Bảo tồn di sản & Bảo vệ căn tính Việt Nam

Cả đô thị lẫn nông thôn của Việt Nam đều tràn ngập những công trình và cảnh quan đại diện cho một lịch sử dài và căn tính của đất nước. Tuy nhiên, các công trình này đang đứng trước nguy cơ bị đập bỏ ngày càng cao, cùng với đó là sự mất mát căn tính của đất nước. Vậy, Việt Nam có thể làm gì để bảo vệ di sản và căn tính của chính mình?

Trong kì trước “Kiến trúc hiện đại: Giá trị riêng của Việt Nam” trên Tia Sáng số 17, tôi có nói rằng những giá trị của kiến trúc hiện đại giữa thế kỉ 20 của Việt Nam, vừa bộc lộ căn tính của Việt Nam thời bấy giờ, vừa tiếp nối kiến trúc truyền thống của quá khứ. Và kiến trúc do chính người Việt Nam đã tự phát triển này sẽ vẫn tiếp tục thể hiện những mơ ước và vị thế của Việt Nam trên toàn cầu ngày hôm nay.

Trong Kiến trúc hiện đại Miền Nam Việt Nam xuất bản vào năm 2020, tác giả đã liệt kê 148 công trình kiến trúc hiện đại của Việt Nam, trải rộng trên đủ loại công năng, thể hiện giá trị và ảnh hưởng của kiến trúc Việt Nam trong nửa thế kỉ 20. Cuốn sách này đã ghi lại những thành tựu đáng kinh ngạc của người Việt trong việc thể hiện căn tính Việt Nam.

Tuy nhiên, trong 148 công trình này, 11 công trình đã bị phá hủy và 27 công trình đang ở bờ vực bị hạ giải. Như vậy, ¼ công trình này sẽ biến mất hoặc chuẩn bị biến mất, và sẽ còn nhiều trong số đó sẽ nhanh chóng chịu chung số phận trong vài năm tới.

Tòa nhà ở 30 đường Phùng Khắc Khoan, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh là một công trình đặc biệt ấn tượng từ những năm 1960 với thiết kế tuyệt tác, là đại diện xuất sắc nhất cho kiến trúc hiện đại Việt Nam, thể hiện rõ căn tính Việt Nam. Công trình là một biệt thự lớn, có cả không gian cho nhà ở và văn phòng. Không rõ ai là người đã thiết kế công trình, dù nó mang đậm phong cách biểu hiện của kiến trúc sư Tô Công Văn, người đã có nhiều công trình ấn tượng ở Đà Lạt và Sài Gòn những năm 1960 và đầu những năm 1970. Những đường cong trong công trình không phải là những đường cong bình thường, mà là những đường parabol, với những góc lượn làm không gian xung quanh trở nên ấn tượng. Công trình này mang rất nhiều dấu ấn đặc trưng của Tô Công Văn, chẳng hạn như mái che mưa trên những cửa sổ và mái hiên uốn lượn ở cuối công trình. Những tòa nhà như vậy thể hiện sự hứng khởi của Việt Nam sau khi giành được độc lập, thoát khỏi chế độ thực dân. Nó vừa nắm bắt được đời sống sôi động của đất nước nhưng vẫn giữ được sự khiêm nhường trong chi tiết. Đây là công trình đáng lẽ phải được bảo tồn như một ví dụ tiêu biểu nhất giữa các ví dụ tương tự và là một minh họa cho sự sáng tạo của người Việt. Nó bị hạ giải vào năm 2019.

Sự mất mát của những kiệt tác kiến trúc giữa thế kỉ 20 đi cùng với nhiều biến mất của những công trình lịch sử khác thời Pháp thuộc trong vài thập kỉ gần đây. Tim Doling, trong cuốn sách của ông Khám phá Sài Gòn – Chợ Lớn – Di sản đang biến mất của Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2019, thống kê rằng hơn 50% biệt thự thời Pháp ở Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh đã bị hạ giải.

Giờ người Việt có thể làm gì để hiểu giá trị của những di sản này và nâng cao tầm quan trọng của việc bảo tồn những di sản này ở Việt Nam?

