Bảo vệ hệ sinh thái đất: Có cứu vãn được nông nghiệp ?

Bảo vệ hệ sinh thái đất là giải pháp duy nhất giúp chúng ta thoát khỏi vòng luẩn quẩn của khai thác kiệt quệ đất đai để rồi lại ‘bồi bổ’ nó bằng hóa chất, tất yếu dẫn tới suy giảm cả năng suất và chất lượng sản xuất.


Vòng luẩn quẩn khi chạy theo sản lượng 

“Không cho đất nghỉ, không ngừng tay ta”, sự vươn lên của một nền nông nghiệp để vượt qua một quá khứ đói nghèo “tháng ba, ngày tám” và đạt vị trí xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới thật ấn tượng. Chúng ta đã theo đuổi chiến lược tăng năng suất sản xuất ở khắp các vùng canh tác trong cả nước, nhằm thu về càng nhiều càng tốt, từ gạo cho đến rau màu, hoa trái nhưng thật ra ít ai để ý rằng giá cả và chất lượng hàng hóa nông sản của mình còn rất khiêm tốn. Nỗi ám ảnh phải vươn lên mặt tiền xuất khẩu, bước qua quá khứ đói nghèo đã bỏ qua một sự thật hiển nhiên khác: quỹ đất ngày càng eo hẹp, đất đai ngày một suy thoái sau mấy chục năm và người nông dân buộc phải ngày càng lạm dụng tới mức phụ thuộc vào chất trừ sâu, phân bón hóa học.

Vì vậy, không phải là nồi Thạch Sanh đem lại những giá trị nông nghiệp tỉ đô không bao giờ vơi cạn, giờ đây đất đai đang kêu cứu. Chưa bao giờ đất đai đồng ruộng rơi vào vòng xoáy canh tác – rửa trôi – xói mòn – suy thoái như vậy. Do không thoát được vòng xoáy ấy, chúng ta lại càng phải huy động thêm các tài nguyên khác để bổ cập cho đất. Tiêu biểu trong số này là tình trạng sử dụng nước, khi nước mặt không đủ chúng ta lại tìm mọi cách hút nước ngầm – ngành nông nghiệp đã chiếm tới hơn 81% toàn bộ lượng nước ngọt đang được sử dụng hiện nay, cao hơn nhiều so với trung bình 70% trên thế giới. 

Vắt kiệt đất đai như vậy nên đất đai, nền tảng của sản xuất nông nghiệp, đang rơi vào cảnh suy kiệt trong khi một nền nông nghiệp chúng ta cho sản lượng cao nhưng được xuất đi với giá rẻ. Giá gạo của Việt Nam thấp thứ hai trên thế giới (0,6 USD Mỹ/kg) trong khi gạo của Trung Quốc và Philippiné có giá gần 1 USD/kg. Tương tự, dù đứng thứ hai về sản lượng cà phê xuất khẩu, Việt Nam chỉ đứng thứ 10 về giá trị xuất khẩu. Điều đó có nghĩa giá trị nông sản xuất khẩu của Việt Nam là rất thấp so với các nước cạnh tranh.

Các can thiệp xử lý đất một cách phi sinh thái như cày bừa – ngâm nước – bón hóa chất và cày/bừa lại trước khi người nông dân trồng vụ mới sẽ hủy diệt hệ sinh thái đất và chắc chắn, nếu không có thay đổi sẽ hủy diệt chính tương lai sản xuất của họ.

Thực trạng này đòi hỏi chúng ta nhìn nhận một cách nghiêm túc về đất đaivà tương lai cho nền nông nghiệp, từ những khái niệm cơ bản về đất.

Đất khỏe và đất yếu

Đất khỏe là khi vẫn giữ được hệ sinh thái đầy đủ, là nơi trú ngụ và sinh sống của rất nhiều loài động vật và vi sinh vật thực hiện chức năng phân hủy các tàn dư hữu cơ để trả lại dinh dưỡng cho sản xuất nông nghiệp, quyết định đến sức khỏe và chất lượng đất, bao gồm kiểm soát các quần thể sâu/bệnh hại trong đất. Chất lượng đất có tính quyết định đến hiệu quả các đầu tư sản xuất của người dân (VD: sử dụng phân bón, nước tưới), và năng suất/chất lượng cây trồng. Nói cách khác, nếu không bảo vệ đất, người dân sản xuất sẽ cầm chắc thua lỗ trong trung và dài hạn.

