Tạp chí Global VietNam chấp nhận đăng bài tiếng Việt

Vừa mới ra mắt, tạp chí Global Vietnam sẽ chấp nhận đăng tải bài viết bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt nhằm tạo điều kiện tốt nhất về mặt ngôn ngữ cho các nhà nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn có thể truyền tải ý tưởng, phát triển học thuật, kiến tạo tri thức, và truyền bá/ lan tỏa tri thức.

Ảnh: Fanpage Engaging With Vietnam

Đây là một trong những tạp chí hiếm hoi chấp nhận đăng tải cả tiếng Việt, giúp các nhà nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam vượt qua rào cản ngôn ngữ. Global Vietnam do nhà xuất bản Đại học Amsterdam/Amsterdam University Press xuất bản cũng sẽ là tạp chí truy cập mở hoàn toàn để đông đảo giới nghiên cứu và đại chúng có thể dễ dàng tiếp cận.

Các giáo sư Phan Lệ Hà và Liam C. Kelley đồng sáng lập tạp chí và cũng là người đồng sáng lập của diễn đàn Engaging With Vietnam (Kết nối với Việt Nam) – chuỗi các hội thảo quốc tế thường niên nghiên cứu về Việt Nam trên các lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn như văn hóa, giáo dục, địa lý, lịch sử…cho giới khoa học và các nhà làm chính sách từ nhiều nơi cùng tham gia và chia sẻ những công trình nghiên cứu nhìn và tiếp cận từ nhiều góc độ. Hội đồng biên tập chủ yếu gồm có một số nhà khoa học xã hội và nhân văn người Việt khác đang làm việc ở nước ngoài và tại Việt Nam.

“Sự xuất hiện của Global Vietnam là một tín hiệu đáng mừng, bởi đây là tạp chí được xuất bản song ngữ Anh- Việt ở một nhà xuất bản uy tín trên thế giới: Amsterdam University Press. Đây là một cơ hội tốt để tiếng Việt xuất hiện với tư cách là một ngôn ngữ khoa học, bình đẳng với tiếng Anh, là một động thái chống lại bá quyền văn hóa, và sự ảnh hưởng của thuyết Âu tâm luận trong hoạt động nghiên cứu và công bố khoa học ở cả Việt Nam và quốc tế. Đây có lẽ sẽ là một cú hích đối với những người làm chính sách, các cơ quan quản lí khoa học, đồng thời là cơ hội cho các học giả Việt Nam học”, PGS.TS Trần Trọng Dương, Viện Hán Nôm, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, cho biết. Theo PGS.TS Trần Trọng Dương, đến nay đã có 4 tạp chí Việt Nam học của giới học thuật quốc tế xuất bản bằng tiếng Trung, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Hàn, trong đó chỉ có JVS của Carlifornia University Press là thuộc danh mục Scopus, nhưng tạp chí này hoàn toàn sử dụng tiếng Anh.

Cho đến nay, việc thành lập một tạp chí chuyên về Việt Nam học, thu hút được sự quan tâm chú ý của các học giả quốc tế vẫn là mong mỏi của cộng đồng các nhà khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam nhưng cũng là con đường đầy khó khăn. “Mong muốn của cả cộng đồng khoa học Việt Nam là thông qua việc xuất bản một tạp chí về Việt Nam học uy tín quốc tế để thế giới hiểu thêm về Việt Nam, để ngành Việt Nam học có vị thế và đóng góp nhiều hơn cho khoa học thế giới” – GS.TS Phạm Quang Minh, nguyên Hiệu trưởng Đại học KHXH&NV đồng thời từng là Tổng biên tập tạp chí Journal of Social Sciences and Humanities từng trả lời Tia Sáng. 

Trước đây, GS.TS Phạm Quang Minh đã phân tích bốn tiêu chí phổ biến để xây dựng một tạp chí quốc tế: thứ nhất, nếu tạp chí quốc tế yêu cầu tối thiểu 30% hội đồng biên tập là học giả quốc tế, thì toàn bộ ban biên tập của hầu hết các tạp chí đều là người Việt Nam (gần đây đã có sự điều chỉnh thêm một vài học giả nước ngoài nhưng thực chất chỉ là “đánh bóng” cho tạp chí mà chưa thực sự tham gia vào toàn bộ quy trình xuất bản của tạp chí); thứ hai là phải có học giả uy tín người nước ngoài viết nhưng các tạp chí chưa thu hút được; thứ ba là tạp chí phải ra đúng kỳ hạn; thứ tư là phải có sự phản biện thật sự nghiêm túc theo quy trình, thông lệ phản biện quốc tế. Chưa có một tạp chí nào về Việt Nam học trong nước có thể đảm bảo bốn tiêu chí này.

Trước đây, một vài tạp chí Việt Nam học trong nước như  Vietnam Social Sciences của Viện Hàn lâm KHXHVN và VNU Journal of Social Sciences and Humanities của trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội cố gắng mời các nhà khoa học quốc tế tham gia hội đồng biên tập nhưng trên thực tế, những tên tuổi này cũng mới chỉ là “góp mặt đặt tên” chứ chưa đóng góp được nhiều, các bài viết còn chưa đạt được tỉ lệ trích dẫn cao bởi các nhà khoa học quốc tế, nên việc tạo ảnh hưởng quốc tế còn rất gian nan. □

Tác giả

(Visited 35 times, 1 visits today)