Bí quyết thành công của Jordan

Trong một phòng thí nghiệm của Ủy ban Năng lượng nguyên tử của Jordan (JAEC) có một bức ảnh đen trắng chụp vài dụng cụ đơn giản đặc trưng của phòng thí nghiệm đi kèm dòng chữ giản dị “Without laboratories… men of science are soldiers without arms” (Không có phòng thí nghiệm, nhà khoa học là những chiến binh không vũ khí). Đó là một trong những điều nằm lòng của TS. Khaled Toukan, người đem lại cho Jordan một vị trí trên bản đồ năng lượng nguyên tử thế giới.

TS. Khaled Toukan là người đặt nền móng cho năng lượng nguyên tử Jordan

Đằng sau hầu hết các thành công KH&CN đều là những tên tuổi lớn. Nếu xét trong ngành năng lượng nguyên tử, có thể thấy dấu ấn của Igor Kurchatov, Dmitrii Blokhintsev với nước Nga Xô viết, Enrico Fermi với Mỹ, Homi Bhabha với Ấn Độ… Nhưng giờ tất cả những huyền thoại đó đều thuộc về quá khứ, thật khó thấy những tên tuổi tầm cỡ “khai sơn phá thạch” ở thế kỷ 21 này. “Tôi cũng từng nghĩ như vậy. Tuy nhiên khi gặp gỡ, trao đổi với TS. Khaled Toukan, người đặt nền móng cho năng lượng nguyên tử Jordan, tôi thật sự kinh ngạc và chợt nhận ra là mình đã gặp một ‘huyền thoại’ sống của thế giới Ả Rập”, TS. Trần Chí Thành nói.

Có thể, những gì người ta biết ban đầu về TS. Khaled Toukan qua các vị trí công việc – từng là Bộ trưởng Bộ Đại học và Nghiên cứu khoa học (2001–2002, 2005-2007), Bộ trưởng Bộ Giáo dục (2000-2007), Bộ trưởng Bộ Năng lượng (năm 2011) trước khi đảm trách vị trí hiện nay, Chủ tịch Ủy ban Năng lượng nguyên tử Jordan và giám đốc Trung tâm Máy gia tốc Synchrotron cho Khoa học thực nghiệm và ứng dụng ở Trung Đông (SESAME), chưa nói lên được nhiều điều. Để đánh giá về một con người, có lẽ, cần một cái nhìn sâu hơn vào công việc. “Khi đi thăm hai nơi là lò phản ứng nghiên cứu JRTR và SESAME, tôi thấy ai cũng tỏ ra kính trọng ông ấy, thậm chí coi ông ấy gần như ‘thánh sống’ vậy”. PGS. TS Nguyễn Nhị Điền – một trong số các thành viên của đoàn công tác VINATOM làm việc tại Jordan, cho biết. “Nhìn vào các bức ảnh ghi lại các dấu mốc lịch sử của cả lò phản ứng nghiên cứu công suất 5MW hay SESAME đều thấy ngay ông ấy có mặt ở đó, bất chấp việc ông ấy là người rất bận rộn”. Nhưng rõ ràng, TS. Khaled Toukan không phải là gương mặt tô điểm cho bức ảnh lưu niệm một vài thời điểm long trọng. “Hiểu biết của ông ấy ở các khía cạnh chuyên môn cũng sâu sắc và thấu đáo một cách kinh ngạc”.

“Không có phòng thí nghiệm, nhà khoa học là những chiến binh không vũ khí”, suy nghĩ ấy khiến Khaled Toukan luôn tìm cách tối ưu những gì mà khoa học có thể khai thác.