Quá trình canh tác thâm canh như trong thời gian qua đã làm bạc màu đất nghiêm trọng. Việc cày bừa thường xuyên, đặc biệt ngâm ủ đất, nhất là với hóa chất, là giải pháp rất sai lầm – không chỉ tàn phá hệ sinh đất, làm tăng chi phí sản xuất cho người dân, suy giảm năng suất cây trồng theo thời gian, mà còn dẫn đến hệ lụy sức khỏe và môi trường. Minh chứng rõ nhất cho vòng xoáy này thể hiện qua kết quả tăng trưởng nông nghiệp và các đầu tư đầu vào. Ví dụ, trong giai đoạn 2005 – 2016, ước tính ngành Nông nghiệp Việt Nam tăng trưởng 36,8% tuy nhiên nhập khẩu vật tư nông nghiệp lại tăng vượt xa mức này, điển hình nhập khẩu phân bón tăng 43%, nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật và nguyên liệu thuốc tăng 337% (Tổng cục Thống kê, Tổng cục Hải quan 2017, trích trong Nguyen 2017). Hiện nay, mức sử dụng thuốc bảo vệ thực vật gấp bốn lần ngưỡng hợp lý về kinh tế. Khi mà giá phân bón và thuốc bảo vệ thực vật liên tục tăng, hiệu quả sử dụng các đầu tư này giảm, đồng thời với những suy giảm về thị trường nông sản đã đẩy nhiều người dân vào tình trạng thua lỗ (kết quả khảo sát 249 hộ tại 90 thôn lựa chọn tại năm tỉnh Tây Nguyên năm 2018 của chúng tôi cho thấy 36% số hộ sản xuất cà phê bị thua lỗ). 

Ruộng rau ở Hà Nội: đất đã bị tàn phá đến mức trơ cứng (ảnh nhóm nghiên cứu chụp vào 3/2023).

Theo khảo sát của chúng tôi, các can thiệp xử lý đất một cách phi sinh thái như cày bừa – ngâm nước – bón hóa chất và cày/bừa lại trước khi người nông dân trồng vụ mới sẽ hủy diệt hệ sinh thái đất và chắc chắn, nếu không có thay đổi sẽ hủy diệt chính tương lai sản xuất của họ. Đó là một quy trình khó có thể đảo ngược: đất suy thoái sẽ giảm kết cấu đất, khiến đất chặt cứng hơn, khả năng cho thấm nước và giữ nước suy giảm, khả năng giữ dinh dưỡng giảm, dẫn đến hiệu quả sử dụng phân bón giảm. Kết quả chắc chắn là năng suất và chất lượng nông sản giảm (xem ảnh trên). Và chính người nông dân cũng dần nhận thấy sự tai hại của can thiệp hủy diệt đất. Gần đây, khi chúng tôi đi khảo sát ở Đặng Xá, Gia Lâm, một số người dân cho biết sau khi thuê dịch vụ xử lý đất (cày bừa, ngâm nước và hóa chất, và cày/bừa lại), đến vài tháng sau cỏ cũng không mọc được. 

“Nguồn doping” cho đất

Do chi phí lao động ở nông thôn tăng, người nông dân ngày càng có xu hướng thay đổi một số quy trình canh tác phù hợp với sinh thái sang phi sinh thái để cắt giảm chi phí nhân công, khiến ngày càng phụ thuộc vào phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất diệt cỏ (rẻ hơn đầu tư nhân công) và gieo/trồng thẳng từ hạt thay vì qua giai đoạn vườn ươm. Tuy nhiên, càng làm đất, người dân sẽ càng đối mặt với chất lượng đất suy giảm và cỏ dại bùng phát, đặc biệt là đối với nhóm cỏ nảy mầm từ rễ hoặc thân. Việc sử dụng hóa chất trên đồng ruộng để có hiệu quả trong ngắn hạn cũng tương tự như vận động viên sử dụng doping để có thể huy động năng lượng trong thời gian ngắn để có kết quả thi đấu tốt, tuy nhiên việc dùng doping thường xuyên chắc chắn sẽ làm sức khỏe của họ sớm lụi tàn.

