World Cup 2022: Mặt trái của hào nhoáng

Đằng sau màn khai mạc hoành tráng của World Cup 2022 là những khoản thâm hụt ngân sách đầu tư khổng lồ 200 tỉ USD và 6700 sinh mạng trong tổng số 30 nghìn lao động tham gia xây dựng các công trình hoành tráng phục vụ World Cup.

Chi phí đầu tư qua các kỳ xây dựng World Cup.

Với 3,3 tỷ người theo dõi chương trình phát sóng năm 2018, World Cup là một giải đấu thể thao quy mô lớn nhất thu hút sự chú ý từ khắp nơi trên thế giới. Không có gì ngạc nhiên khi vô số quốc gia mong muốn trở thành chủ nhà của giải đấu đảm bảo hàng tỷ người xem truyền hình và thường thu hút hơn một triệu khách du lịch – nhưng không phải quốc gia nào cũng may mắn có được cơ hội. Quy trình lựa chọn một quốc gia đăng cai World Cup là thông qua đấu thầu, trong đó các quốc gia (hoặc nhóm quốc gia) nộp hồ sơ dự thầu đăng cai (với mẫu cho biết mong muốn đăng cai, đánh giá rủi ro và đánh giá kỹ thuật bao gồm cơ sở hạ tầng, và ban chấp hành FIFA bỏ phiếu lựa chọn. Trong trường hợp số phiếu ngang bằng nhau, Chủ tịch FIFA sẽ là người bỏ phiếu quyết định. Trong những năm gần đây, nhiều thành viên ủy ban, cũng như các cựu Chủ tịch FIFA, đã trở thành tâm điểm của các vụ bê bối hối lộ, thậm chí còn có hai cựu Chủ tịch FIFA bị truy tố (Blatter 85 tuổi và Platini 66 tuổi đang phải hầu tòa).

Hệ quả sau những vụ bê bối này (phần lớn hành vi tham nhũng của các thành viên FIFA đã bị điều tra và đưa ra ánh sáng) giờ đây khiến người ta càng thấy rõ rằng hối lộ chính là lý do khiến nhiều quốc gia đang phát triển (như Qatar và Brazil) nhận được quyền đăng cai World Cup. Trong tương lai, với việc thực hiện các quy trình giám sát minh bạch và chặt chẽ hơn, loại tham nhũng này sẽ được hạn chế.

Chi phí chi trả trực tiếp

World Cup năm nay được ước tính đắt đỏ nhất mọi thời đại. Trong các kỳ World Cup gần đây, Nga chi 11.6 tỉ USD, Brazil 15 tỉ USD, Hàn Quốc 3.6 tỉ USD. Thậm chí, trong trường hợp của Qatar, khoản chi ban đầu cho World Cup còn được đưa ra từ trước khi khởi động xây dựng các sân vận động, vì quốc gia này đã phải hối lộ các quan chức FIFA để đổi lấy việc chọn Qatar làm địa điểm đăng cai. Theo thông tin đăng trên tờ Times, cuộc điều tra về các khoản hối lộ bí mật cho thấy nước này đã hối lộ tới 880 triệu USD, với 400 triệu USD được đưa ra trước ngày bỏ phiếu chọn lựa, và một nửa còn lại thanh toán sau, khi Qatar được xác nhận là nước chủ nhà năm 2022.

Sau khi được lựa chọn, Qatar đã bắt đầu xây dựng các sân vận động mới đáp ứng các yêu cầu về sức chứa do FIFA đưa ra, và mặc dù đề xuất ban đầu của họ ước tính chi phí là 4 tỷ USD, nhưng kể từ đó tới nay, con số này đã tăng lên trong khoảng 6,5 đến 10 tỷ USD. Gói cơ sở hạ tầng ở Qatar, trong đó đã bao gồm sân vận động, trị giá 220 tỷ USD, cũng như các cơ sở hạ tầng phục vụ cho mục tiêu lớn hơn là trở thành một trung tâm đổi mới toàn cầu vào năm 2030. Qatar đặt mục tiêu trở thành một trung tâm công nghệ phục vụ thương mại và xác định chuyển sang nền kinh tế số, tập trung vào các dịch vụ đám mây và sử dụng dữ liệu. Điều may mắn là, các khách sạn, cải tạo sân bay và chi phí vận chuyển đã bao gồm trong gói cơ sở hạ tầng cần thiết cho việc đăng cai World Cup. Tuy nhiên, các kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng bị chậm tiến độ do trang thiết bị có hạn, Qatar phải vật lộn để theo kịp với quy mô khổng lồ mà World Cup đòi hỏi – cần chuẩn bị để đón 1,2 triệu người hâm mộ – tương đương với khoảng một nửa dân số Qatar.