Quá trình bảo vệ di sản của thành phố cần một cách tiếp cận đa chiều, không chỉ quan tâm đến mỗi giá trị kinh tế và cho phép người dân địa phương và các nhà văn hóa được chia sẻ quan điểm của mình với những người ra quyết định.

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc UNESCO chỉ ra rằng “Di sản là những tài sản chúng ta nhận được từ quá khứ, chung sống ở hiện tại và truyền lại cho thế hệ tương lai. Di sản văn hóa và thiên nhiên của chúng ta đều là những nguồn tài nguyên không thể thay thế được cho cuộc sống và mơ ước của mình”. Bởi vậy, di sản là thứ chúng ta kế thừa từ người đi trước nhưng đồng thời cũng phải gìn giữ cho những người đến sau, để họ có thể hiểu những giá trị mà chúng ta coi trọng ngày hôm nay và những gì tạo nên căn tính của một quốc gia. Di sản cũng góp phần vào sự phát triển bền vững, khiến những cộng đồng tiến lên một cách mạnh mẽ và kiên cường bởi mỗi thành viên trong đó đều cùng chia sẻ những giá trị vững chắc.

Cả đô thị lẫn nông thôn của Việt Nam đều tràn ngập những công trình và cảnh quan đại diện cho một lịch sử dài và căn tính của đất nước. Tập hợp dày đặc những công trình mang phong cách và dấu ấn của từng thời kì trong lịch sử đã mang lại cho Việt Nam một danh tiếng, là một đất nước độc đáo hậu thuộc địa, hấp dẫn khách đến thăm. Không khí này đã đem đến giá trị du lịch khổng lồ trong quá khứ nhưng khi những công trình quan trọng từ quá khứ bị phá hủy, căn tính lịch sử với giá trị kinh tế đi kèm cũng dần biến mất theo, tiềm tàng biến các đô thị Việt Nam thành phiên bản đồng phục quốc tế với rất nhiều thành phố khác giờ đang nhan nhản khắp thế giới. Việt Nam từng có những điều độc đáo và đặc biệt để chia sẻ, nhưng nó lại ném những giá trị đó đi bằng cách phá hủy những di sản kiến trúc.

Người dân thực sự phải làm việc với chính phủ trong quá trình lựa chọn những gì thể hiện được lịch sử và giá trị của đất nước và cái gì có thể và nên loại bỏ. Không phải chỉ những cảnh quan và công trình lộng lẫy và kì vĩ hiển hiện, những công trình nhỏ như nhà ở cũng cần phải được cân nhắc trong quá trình này.

Rất thường xuyên, khi những nhà phát triển bất động sản đưa ra quyết định, họ chỉ lấy mỗi giá trị kinh doanh, kinh tế làm nền tảng – đầu vào đầu tư thấp và lợi nhuận đầu ra phải cao. Trong thị trường tư bản thì quan điểm đấy chẳng có gì sai. Nhưng vẫn cần cân nhắc thêm những thực tế và quan điểm khác để tạo ra những quyết định tốt hơn thế. Chính quyền địa phương không phải lúc nào cũng là một người tạo ảnh hưởng và người đại diện tốt cho người dân trong việc đưa ra những quyết định chính xác hơn liên quan đến các di sản bất động sản. Bằng chứng cho điều này chính là việc hạ giải Công ty đóng tàu Ba Son ở Thành phố Hồ Chí Minh, chính quyền đã đi ngược lại với quy hoạch tổng thể thành phố ban đầu, trao toàn bộ khu đất cho một nhà phát triển bất động sản để họ phá hủy công trình ngay lập tức rồi thay thế bằng các tháp chung cư cao cấp.

Những thành phố như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn tiếp tục trưởng thành và phát triển, nhưng các di sản bất động sản cũng có những giá trị kinh tế tiềm tàng của riêng nó và hoàn toàn có thể đóng góp vào quá trình phát triển này. Đặc biệt là những khu như Nhà máy đóng tàu Ba Son ở Thành phố Hồ Chí Minh, với vị trí xuất sắc dành cho mục đích công và du lịch để kết nối Công viên Bến Bạch Đằng và trung tâm du lịch ở giữa thành phố.

Xí nghiệm Bason giờ đã bị phá bỏ. Ảnh chụp bởi Alexandre Garel/Saigoneer.

