Đón đọc Tia Sáng số 15/2022

Không niềm vui nào lớn hơn là ngày hôm nay, một số báo mới của Tia Sáng đã sẵn sàng về tới tay bạn đọc.

Mỗi số báo đều ẩn dấu những điều mới mẻ, phản ánh các khía cạnh cụ thể của thế giới và cuộc sống quanh ta. Luôn vận động, biến chuyển không ngừng, những vòng xoay của sự sống ấy luôn gợi mở hoặc những điều ngày của hôm qua mà chúng ta vẫn còn chưa biết hết hoặc những điều của ngày hôm nay đã ươm mầm cho tương lai phía trước. Nó cho thấy một mạch ngầm luôn bền bỉ chảy trôi, không có gì diễn ra ngày hôm nay mà lại không bắt nguồn từ quá khứ.
Một phần những điều đó, hiện diện ở đây, trong số báo mới này!
Chúng ta có thể nói gì về những cuộc thi hoa hậu? Có phải vì vẻ đẹp mà các cuộc thi này kiến tạo nên đã vô thức thành tiêu chuẩn chung của người phụ nữ? Dường như các cuộc thi sắc đẹp như vậy không đem lại một không gian truyền bá những giá trị phù hợp với phụ nữ, hoặc giải phóng phụ nữ. Ngược lại, nó đem lại “những thông điệp nguy hại đánh đồng cuộc sống vật chất xa hoa với sự thành công của người phụ nữ và gây nên ảo giác rằng chỉ cần có sắc đẹp là sẽ thành công trong cuộc đời. Những giá trị mà người Việt thường đề cao như lao động chuyên cần, siêng năng học hỏi, sáng tạo, năng động… để đi đến thành công trở nên lỗi thời”, TS. Khuất Thu Hồng trao đổi với Tia Sáng.
Có rất nhiều hệ lụy mà những thông điệp như vậy có thể dẫn tới, ví dụ ngay các bé gái đã được dạy phải trở nên nóng bỏng và gợi cảm cùng với khuôn mặt xinh đẹp và cơ thể mảnh mai. “Mọi bộ phận trên cơ thể phụ nữ được khai thác một cách triệt để để bán mọi sản phẩm, từ dầu gội đầu đến chai nước ngọt”.
Những vẻ đẹp phi thực tế không chỉ do các cuộc thi sắc đẹp tạo ra nhưng đó là một kênh hiệu quả để tiếp cận người phụ nữ, góp phần đưa người phụ nữ từ một khuôn khổ truyền thống sang một khuôn khổ mới. Nhưng rút cục, điều đó có lợi gì ngoài việc để các hãng mỹ phẩm tóm lấy và quảng bá đến “những người bình thường” ở một thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương?
Có lẽ, sau khi đọc “Vẻ đẹp hoàn hảo – Một ảo giác” (Thu Quỳnh thực hiện), “Những cuộc thi sắc đẹp: Áp lực của người phụ nữ” (Hảo Linh), mỗi người sẽ đủ thông tin để tự rút ra cho mình một nhìn nhận đúng đắn hơn về các cuộc thi sắp đẹp và giá trị mà nó mang lại.
Cuộc sống của ngày hôm nay, đâu chỉ xoay xung quanh mỗi cái ảo giác về cái đẹp. “Chảy máu chất xám ngành Y: Lỗi của chính sách tự chủ” (Vũ Thị Hải Minh) mở ra cho chúng ta thấy, vấn đề hiện tại này rất có thể sẽ châm ngòi cho những đổ vỡ trong tương lai, nếu không được giải quyết một cách thấu đáo. Lâu nay, chúng ta chỉ nói về hiện tượng chảy máu chất xám trong các trường, viện mà không ngờ rằng, đến một lúc nào đó, nó có thể đến với cả ngành y. Không phải vô cớ mà nó tồn tại, bởi “lương thấp và chế độ phụ cấp thấp trong