Chỉ hai tháng trước trận đấu đầu tiên của giải đấu, một số cơ sở hạ tầng định mở cửa trong thời gian diễn ra World Cup vẫn đang được xây dựng. 130.000 phòng khách sạn như dự định vẫn chưa hoàn thiện (mặc dù khả năng phải sử dụng lều làm giải pháp thay thế đã được giới truyền thông thông báo trước trong trường hợp các phòng không được xây dựng hoàn chỉnh vào thời điểm World Cup bắt đầu). Nằm trong gói cơ sở hạ tầng và cũng là yêu cầu cần thiết cho World Cup, việc đại tu hệ thống thoát nước trên khắp Qatar vừa tốn kém vừa tốn thời gian. Chi phí lớn tới 220 tỷ USD cho World Cup năm nay càng nhấn mạnh nhu cầu của quốc gia đăng cai là cần có nguồn thu bằng du lịch bóng đá và trở thành trung tâm đổi mới sau sự kiện để bù đắp cho chi phí đăng cai lớn.

Các quốc gia đăng cai tổ chức World Cup nhận được doanh thu trực tiếp thông qua việc bán vé và bản quyền phát sóng, cũng như các khoản thu từ du lịch trong nước và quốc tế. Các ước tính gần đây nhất từ ​​tháng sáu đánh giá doanh thu dự kiến ​​từ các khoản trực tiếp này cho World Cup 2022 là 17 tỷ USD. Dự kiến sau này nhờ vào danh tiếng sau World Cup, Qatar thu hút về khoảng 200 tỷ USD. Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi có những hình ảnh về mặt tối đang phủ bóng đen lên hình ảnh quốc gia này trong kỳ World Cup?

Những mặt tối

Các tổ chức nhân quyền trên thế giới đã lên án Qatar vì hành vi đối xử với những người lao động nhập cư, vốn là những người có ít quyền nhất ở đất nước này.

Quá trình xây dựng nhanh chóng không chỉ tiêu tốn nhiều tỉ USD mà còn cả sinh mạng con người. Do Qatar cần xây dựng nhiều sân vận động có sức chứa lớn, khách sạn, hệ thống tàu điện ngầm, nâng cấp các sân bay và nhiều dự án liên quan đến cơ sở hạ tầng khác, quốc gia này đã thu hút khoảng 30.000 lao động nước ngoài. Tờ The Guardian thông tin, kể từ khi khởi công xây dựng đến nay, 6.700 công nhân nhập cư đã thiệt mạng do điều kiện lao động kém an toàn và quy định an toàn lỏng lẻo. Chưa kể nhiều chủ sử dụng lao động đã không trả đủ lương cho người di cư trước khi thải hồi họ về nước. Chính phủ Qatar đã không thông qua các đề xuất phải cải cách luật lao động cho đến gần đây, sau khi phần lớn các công trình xây dựng đã được hoàn thành; đến lúc sửa đổi cải cách xong thì “sự đã rồi”. Hơn nữa, hình ảnh xấu về Qatar đã xuất hiện ngay cả trước khi quá trình chuẩn bị cho giải đấu bắt đầu. Các tổ chức nhân quyền trên thế giới đã lên án Qatar vì hành vi đối xử với những người lao động nhập cư, vốn là những người có ít quyền nhất ở đất nước này. Gần đây cũng có thông tin cho thấy rằng Qatar sẽ hạn chế rất nhiều phương tiện truyền thông quốc tế trong thời gian diễn ra World Cup và ngăn không cho các đài truyền hình quay phim tại bất kỳ địa điểm lưu trú nào. Điều này khiến giới truyền thông không thể phỏng vấn, tiếp cận những nhóm người yếu thế như người lao động nhập cư, cộng LGBTQ + hoặc bất kỳ nhóm yếu thế nào khác. Những câu chuyện này tạo ra một hình ảnh xấu về Qatar trước khi giải đấu bắt đầu, trước khi 1,2 triệu người hâm mộ bóng đá đặt chân tới đất nước này.

Lao động nhập cư người Nepal xây dựng dàn giáo để trưng logo của World Cup. Họ thường phải làm việc từ sáng sớm tới tối mịt giữa trời nóng nực ở Qatar.

Lợi nhuận có đủ bù chi phí đầu tư?