Những thành phố khác trên khắp thế giới đã từng làm rất tốt trong việc đầu tư vào các di sản bất động sản. Cách tái sử dụng những công trình nhà kho cũ theo hướng thích nghi với bối cảnh mới để trở thành địa điểm thu hút du lịch đã khiến San Francisco trở thành một trong những thành phố đông đúc khách thăm quan nhất và giàu có nhất thế giới.

Singapore đã từng phá hủy phần lớn khu vực trung tâm trong những năm 1960 và 1970. Rất may là chính quyền cuối cùng cũng nhận ra thành phố đã mất đi căn tính và kết quả là du lịch cũng giảm sút. Họ phải sửa lại quy hoạch tổng thể để cứu vãn khu vực di sản còn lại, như Chinatown, giờ đem lại giá trị kinh tế khổng lồ cho thành phố.

Quá trình bảo vệ di sản của thành phố cần một cách tiếp cận đa chiều, không chỉ quan tâm đến mỗi giá trị kinh tế và cho phép người dân địa phương và các nhà văn hóa được chia sẻ quan điểm của mình với những người ra quyết định. Có rất nhiều giá trị khác nhau mà những nhóm lợi ích khác nhau có thể cùng thảo luận trên bàn nghị sự, để rồi chính phủ có thể có quyết định sáng suốt hơn, dựa trên lợi ích thực sự của đất nước và căn tính của nó.

Dưới đây là danh sách một loạt các giá trị cần phải xem xét khi đánh giá bảo vệ các di sản bất động sản:

Các giá trị kinh tế luôn luôn là tiêu chí chính để phát triển một khu đất hoặc các tòa nhà. Những nhà phát triển bất động sản hoặc chủ các khu bất động sản luôn tìm kiếm cách sử dụng “tối ưu” cho mảnh đất, dựa trên các giá trị sử dụng của nó. Nếu một công trình lịch sử thấp tầng bị phá hủy và thay bằng một tòa nhà cao tầng với hàng trăm đơn vị không gian để ở, để làm văn phòng, thì hoàn toàn có thể tính được chi phí phát triển và giá trị kinh tế tiềm năng thu về. Nếu tiềm năng sử dụng của công trình lịch sử không sánh được với quy mô của công trình mới, thì những giá trị phi vật thể mà nó mang đến cho dự án phải bù đắp được sự “thiếu hụt” đó. Nhưng các công trình di sản thường có những giá trị kinh tế riêng, không chỉ đến từ doanh thu từ công năng mới sau khi nó được sửa chữa sao cho thích nghi với bối cảnh hiện tại, mà từ rất nhiều loại giá trị thương mại và du lịch khác mà di sản đem đến cho căn tính và nền kinh tế của toàn bộ khu vực, vượt ra ngoài phạm vi của dự án.