Về cơ bản, có sáu tiến trình dẫn đến suy thoái đất: (1) Xói mòn do nước; (2) Xói mòn do gió; (3) Do sự tích tụ muối quá mức; (4) Suy thoái vật lý; (5) Suy thoái hóa học; (6) Suy thoái sinh học. Khi đất bị suy thoái, hỏng cấu trúc và khả năng cho thấm nước, giữ nước giảm, sẽ dẫn đến nhu cầu tưới tiêu tăng. Câu chuyện về lạm dụng nước tưới tiêu còn dẫn đến một hệ quả mà không phải ai cũng rõ là tích tụ muối trong đất theo tỉ lệ thuận, nước càng nhiều khoáng thì tốc độ tích tụ càng tăng. Nghiên cứu ở Mỹ cho thấy, ngay cả khi dùng nước đầu nguồn (catchment) thì mỗi năm, lượng muối tích tụ trong đất trồng mì vào khoảng 1,6 tấn/ha. Đất tích tụ nhiều muối sẽ chi phối đến năm tiến trình suy thoái đất còn lại. 

Việc tăng cường làm đất kết hợp với tăng sử dụng phân hóa học, hóa chất, thuốc trừ sâu càng đẩy đất vào suy thoái nhanh chóng hơn.

Các dịch bệnh vốn trước đây bị “khóa” trong các chuỗi thức ăn tự nhiên, hiện đã dần thích nghi với nguồn thức ăn mới: cây trồng, vật nuôi, và cả con người, ví dụ như cúm H5N1, H1N1, H1N2, Ebola, bệnh lở mồm long móng… Sản xuất nông nghiệp bởi vậy trở lên rủi do hơn với áp lực các loài sâu bệnh hại mới.

Chúng ta càng cảm thấy tiếc nuối hơn khi biết là trong điều kiện hệ sinh thái đất phong phú, giàu hữu cơ, một phân tử hữu cơ trong đất có thể giữ được một lượng nước gấp 20 lần trọng lượng phân tử đất (FAO, 2005). Khả năng giữ nước tăng sẽ giúp giảm nhu cầu và chi phí cho tưới tiêu.

Nông nghiệp sinh thái: Giải pháp cho đất và người

Nông nghiệp châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng đang trải qua những thách thức quan trọng, ví dụ như gánh nặng về vấn đề dinh dưỡng (suy dinh dưỡng, béo phì, nghèo đói), người tiêu dùng mất lòng tin về an toàn thực phẩm, suy thoái đa dạng sinh học, và ảnh hưởng ngày càng tăng từ biến đổi khí hậu.

Không chỉ có sự bền vững về chuỗi cung cấp thực phẩm, dinh dưỡng, sự suy thoái đất đai, đa sạng sinh học còn dẫn đến hệ lụy khác. Do mất nơi ở hoặc nguồn thức ăn tự nhiên, các dịch bệnh vốn trước đây bị “khóa” trong các chuỗi thức ăn tự nhiên, hiện đã dần thích nghi với nguồn thức ăn mới: cây trồng, vật nuôi, và cả con người, ví dụ như cúm H5N1, H1N1, H1N2, Ebola, bệnh lở mồm long móng…. Sản xuất nông nghiệp bởi vậy trở lên rủi do hơn với áp lực các loài sâu bệnh hại mới, và con người cũng đối mặt với thách thức tương tự mà đại dịch COVID mới đây là ví dụ.

Các thách thức này đòi hỏi chúng ta phải có những thay đổi trong thiết kế và vận hành hệ thống nông nghiệp theo cách giảm lệ thuộc vào nhiên liệu địa khai, giảm thiểu ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường, thực hiện đa chức năng và có khả năng đàn hồi tốt hơn trước các rủi ro biến đổi khí hậu. Nông nghiệp sinh thái, bởi vậy, là lựa chọn tốt nhất cho nông nghiệp tương lai.

Mất cân bằng sinh thái, nông dân ngày càng phụ thuộc vào thuốc trừ sâu. Ảnh: Shutterstock

Nông nghiệp dựa trên hóa chất như hiện nay chú trọng đến tổng giá trị thu hoạch (năng suất)/đơn vị diện tích (GVP/LU), trái ngược lại, nông nghiệp sinh thái chú trọng đến tăng giá trị tăng thêm/tổng giá trị thu hoạch (VA/GVP). Nói cách khác, nông nghiệp sinh thái dựa vào kinh tế theo phạm vi (economies of scope) chứ không phải kinh tế theo quy mô sản xuất (economies of scale) như nông nghiệp công nghiệp hoặc hóa chất như hiện nay. Theo nghĩa này, nông nghiệp sinh thái cho tỷ lệ VA/GVP là cao nhất (xem biểu đồ) (Ploeg, Barjolle et al., 2019).