hệ thống y tế công lập là vấn đề xưa cũ và là một nguy cơ âm ỉ trong suốt nhiều năm nay. Tác động của COVID chỉ là giọt nước tràn ly”. Theo lý giải của TS. Võ Thị Hải Minh, nguyên nhân cốt lõi của nó là việc áp dụng cơ chế tự chủ dẫn đến việc lạm thu dịch vụ, lạm thu thuốc, xét nghiệm… để tăng nguồn thu. Và bệnh viện bị đẩy vào tình thế không chỉ kéo người bệnh chi tiêu nhiều vào các dịch vụ khám chữa bệnh mà còn lạm dụng cả quỹ bảo hiểm.
Giữa những ngổn ngang của thực tại, lòng người không khỏi cảm thấy u hoài. Dường như có quá nhiều câu hỏi của ngày hôm nay và cả ngày hôm qua, chúng ta chưa thể lý giải hoặc tiến tới giải quyết được nó. Một trong số đó là giả thuyết về vũ khí bí mật “Súng thần – Một sáng tạo của Đại Việt” (Trần Gia Ninh) xuất phát từ Phi minh, đạn thép, được bắn ra từ một loại vũ khí được gia cố từ hỏa súng đời Trần. Theo giả thuyết này, công nghệ làm súng “thần cơ thương pháo” đã bị nhà Minh cướp lấy sau thất bại của cha con Hồ Quý Ly xuất phát từ kỹ thuật luyện sắt thép của người Việt, vốn đã được truyền lại qua nhiều đời.
Ngày nay, dấu tích không còn nhưng thao thức khôn nguôi về một tuyệt kỹ của tổ tiên khiến nhà nghiên cứu Trần Gia Ninh ngược dòng lịch sử và đưa ra những kiến giải từ giả thuyết trên, đồng thời thả vào đôi dòng cảm khái “Từ xưa đến nay, cách chép và truyền bá lịch sử nước ta chỉ chủ yếu là lịch sử cung đình triều đại, nặng về các cuộc thoán đoạt, chinh chiến mà rất ít ghi chép và truyền bá về dân sinh, đời sống, các phát kiến, sáng tạo… làm nên sức sống của dân tộc. Lịch sử nước nhà đáng tiếc chỉ đọng lại trong trí não của hậu duệ phần nhiều là các cuộc chinh chiến, các vị vua chúa quan lại… mà không biết được vì sao mà dân tộc trường tồn.”…
Số báo này của Tia Sáng, không chỉ có sức nặng với những bài nhiều suy nghĩ như vậy mà còn có rất nhiều góc nhìn khác nhau về đời sống, khoa học và nghệ thuật: “Phép màu kỳ diệu của Mendel” – kỳ 1 (Nguyễn Trịnh Đôn dịch), “Tranh cãi nguồn gốc đại dịch: Vai trò của chợ Hoa Nam?” (Anh Vũ dịch); “Những người Mỹ phản chiếu trong Chiến tranh Việt Nam” – kỳ cuối (Pierre Darriulat); “Quyền sở hữu súng tại Hoa Kỳ: Kỳ 1 – Câu chuyện lập quốc, tiểu văn hóa cao bồi và quyền tự do” (Ngô Nguyễn Thảo Vy); “Trò chơi điện tử giải quyết những bài toán của đô thị” (Kaheetonaa); “Chuyển những phân tử thành âm nhạc” (Tô Vân dịch); “Quyết tâm chia tay của những kẻ quyết tâm yêu” (Vũ Ánh Dương); “Herta Muller và những linh hồn rỗng” (Hiền Trang); “Anna Netrevko – Giữa những chia rẽ” (Ngọc Anh dịch)…
Vậy thì tại sao chúng ta lại không cầm tờ Tia Sáng trên tay?
————————————–
Tất cả những ai quan tâm và yêu quý Tia Sáng đều có thể đăng ký mua bản giấy, bản PDF và đọc thử các số Tia Sáng trước tại đây: https://bit.ly/DatmuaTiaSang

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)