Đón đọc Tia Sáng số 9 tháng 5/2023

Cái nóng lập hạ đã dịu bớt bằng một cơn mưa áp thấp nhiệt đới. Lòng người chợt thảnh thơi hơn. Ngần ấy đã quá đủ để chúng ta tìm đọc Tia Sáng số mới, một ấn phẩm không chỉ đem đến những thông tin mới mẻ mà cả những dòng suy tưởng sâu sắc.

Có một câu hỏi đặt ra “tại sao chúng ta lại cần những điều như thế, khi ở nơi nào cũng ngập tràn thông tin?”. Có lẽ, chúng ta đang ở thời điểm vô cùng kỳ lạ, nơi cái cũ chưa hẳn đã lui gót nhưng cái mới đã lăm le xuất hiện và tạo ảnh hưởng. Thật ra, những cuộc chuyển giao cũ mới luôn luôn diễn ra trong lịch sử loài người, chỉ là ở quy mô nào thôi. Tuy nhiên, từ trước đến nay, chưa có cuộc chuyển giao nào lại có sự tác động lớn lao đến thế và tác động đồng thời đến mọi ngõ ngách xã hội trên quy mô địa lý rộng lớn như thế. Tất cả vẫn đang diễn ra, tất cả vẫn chưa định hình, dù ở châu Âu, Bắc Mỹ hay Đông Nam Á cũng vậy.

Vậy thì chúng ta ngơ ngác định vị mình như thế nào trong dòng chảy ấy?

Trong phần hai của “12 khía cạnh của nền kinh tế trí tuệ chủ nghĩa”, GS Nguyễn Tiến Dũng nhắc nhở chúng ta nhớ đến những từ khóa rất quan trọng của nền kinh tế này: ngoài “toán học” còn có “tài nguyên”, “hợp tác”, “quản trị”, “chuyển đổi”, “an toàn”. Điều đó một mặt cho chúng ta thấy sự tác động sâu rộng của các công cụ AI trong mọi mặt xã hội, mặt khác cho chúng ta thấy những điều tồn tại mà AI có thể tác động để làm tốt hơn, trong bối cảnh “Việt Nam đất chật người đông, tài nguyên thiên nhiên tính theo đầu người khá khiêm tốn so với thế giới, bởi vậy để có thể phát triển bền vững trong thời đại AI thì cần quan tâm bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, phát triển năng lượng tái tạo, các quy trình xử lý và tái sử dụng nước, v.v.”

Câu chuyện về AI không chỉ có thế. Ở mọi nơi, nhiều thinh-tank và nhiều nhà nghiên cứu về đạo đức AI đặt câu hỏi về tác động của nó với xã hội. “Trí tuệ nhân tạo đối diện với phẩm tính người” (TS Nguyễn Thị Từ Huy), “AI tạo ảo giác cho nhân loại” (GS Yuval Harari) cho chúng ta thấy phần nào những điều giới học thuật lo ngại. “Phải chăng chẳng bao lâu nữa, chúng ta sẽ sống trong ảo giác do Ai tạo ra”, Yuval Harari đặt câu hỏi và đưa ra một vấn đề mang tính cốt lõi “tòa nhà chọc trời của những lợi ích do AI dựng nên còn quan trọng gì khi nền tảng nhân tính sụp đổ”.

Đó cũng là điều khiến TS Từ Huy, từ Việt Nam, giằng xé giữa được và mất do AI “Nguy cơ bị mất nhân tính, trước nay, vốn được thể hiện trong nỗi lo âu về sự thống trị của tự nhiên, tức là thú tính nơi con người. Giờ đây, phẩm tính người còn bị đe dọa bởi sự thống trị của một thế lực khác: kỹ thuật và máy móc”.

Ở buổi bình minh của AI, những cuộc đối thoại như thế này có thể khiến chúng ta bàng hoàng, nhưng đó chính là những gì chúng ta sẽ phải đối mặt, trong một lúc nào đó.

Vậy chúng ta sẽ phải làm gì?

Chúng ta sẽ phải làm tốt những gì còn ngổn ngang trong xã hội này, phải chăm chút các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực con người. Có quá nhiều vấn đề bức thiết đang đặt ra mà số báo này đã chạm tới, tất cả đều xoay quanh con người, cả về vật chất lẫn tinh thần, cả về môi trường nơi chúng ta sinh sống, mối quan hệ xã hội – gia đình, và hơn thế, những cảm xúc tâm hồn, sự tử tế – thứ mà AI không có, ở những góc độ và khía cạnh khác nhau “Quan sát Trái đất từ vũ trụ: Tầm quan trọng đối với Việt Nam” (Pierre Darriulat); “Ứng dụng công nghệ viễn thám: Giải pháp giúp quản lý nguồn nước mặt” (Nguyễn Minh); Chống lại tạp chí “săn mồi”: Cuộc chiến dai dẳng” (Minh Hà – Dương), “Giai điệu lượng tử (Kỳ 2): Những nốt nhạc qubit” (Nguyễn Bá Ân); “Đánh thuế đồ uống có đường: Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam” (Nguyễn Ngọc Minh – Nguyễn Ngọc Anh – Lê Thị Thu); “1516: Doanh nghiệp dựa vào lòng tốt” (Hảo Linh); “Trẻ em và thanh thiếu niên: Đối phó với trầm cảm” (Phạm Thị Thu Hường); “Xóa tan hiểu lầm trong bức tranh của Vermeer” (Tô Vân tổng hợp); “Ngọn lửa và số học của Borges” (Hiền Trang); “Wilhelm Kempff: Hậu duệ cuối cùng của Beethoven” (Ngọc Tú)…

Cũng như cái hộp của Pandora, khi để lọt những dịch bệnh, tàn ác, chiến tranh, xấu xa, lường gạt… xuống hạ giới thì còn sót lại hy vọng. Đủ để con người có thể tồn tại đến ngày hôm nay, sau rất nhiều trầm luân, đau đớn. Nói như Jawaharlal Nehru “Chúng ta sống trong một thế giới tuyệt diệu đầy ắp vẻ đẹp, sự quyến rũ và cả niềm vui khám phá. Không có điểm cuối cho những khám phá này bởi chúng ta chỉ có thể tìm kiếm chúng bằng những mắt cởi mở”.

Vậy thì tại sao chúng ta không đọc Tia Sáng số này

BBT Tia Sáng

—————————————

Tất cả những ai quan tâm và yêu quý Tia Sáng đều có thể đăng ký mua bản giấy, bản PDF và đọc thử các số Tia Sáng trước tại đây: https://bit.ly/DatmuaTiaSang

Ngoài ra, các bạn có thể mua lẻ từng số tại:

Hà Nội: Tạp chí Tia Sáng, 70 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội

TP.HCM: Nhà sách Huy Hoàng, 357A Lê Văn Sỹ – Phường 1 – Quận Tân Bình – TP. Hồ Chí Minh

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)