TS. Khaled Toukan là nhà vật lý được cộng đồng khoa học Jordan và quốc tế tôn trọng, nể vì. Đó là lý do hai dự án quan trọng bậc nhất trong lịch sử khoa học Jordan và Trung Đông, triển khai trong khoảng thời gian gần như song song với nhau, đều được giao cho ông với vai trò giám đốc dự án (hai dự án lần lượt có kinh phí đầu tư là 120 triệu USD và 161 triệu USD). Vào những năm 2000, khi các tổ chức quốc tế lớn như UNESCO, Trung tâm máy gia tốc DESY, Trung tâm máy gia tốc SLAC California và CERN mong muốn xây dựng một mô hình “ngoại giao khoa học” tương tự CERN dưới sự bảo trợ của UNESCO tại khu vực Trung Đông, người ta mong muốn tìm được một địa điểm cụ thể và một nhân vật đủ uy tín. Không có sự lựa chọn nào tốt hơn Khaled Toukan, không hẳn ông là tiến sĩ từng học tại MIT và làm việc tại Viện công nghệ Karlsruhe (Đức). Mặc dù vào thời điểm này, Khaled Toukan và một số đồng nghiệp của mình, trong đó có TS. Ayman Hawari, giám đốc lò Pulstar ở ĐH Bắc Carolina (Mỹ), bắt đầu lên ý tưởng xây dựng một lò phản ứng nghiên cứu tại Jordan, nhưng việc nhận thấy giá trị của cả hai cơ sở hạ tầng cho nghiên cứu cơ bản và ứng dụng với sự phát triển của Jordan và Trung Đông, ông đã nhận lời.

Việc điều hành hai dự án lớn và mang tính rủi ro cao, đặc biệt với SESAME bởi sự tập hợp dưới cái ô khoa học những quốc gia có sự khác biệt về quan điểm chính trị như Bahrain, Síp, Ai Cập, Iran, Israel, Jordan, Pakistan, Palestin, Thổ Nhĩ Kỳ không bao giờ là điều dễ dàng. Không ít lần, dự án Synchrotron này đã có nguy cơ đổ vỡ, ví dụ vào tháng 5/2010 việc hải quân Israel tấn công vào một tàu Thổ Nhĩ Kỳ thuộc đội tàu làm nhiệm vụ viện trợ nhân đạo cho dải Gaza đã đe dọa nhấn chìm dự án synchrotron bởi sự chia rẽ giữa các bên. Dự án đã “sống sót” bằng nỗ lực của chính Khaled Toukan khi dành nhiều thời gian trao đổi với từng phái đoàn, giữ cho tình hình trở nên ôn hòa hơn. “Tài năng đóng vai trò quan trọng trong vấn đề này”, Maciej Nałęcz, người phụ trách chương trình Khoa học cơ bản của UNESCO và quan sát toàn bộ quá trình hình thành SESAME, nhận xét trên Nature vào năm 2017 1. Còn Christopher Llewellyn Smith – cựu giám đốc của CERN và là thành viên hội đồng điều hành của dự án từ năm 2008 đến 2017, nói “không có ông ấy thì không thể triển khai dự án SESAME. Thực sự là SESAME được dẫn dắt bởi con người sẵn sàng vượt qua mọi biên giới”.

Đại sứ Ý Luciano Pezzotti (thứ ba từ trái sang) vào tháng 7/2022 tới thăm SESAME và xác nhận Ý sẽ hỗ trợ trung tâm này trong thời gian tới.

Không chỉ giữ cho SESAME thoát khỏi sự căng thẳng chính trị, TS. Khaled Toukan còn nghĩ ra rất nhiều cách để giữ cho nguồn tài chính của dự án được ổn định, khi đóng góp của mỗi thành viên không được như kế hoạch. “Chúng tôi thường lập kế hoạch theo từng tháng”, Toukan tiết lộ với Nature khi dự án hoàn thành. Mặt khác, mường tượng ra lượng điện năng mà SESAME “ngốn” hằng tháng khi đi vào vận hành, ông đã thuyết phục Chính phủ Jordan sử dụng quỹ của châu Âu để xây dựng một trạm điện mặt trời trị giá 7 triệu USD để bù lại lượng điện mà SESAME tiêu thụ. Trong buổi làm việc với VINATOM tại Amman, ông Atef Elkadine, giám đốc hành chính của SESAME nói, tiền điện mỗi tháng của SESAME nhờ vậy đã giảm đi hơn một nửa. Điều này thật có ý nghĩa bởi theo Jordantimes, 97% điện năng của đất nước này là nhập khẩu và chi phí dành cho năng lượng chiếm tới 20% GDP.

