Đón đọc Tia Sáng số 23 tháng 12/2023
Thật khó có thể phản ánh được toàn bộ những vấn đề tồn tại trong nhiều lĩnh vực ở Việt Nam chỉ trong một số báo. Vì vậy, chúng tôi thường lựa chọn một vài khía cạnh nào đó của một vấn đề để có thể phân tích, lý giải một cách cặn kẽ dưới góc nhìn khoa học.
Việc tiếp cận vấn đề theo cách thức như thế này cũng đòi hỏi rất nhiều công sức và thời gian. Đó là lý do vì sao chủ đề “Rừng ngập mặn và nuôi trồng thủy sản” đã được chuẩn bị trong nhiều tháng nay. Phóng viên Thu Quỳnh của Tia Sáng đã có chuyến đi khảo sát các địa điểm rừng ngập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng, trao đổi với người dân địa phương, lãnh đạo địa phương, đồng thời tham vấn ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu ở các lĩnh vực khác nhau cũng như tham khảo nhiều bài báo quốc tế để có thể lên khung một bài viết có cái nhìn toàn cảnh về “Rừng ngập mặn: Giữa những bủa vây”.
Trong bài viết mang chủ đề của số báo, người ta sẽ thấy trước mắt một bức tranh về hiện trạng rừng ngập mặn của Việt Nam, nơi hằng năm chứng kiến những diện tích rừng bị suy thoái, xé lẻ do nhiều nguyên nhân mà chủ yếu là nuôi trồng thủy sản và loài lấn át nhất là nuôi tôm, từ tôm sú đến tôm thẻ chân trắng. Có lẽ, chưa khi nào người ta có thể hình dung ra được việc phát triển kinh tế, đưa vị thế ngành tôm ở Việt Nam lên hàng top thế giới đến một lúc nào đó lại có thể trở thành một nguyên nhân hàng đầu của sự co cụm diện tích rừng ngập mặn.
Câu chuyện này không phải là ngoại lệ của Việt Nam mà còn là vấn đề chung của các quốc gia nhiệt đới và cận nhiệt đới ven các biển và đại dương như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan…, những cường quốc xuất khẩu tôm của thế giới.
Bất chấp việc hiện nay nhiều địa phương đang nhận thức được vấn đề nghiêm trọng của mất rừng ngập mặn đối với đời sống của người nông dân duyên hải và sinh kế bền vững của họ nhưng việc “chữa cháy” để bảo vệ rừng và trồng rừng có còn ý nghĩa? Tương lai của rừng ngập mặn sẽ ra sao? Liệu khi không còn sự chở che của những cánh rừng đó, con người sẽ ra sao? Khi đọc “Rừng ngập mặn: Giữa những bủa vây”, chúng ta sẽ rút ra được phần nào câu trả lời.
Như thường lệ, Tia Sáng luôn có góc nhìn khác biệt về những vấn đề mà xã hội quan tâm. Trong quan điểm về vai trò và các trách nhiệm của đội ngũ trí thức trong xã hội Việt Nam, giáo sư Pierre Darriulat một lần nữa bàn về một chủ đề không mới nhưng cần thiết “Giới tri thức và hội học thuật tại Việt Nam hiện nay”. Ông cho rằng, bối cảnh xã hội hiện tại càng thúc đẩy “đề cao những giá trị trí tuệ, đạo đức và văn hóa hơn là những giá trị vật chất. Giờ là lúc những cá nhân nổi trội trong thế hệ trẻ khát khao tri thức và sự xuất sắc”.
Nhưng để những giá trị này được phát huy và lan tỏa thì theo ông, “Những người này phải được trao cơ hội phục vụ đất nước và tự hào về đóng góp của họ cho sự phát triển của đất nước…Điều này có nghĩa chúng ta cần thay đổi cách hành xử hiện nay. Nó đòi hỏi một bầu không khí tin cậy hơn là ngờ vực, tức là thế hệ trẻ có dũng khí nói ra những điều mình nghĩ và thế hệ lớn tuổi đủ khôn ngoan để khuyến khích giới trẻ làm như vậy với tinh thần tích cực và mang tính xây dựng”.
Khi khuôn vấn đề vào phạm vi một hội học thuật, “nơi thích hợp để nuôi dưỡng văn hóa liêm chính, nghiêm khắc về đạo đức và trí tuệ, các hoạt động dân chủ và tự do ngôn luận, mà thiếu vắng những điều kể trên thì khoa học không thể nào tiến bộ được”, giáo sư Pierre Darriulat lấy ví dụ về Hiệp hội Thiên văn học Việt Nam và cho rằng “có thể áp dụng cho các hội học thuật khác, và thậm chí cũng có thể áp dụng cho vấn đề bao quát hơn về vai trò và các trách nhiệm của đội ngũ trí thức trong xã hội Việt Nam”.
Trong số báo này, như thường lệ, chúng ta sẽ có cơ hội đọc những bài viết thú vị khác: “Giáo dục hòa nhập: Cơ hội vươn lên của trẻ em dân tộc thiểu số” (Đỗ Thị Ngọc Quyên); “Nhà thơ Việt Phương: Cỏ dọc đường trần” (Anh Thư); “Rừng ngập mặn: Trước sự mất mát và xé lẻ” (Thanh Nhàn); “Phục hồi rừng ngập mặn: Những thách thức” (Anh Vũ); “Bí ẩn di truyền trên khuôn mặt” (Cao Hồng Chiến lược thuật); “Áo công nghệ giúp người khiếm thính cảm nhận âm nhạc” (Tô Vân tổng hợp); “’Cuộc đời và Số phận’ hay ‘Chiến tranh và Hòa bình’ của thế kỷ 20” (Hiền Trang), “Hư không trong ống kính “haiku thị giác” – Kỳ 2 (Nguyễn Vũ Hiệp); “Bảo tàng online của phim Việt: Tại sao không?” (Hoàng Lê); “Yuri Temirkanov: Di sản cuối cùng của một trường phái chỉ huy” (Ngọc Tú).
BBT Tia Sáng
——————————————-
Tất cả những ai quan tâm và yêu quý Tia Sáng đều có thể đăng ký mua bản giấy, bản PDF và đọc thử các số Tia Sáng trước tại đây: https://bit.ly/DatmuaTiaSang
Ngoài ra, các bạn có thể mua lẻ từng số tại:
Hà Nội: Tạp chí Tia Sáng, 70 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội
TP.HCM: Nhà sách Huy Hoàng, 357A Lê Văn Sỹ – Phường 1 – Quận Tân Bình – TP. Hồ Chí Minh