Những công trình di sản thường có những giá trị lịch sử không thể lượng hóa được, nhưng có thể vượt trội hơn cả những giá trị kinh tế. Hiện nay có 170 địa điểm được chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh bảo vệ có gắn liền với lịch sử cách mạng và lịch sử tôn giáo. Nhưng có rất nhiều khu di sản khác cũng có thể nằm trong danh sách này nếu như các tiêu chí đánh giá xếp loại được mở rộng ra so với các tiêu chuẩn hạn hẹp hiện nay. Nếu người ta có thể chứng minh rằng một công trình có giá trị lịch sử bằng cách xác định chính xác những sự kiện quan trọng của đất nước gắn liền với nó, thì dù cho công trình này đem lại những cơ hội kinh tế ít hay nhiều, nó vẫn có một giá trị nội tại lớn và quan trọng đối với quốc gia. Bảo tồn lịch sử là gìn giữ những kết nối quý giá với quá khứ cũng như thể hiện sự nối tiếp tới tương lai của cả cộng đồng. Nó lưu lại sự chuyển mình của một nơi chốn giữa lòng xã hội từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Giá trị kiến trúc hay thẩm mỹ của những công trình hoặc cảnh quan thể hiện tài năng sáng tạo của con người, cả trong quá khứ và tiếp tục thể hiện ở cả thì hiện tại. Cho dù những giá trị đó dựa trên những cái đẹp được công nhận rộng rãi hay dựa trên tính đại diện cho một cộng đồng – quốc gia, khi đánh giá một khu bất động sản liên quan đến di sản, những giá trị đó cần được tính toán và xem xét kĩ lưỡng. Cũng nên nhớ rằng, giá trị kiến trúc và giá trị thiết kế đô thị không chỉ áp dụng cho một công trình đơn lẻ mà trong nhiều trường hợp còn áp dụng cho cảnh quan của cả một con đường, một khu phố với những đặc trưng khơi gợi những cảm giác hoài niệm khó quên cho chính những người dân địa phương và người khách đến thăm. Chính những cảm xúc và ấn tượng đó tạo nên căn tính của nơi đó và khiến những khách du lịch có nhiều lí do để tới thăm và trải nghiệm vùng đất đó. Những giá trị này có thẻ khó đoán trước nhưng qua thời gian ngày một trở nên rõ ràng. Trong lịch sử kiến trúc, người ta ngày càng trở nên coi trọng những công trình đa dạng thể loại, bất kể nó là đặc trưng của một trường phái kiến trúc hay là của một thời kì lịch sử. Cửa hàng, biệt thự, nhà ở đại chúng thường không được coi là có những giá trị di sản, nhưng những công trình đặc trưng nhất, đẹp nhất cho những hạng mục này ở mỗi thời kì lịch sử cần phải được bảo tồn. Không như phần lớn các nước khác trên thế giới, những công trình dân sự nhà ở của Việt Nam lại có vai trò quan trọng trong việc thể hiện những giá trị về căn tính và gia đình của đất nước. Điều đó không có nghĩa là mọi công trình nhà ở đều phải được bảo tồn nhưng rất cần xác định những ngôi nhà nào đẹp nhất thông qua quá trình cân nhắc cẩn trọng để bảo vệ.

Nút giao giữa hai đường Đồng Khởi và Mạc Thị Bưởi, TP. Hồ Chí Minh. Ảnh chụp bởi Alexandre Garel

Tuổi đời của các bất động sản cũng phải được tính đến mặc dù tiêu chí này cần phải cân nhắc song song với yếu tố lịch sử và kiến trúc. Sự độc đáo của một công trình và tính đại diện của một thời kì lịch sử thậm chí còn quan trọng hơn bản thân tuổi đời của nó. Những công trình sừng sững từ trước thời kì thuộc địa rõ ràng là một đồ cổ giá trị. Nhưng những công trình hiện đại từ sau thời kì thuộc địa cũng quý giá không kém dù tuổi đời mới có 50 hay 80 năm chưa thể gọi là “lịch sử”. Các sinh viên kiến trúc thường nói với tôi rằng, cha mẹ họ nhìn những ngôi nhà ở giữa thế kỉ 20 chỉ là đồ cũ chứ chẳng phải là cổ. Nhưng nếu tất cả những công trình này bị phá hủy trong những thập niên tới, liệu chúng ta có nhận ra rằng những công trình này đã “đủ tuổi” và rồi công nhận chúng là di sản quan trọng đối với lịch sử đất nước chăng? Lúc đấy đã quá muộn. Chúng ta cần bảo vệ những công trình xuất sắc mang tính đại diện của thời kì giữa thế kỉ 20 từ ngay bây giờ để rồi truyền cho thế hệ tiếp sau sự thấu hiểu về tầm quan trọng của lịch sử và căn tính mà họ thừa kế. Kể cả những công trình di sản đang bị xuống cấp nghiêm trọng do sự lãng quên hoặc đã bị thay đổi qua thời gian cũng phải được xem xét bảo tồn và bảo vệ.

Các giá trị về văn hóa và căn tính có ý nghĩa quan trọng với cộng đồng nhưng không phải lúc nào cũng hiện diện trong các quyết định của những nhà phát triển bất động sản. Những truyền thống văn hóa tượng trưng cho những gì giá trị nhân văn, đặc biệt là khi chúng liên tục được mài giũa bởi những thăng trầm lịch sử. Những đặc trưng phi vật thể của văn hóa, bởi vậy, cần được suy xét, bao gồm các truyền thống địa phương, ngôn ngữ, những câu chuyện của người dân nơi đây. Đó cũng là những giá trị không thể đong đếm được nhưng lại thúc đẩy sự hấp dẫn về du lịch và từ đó đem lại những giá trị về kinh tế. Thông thường chính những giá trị trải nghiệm về truyền thống địa phương mới là lí do khách du lịch phải đến tận nơi, đứng giữa không gian của di sản đã khởi sinh và nuôi dưỡng những truyền thống đó.

