Đón đọc Tia Sáng số 8 tháng 4/2024

Một số báo mới với rất nhiều thông tin hữu ích về tương tác giữa con người với tự nhiên đã được ê kíp Tia Sáng nỗ lực chuẩn bị.

Vì sao nó hữu ích? Vì sao nó có thể đem lại những lý giải mới, hiểu biết mới cho chúng ta?

Câu chuyện về thế giới chúng ta đang sống, về những đổi thay của nó do cả thiên tai và nhân tai, là một câu chuyện vô cùng phức tạp, không dễ nhìn thấy ngay được hệ quả. Việc nhìn nhận những tác động đó theo “thời gian thực” quả là một thách thức bởi các nguyên nhân và hệ quả thường chồng chéo, lẩn khuất, không dễ phân biệt.

Đó là câu chuyện đang xảy ra ở ĐBSCL, một trong những vùng đất ở Việt Nam đang oằn mình chịu tác động của hạn hán, xâm nhập mặn. Nhưng chúng ta hiểu gì về hạn hán? chúng ta biết gì về những biểu hiện của nó? Thực ra nỗi tuyệt vọng ngày hôm nay của những người nông dân trồng lúa khi nhìn đồng ruộng cạn sạch nước, nứt trơ gốc lúa liên quan đến những hành động xảy ra từ lâu: các đập thủy điện thượng nguồn tích nước, giữ phù sa làm thay đổi chế độ thủy văn; tình trạng khai thác cát quá mức làm thay đổi địa mạo dòng sông; tình trạng khai thác nước quá mức trong vòng mấy chục năm dẫn đến nguy cơ cạn kiệt các túi nước ngầm… Biến đổi khí hậu có thể chỉ là giọt nước làm tràn cốc…

Những lý giải khoa học trong “Nước định hình tương lai ĐBSCL?” sẽ góp phần đem lại cho chúng ta một cái nhìn toàn cảnh về nước ở ĐBSCL cũng như nhiều đồng bằng châu thổ khác ở Việt Nam.

Câu chuyện về tương tác giữa con người với tự nhiên đâu chỉ có vậy? Nếu nhìn vào “Có rừng là có tín chỉ carbon?” (Trịnh Thục Hiền – Trương Văn Vinh), chúng ta có thể hiểu thêm đôi điều về tín chỉ carbon. Liệu chúng ta có thể có thêm thu nhập từ việc bán tín chỉ carbon khi đang sống trên một khu rừng? Việc thương mại hóa kết quả hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng hóa ra không chỉ đơn giản là quy đổi ra tín chỉ carbon để trở thành hàng hóa. Ở đây, “cái có thể quy đổi là kết quả giảm phát thải, nghĩa là chúng ta phải can thiệp để tăng khả năng hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng, hay nói cách khác, thực hiện dự án carbon rừng”. Việc tạo nguồn thu từ rừng và bán tín chỉ carbon đòi hỏi rất nhiều nỗ lực khác bởi ý nghĩa lớn nhất của tín chỉ carbon chính là tạo động lực để bảo vệ rừng, bảo vệ sự đa dạng sinh học và môi trường chúng ta đang sống.

Những thách thức trong quá trình bảo vệ môi trường sống, bảo vệ các nguồn lực tự nhiên mà chúng ta may mắn có được đang đặt ra nhiều bài toán khó cho Việt Nam. “Việt Nam hình mẫu phát triển xanh?” (Minh Hà-Dương), “Giảm hơn 90% tải lượng phù sa, hạ lưu sông Hồng suy thoái nghiêm trọng (Nguyễn Hào Quang) cho chúng ta thấy những mảnh ghép khác nhau của các thách thức này.

Có lẽ, sau khi điểm qua các bài toán sinh thái, chúng ta chợt hiểu rằng “Nỗi sầu sinh thái lan khắp toàn cầu” cũng là một phần của nỗi lo âu ngày hôm nay choán lấy chúng ta, và có thể dai dẳng tồn tại nếu chúng ta không giải quyết được phần nào những bài toán đó.

Như thường lệ, Tia Sáng vẫn là Tia Sáng. Trong số báo này còn có vô số bài viết mà mỗi nội dung đem lại ra cho chúng ta những phút giây suy ngẫm sâu sắc hơn về con người, mối quan hệ giữa con người với thế giới và những nỗ lực để cuộc sống này trở nên tốt đẹp hơn: “Peter Higgs và mảnh ghép cuối cùng của mô hình chuẩn” (Pierre Darriulat); “Tiêu chí ‘tạp chí săn mồi’ khối ngành nhân văn” (PGS Trần Trọng Dương); “GS. Nguyễn Văn Chính: Nhà dân tộc học ‘không ngồi ghế bành’” (Tô Vân); “Mọi thứ đều tàn lụi, kể cả thông tin” (Hảo Linh); “Sản xuất tá chất vaccine từ thực vật và bằng thực vật” (Nguyễn Trịnh Đôn); “Người trẻ mắc ung thư ngày càng nhiều: Không dễ tìm câu trả lời” (Cao Hồng Chiến lược dịch); “Những bức họa về thời kỳ Băng hà nhỏ” (Anh Vũ dịch); “Nathalie Stutzmann – Luồng gió mới trên bục chỉ huy” (Ngọc Anh tổng hợp).

Đó là lý do mà mỗi chúng ta cần đọc Tia Sáng từng số, từng ngày.

BBT Tia Sáng

————————————

Tất cả những ai quan tâm và yêu quý Tia Sáng đều có thể đăng ký mua bản giấy, bản PDF và đọc thử các số Tia Sáng trước tại đây: https://bit.ly/DatmuaTiaSang

Ngoài ra, các bạn có thể mua lẻ từng số tại:

Hà Nội: Tạp chí Tia Sáng, 70 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội

TP.HCM: Nhà sách Huy Hoàng, 357A Lê Văn Sỹ – Phường 1 – Quận Tân Bình – TP. Hồ Chí Minh

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)