Đón đọc Tia Sáng số 11 năm 2022

Tia Sáng số mới chào các bạn,

Luôn luôn có một câu hỏi đặt ra cho Tia Sáng mỗi số báo mới, đó là liệu những trang báo có thể phản ánh được phần nào muôn mặt của đời sống? liệu các nhà khoa học trong “tháp ngà” có thể cảm nhận được tác động của từng đợt giá lên và sự loay hoay của từng hộ gia đình sau những làn sóng COVID?

Có lẽ, khoa học là gì nếu không trả lời được những câu hỏi của tự nhiên, của đời sống xã hội? Do đó, ẩn chứa trong gần 60 trang nội dung của Tia Sáng số này là những vấn đề mà xã hội vô cùng quan tâm như sở hữu đất đai, phục hồi kinh tế, kiềm chế lạm phát, quy hoạch giao thông – các vấn đề không bao giờ cũ và không bao giờ mất đi giá trị của nó. Những đề tài ấy đã xuất hiện nhiều trên mặt báo, được bàn thảo ở rất nhiều cuộc họp với rất nhiều quy mô khác nhau, tưởng chừng đã được lật đi lật lại, soi chiếu từ nhiều góc độ. Thế nhưng, trong số báo này, các chuyên gia Tia Sáng mời đã đưa cho chúng ta một cái nhìn thật mới mẻ và hữu ích.

Những vấn đề xã hội ấy có bao giờ cũ, nếu như chúng ta có cái nhìn sâu sắc và thấu đáo hơn. Đặt trong bối cảnh cơn sốt phân lô bán nền diễn ra trên nhiều tỉnh thành, “Vài ưu tiên trong sửa Luật Đất đai” (Phạm Duy Nghĩa) là giải pháp góp phần giảm bất công trong phân bố phúc lợi đất đai do “trên một thửa đất xuất hiện biết bao lợi quyền”. Ba ưu tiên chính sách mà PGS. TS Phạm Duy Nghĩa đề xuất đều xoay quanh việc minh bạch quyền quy hoạch, bảo vệ lợi ích thỏa đáng của nhà đầu tư phát triển đất và tài chính đất đai. Xét cho cùng “Pháp luật đất đai um tùm như một khu rừng nhiệt đới. Tuy nhằng nhịt song cũng thật giản đơn. Quốc gia hợp thành từ muôn triệu công dân, lãnh thổ hợp thành từ muôn triệu ô thửa, mỗi ô thửa đất đều là tài sản, đều có chủ… Càng ghi nhận và bảo hộ quyền ấy một cách hiệu quả, càng giúp làm giảm chi phí giao dịch, kinh tế sẽ phát triển, và nước ta sẽ giàu mạnh bởi hàng triệu người dân tự lo liệu được cho bản thân mình”.

Cơn sốt đất dù nóng cũng không khiến người ta quên đi một mối lo khác: cơn sốt giá năng lượng, đặc biệt là giá xăng, dẫn đến tình trạng lạm phát hiện nay. Theo quan điểm của TS. Phùng Đức Tùng (Viện nghiên cứu Mekong) trong “Kiềm chế lạm phát: Lợi thế của Việt Nam”, khi ở mức 5-7%, lạm phát không ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế nhưng nếu để kéo dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người nghèo. Vậy là sau “trăm cay, ngàn đắng” vì COVID-19, tưởng chừng có thể yên ổn làm ăn trở lại, nay họ lại lao đao vì dao động của quả trứng, cọng rau…

Có cách nào để kiềm chế lạm phát và để người nghèo có thể yên tâm lao động, sản xuất? Giữa những giải pháp mà Việt Nam có thể áp dụng giúp giảm đứt gãy chuỗi cung ứng, giảm lạm phát cũng như giá hàng hóa, TS. Phùng Đức Tùng cho rằng cần bình ổn giá, giúp ổn định đời sống và hỗ trợ an sinh cho các nhóm nghèo với các gói hỗ trợ phục hồi sau COVID, dù đắp giá các dịch vụ công khác.

Cũng trong bối cảnh những chính sách mới tác động đến từng hộ gia đình, vấn đề quy hoạch giao thông cần được nhìn nhận một cách tổng thể và được phân tích ở rất nhiều khía cạnh, theo nhận định của TS. Trương Thị Mỹ Thanh (ĐH Công nghệ giao thông vận tải) trong “Quy hoạch giao thông đô thị: Trăm mối ngổn ngang”. Được hình thành trong mấy thập niên qua, hệ thống giao thông đô thị Hà Nội và các thành phố khác của Việt Nam đều tương ứng với lối di chuyển cơ động, nhỏ gọn, rẻ về chi phí đầu tư, chi phí vận hành… của xe máy. Nếu muốn người dân chuyển đổi từ phương tiện cá nhân như xe máy sang phương tiện công cộng như xe buýt, chính quyền các thành phố cần phải có giải pháp phù hợp với đặc điểm cơ sở hạ tầng giao thông, thói quen đi lại, mục đích chuyến đi, thói quen lựa chọn phương thức giao thông, khả năng chi trả… của người dân.

Câu chuyện chuyển đổi phương thức giao thông và quy hoạch giao thông vì thế là bài toán vô cùng phức tạp, liên quan đến đời sống, thậm chí cả sinh kế, của người dân đô thị. Tuy nhiên, “nếu chúng ta không làm gì cả hoặc làm không hiệu quả thì những gì Manila, Bangkok đang gặp phải có thể sẽ lặp lại ở chính Hà Nội, TPHCM trong tương lai”.

Những vấn đề của xã hội và của thời cuộc mà mỗi chúng ta đều dự phần trong đó quả thật không dễ nhận diện và cũng không dễ có được giải pháp. Xét cho cùng, “bản chất của vẻ đẹp là sự thống nhất trong đa dạng” như nhận xét của nhà soạn nhạc Felix Mendelssohn. Cuộc sống này cũng vậy, nó là sự hội tụ của quá nhiều thứ khác biệt, thậm chí trái ngược. Do đó, bên cạnh mối lo toan là niềm vui mà ta cần vun đắp từng ngày. Niềm vui ấy, chúng ta có thể tìm thấy ở khắp mọi nơi, ngay trong những trang Tia Sáng: “Bức ảnh hố đen ở trung tâm dải Ngân hà” (Nguyễn Trọng Hiền), “Hố đen siêu khối lượng: Thánh Gióng của dải Ngân hà” (Nguyễn Bình), “Việt Kiệu thư – Một pho sử quý” (Trần Trọng Dương). “Vú thiêng, vú phàm và một lịch sử văn minh” (Nguyễn Thị Minh), “Làm mới một câu chuyện quen (Thùy Cốm), “Woyzeck của G. Büchner” (Thái Kim Lan), “Wozzeck, một cách mạng trong sáng tác opera” (Ngọc Tú)…

Vậy thì tại sao chúng ta lại không cầm Tia Sáng trên tay, khi những trang mới đang chờ trước mặt.

BBT

—————————-
Tất cả những ai quan tâm và yêu quý Tia Sáng đều có thể đăng ký mua bản giấy, bản PDF và đọc thử các số Tia Sáng trước tại đây: https://bit.ly/DatmuaTiaSang

 

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)