Đón đọc Tia Sáng số 3 tháng 2/2023

Một số báo mới, với rất nhiều vấn đề thú vị, đã về tới tòa soạn.

Chúng ta trông chờ gì ở một số báo mới? Nhiều thông tin mới mẻ? Nhiều kiến giải sâu sắc? Nhiều câu  chuyện thú vị? Hay cả những con người xuất sắc?… Tia Sáng tin là số báo này gói gọn tất cả những điều đó trong gần 60 trang nội dung.

Có lẽ, chúng ta đều ít nhiều chứng kiến và trải nghiệm tác động từ những biến động trên thế giới. Tình hình đó, dường như khó có thể kết thúc trong năm nay. Vậy nó sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam như thế nào? Trong “Kinh tế mở trong thế giới không ổn định”, nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Văn nhấn mạnh vào tính chất của nền kinh tế Việt Nam: kinh tế mở. Anh cho rằng, tính chất mở là yếu tố quan trọng để tiếp cận với các nguồn kỹ nghệ mới, tuy nhiên “chỉ là điều kiện cần cho việc tiếp thu kỹ nghệ. Điều kiện đủ là dân trí, năng lực lao động cũng như cơ chế tạo động lực khuyến khích tiếp thu và thích nnghi với các kỹ nghệ đó”. Do vậy, Việt Nam có nhiều lý do để lạc quan, nếu “tập trung thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào các lĩnh vực sản xuất thay vì khai thác tài nguyên thiên nhiên…, phát triển nguồn nhân lực, đầu tư vào KH&CN, đặc biệt là cơ chế để hấp thụ và thích nghi với kỹ nghệ mới của các nước đối tác”.

Những tín hiệu lạc quan ấy, dẫu sao cũng không hẳn xóa hết âu lo khi chúng ta nhìn vào hiện tại, một bối cảnh đầy những mơ hồ, nghi ngại, bối rối trước sự xâm nhập đời sống của các thuật toán AI. Đây có phải là sự cáo chung của loài người? Câu hỏi này quá lớn và Tia Sáng sẽ tiếp tục đề cập đến chủ đề này trong những số báo tới. Trong số báo này, Tia Sáng đặt vấn đề tác động của AI đến đời sống xã hội thông qua lăng kính của người làm luật. “Thế lưỡng nan trong làm luật AI” cho chúng ta một cái nhìn tổng quan về sự thách thức của công nghệ theo tiến trình phát triển của xã hội, “sự xung đột giữa quá khứ và tương lai từ những phát minh công nghệ đã thử thách chúng ta trong suốt các cuộc cách mạng công nghiệp”. Hiện tại, “công nghệ đột phá không chỉ mang đến hủy diệt mang tính sáng tạo cho nền kinh tế, cấu trúc xã hội mà còn cho hệ thống pháp luật”, đặc biệt là các khái niệm pháp lý truyền thống. Làm thế nào để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà sáng tạo công nghệ, người sử dụng công nghệ, không để xảy ra xung đột lợi ích, không xâm phạm quyền riêng tư, bảo mật được dữ liệu nhưng vẫn khuyến khích được công nghệ phát triển? Có lẽ, chúng ta sẽ phần nào hình dung ra thách thức này thông qua bài viết.

Giữa những ngổn ngang cũ – mới, đóng – mở, sáng tạo/phát triển – hủy hoại/tan rã, quyền lợi – nghĩa vụ…, chúng ta không khỏi cảm thấy bức tranh có quá nhiều gam màu xám. Ồ không, cuộc sống vẫn còn những điểm sáng lạc quan, những câu chuyện về các nỗ lực của con người ở nhiều lĩnh vực, nhiều khung thời gian khác nhau vượt qua những thách thức của bối cảnh xã hội để xác lập những điểm mới. Ở đây, có “Năm 2023: 7 công nghệ đột phá” – kết quả của những nỗ lực không ngừng nghỉ của các nhà khoa học trong nhiều năm với mong ước đem lại những tác động tích cực vào tương lai lâu dài của con người; “Đi tìm ‘chất Việt’ trong sáng tác truyện cho những người trẻ” – sự cố gắng vượt thoát khỏi sự lấn át của sách thiếu nhi nước ngoài từ các tác giả trẻ và phần nào từ cả các đơn vị xuất bản trong nước để hình thành thị trường sách thiếu nhi Việt Nam, dù còn ở dạng sơ khai; “Những nghệ sĩ của bầu trời” – câu chuyện cũ của hai nghệ sĩ thế kỷ 18 khi từ lĩnh vực âm nhạc chuyển sang thiên văn học đầy rẫy những chật vật vốn dĩ của kẻ tay ngang nhưng lại tràn đầy tình yêu và niềm say mê; “Những kẻ hèn nhát – Đó là Jazz. Đó là cuộc sống” – một cuộc du hành vào thế giới của thứ nhạc tôn thờ vị thần hỗn độn, phun trào dòng nham thạch của tự do và không bao giờ biết đến ngủ đông; “Phim Đài Loan: Tìm mình trong biến động hội nhập” – hé mở trải nghiệm đi tìm nhận diện của chính mình trong biến động lịch sử và va chạm văn hóa giữa quá trình mở cửa của một xã hội Á Đông; “Bóng đá: Môn thể thao quốc dân” – một quá khứ của bóng đá ở Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ 20, từ một môn thể thao ngoại nhập với một mục đích khác đã tạo thành sự gắn kết của những người cùng chí hướng…

Những câu chuyện và cảm xúc ấy tràn ngập trong số báo này. Vậy tại sao chúng ta không cầm nó lên và tự khám phá một cách đọc riêng cho chính mình?

———————————————

Tất cả những ai quan tâm và yêu quý Tia Sáng đều có thể đăng ký mua bản giấy, bản PDF và đọc thử các số Tia Sáng trước tại đây: https://bit.ly/DatmuaTiaSang

Ngoài ra, các bạn có thể mua lẻ từng số tại:

Hà Nội: Tạp chí Tia Sáng, 70 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội

TP.HCM: Nhà sách Huy Hoàng, 357A Lê Văn Sỹ – Phường 1 – Quận Tân Bình – TP. Hồ Chí Minh

 

 

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)