Những giá trị xã hội bao gồm những tư tưởng và tương tác của người dân trước môi trường và không gian của di sản. Ý nghĩa biểu tượng và ý nghĩa tính thần của những người dân là thứ làm nên căn tính văn hóa địa phương, để rồi góp phần làm nên căn tính của đất nước. Những căn tính mang tư tưởng chính trị, tinh thần cách mạng, chủ nghĩa dân tộc là quan trọng, nhưng những thực hành và giá trị văn hóa ở phạm vi địa phương cũng thiết yếu với cả cộng đồng. Chính những tri thức của từng cộng đồng đó làm nên sức sống của cả dân tộc. Bảo tồn các công trình di sản cũng chính là coi trọng những giá trị xã hội, cũng cố những giá trị về tự trọng và bao dung của người dân ở khu vực và nền văn hóa đó. Và những giá trị đặc trưng của văn hóa và di sản đó cũng sẽ tô đậm thêm sức hút du lịch và cuối cùng đem lại giá trị kinh tế cho cộng đồng. Nhưng những nhà phát triển bất động sản sẽ không nhìn ra điều đó, cộng đồng cần phải tham gia trong quá trình lập quyết định để tìm ra và trao đổi về những giá trị này.

Tiếp cận đa chiều để xác định tình trạng của di sản

Tiêu chí của UNESCO cho danh hiệu Di sản Thế giới yêu cầu phải cần một “Tuyên bố về Những giá trị phổ quát nổi bật”, từ đó, di sản mới là “một phần của di sản toàn bộ nhân loại” đồng thời cũng mang tính “phổ quát và được công nhận bởi mọi nền văn hóa”. Cách tiếp cận ở đây rất đáng kể bởi nó nhìn vào tổng hòa tất cả các giá trị từ phổ biến đến cụ thể, bởi vậy không ai được phép chọn một vài tiêu chí mà họ thích.

Cách tiếp cận này không nhất thiết chỉ áp dụng cho các di sản thế giới. Tiếc rằng, hội đồng quyết định số phận di sản ở một nơi chỉ quan tâm đến một phạm vi lợi ích nhỏ hẹp. Coi trọng những lợi ích kinh tế địa phương là cần thiết nhưng những giá trị phổ quát toàn cầu cũng cần phải xem xét.

Chính phủ cần cẩn thận quyết định và xem xét tất cả các tiêu chí và giá trị liên quan trong việc đánh giá và phê duyệt các dự án, khuyến khích chuyên gia, các nhóm lợi ích và người dân địa phương đóng góp ý kiến cho các quyết định tương lai. Đặc biệt, chỉ cộng đồng mới có thể đưa ra những ý nghĩa biểu tượng của công trình mà các chuyên gia chưa chắc đã hiểu hết. Những quyết định sáng suốt là những quyết định thực sự đóng góp và duy trì chất lượng cả về vật chất và tinh thần cho cuộc sống của cộng đồng.

Môi trường sống và các công trình quanh ta thường xuyên đổi thay và sự thay đổi đó là do thôi thúc của rất nhiều nhu cầu và hoàn cảnh. Không phải tất cả mọi thứ đều cần phải được bảo tồn. Bởi vậy cách tiếp cận đa chiều mới có thể tìm ra những gì giá trị cần lưu giữ và những gì cần phải thay đổi hoặc phá bỏ về sau.

Có một vài bước cần phải thực hiện để dành nhiều chỗ cho các nhóm đối tượng và lợi ích khác nhau trên bàn nghị sự. Dưới đây là những bước mà nhiều nước đã làm thành công:

Chỉ cộng đồng mới có thể đưa ra những ý nghĩa biểu tượng của công trình mà các chuyên gia chưa chắc đã hiểu hết.