Rất nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh sự ưu việt về hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường của hệ thống nông nghiệp sinh thái. Ví dụ áp dụng không làm đất trong sản xuất lúa ở Ấn Độ giúp tăng năng suất lúa lên 30-100%. Tại Pháp, khảo sát 354 nông trại thâm canh (hóa chất) và 170 nông trại sinh thái, cho thấy, với mỗi 100 Euro đầu tư, nông trại sinh thái đạt giá trị tăng thêm cao hơn (44 Euro) so với nông trại thâm canh (28 Euro). Tương tự, các nghiên cứu ở Mỹ và các nước Châu âu khác đều cho thấy hiệu quả kinh tế và sinh thái cải thiện rõ rệt của hệ thống nông nghiệp sinh thái.

Tại Việt Nam, nghiên cứu mới đây của Trung tâm Sinh thái Nông nghiệp (Học viện Nông nghiệp VN), phối hợp với FiBL (Thụy Sĩ) và FAO trong so sánh giữa nhóm người dân sản xuất rau hữu cơ PGS và rau thường: cho thấy sự vượt trội hơn hẳn về thu nhập và hiểu biết trong thực hành sinh thái của người dân hữu cơ PGS so với rau thường. Nếu người dân PGS thực hành nhiều hơn nữa các giải pháp sinh thái, ví dụ áp dụng làm đất tối thiểu hoặc không làm đất, sức khỏe đất sẽ tăng và năng suất rau sẽ tăng lên. 

Lựa chọn để thay đổi? 

Đất suy thoái thì chắc chắn khiến sản xuất sẽ khó khăn, nhiều rủi ro hơn, và thu nhập của nông dân sẽ suy giảm. Biến đổi khí hậu và thị trường sẽ tăng rủi do hơn nữa cho người dân, đến mức mà sản xuất có thể không thể tiếp tục được duy trì để có được đủ thu nhập cho cuộc sống hằng ngày của người dân. Tác động giữa tàn phá hệ sinh thái đất – biến đổi khí hậu – rủi ro thị trường có quan hệ chặt chẽ với nhau. Một khi hệ sinh thái đất bị tàn phá, hệ thống cây trồng sẽ rủi ro hơn trước các tác động của biến đổi khí hậu, chất lượng và năng suất cây trồng giảm sẽ đẩy người dân vào khó khăn thêm nữa trước các rủi ro thị trường.

Bởi vậy, các nhà quản lý người dân cần có hiểu biết về các nguyên lý sinh thái tốt hơn để hiểu rằng: các tác động đến môi trường đất hôm nay sẽ khiến họ phải đối mặt với hậu quả ngày mai. Hiểu biết các nguyên lý sinh thái sẽ giúp nhà quản lý đưa ra các giải pháp chính sách thúc đẩy người dân sản xuất phù hợp với hệ sinh thái hơn, thiết kế và thực hành sản xuất nông nghiệp tốt và hiệu quả hơn. Bảo vệ đất trồng, bắt đầu từ giảm/không làm đất là lựa chọn đầu tiên và khôn ngoan theo hướng nông nghiệp sinh thái, cho mục tiêu bảo vệ đất và hiệu quả sản xuất nông nghiệp bao gồm cả quản lý cỏ dại. 

Cùng với thực hành làm đất tối thiểu/không làm đất, người dân cần quay lại việc áp dụng sản xuất và sử dụng cây giống từ vườn ươm (cây giống kèm bầu) sẽ giúp tăng sức khỏe cây trồng trong cạnh tranh với sâu bệnh và cỏ dại, tăng năng suất/chất lượng rau, tăng chỉ số mùa vụ/năm, giảm tác động đến hệ sinh thái đất. Đây có thể xem là hai chìa khóa chính để bắt đầu thay đổi sản xuất theo hướng sinh thái, giúp bảo vệ hệ sinh thái đất, quản lý cỏ dại và sản xuất rau đạt hiệu quả và chất lượng cao hơn. □

