thị dành cho khối kiến trúc này, cùng với những di sản kiến trúc Pháp cổ trong lòng Hà Nội và những thành phố khác, cho thấy một điều: chưa bao giờ, người ta có thể bày tỏ suy nghĩ của về di sản của thành phố này một cách trực diện đến thế và nhiều chiều đến thế.
“Bảo tồn kiến trúc Pháp ở Hà Nội: Trường hợp biệt thự Trần Hưng Đạo” chia sẻ một dòng suy nghĩ khác của người trong cuộc, Emmanuel Cerise, giám đốc Cơ quan Hợp tác quốc tế Vùng Paris, nơi trực tiếp tham gia vào quá trình trùng tu kiến trúc Pháp Hà Nội cùng đối tác Việt Nam: “Di sản kiến trúc của nửa đầu thế kỷ 20 không phải là sự tích tụ của những tòa nhà biệt lập, mà được hiểu là di sản đô thị, là một hệ thống đô thị có ý nghĩa với không gian công cộng, đặc biệt là vỉa hè rộng và hàng cây xanh”. Do đó, “điều cần thiết là phải có một tầm nhìn đô thị về tương lai cho các lĩnh vực di sản, không bị trói buộc trong quá khứ, mà ngược lại, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển đô thị và kinh tế của thành phố Hà Nội”.
Mục tiêu của dự án trùng tu thu hút sự quan tâm của nhiều người vừa qua, theo ông là nâng cao giá trị tổng thể khu biệt thự và tạo thành một tòa nhà mẫu của kiến trúc Pháp tại Hà Nội, một trung tâm diễn giải di sản thế kỷ 20.
Quá trình trùng tu tòa biệt thự, không đơn thuần là phục hồi sức sống của một kiến trúc đã bị hư hại và xuống cấp, mà còn quá trình ngược dòng quá khứ để hiểu về những suy nghĩ, lựa chọn và giải pháp của các kiến trúc sư: người ta không bê nguyên xi một bản vẽ có sẵn ở Pháp mà có những tùy chỉnh, sáng tạo về cả cấu trúc lẫn vật liệu phù hợp với không gian nhiệt đới. Kiến trúc này mang sức sống riêng, năm tháng đem lại cho nó một tâm hồn Hà thành…
Câu chuyện của tòa biệt thự Trần Hưng Đạo cho chúng ta thấy một điều: đằng sau mỗi công trình, mỗi lá cây ngọn cỏ đều mang dấu ấn của nơi chúng tồn tại. Vì vậy, việc sử dụng hay loại bỏ nó cần được dựa trên những hiểu biết sâu sắc.
Đó là lý do khi nhìn vào vỉa hè đô thị, dẫu ở TPHCM hay Hà Nội, Annette Kim đã tìm thấy “Tâm hồn của vỉa hè”, một không gian công cộng mà ai cũng thấy một phần của mình ở đó, và nơi “chỉ có thể được điều phối bằng các hoạt động thường nhật, dựa trên các quy chuẩn xã hội, từ dưới lên. Văn hóa, mối quan hệ hàng xóm láng giềng, sự thỏa hiệp, đều đóng góp vào ‘lực lượng’ điều khiển không gian công cộng đặc biệt này”.
Không thể kiểm soát vỉa hè bằng mệnh lệnh từ trên xuống. “Tính luẩn quẩn của những chiến dịch giải tỏa vỉa hè cộng với lịch sử vững chắc và bền bỉ của sự phi chính thức trên vỉa hè đòi hỏi nếu thay đổi những quy tắc trên đó sẽ cần một quá trình tái thiết xã hội rộng hơn”.
Câu chuyện sống bám vào vỉa hè của những người bán hàng rong không phải chỉ là làm xấu hay mất trật tự đô thị, ở một góc nhìn khác “đời sống vỉa hè Sài Gòn là một phần tạo nên cá tính và là tài sản của thành phố này”.
Đô thị cũng chính là nơi tiếp nhận những luồng văn hóa mới. Trong lòng đô thị mấy thập niên trước, những mạch ngầm văn hóa ‘ngoại lai’ âm thầm tồn tại với một niềm tin vào một ngày mai, dòng ngầm sẽ được hòa nhịp với dòng chủ lưu. “Một dòng chảy khác” không chỉ là câu chuyện về sự tồn tại bền bỉ của Jazz ở Việt Nam hay câu chuyện về cuộc đời Quyền Văn Minh, người dành cả cuộc đời để tận hiến cho Jazz, bất chấp những xô đập trầm luân giữa một xã hội đang chuyển đổi, mà còn là những cái nhìn sâu sắc hơn về những khía cạnh của đời sống văn hóa một quốc gia và những va đập của nó với thế giới bên ngoài.
Tia Sáng số này, không chỉ tập trung vào cuộc sống đô thị và di sản đô thị, mà còn có cả vô vàn những câu chuyện khác, những vấn đề nếu chúng ta vô tình bỏ lỡ sẽ là một điều đáng tiếc. Có lẽ, thật khó bỏ lỡ những câu chuyện ấy, ngay khi chỉ mới chạm vào, bởi đó là những bài viết với cái nhìn sâu sắc về cuộc sống hôm nay, và cả ngày mai mà ai cũng dự phần: “FDI Việt Nam: Ngắn, trung và dài hạn” (Phạm Hoàng Văn), “Kinh tế chăm sóc trong bối cảnh già hóa dân số nhanh: Cơ hội ở đâu?” (Thu Quỳnh); “Chủ quyền kỹ thuật số và bảo vệ dữ liệu cá nhân: Bài học từ Tik Tok” (Ngô Nguyễn Thảo Vy); “Nhà toán học Laurent Schwartz: Người bạn thiên tài của Việt Nam” (Pierre Darriulat); “Nhà vật lý lượng tử khiêu vũ cùng robot” (Nguyễn Bá Ân); “Lắng nghe tiếng vọng từ trái đất và vũ trụ” (Thanh Hương tổng hợp); “Mâu thuẫn của bảo tồn” (Nguyễn Đắc Thành); “Lối ra nào giữa ma trận dịch vụ khai vấn? (Đặng Hoàng Ngân); “Grace Bumbry – Venus đen của sân khấu opera” (Ngọc Tú).
Vậy tại sao chúng ta không cầm Tia Sáng số này trên tay?
BBT