Đón đọc Tia Sáng số 18 tháng 9/2022
Mong chờ về một số báo mới đã được đền đáp bằng một ấn phẩm dày dặn và đáng đọc.
Tại sao lại đáng đọc, khi số báo nào chẳng có những câu chuyện đáng để chúng ta đọc và nghiền ngẫm? Có lẽ, điểm đặc biệt ở số báo này là những vấn đề xã hội được phản chiếu qua lăng kính khoa học, thậm chí được bóc trần bằng lăng kính khoa học.
Đó là câu chuyện về hợp tác xã nông nghiệp, vấn đề tưởng chừng như xa lắc xa lơ với chúng ta nhưng thật ra sau việc rau không đủ tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm xuất hiện trong siêu thị, chúng ta mới thấy sự gần gũi của HTX, của việc tổ chức sản xuất nông nghiệp để tạo ra chuỗi cung ứng dịch vụ đầu vào và đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp lại trở nên thiết thân với bản thân mình, gia đình mình đến thế. Trong “Hợp tác xã trong thời kỳ mới: Giải pháp để tránh khiên cưỡng”, GS Trần Đức Viên (Học viện Nông nghiệp VN) muốn nhấn mạnh đến vai trò của người nông dân, hộ nông dân và tổ chức thiết thân của họ, các HTX. Muốn có được những mớ rau, những cân gạo, cân thịt ngon, đạt tiêu chuẩn an toàn và sẵn sàng phục vụ người dùng, chúng ta cần phải giải quyết được những vấn đề từ gốc đang đe dọa sự phát triển của tổ chức nông nghiệp này “HTX không thu hút được người trẻ và giỏi để quản lý tổ chức hiệu quả. Chưa đến 10% nông sản cả nước được tiêu thụ thông qua hợp tác xã. Nông dân vẫn chủ yếu phụ thuộc vào hệ thống thương lái và các đại lý trong việc mua ‘đầu vào’ và bán ‘đầu ra’; hệ thống thông tin thị trường chưa phát triển và dễ bị lũng đoạn. Nhu cầu tín dụng một phần phải trông vào thị trường tài chính phi chính thức ở nông thôn; các ngân hàng nhà nước với các tuyên ngôn về sứ mệnh phục vụ kinh tế hợp tác, nhưng trên thực tế hình thức và thủ tục cho vay ít nhiều có nét của các hiệu cầm đồ, nên nông dân, nhất là nông dân nghèo, khó tiếp cận được nguồn vốn”. Ngoài ra, “nông dân còn phải đối mặt với một loạt ‘nguy cơ’, ‘gánh nặng’ mang tính thời đại như mất ruộng, chán ruộng, chán chốn thôn quê, mất động lực trong sản xuất kinh doanh…”
Những bất cập và thách thức như vậy khiến cho vấn đề HTX không là chuyện riêng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn mà còn là những vấn đề của xã hội hôm nay.
Tuy nhiên, những vấn đề đặt ra cho Việt Nam không chỉ có vậy. Là một trong những quốc gia thuộc top đầu về phát thải nhựa, Việt Nam đang loay hoay tìm cách trả lời câu hỏi lớn ngang ngửa với giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu: làm thế nào để giảm thiểu chất thải nhựa? Qua “Các nền tảng giao đồ ăn trực tuyến: Nỗ lực ‘tẩy xanh’”, TS Joe Buckley chỉ ra một thực tại: lượng rác nhựa từ bao bì thực phẩm dùng một lần chiếm số lượng lớn nhất trong chất thải nhựa ở VN. Số lượng này tăng vọt trong các đợt phong tỏa và giãn cách xã hội vì COVID-19, khi đặt đồ ăn qua ứng dụng nhưng sau đại dịch, xu hướng này vẫn không giảm. Nhưng điều đáng nói là các công ty giao hàng, dù thừa biết bản chất của vấn đề, vẫn tìm cách “tẩy xanh”. Theo nhận định của ông “các sáng kiến như yêu cầu người tiêu dùng giảm dao nĩa nhựa không chỉ vô ích về mặt bảo vệ môi trường mà còn rất khôn khéo vì chúng cho phép các công ty tuyên bố rằng họ đang đóng góp vào phát triển bền vững trong khi duy trì một lực lượng lao động làm công việc với mức lương thấp và có ít hoặc không có quyền và lợi ích”.
Rõ ràng, dưới lăng kính khoa học, mọi thứ hiện thị một cách thấu đáo và chi tiết. Khoa học cho phép chúng ta nhìn sâu vào bản chất của vấn đề, nhìn thấy gốc rễ của nó. “Kiệt sức tìm tình yêu thật trên thế giới ảo” mà TS tâm lý Đặng Hoàng Ngân dành để phân tích về Tinder, một ứng dụng hẹn hò trực tuyến tồn tại một thập kỷ, cho chúng ta thấy những nhận xét thú vị. Những người tham gia ứng dụng Tinder có thực sự cảm thấy vui và hạnh phúc trong thế giới ảo? Nếu may mắn tìm được người đồng điệu, họ có tin vào sự chân thành của người mình chọn? Hóa ra, vấn đề còn nhiều điều phức tạp hơn người ta tưởng. Và xét cho đến cùng “vấn đề nhiều khi không nằm ở phương thức kết nối và hẹn hò mà nằm ở thái độ sống, thái độ với chính bản thân người tìm kiếm tình yêu”.
Một số báo – một diễn đàn về khoa học, giáo dục, văn hóa…, không chỉ có vậy. Chúng ta có thể thấy tinh thần “khoa học vị nhân sinh” có mặt ở khắp mọi nơi “Sản xuất thuốc chống ung thư bằng nấm men” (Nguyễn Trịnh Đôn), Nền giáo dục của nước Việt Nam độc lập từ tháng 9/1945 đến tháng 12/1946: Kỳ 3: Hoạt động giáo dục năm 1945-1946 (Cao Tự Thanh), “Yuval Noah Harari: Nhà khoa học dân túy”, “Những bông hoa tuyệt chủng có mùi hương như thế nào?”, “Bình dân hóa thịt lợn: Cái giá phải trả?” (Võ Kiều Bảo Uyên)…
Nhưng xét cho cùng, để có được “khoa học vị nhân sinh” (khoa học ứng dụng) như vậy, chúng ta cần phải có nền tảng “khoa học vị khoa học” (khoa học cơ bản), bởi ngay cả thành công một loại thuốc chống ung thư như vinblastine được sinh tổng hợp bằng nấm men cũng phải dựa trên kiến thức cơ bản về sinh hóa, trao đổi chất, sinh học phân tử… tích lũy trong nhiều thập kỷ.
Đó là lý do vì sao chúng ta cần đọc Tia Sáng, không chỉ ở số báo này.
BBT
————————————————–