Những cố gắng thay đổi về nhận thức và tác động để phục hồi hệ sinh thái đất (theo hướng nông nghiệp sinh thái) nhằm tăng cường hệ vi sinh vật đất, độ mùn, cấu trúc đất, khả năng giữ nước và dinh dưỡng của đất giảm sẽ quyết định đến hiệu quả và sự bền vững của hệ thống sản xuất. Ví dụ: sau bảy năm thí nghiệm hệ thống không làm đất ở Chequen (Chile), quần thể giun đất tăng 36% ở tầng đất mặt. Quần thể các loài nấm, vi khuẩn, tảo, côn trùng cũng tăng lên. Sau 19 năm áp dụng biện pháp không làm đất, tầng đất mặt tăng 25mm, hàm lượng chất hữu cơ trong đất tăng 1,7-10.6% ở 5cm tầng đất mặt. Cũng trong khoảng thời gian này, khả năng trao đổi cation trong đất (CEC) tăng từ 11 lên 28 meq/100 gam (Crovetto, 1996 trích trong Reicosky and Crovetto, 2014)
Khi hệ sinh thái đất không được bảo vệ, sản xuất nông nghiệp sẽ đòi hỏi tăng đầu tư và kém hiệu quả hơn. Trong nghiên cứu về vai trò của các dịch vụ sinh thái đến sản xuất nông nghiệp, Porter, Costanza et al. (2009) cho thấy rằng: xét trung bình toàn cầu, các lợi ích của dịch vụ sinh thái tự nhiên chiếm khoảng 60% tổng lợi ích kinh tế của hệ thống sản xuất. Lợi ích sinh thái này xem như là bệ đỡ cho các lợi ích kinh tế trực tiếp (40%) mà người dân thu được, bởi vậy khi chất lượng dịch vụ sinh thái bị suy giảm cũng đồng nghĩa với lợi ích kinh tế trực tiếp của người dân suy giảm theo, và rủi ro sản xuất tăng lên.

Tài liệu tham khảo

Altieri, M. A. and C. I. Nicholls (2020). “Agroecology and the reconstruction of a postCOVID-19 agriculture.” The Journal of Peasant Studies.

Bhadsavle, C. (2022). “Regenerative Ag Boosts Biodiversity, Conservation, Sustainability and Farmer Dignity.” from https://globalfarmernetwork.org/regenerative-ag-boosts-biodiversity-conservation-sustainability-and-farmer-dignity/.

Boeraeve, F., et al. (2020). “Contribution of agroecological farming systems to the delivery of ecosystem services.” Journal of Environmental Management 260(109576).

Connor, D. J., et al. (2011). Crop Ecology: Productivity and Management in Agricultural Systems 2nd Edition. United Kingdom, Cambridge University.

EllenMacArthurFoundation (2019). “The linear food system is ripe for disruption.” Retrieved June 25, 2020, from https://www.ellenmacarthurfoundation.org/explore/food-cities-the-circular-economy#:~:text=For%20every%20dollar%20spent%20on,%2C%20environmental%2C%20and%20economic%20costs.&text=They%20are%20a%20direct%20result,polluting%2C%20and%20harms%20natural%20systems.

FAO (2005). Chapter 5. Creating drought-resistant soil. Drought-resistant soils: Optimization of soil moisture for sustainable plant production, FAO.

Nguyen, T. (2017). “Sáu điểm nhấn lớn trong bức tranh ngành nông nghiệp Việt Nam.” from https://www.a-c.com.vn/vn/nong-nghiep/6-diem-nhan-lon-trong-buc-tranh-nganh-nong-nghiep-viet-nam-2512.htm.

Ploeg, J. D. v. d., et al. (2019). “The economic potential of agroecology: Empirical evidence from Europe.” Journal of Rural Studies, 71. pp. 46-61. 71: 46-61.

Porter, J., et al. (2009). “The Value of Producing Food, Energy, and Ecosystem Services within an AgroEcosystem.” AMBIO: A Journal of the Human Environment 38(4): 186-193.

Reicosky, D. and C. Crovetto (2014). “No-till systems on the Chequen Farm in Chile: A success story in bringing practice and science together “ International Soil and Water Conservation Research 2(1): 66-77.

World Bank. 2019. “Vietnam: Toward a Safe, Clean, and Resilient Water System”.

Tác giả

(Visited 44 times, 1 visits today)