Đón đọc Tia Sáng số 17 tháng 9/2022

Tia Sáng số mới chào bạn đọc,

Một số báo mới với những điều mới mẻ đang sẵn sàng chờ bạn đọc.

Mỗi khi háo hức cầm một số báo mới trên tay, bạn sẽ tìm đọc những mục nào trước nhất? Thật khó trả lời, bởi mỗi một mục đều ẩn chứa những vấn đề, không chỉ mang những thông tin tính thời sự của ngày hôm nay mà còn là những điều đáng lưu tâm, suy ngẫm, ngay cả khi nó không còn được bàn luận nhiều trong xã hội.

Bạn đọc có thể thấy những điều đó trong số báo này, khi những vấn đề được nêu ở các mục quen thuộc “Diễn đàn”, “Khoa học và phát triển”, “Khoa học xã hội và nhâm văn”, “Văn hóa”… đều cần đến thời gian và sự ngẫm ngợi để thấu hiểu, đào sâu bản chất của nó. Việc đi lướt qua những vấn đề thời sự, đôi khi cũng khiến chúng ta vô tình bỏ qua những sự thật căn cốt của nó.

Đó là câu chuyện “BRT Hà Nội: Vì sao kém hiệu quả” (Nguyễn Minh Hiếu). Dường như sau khi nếm trải những tình huống tắc đường năm này sang năm khác, trên nhiều trục đường, vào những lúc cao điểm, và những giải pháp để cứu vãn tình thế, ai nấy cũng đều cảm thấy ngán ngẩm khi nhắc đến BRT. Tại sao một giải pháp thành công ở nhiều thành phố trên thế giới lại thất bại ở HN? Lỗi ở chính BRT? Nếu đơn thuần nhìn vào sự phẫn nộ và thất bại với BRT thì người ta có thể dễ đi đến kết luận nhưng thực ra ở đây, nhìn vào bảy rào cản của dự án BRT ở HN, người ta mới hiểu rằng vấn đề nằm ở chỗ “các lãnh đạo thành phố coi việc triển khai BRT chỉ là ‘điều kiện’ để nhận được khoản vay/hỗ trợ khác để phát triển cơ sở hạ tầng”. Với xuất phát điểm như vậy, “dự án BRT từ khâu thiết kế đã không được chăm chút, khâu thi công thì đội giá với nhiều sai phạm, lúc đi vào hoạt động với sự thiếu hụt cả về chính sách lẫn chuyên gia kĩ thuật hỗ trợ và rốt cục thì hình ảnh BRT không có được sự thiện cảm trong mắt công chúng”.

Không bao giờ dễ dàng đưa ra một đánh giá hay một kết luận, nếu như chúng ta không thể có được đầy đủ thông tin hay một góc nhìn toàn diện và khoa học. Với một tâm thế như vậy, chúng ta có thể nhìn lại quá khứ và tìm hiểu một câu hỏi “vậy có một phong cách kiến trúc của người Việt?” Dưới góc nhìn của Mel Schenck, một kiến trúc sư người Mỹ, thì chúng ta hoàn toàn có thể tự hào “các kiến trúc sư người Việt đã tự mình phát triển chủ nghĩa hiện đại Việt Nam” với những sáng tạo của mình kể từ thế kỷ 20. Tất cả những điều đó đều được thể hiện đậm nét qua những công trình kiến trúc giữa thế kỷ 20 với sự sáng tạo đặc biệt: không sao chép các thiết kế truyền thống mà kết hợp với kiến trúc hiện đại, thích ứng một cách hoàn hảo với điều kiện khí hậu nhiệt đới. Dưới góc nhìn của Mel Schenck, “kiến trúc hiện đại của Việt Nam không phải là thứ chủ nghĩa hiện đại nhạt nhẽo, vô hồn như các tòa cao tầng theo Phong cách quốc tế (hình hộp, khung thép, tường kính) mà người ta vẫn thấy khắp nơi, kể cả trong khu trung tâm của Hà Nội và TPHCM ngày nay”.

Những câu chuyện như vậy khiến chúng ta có một cảm nhận khác về Việt Nam và nơi chốn mình sinh sống. Có lẽ, chúng ta cần có được cái nhìn công bằng hơn, nhân ái hơn hoặc mang tính xây dựng hơn, khi nhìn vào những sự kiện mà bản thân nó mới chỉ phô cho chúng ta một vài thông tin mang tính bề mặt, mơ hồ. Dù tất cả những điều đó khó có thể thay đổi trong một sớm một chiều hoặc những sự kiện bao giờ cũng hết sức phức tạp và khó phân định, nhưng chúng ta đang có nhiều cơ hội để thay đổi góc nhìn của chính mình. Khi lật lại các vấn đề cùng Tia Sáng, chúng ta sẽ tự lập ra cho mình một bộ lọc để loại bỏ những thông tin nhiễu loạn.

Đó là lý do để chúng ta đến với “Sức khỏe công cộng ở Việt Nam: Những ngộ nhận cơ bản” (Klaus Krickeberg), “Các con đường đến cửa tử của rừng” (Võ Kiều Bảo Uyên); “Hạ tầng Khoa học mở và gợi s cho Việt Nam” (Lê Trung Nghĩa); “State of the Map Firenze 2022: Công nghệ dựa trên sức mạnh cộng đồng” (Kaheetonaa); “Phép màu kỳ diệu của Mendel (kỳ cuối)” (Nguyễn Trịnh Đôn dịch); “Ở thiên hà, màu đỏ chứng tỏ cái gì?” (Nguyễn Bình); “Nền giáo dục của nước Việt Nam độc lập từ tháng 9.1945 đến tháng 12.1946. Kỳ 2: Bộ máy giáo dục năm 1945-1946” (Cao Tự Thanh); “Di cư và quá trình phát triển” (Thu Quỳnh); “Những sắc thái vĩnh cửu của khuôn mặt” (Tô Vân), “The Sandman: cõi thần thoại của Neil Gaiman” (Nguyễn Vũ Hiệp); “Jean-Pierre Rampal: Khôi phục di sản Baroque bằng flute” (Ngọc Tú).

Đó là lý do để chúng ta đọc Tia Sáng, không chỉ ở số báo này.

————————————————————–

Tất cả những ai quan tâm và yêu quý Tia Sáng đều có thể đăng ký mua bản giấy, bản PDF và đọc thử các số Tia Sáng trước tại đây: https://bit.ly/DatmuaTiaSang

Ngoài ra, các bạn có thể mua lẻ từng số tại:

Hà Nội: Tạp chí Tia Sáng, 70 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội

TP.HCM: Nhà sách Huy Hoàng, 357A Lê Văn Sỹ – Phường 1 – Quận Tân Bình – TP. Hồ Chí Minh

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)