Đón đọc Tia Sáng số 15 tháng 8/2022

Tia Sáng số mới chào bạn đọc,

Bạn muốn tìm gì ở mỗi số Tia Sáng? Một góc nhìn, một nguồn thông tin, một nguồn tư liệu…? hay những điều mới mẻ khác? Trong thời đại của thông tin theo thời gian thực, hầu như ở đâu và lúc nào người ta cũng có thể tiếp cận với những nguồn tin hấp dẫn, và có thể bổ ích, nếu biết gạn lọc. Nhưng điều này, bên cạnh lợi ích, còn có cả hạn chế, đó là việc “chạy” theo cái mới thời sự mãi mà quên đi rằng còn có cái mới khác, nằm trong quá khứ. Việc nhìn nhận, đánh giá sự kiện trong quá khứ và rọi vào nó những tư duy mới, có thể đem lại nhiều cái mới, hữu ích trong bối cảnh hiện tại. Mặt khác, nói như nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh trong một buổi nhàn đàm tháng Tám với Tia Sáng, “Kinh nghiệm quá khứ có thể không cho ta cái đúng nhưng nó có thể giúp ta tránh được cái sai”.

Do vậy, Tia Sáng số mới là một câu chuyện lớn của quá khứ – hiện tại – tương lai ở nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, khoa học, văn hóa… mà mỗi người có thể rút ra được những điều hay ho cho mình.

“Nền giáo dục của nước Việt Nam độc lập từ tháng 9/1945 đến tháng 12/1946”, kỳ 1 “Kích hoạt những tiềm năng giáo dục vốn có” cho chúng ta một cái nhìn xuyên suốt và sâu sắc hơn vào giai đoạn lịch sử độc nhất vô nhị này của dân tộc: giai đoạn nước Việt Nam độc lập còn non trẻ phải chiến đấu với giặc đói, giặc dốt và sức ép giặc ngoại xâm với một ngân khố trung ương tổng cộng 1,23 triệu đồng, trong đó gần một nửa là hào nát. Thế nhưng đây là một trang rực rỡ chưa bao giờ có được và có lẽ cũng không bao giờ lặp lại trong lịch sử giáo dục Việt Nam, theo đánh giá của nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh. “Nhìn lại quá trình tái cấu trúc xã hội ở Việt Nam thời gian 1945 – 1946, dễ nhận ra sự mâu thuẫn giữa nhiều hiện tượng, sự chênh lệch giữa nhiều lãnh vực và sự khác biệt giữa nhiều quá trình xã hội. Nhưng giữa bấy nhiêu ngổn ngang thường thấy ở những buổi giao thời, giáo dục vẫn là khu vực hoạt động có sự thống nhất, đồng bộ và tương đồng cao nhất nên mặc dù gặp nhiều khó khăn nhất vẫn đạt được nhiều thành công nhất, điều này bắt nguồn từ thực trạng nền giáo dục của thực dân Pháp và khát vọng xóa bỏ thực trạng ấy trước Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam”.

Quá nhiều điều để nói trong thời kỳ rực rỡ ấy, và có bao nhiều ngẫm ngợi với những cảm xúc trái ngược: vừa tự hào, sửng sốt lại vừa băn khoăn, tiếc nuối bởi những điều đẹp đẽ đã không được tiếp nối trọn vẹn.

Quá khứ liệu chỉ có thế? Quá khứ có trong muôn mặt của đời sống xã hội, văn hóa, khoa học. Nhưng có ai đó vẫn còn tò mò mà đặt câu hỏi cắc cớ “Ích gì, quá khứ?”, giống như giáo sư Hà Huy Khoái từng e ngại rằng sẽ có người đặt câu hỏi “Ích gì, toán học?”, “Ích gì, vật lý”?, “Ích gì, sinh học?”… Trong khí hậu/khí tượng học, quá khứ dù đã qua nhưng ẩn chứa những mối liên hệ nào đó với tương lai gần. Đó là lý do để các nhà nghiên cứu như giáo sư Phan Văn Tân (ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQGHN) và cộng sự đi tìm câu trả lời về hạn hán trong quá khứ và những dự tính trong tương lai.

Hạn hán trong Thế nhân sinh, không chỉ là một hiện tượng thời tiết cực đoan của tự nhiên mà là cả một câu chuyện lớn, bao gồm cả tác động của con người, với phạm vi tác động mở rộng không ngừng trên các hệ sinh thái và các xã hội ở nhiều khía cạnh khác nhau. Không thể tưởng tượng nổi với sức phát triển như hiện nay và mức độ tăng trưởng dân số như hiện nay, người ta lại phải chịu cảnh thiếu hụt về nước. Nhưng điều đó đã diễn ra ở Việt Nam, cũng như 2/3 dân số toàn cầu. Do đó, để giảm thiểu tác động của  hạn hán trong kỷ nguyên chịu ảnh hưởng sâu sắc của con người, chúng ta cần hiểu biết về tác động của con người và tích hợp nó với các biến khí hậu – nghĩa là cần rất nhiều điều rút ra từ khoa học.

Việc lục tìm quá khứ còn cho chúng ta thấy những câu chuyện thú vị và mối liên kết của nó với thực tại: “Phép màu kỳ diệu của Mendel”, “Thiên văn học Marxist: Dải Ngân hà trong mắt Anton Pannekorek”, “Tái khám phá bản thảo của Leonardo da Vinci sau 500 năm”, “Những cuộn giấy Biển Chết”…

Đó là lý do để chúng ta đọc Tia Sáng, không chỉ ở số báo này.

—————————————————–

Tất cả những ai quan tâm và yêu quý Tia Sáng đều có thể đăng ký mua bản giấy, bản PDF và đọc thử các số Tia Sáng trước tại đây: https://bit.ly/DatmuaTiaSang
Ngoài ra, các bạn có thể mua lẻ từng số tại:
Hà Nội: Tạp chí Tia Sáng, 70 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội
TP.HCM: Nhà sách Huy Hoàng, 357A Lê Văn Sỹ – Phường 1 – Quận Tân Bình – TP. Hồ Chí Minh

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)