“Không có phòng thí nghiệm, nhà khoa học là những chiến binh không vũ khí”, suy nghĩ ấy khiến Khaled Toukan luôn tìm cách tối ưu những gì mà khoa học có thể khai thác. Mặc dù SESAME đã đi vào vận hành từ năm 2017, mọi việc có vẻ vào guồng, ngay cả trong kỳ đại dịch COVID. Vào tháng 6/2022, dưới sự dẫn dắt của ông, một phòng thí nghiệm với thiết bị mới vô cùng hiện đại là nguồn tia X SESAME (SESAME X-ray source), do năm trung tâm Forschungszentrum Jülich, Helmholtz-Zentrum Berlin, Helmholtz-Zentrum Dresden-Rossendorf, Viện Công nghệ Karlsruhe và Trung tâm Máy gia tốc DESY thiết kế, trị giá 3,5 triệu Euro. Thiết bị tia X mềm này (soft X-rays) cho phép các nhà khoa học có thể nghiên cứu trên một phạm vi rất rộng từ vật lý chất rắn, vật lý giao diện và bề mặt, hóa lý, các hệ sinh học, khoa học trái đất, môi trường, hơn nữa lại hiệu quả về năng lượng hơn so với nguồn tia X cứng (hard X-rays). “Với thiết bị mới, SESAME ngày càng hấp dẫn với các nhà khoa học”, Helmut Dosch của DESY nhận xét. Hiện tại, SESAME không chỉ là điểm hẹn nghiên cứu Trung Đông, nó còn thu hút nhiều nhà khoa học từ Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Pháp, Ý, Nga, Anh, Mỹ…

Năm 2017, khi SESAME khai trương và lò phản ứng nghiên cứu chính thức vận hành, Khaled Toukan được tạp chí Nature đưa vào danh sách 10 nhân vật có tầm ảnh hưởng đến khoa học của năm (Nature’s 10). Vì thế, được trực tiếp trao đổi về kinh nghiệm xây dựng và thúc đẩy những dự án tầm cỡ quốc gia, hơn nữa ở tầm quốc tế, với ông, người trải qua 14 năm làm việc cường độ cao, kể từ năm 2008, là một may mắn, TS. Trần Chí Thành nói.

“Ông Toukan nhấn mạnh hai điểm trong các chương trình nghiên cứu: Thứ nhất, nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng nhất nên phải chuẩn bị từ đầu; thứ hai là năng lực nội tại, tự mình phải có được năng lực, phải nắm rõ các vấn đề chuyên môn, không chỉ để triển khai nghiên cứu hạt nhân mà còn đủ khả năng tự xử lý, nếu có vấn đề trục trặc xảy ra”. (TS. Trần Chí Thành)

Ngay ở lần gặp đầu tiên, cuộc trò chuyện giữa họ, những người làm năng lượng nguyên tử ở Jordan và Việt Nam, đã diễn ra một cách chân thành và cởi mở. “Ông Toukan nhấn mạnh hai điểm: Thứ nhất, nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng nhất nên phải chuẩn bị từ đầu; thứ hai là năng lực nội tại, tự mình phải có được năng lực, phải nắm rõ các vấn đề chuyên môn, không chỉ để triển khai nghiên cứu hạt nhân mà còn đủ khả năng tự xử lý, nếu có vấn đề trục trặc xảy ra”, TS. Trần Chí Thành cho biết. Hai bài học kinh nghiệm này đã được TS. Khaled Toukan áp dụng triệt để ngay từ khi hình thành ý tưởng vào năm 2008. Vào cuối những năm 2000, Jordan đã gửi người ra nước ngoài đào tạo theo các chương trình ký kết với Hàn Quốc, Mỹ, Pháp, Nga, Trung Quốc. Nhưng liệu tất cả sẽ trở về? “Đừng nghĩ là họ sẽ trở về 100%, có thể chỉ về được 60% thôi nhưng ngay cả 40% ở lại cũng vẫn có đóng góp cho đất nước theo nhiều cách, ông ấy chia sẻ như vậy”, PGS. TS Nguyễn Nhị Điền kể. Nhưng có cách nào để sử dụng tốt nguồn nhân lực trở về đất nước? “Khi tôi đặt câu hỏi như vậy, ông ấy cười và trả lời, việc này sẽ phụ thuộc rất nhiều vào chủ trương chính sách của từng quốc gia. Phải có chính sách sử dụng được họ”, TS. Trần Chí Thành nói. “Ngoài các nhiệm vụ trong nước đang triển khai, đội ngũ cán bộ hạt nhân của Jordan còn sang làm việc tại các nước khác, là UAE và Ai Cập, nơi đang xây dựng các nhà máy điện hạt nhân”.

