Đón đọc Tia Sáng số 10 tháng 6/2024

Số báo này sẽ kể câu chuyện gì với chúng ta?

Trong vài thập niên trở lại đây, biến đổi khí hậu, đô thị hóa, sự chuyển đổi mục đích sử dụng đất, ô nhiễm môi trường, nhu cầu nước, năng lượng… đã đặt rất nhiều thách thức cho các con sông Việt Nam. Chúng ta không ngờ rằng, niềm vui ở thế chiến thắng và chế ngự tự nhiên “Bạt núi đồi ta moi đất tìm gang; Ngăn thác lũ, ta bắt sông làm điện”, theo dòng thời gian, đã đặt ra những hệ quả liên thế hệ.

Bởi tưởng chừng câu chuyện xây hồ chứa, làm đập thủy điện trên những dòng sông đẹp đẽ, dồi dào sức mạnh để giải tỏa cơn khát năng lượng chỉ toàn những điều có lợi. Ai ngờ, mặt trái của đồng xu chỉ được làm rõ sau vài thập kỷ. “Những dòng sông vĩnh viễn đổi thay” (Thu Quỳnh) mở ra cho chúng ta thấy những điều mà con nước trên các sông Hồng, Cửu Long, Vu Gia – Thu Bồn… mới chỉ hé lộ cho các nhà nghiên cứu. Bao năm nước vẫn chảy qua cầu nhưng giờ con nước đã khác. Con nước đói phù sa do bị giữ lại ở các đập thủy điện, lòng sông rỗng cát vì nạn khai thác quá mức đã buộc những dòng sông “đỏ nặng phù sa” không còn là chính mình, thậm chí trở thành những hung thần rút chân các đồng bằng châu thổ, phá tan hoang những triền đê, phá hủy nhà cửa, ruộng vườn. “Cơn cuồng nộ của nước dần nuốt mất những ngôi làng biển, nơi cư ngụ của cư dân vạn chài và những bờ bãi trong bảy xã ven biển từ Thịnh Long đến Hải Lý, vùng được sông Hồng bồi đắp hình thành mấy trăm năm trước”.

Sự cân bằng của các con sông bị phá vỡ còn dẫn đến nhiều hệ lụy khác. “Giờ đây ngành nông nghiệp đang phải chạy đuổi theo những hệ quả của việc suy thoái và biến dạng lòng sông, mỗi phân ngành của ngành nông nghiệp, từ công tác đê điều, thủy lợi cho tới điều tiết mùa vụ trồng trọt là một đầu mối của cuộc chạy tiếp sức mà đầu mối nào cũng cần tới nguồn ngân sách khổng lồ”.

“Sự thật thì hiếm khi thuần chất và chưa bao giờ đơn giản”, Oscar Wilde đã từng nói như vậy. Để đưa ra những khuyến nghị với các nhà hoạch định chính sách, các nhà khoa học đã phải mất 20 năm nghiên cứu, tìm bằng chứng. Dẫu tương lai thì bất định nhưng không phải không có giải pháp. Các phương án quản lý dựa vào tự nhiên (nature-based solutions) sẽ là cách để hóa giải những vấn đề mà “những dòng sông vĩnh viễn đổi thay” đang đặt ra.

Câu chuyện về thủy điện cũng khiến chúng ta phải dành nhiều thời gian hơn cho năng lượng. Để đáp ứng chu cầu năng lượng cho một đất nước đang phát triển và hội nhập quốc tế, có lẽ bài toán về thị trường điện hay giá điện cũng cần được tính đến một cách thấu đáo. “Thị trường điện tự do: Lựa chọn duy nhất?” (TS. Thái Doãn Hoàng Cầu), “Giá điện hai thành phần: Watts cũng quan trọng như Joules” (TS. Minh-Hà Dương) giúp chúng ta hình dung rõ hơn về những gì đang diễn ra trên thị trường điện còn sơ khai ở Việt Nam cũng như phân định đúng hơn về những bàn cãi quanh mô hình thị trường điện tự do, giá cạnh tranh, trợ giá điện, giá bán buôn, bán lẻ…

Rõ ràng, mới chỉ ở một vài khía cạnh của thị trường điện hay rộng hơn là bài toán năng lượng Việt Nam cũng có thể giúp chúng ta thấy rằng, không bao giờ dễ dàng để đưa ra một nhận xét hay một quyết định nào đó. Việc ra quyết định dựa trên bằng chứng khách quan và minh bạch luôn là điều khó thực hiện nhất.

Như thường lệ, ngoài những câu chuyện mang tính thời sự, Tia Sáng còn có những câu chuyện đáng đọc khác đang sẵn sàng: “Một sứ mệnh “mới” của khoa học Việt Nam?” (Thanh Nhàn); “Xây dựng nhóm nghiên cứu xuất sắc trong nghiên cứu cơ bản: Hai mục tiêu” (GS. Phùng Hồ Hải); “Bảng xếp hạng Nature Index: ĐH Phenikaa tăng mạnh chất lượng nghiên cứu” (Nguyễn Thanh Nhàn, Phùng Văn Đồng); “Các đập thủy điện trên thế giới: Phá bỏ nhiều hơn xây mới” (Bảo Như tổng hợp); “Các hạng mục công bố của khối ngành nhân văn: Thang điểm đánh giá?” (PGS. Trần Trọng Dương); “Michel Ferlus – Một bậc thầy ngôn ngữ học” (GS. Trần Trí Dõi); “Thuật toán đánh giá mức độ sáng tạo trong tranh” (Thanh An dịch); “Giấc mơ của Hoàng Phượng Vỹ” (Lê Thiết Cương); “Đằng sau chiếc ghế ‘quán bia’” (Thùy Cốm); “Kenzaburo Oe và ‘Tiếng thét câm lặng’”: Làm sao để lại làm người?” (Hiền Trang); “Kính vạn hoa Rhapsody in Blue” (Duy Quang).

Nếu nói như nhà văn Alexandre Dumas “Có thể tóm tắt mọi sự khôn ngoan của con người trong hai từ: chờ đợi và hy vọng”, trong lúc “chờ đợi và hy vọng” thì tại sao chúng ta không cầm Tia Sáng lên và đọc mỗi ngày?

——————————————

Tất cả những ai quan tâm và yêu quý Tia Sáng đều có thể đăng ký mua bản giấy, bản PDF và đọc thử các số Tia Sáng trước tại đây: https://bit.ly/DatmuaTiaSang

Ngoài ra, các bạn có thể mua lẻ từng số tại:

Hà Nội: Tạp chí Tia Sáng, 70 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội

TP.HCM: Nhà sách Huy Hoàng, 357A Lê Văn Sỹ – Phường 1 – Quận Tân Bình – TP. Hồ Chí Minh

Tác giả

(Visited 8 times, 1 visits today)