Tăng cường nhận thức về giá trị của di sản

Để thành công thì bản thân chính phủ cũng nên ý thức được những giá trị di sản như một phần của quá trình phát triển, nhưng phần lớn thì các chính phủ trên khắp thế giới không có điều đó. Bởi vậy cần có một quy trình mà các chính phủ có thể lắng nghe người dân bất kể họ cảm thấy thế nào về việc bảo tồn di sản. Nhưng những công dân cũng sẽ không lên tiếng nếu bản thân họ không hiểu các giá trị di sản hoặc không thực sự cam kết với những giá trị căn tính của địa phương và quốc gia trong đời sống của mình. Bản thân nhà nước và các nhóm dân sự nên thiết lập nhiều con đường giáo dục và thông tin cho tất cả mọi người về giá trị nói chung của di sản. Chỉ khi cộng đồng nhận ra những giá trị di sản nơi mình đang sống, họ mới lên tiếng bảo vệ nó. Tốt nhất là quá trình truyền thông này nên được phát triển theo hướng từ dưới lên bởi những người dân cùng với một nhóm các chuyên gia như kiến trúc sư, nhà sử học, nhà quy hoạch, trường đại học…Nếu các trường đại học có chương trình giảng dạy về bảo tồn di sản thì sẽ rất hữu ích cho quá trình này.

Dinh thượng thơ, 59 Lý Tự Trọng, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh chụp bởi Mel Schenck.

Tổ chức đấu tranh bảo vệ di sản

Khi chính phủ muốn nghe tiếng nói của cộng đồng và các nhóm dân sự, họ phải muốn làm việc với các tổ chức thực sự đại diện cho cộng đồng. Các cá nhân công dân thường không được mời ngồi ở bàn nghị sự. Mà công dân cần những đại diện của mình ngồi ở đó, bởi vậy chính phủ cần xây dựng những cơ hội để tạo ra những tổ chức đại diện của cộng đồng có chuyên môn và đáng tin cậy. Có lẽ là một vài tổ chức chính phủ như Hội kiến trúc sư Việt Nam, nên đứng lên vận động và đại diện cho lợi ích người dân, ít nhất là trên phương diện giá trị văn hóa và kiến trúc của các di sản.

Một vài năm nước, chính quyền TP. Hồ Chí Minh quyết định hạ giải tòa nhà Nha giám đốc Nội vụ (Dinh Thượng thơ) thời Pháp thuộc ở đường 59 Lý Tự Trọng. Trung tâm hành chính thời kì thuộc địa này được ra đời năm 1881 và được coi là công trình thuộc địa quan trọng thứ hai ở miền Nam Việt Nam, chỉ sau Phủ Tổng thống (Dinh Độc lập). Họ dự định sẽ thay thế công trình này bằng một trung tâm hành chính cao tầng của thành phố. Nhưng những phản đối không chính thức của người dân đã thành công trong việc thuyết phục chính phủ xem xét lại kế hoạch của mình. Nó sẽ tốt hơn nếu các chính quyền chủ động thu thập ý kiến của người dân từ trước thay vì tự quyết định rồi về sau mới phản hồi sự quan ngại của người dân.

Xây dựng quy hoạch di sản tổng thể

Theo luật, chính quyền địa phương nào ở Việt Nam cũng đều phải có quy hoạch tổng thể vùng đô thị và thành phố. Những quy hoạch tổng thể này có thể bao gồm một chương dành riêng cho các di sản đã được đánh giá trong khu vực đó và đưa vào danh sách cần phải bảo vệ hoặc ít nhất cũng được coi là đủ giá trị để cảnh báo phải xem xét kĩ lưỡng trước khi quyết định hạ giải bất cứ  công trình nào. Những quy hoạch tổng thể này giúp người dân hiểu về những gì sẽ xảy ra ở nơi mình đang sống và họ có thể xem liệu những dự án khác mà họ thấy quan trọng có nằm trong danh sách hay không. Chính quyền nên chuẩn bị một cách cẩn trọng những “tuyên bố về sự độc đáo của các công trình di sản” để công nhận hoặc từ chối một di sản đưa vào quy hoạch tổng thể di sản. Những đánh giá này phải được dựa trên những thông tin lịch sử chính xác.

