Đón đọc Tia Sáng số 21 tháng 11/2023

Điều gì sẽ xảy ra, nếu chúng ta tiếp nhận những thông tin một chiều, không đầy đủ hoặc thậm chí là thiên kiến, sai lệch?

Ê kíp Tia Sáng luôn suy nghĩ về những tình huống như vậy ở thời điểm có quá nhiều thông tin sẵn có quanh chúng ta, từ nhiều góc độ tiếp cận khác nhau. Dường như quá có nhiều thông tin gây nhiễu và dường như quá ít thông tin chính xác khiến đôi khi chúng ta hiểu chưa đúng vấn đề. Einstein từng bình luận “Thông tin không phải là hiểu biết”.

Đó là lý do mà chúng tôi, khi chuẩn bị cho số báo này, nhấn vào những vấn đề tưởng chừng quen thuộc với chúng ta: điện hạt nhân, vaccine, ngôn ngữ trong mối quan hệ với văn hóa.

Tại sao là điện hạt nhân? Liệu nó có thực sự đáng lo ngại? Liệu nó có là giải pháp cho năng lượng bền vững và phát triển bền vững? Sau loạt bài phân tích về xu hướng phát triển điện hạt nhân trên thế giới trong những số báo trước, GS Pierre Darriulat đã nhấn mạnh vào “Điện hạt nhân ở Việt Nam: Những niềm hy vọng” khi phân tích về trường hợp Việt Nam. Đề cập đến những gì diễn ra trong quá khứ, ông lưu ý một vấn đề về nguồn nhân lực “Khi cử thanh niên Việt Nam đi đào tạo ở nước ngoài ở những lĩnh vực mà đất nước không có cơ hội đào tạo phù hợp, cần giữ liên lạc chặt chẽ với họ trong thời gian họ ở nước ngoài, tạo cho họ những vị trí việc làm hấp dẫn khi trở về và phát triển cơ sở hạ tầng trong nước cho phép họ không chỉ duy trì mà còn phát triển tài năng và kiến thức chuyên môn thu được khi học ở nước ngoài. Không làm như vậy sẽ dẫn đến chảy máu chất xám, đồng nghĩa với việc lãng phí nguồn lực lớn, biến sự đầu tư đó thành một khoản đầu tư vô ích”.

Đó là lý do vì sao chúng ta không nên chỉ nhìn những thông tin trên bề mặt mà cần phải dựa vào bản chất công nghệ để rút ra kết luận.

Cũng cần dựa vào bản chất công nghệ và hiểu rõ hơn nữa những gì vaccine, liệu pháp miễn dịch không chỉ cho những bệnh truyền nhiễm mà còn bệnh tự miễn, ung thư…, đã đem lại cho con người, chúng ta mới thấu hiểu được hiện trạng chật vật tồn tại của ngành vaccine và cái tâm của những người làm vaccine ở Việt Nam. “Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC): Giá trị của sự bền bỉ”, “Ai nên đầu tư cho vaccine?”, “Hiểu đúng về vaccine”, ba bài viết chúng tôi thực hiện trong số báo này là những nét phác họa về vaccine ở Việt Nam, nơi những con người bằng cả tâm huyết và sự nghiệp tiếp nhận những công nghệ mới, tạo ra những liều vaccine và sinh phẩm đạt tiêu chuẩn GMP WHO nhưng giá 12 năm không thay đổi. Thế giới đang thay đổi, nguy cơ các căn bệnh truyền nhiễm gia tăng, ngành vaccine cần được đầu tư đúng mức để không chỉ đem lại những sản phẩm tốt mà còn góp phần xây dựng năng lực và sự tự chủ của một quốc gia bằng những công nghệ phức tạp và tiên tiến để làm ra nó.

Một khi có được hiểu biết, chúng ta có thể soi rọi những vấn đề khác một cách cẩn trọng. Trong mối quan hệ tương hỗ và chặt chẽ với bối cảnh lịch sử xã hội nói chung và văn hóa nói riêng, ngôn ngữ người Việt mà chúng ta sử dụng hàng ngày đã được hiểu một cách thấu đáo? Qua “GS.TS Trần Trí Dõi: Ngôn ngữ góp phần tạo nên sức sống của văn hóa Việt Nam”, cuộc trò chuyện thẳng thắn với GS Trần Trí Dõi, nguyên Trưởng khoa Ngôn ngữ học, trường Đại học KHXH&NV quanh cuốn “Lịch sử ngôn ngữ người Việt” ông mới xuất bản, chúng ta hiểu được việc nghiên cứu lịch sử ngôn ngữ người Việt cho phép tái lập bức tranh ngôn ngữ của cộng đồng ở từng giai đoạn lịch sử cụ thể; sau đó người nghiên cứu về văn hóa sẽ “đọc được” những đặc điểm về cội nguồn văn hóa của người Việt.

Hy vọng, chúng ta sẽ hiểu được nguyên nhân vì sao trải qua mấy nghìn năm thử thách, ngôn ngữ người Việt vẫn trường tồn, vẫn giữ được sắc thái riêng; và hiểu được “trong quá trình phát triển lịch sử dân tộc Việt Nam, để có được nền văn hóa đậm đà bản sắc như ngày hôm nay, có sự đóng góp của ngôn ngữ dân tộc với tư cách vừa là thành tố văn hóa, vừa là công cụ giao tiếp quan trọng nhất chuyển tải văn hóa”.

Không chỉ có cơ hội hiểu được sâu sắc hơn và đúng đắn hơn nhiều vấn đề, khi đọc Tia Sáng, chúng ta còn có thể đón nhận những điều mới mẻ và đẹp đẽ trong các bài khác của số báo này: “Nghiên cứu AI để hiểu chính mình” – Nguyễn Quang dịch; “Phân công lao động ở động vật: Điều kỳ lạ của tự nhiên” – Anh Thư lược dịch; “Kiến trúc sư cần tái định vị công việc trong xã hội hiện đại” – KTS Vũ Hiệp thực hiện; “Sau năm thế kỷ, nàng Mona Lisa vẫn không thôi bí ẩn” – Tô Vân; “Tạp âm trắng – Cơ thể lai tạo như chất liệu sáng tác” – Dương Mạnh Hùng; “Rác công nghệ” – Đặng Hà dịch; “Thiên thần vô hình của Jon Fosse” – Hiền Trang; “Jussi Björling – Một giọng hát hoàn mỹ” – Ngọc Tú.

Nicolaus Copernicus, nhà thiên văn học đặt dấu chấm hết cho thuyết địa tâm coi Trái Đất ở trung tâm vũ trụ, đã từng chia sẻ “Biết nghĩa là biết chúng ta biết gì, và biết là chúng ta không biết gì, đó mới là hiểu biết thực sự”, một sự nối tiếp điều mà triết gia Hy lạp cổ đại Plato từng nói “Một quyết định đúng dựa trên hiểu biết chứ không phải các con số”.

Vậy thì tại sao chúng ta không đọc Tia Sáng số này.

BBT Tia Sáng

—————————–

Tất cả những ai quan tâm và yêu quý Tia Sáng đều có thể đăng ký mua bản giấy, bản PDF và đọc thử các số Tia Sáng trước tại đây: https://bit.ly/DatmuaTiaSang

Ngoài ra, các bạn có thể mua lẻ từng số tại:

Hà Nội: Tạp chí Tia Sáng, 70 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội

TP.HCM: Nhà sách Huy Hoàng, 357A Lê Văn Sỹ – Phường 1 – Quận Tân Bình – TP. Hồ Chí Minh

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)