Mặc dù hội tụ đủ tài năng và uy tín nhưng không phải lúc nào Khaled Toukan cũng nhận được sự ủng hộ cho các dự án của mình. Trong nhiều năm, chương trình phát triển hạt nhân do ông đề xuất bị nghị sĩ, luật sư Mahmoud Kharabsheh phản đối với lý do chi phí lớn và nguồn uranium trong nước không dồi dào như báo cáo, thậm chí còn cáo buộc báo cáo “không đúng sự thật”, “dự án không cần thiết” và có nguy cơ “làm cạn kiệt” kinh phí. Tuy nhiên, ông luôn không tránh né mà sẵn sàng trả lời, ngay cả trong khuôn khổ phiên họp Hạ viện. Ông giải thích việc xây một lò phản ứng không giống như xây một cái garage; nó đòi hỏi những nghiên cứu sâu sắc và sự tham vấn của rất nhiều đối tác quốc tế trong lĩnh vực này cũng như nhiều nghiên cứu, khảo sát khoa học về chương trình hạt nhân của đất nước 3. Với nguồn tài nguyên uranium của Jordan khoảng 40 nghìn tấn, đủ cấp điện năng cho Jordan khoảng 100 năm. Tuy trong chuyến công tác vừa rồi, đoàn VINATOM chưa được tham quan cơ sở khai thác và tách chiết ‘bánh vàng’ (U-3O8 hay còn gọi là yellow cake) của Jordan, nhưng Khaled Toukan nói rằng lần sau ông sẽ bố trí cho đoàn Việt Nam tham quan và trao đổi với công ty nhiên liệu Mỏ Uranium Jordan (JUMCO) trực thuộc JAEC. Câu chuyện này khiến những cán bộ trong đoàn VINATOM nhớ về câu chuyện của mình: VINATOM đã bắt đầu dự án thử nghiệm tách U-3O8 từ khoảng 10 năm trước và có kết quả rất tốt. Tuy nhiên mọi việc chỉ dừng lại ở đó, mặc dù dự báo tài nguyên Uranium của Việt Nam cũng rất đáng kể.

Dẫu ở thời điểm hiện tại, Jordan vẫn chưa đi tới quyết định khi nào sẽ xây dựng các lò phản ứng năng lượng của mình nhưng rõ ràng, họ đang bước đi những bước vững chắc tới điểm đến đó. Một lần nữa, việc thành lập công ty chế biến quặng uranium cho thấy chiến thuật từng bước của ông: khai thác uranium; xây dựng lò phản ứng phục vụ nghiên cứu và đào tạo nhân lực; xây dựng nhà máy điện hạt nhân phát điện và khử mặn nước biển thành nước ngọt.

TS. Khaled Toukan giờ đã có những “hạt vừng” đặc biệt (trong tiếng Anh, SESAME nghĩa là hạt vừng). Nếu Alibaba trong Nghìn lẻ một đêm mở kho báu bằng câu thần chú “Vừng ơi, mở cửa ra” thì TS. Khaled Toukan nỗ lực từng ngày để dùng những hạt vừng đó mở “kho báu” khoa học cho một tương lai mới ở Jordan, và có lẽ là cả thế giới Ả rập.□

———————————

1. https://www.nature.com/immersive/d41586-017-07763-y/index.html

2. https://home.cern/news/news/cern/cern-director-general-visits-sesame

3. https://jordantimes.com/news/local/mp-questions-nuclear-project-atomic-agency-chief-counters-conducted-studies

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)