Đón đọc Tia Sáng số 16 tháng 8/2024

Có lẽ, thật khó liệt kê hoặc mổ xẻ, phân tích đầy đủ vấn đề cấp thiết của xã hội trong một số báo. Vì vậy trong số báo này, chúng tôi đã lựa chọn tập trung vào một số vấn đề mà tác động của nó đến đời sống xã hội ở thời điểm trước mắt cũng như lâu dài đều hết sức rõ rệt.

Đó là câu chuyện giáo dục. Dư luận đã sôi lên sùng sục với những lo ngại về tương lai con em mình, khi con đường vào bậc trung học phổ thông như bị nghẽn lại với khoảng một phần ba học sinh sẽ không được vào học trường công. Dư luận xã hội cũng sôi lên với câu hỏi “liệu có cần đào tạo cho học sinh thi Olympic Toán quốc tế”?

Vậy bản chất của những tranh cãi này là gì? giáo sư toán học Hà Huy Khoái, một người nặng lòng với giáo dục nước nhà, nhân kỷ niệm 50 năm Việt Nam tham dự Olympic Toán quốc tế (IMO), chỉ “có ý định bàn về ba câu hỏi: Bồi dưỡng học sinh giỏi và hệ thống các trường THPT chuyên: cần hay không? Dạy gì ở trường chuyên? Sau trường chuyên, làm gì?”. Dường như đó chỉ là câu hỏi tu từ vì ông cũng thừa nhận rằng “Tôi không nghĩ là sẽ đưa ra được câu trả lời. Tôi bắt đầu với những câu hỏi, và hy vọng sẽ nhận được nhiều câu hỏi lớn hơn của cả xã hội. Thường thì xã hội đi lên khi tìm cách đối diện với những câu hỏi, có thể ngày càng khó khăn và phức tạp hơn, chứ không bằng con đường tuân thủ một đáp án có sẵn”.

Khi đi theo mạch phân tích của giáo sư Hà Huy Khoái trong “Huy chương Olympic toán học quốc tế: Ai nên nhớ và ai nên quên?”, chúng ta mới chợt nhận ra rằng “chúng ta chưa có lấy một cơ sở đào tạo sau đại học nào được đầu tư lớn để có thể hy vọng ngang tầm quốc tế. Cũng như vậy, không nhiều giáo sư của chúng ta có được điều kiện làm việc ‘ngang tầm quốc tế’, nên cũng khó hy vọng trong một thời gian gần, nền khoa học chúng ta có thể đạt được tầm cao mong muốn”.

Con đường từ giáo dục phổ thông đến giáo dục đại học của Việt Nam vẫn còn vô số điểm nghẽn. “Thiếu trường công và xã hội hóa giáo dục” của TS. Võ Thị Hải Minh mở ra cho chúng ta thấy một thực tại “Câu chuyện thiếu trường công chỉ là hệ lụy dễ thấy của chủ trương xã hội hóa giáo dục mà Việt Nam khởi xướng gần 30 năm trước”.

Chủ chương này được đặt ra với mục tiêu khai thác các nguồn lực ngoài xã hội và giảm dần đầu tư công của nhà nước cho giáo dục nhưng theo nhận định của các chuyên gia thì “các biện pháp xã hội hóa của Việt Nam không khác xu hướng ‘tư nhân hóa’ trên thế giới”.

Việc đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục ở cấp trung học phổ thông và đại học dẫn đến một hệ lụy “càng học lên cao, gánh nặng chi trả cho việc học tập của con cái càng lớn. Bởi ngân sách nhà nước hỗ trợ hơn 80% chi phí cho mỗi học sinh tiểu học, nhưng con số này giảm xuống còn hơn 65% khi em đó bước vào trung học phổ thông”. Có những con số khiến người ta giật mình: khi chỉ có gần 100 nghìn trẻ ở lứa tuổi tiểu học không được đến trường trên cả nước thì số trẻ em không tới trường ở cấp trung học phổ thông cao hơn tám lần con số đó.

Hai bài viết về chủ đề giáo dục khiến mỗi người trong chúng ta phải suy ngẫm và đặt ra những câu hỏi của riêng mình về tương lai của các em, tương lai của cả một nguồn nhân lực quan trọng? Tất cả sẽ ra sao?

Giữa những câu hỏi ấy, Tia Sáng số này cũng mở ra nhiều không gian thú vị khác, vừa ngổn ngang tung tóe của hiện tại lại vừa nhuốm màu hoài niệm, xa vắng của quá khứ: “Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt: Thay đổi hành vi của người hút thuốc” (Nguyễn Ngọc Anh – Nguyễn Thế Hoàng – Nguyễn Ngọc Minh); “Giáo sư Võ Tòng Xuân: Cây lúa thơm đã về với đất mẹ” (Thanh Nhàn); “Ứng dụng Phật giáo trong nâng cao sức khỏe tinh thần: Con dao hai lưỡi?” (Đặng Hoàng Ngân); “Hâm mộ trong sự băn khoăn” (Hoàng Thị Thu Hà); “Sự thiết yếu của triết học trong thời đại AI” (Đặng Hà dịch); “Di sản của mất mát” (Tô Vân); “Khám phá cấu trúc âm nhạc của Bach” (Anh Vũ tổng hợp); “Kiến trúc Hà Nội thời bao cấp: Một di sản bị quên lãng” (Vũ Hiệp); “Akutagawa trên chuyến bay bằng lí trí” (Nguyễn Vũ Hiệp); “Royal Concertgebouw: Góp phần tạo nên tinh hoa cho Amsterdam” (Duy Quang).

Vậy tại sao bạn lại không cầm trên tay Tia Sáng số này?

BBT Tia Sáng

————————————————–

Tất cả những ai quan tâm và yêu quý Tia Sáng đều có thể đăng ký mua bản giấy, bản PDF và đọc thử các số Tia Sáng trước tại đây: https://bit.ly/DatmuaTiaSang

Ngoài ra, các bạn có thể mua lẻ từng số tại:

Hà Nội: Tạp chí Tia Sáng, 70 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội

TP.HCM: Nhà sách Huy Hoàng, 357A Lê Văn Sỹ – Phường 1 – Quận Tân Bình – TP. Hồ Chí Minh

Tác giả

(Visited 45 times, 1 visits today)