Đón đọc Tia Sáng số 15 tháng 8/2024

Một số báo mới với những vấn đề của ngày hôm nay đang chờ bạn đọc khám phá.

Có lẽ, hiếm có một số Tia Sáng nào lại bàn một cách trực diện về những điều mà chúng ta quan tâm ít nhiều như vậy. Ở đây, có một câu hỏi đặt ra là tại sao chúng ta phải quan tâm đến những vấn đề đó khi đã có quá nhiều điều bận tâm?

Đúng là như vậy, mỗi người trong số chúng ta đang vật lộn với chính vấn đề của mình và cố tìm cách giải quyết nó. Nhưng liệu khi quá bận tâm vào chính mình, chúng ta có vô tâm hoặc xao nhãng những điều đang xảy ra: những cơn sạt lở, lũ quét ở vùng cao mỗi mùa mưa bão về? sự mất mát, tiêu tán của các di sản văn hóa? nguy cơ bệnh dịch chực chờ bủa vây ở bất cứ đâu? ứng xử như thế nào với việc sinh con từ noãn/tinh trùng của người đã mất?

Vô số những vấn đề như vậy diễn ra trong xã hội hôm nay mà đôi khi chúng ta không nhận ra nó quá phức tạp và không thể giải quyết bằng những giải pháp đơn giản. Đằng sau “Cảnh báo sạt lở đất” (TS. Lưu Thị Diệu Chinh – TS. Dương Công Hiểu) hay “Sạt lở đất: Nguy cơ không giống nhau giữa các nhóm xã hội” (Bảo Như tổng hợp) là những thông tin mà rất nhiều người trong chúng ta chưa từng biết tới. Chúng ta vẫn tự hỏi tại sao sạt lở đất vẫn diễn ra từ năm này sang năm khác, đủ sức cướp đi bao nhân mạng? tại sao những người dân ở vùng cao vẫn bám trụ ở những nơi nguy hiểm? tại sao không có một mô hình chống sạt lở chung để áp dụng ở muôn nơi? Khi được lý giải những câu hỏi ấy, chúng ta mới chợt nhận ra một điều: thật quá khó để đưa ra một giải pháp hữu hiệu và muốn có được điều đó, cần phải tập trung rất nhiều nguồn lực.

Cũng trong mối quan hệ giữa con người với tự nhiên và xã hội, chúng ta đôi khi chỉ nhìn vào việc khai thác tự nhiên, phát triển kinh tế mà quên đi khía cạnh xã hội. “Nơi đất liền gặp biển: Bảo tồn di sản văn hóa vùng biển đảo Đông Bắc” kỳ 2 (GS Nguyễn Văn Chính) cho ta thấy nỗi niềm của một nhà nghiên cứu mấy chục năm chứng kiến sức ép phát triển kinh tế và “sức ép từ một thị trường đang bùng nổ với các dự án phát triển hạ tầng khu vực như Sáng kiến Vành đai – Con đường và Con đường Tơ lụa trên biển nhằm kết nối Trung Quốc với Đông Nam Á đặt các dự án phát triển vào tình thế phải kết hợp chặt chẽ với an ninh quốc phòng”.

Trong cuộc sống hôm nay, việc ứng xử với các vấn đề xã hội nảy sinh cũng đặt chúng ta vào thế khó. Ở một tình huống rất nhân văn đến mức không cần bàn cãi là sinh con từ noãn/tinh trùng của người đã mất, chúng ta bất ngờ đối đầu với những rắc rối pháp lý và cả đạo đức. ThS Hồ Thị Thanh Trúc và TS Hoàng Xuân Sơn sẽ phân tích cho chúng ta câu chuyện tưởng chừng đơn giản này “Sinh con từ noãn/tinh trùng của người đã mất: Những vấn đề pháp lý nảy sinh”.

Trong một số báo mà đầy rẫy không khí trầm lắng, u hoài thì một chùm hoa lượng tử nhỏ xinh, tươi tắn và rạng rỡ với những hứa hẹn về tương lai có thể khiến chúng ta thêm nhiều hy vọng hơn “2025: Năm quốc tế về KH&CN lượng tử”, “Điều gì đó ẩn sâu trong thế giới lượng tử”, “Vật lý lượng tử đã tái gợi mở nghịch lý Zeno”.

Và như thường lệ, còn nhiều bài viết khác đón chờ chúng ta: “Miễn dịch bạch hầu ở Việt Nam: Tấm lá chắn nhiều lỗ hổng” (Hảo Linh); “Nghề thu gom phân dơi: Cánh cửa tiềm tàng lan truyền virus?” (Anh Thư); “Các nguyên tố mới của nhà giả kim” (Tô Vân); “Bản sao số – Thêm cơ hội cho các tay bơi” (Thanh Hương dịch); “Katharine Hepburn và Spencer Tracy: Đời là đâu, phim là đâu?” (Hiền Trang); “Gerard Souzay, Vua mélodie Pháp” (Duy Quang tổng hợp).

Những hiểu biết tích lũy của ngày hôm qua và ngày hôm nay sẽ đủ để chúng ta sẵn sàng cho một tương lai? Ồ, chúng ta có thể học hỏi đôi chút từ cha đẻ của Thuyết Tương đối “Tôi chưa bao giờ nghĩ về tương lai, nó sẽ tới ngay thôi”.

Vậy thì tại sao chúng ta không đọc Tia Sáng số này!!!

BBT Tia Sáng

————————————

Tất cả những ai quan tâm và yêu quý Tia Sáng đều có thể đăng ký mua bản giấy, bản PDF và đọc thử các số Tia Sáng trước tại đây: https://bit.ly/DatmuaTiaSang

Ngoài ra, các bạn có thể mua lẻ từng số tại:

Hà Nội: Tạp chí Tia Sáng, 70 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội

TP.HCM: Nhà sách Huy Hoàng, 357A Lê Văn Sỹ – Phường 1 – Quận Tân Bình – TP. Hồ Chí Minh

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)