Mặc dù không thể đánh giá ngay tất cả những kết quả mà World Cup 2022 mang lại cho tới vài năm sau nữa, nhưng lợi ích kinh tế ngắn hạn chắc chắn không thể bù đắp chi phí, vì dòng doanh thu tạm thời bắt nguồn từ du lịch World Cup gần như không đủ để Qatar ra khỏi hố sâu thâm hụt. Với mức đầu tư 200 tỷ USD, sẽ cần rất nhiều năm mới bù đắp cho các chi phí cơ sở hạ tầng ban đầu – mặc dù đã được tính đến như một phần trong mục tiêu năm 2030 của Qatar.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà kinh tế, World Cup hầu như mang lại ít lợi ích cho tăng trưởng kinh tế và du lịch cho các quốc gia đăng cai sau giải đấu.

Vậy thì, những lợi ích chính của việc đăng cai giải đấu ở Qatar là gì? Các khách sạn, hệ thống cống được nâng cấp các cơ sở hạ tầng quan trọng khác chắc chắn sẽ được sử dụng cho kế hoạch trở thành trung tâm du lịch và đổi mới toàn cầu trong tương lai, nhưng điều này chắc là khó thành với các sân vận động mới xây.

Với giải bóng đá lớn nhất của Qatar hiện nay là giải Qatar Stars League, chỉ đón trung bình dưới 1.000 người tham dự mỗi trận, thì các sân vận động có sức chứa từ 40.000 đến 80.000 thì sẽ không hữu dụng và có thể trở thành những hố tiền không được sử dụng – như tình trạng hiện nay ở Brazil, các sân vận động đầy chỗ trống nhưng vẫn đòi hỏi phải bảo dưỡng bảo trì thường xuyên. Tương lai sử dụng các địa điểm tổ chức bóng đá này để làm nơi tổ chức các giải đấu quốc tế khác là khó khăn vì phần lớn các giải khác được tổ chức trong nước, hoặc ở các giải đấu lớn của châu Âu – không giống như các môn thể thao khác như quần vợt và golf, sẽ chuyển địa điểm vào mỗi cuối tuần.

Những mặt trái xung quanh việc tổ chức World Cup có thể sẽ làm xấu đi hình ảnh của Qatar trên thế giới, kéo dài thời gian Qatar trở thành một điểm đến du lịch và do đó kéo dài khung thời gian bù đắp các khoản thua lỗ sau xây dựng cơ sở hạ tầng.

Với chi phí bỏ ra lớn hơn doanh thu trong ngắn hạn và trung hạn, lợi ích cuối cùng của việc đăng cai tổ chức FIFA World Cup là, với tư cách một quốc gia đang phát triển, Qatar cần quảng bá hình ảnh của mình ra thế giới, giống như các quốc gia khác trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh đã từng hoặc đang làm trong những năm gần đây. Đổ bằng tiền mặt từ các hoạt động khai thác dầu mỏ – đặc biệt là trong năm qua do hậu quả của xung đột Nga-Ukraine và sự rạn nứt của chuỗi cung ứng – Qatar có thể phải chịu thâm hụt do những chi phí khổng lồ cho World Cup, giống như cách mà Ả Rập Xê-út đã phải chịu khi đăng cai tổ chức giải LIV Golf Tour. Giống như các quốc gia giàu dầu mỏ xung quanh khác, Qatar đang cố gắng trở thành một điểm đến du lịch và trung tâm đổi mới sáng tạo trong một hoặc hai thập kỷ tới và nay nước này sử dụng World Cup như cách để quảng bá hình ảnh tích cực bằng cách tập trung vào những tòa nhà tráng lệ chọc trời và sân vận động hiện đại khổng lồ. Tuy nhiên, những mặt trái xung quanh việc tổ chức World Cup có thể sẽ làm xấu đi hình ảnh của Qatar trên thế giới, kéo dài thời gian Qatar trở thành một điểm đến du lịch và do đó kéo dài khung thời gian bù đắp các khoản thua lỗ sau xây dựng cơ sở hạ tầng.

Biểu đồ do The Guardian đăng, cho thấy số người lao động nhập cư từ các quốc gia khác nhau đã thiệt mạng kể từ khi bắt đầu khởi động xây dựng các công trình phục vụ World Cup ở Qatar.

Có vẻ như việc Qatar đăng cai World Cup 2022 không thu được nhiều lợi ích. Mặc dù chi phí ban đầu cho giải đấu không tới mức gây tổn hại cho họ, nhưng hình ảnh nhuốm máu trong quá trình xây dựng khiến việc đăng cai World Cup mang lại một cái giá quá đắt.□

Bảo Như tổng hợp

Nguồn bài và ảnh: https://businessreview.berkeley.edu/the-economics-behind-the-fifa-world-cup-qatar-2022tm/

https://www.theguardian.com/global-development/2021/feb/23/revealed-migrant-worker-deaths-qatar-fifa-world-cup-2022

https://www.thetimes.co.uk/article/revealed-qatars-secret-880m-world-cup-payments-to-fifa-p3r5rvw9x

Tác giả