Xác định một danh sách những công trình di sản

Nếu quy hoạch tổng thể di sản không kịp hoàn thiện vào thời điểm phù hợp, thì mỗi địa phương nên ban hành một danh sách các công trình có giá trị di sản được công nhận ở khu vực của mình. Những công trình và cảnh quan này cũng đều phải được đi kèm với “tuyên bố về sự độc đáo”, mô tả và cân nhắc tất cả những giá trị mà chúng ta đã thảo luận ở trên. Danh sách các công trình do đó sẽ được bảo vệ trong quá trình phát triển của địa phương. Điều này cũng đem lại sự vững tin cho chính quyền, các nhà phát triển bất động sản, chủ nhân của các công trình, các nhóm lợi ích về di sản. Điều này cũng loại trừ những xung đột và thắc mắc gây lãng phí nguồn lực. Hiện nay, Luật di sản của Việt Nam cho phép người chủ hiện tại, bao gồm cả các cơ quan chính phủ từ chối việc công nhận di sản cho công trình mình sở hữu. Chính phủ nên cân nhắc xóa bỏ quy trình này vì rất nhiều công trình xuất sắc như chợ Bến Thành ở trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh, ai cũng tưởng như phải được bảo vệ nhưng giờ đây vẫn chưa được công nhận di sản.

Đề xuất những lợi ích kinh tế cho việc bảo tồn di sản

Chính phủ nên có chính sách miễn giảm thuế cho các chủ nhà trong quá trình họ bảo tồn các công trình di sản, đặc biệt là khi họ tái sử dụng các công trình này theo hướng thích ứng với điều kiện mới. Các quy trình quy hoạch khác để khuyến khích việc bảo tồn có thể là chuyển đổi quyền phát triển bất động sản hoặc chuyển đổi quyền sở hữu đất. Theo đó, chủ sở hữu sẽ bảo tồn, giữ gìn di sản và đổi lại, họ sẽ được quyền xây dựng hoặc sở hữu một khu đất khác. Hoặc, chủ sở hữu các công trình di sản nhà ở sẽ được chính phủ đền bù vì mất quyền xây dựng, thay đổi công trình này.

Giá trị của di sản đem đến những dòng chảy lợi ích không ngừng cả về mặt xã hội lẫn kinh tế

Lợi ích việc có cái nhìn đa chiều về một thành phố và một quốc gia đến từ chính quá trình gắn kết rất nhiều những suy tư khác biệt lại với nhau và rồi mang chúng trở lại với môi trường mà chúng ta đang sống. Khi di sản trong lòng cộng đồng được bảo vệ, chúng ta lại tiếp tục thấy không gian và cộng đồng của mình phát triển một cách trọn vẹn và cùng nhau gây dựng tiếp những kí ức cho tương lai. Một khi chúng ta thực hiện được cách tiếp cận đa chiều, ta cũng sẽ xác định được những vấn đề khác của xã hội, rồi từ đó mở rộng ra cách đối phó với những tác động của biến đổi khí hậu tới cộng đồng hay cách nâng cấp cơ sở vật chất như hệ thống tàu điện ngầm hay các tuyến xe buýt.

Nhưng bảo tồn các công trình di sản bản thân nó cũng đem lại những giá trị kinh tế nữa, khi đặc biệt là ngành công nghiệp du lịch sẽ phát triển để phục vụ ngày càng nhiều người tới Việt Nam để thưởng thức nền văn hóa sống động trên nền những bối cảnh độc đáo với đa dạng phong cách, trải dài trên nhiều thời kì lịch sử. Và những công trình di sản đem đến thêm những không gian kì thú cho những trải nghiệm ẩm thực và mua sắm để phục vụ cho cộng đồng năng động.

Thật đau đớn khi tưởng tượng ra những thành phố ở Việt Nam trở thành những vùng đất vô hồn và đơn sắc như bao nhiêu nơi trên thế giới, khi người dân không bảo vệ nổi căn tính của họ. Bởi vậy, ở Việt Nam, chúng ta thực sự phải cùng ngồi lại để cùng nhìn những giá trị ta đang có và tìm cách tận dụng chúng để khiến đời sống của mình được nâng cao hơn nữa.

*Bài viết được bổ sung thêm bốn mục cuối so với bản in

Hảo Linh dịch

Tác giả

(Visited 29 times, 1 visits today)