Hạt đường “tội đồ”

Để thoát khỏi cái bẫy ngọt ngào của đường, chúng ta cần phải tiết giảm việc sử dụng các sản phẩm chứa đường, trong đó có đồ uống có đường, như khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. Tuy nhiên, giảm bằng cách nào để vừa không ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của các ngành kinh tế liên quan đến đường, vừa hiệu quả về chi phí sức khỏe và môi trường?

Ảnh: PLO

Mật ngọt chết ruồi, chưa bao giờ câu tục ngữ này lại đúng với hoàn cảnh của người tiêu dùng Việt Nam như hiện nay. Đường, thứ nguyên liệu ngọt ngào có trong nhiều loại thực phẩm, đồ uống mà chúng ta thưởng thức hằng ngày, đang ngày càng đem lại nhiều phiền toái cho chúng ta. Các nghiên cứu về y tế công cộng trên thế giới đã chỉ ra rằng đồ uống có đường là nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng của các bệnh liên quan đến dinh dưỡng, bao gồm béo phì, tiểu đường type 2 và huyết áp cao, từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ, cũng như một số bệnh ung thư. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng tới đời sống của từng cá nhân mà còn gây ra gánh nặng đáng kể cho xã hội do tăng chi phí chăm sóc sức khỏe, mất thu nhập và giảm năng suất lao động do bệnh tật.

Đôi khi, chúng ta tự chiều chuộng bản thân mình và tự nhủ “uống một vài chai, vài cốc nước ngọt có hại gì đâu”. Nhưng các con số thực tế sẽ khiến chúng ta phải nghĩ lại. Các phân tích tổng hợp gần đây cho thấy, ngay cả việc tiêu thụ một chai nhỏ chừng 250ml đồ uống có đường hằng ngày cũng đủ sức làm tăng 12% nguy cơ béo phì, 19% nguy cơ mắc tiểu đường loại 2, 10% nguy cơ cao huyết áp, 13% nguy cơ tử vong do tim mạch tăng 13% và 5% nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân (Hình 1).

Hình 1. Các nguy cơ tiềm ẩn từ đồ uống có đường. Nguồn: GFRP (2022).

Riêng đối với trẻ em và thanh thiếu niên, tiêu thụ nhiều đồ uống có đường khiến nguy cơ béo phì và thừa cân tăng 24%, nguy cơ mắc cao huyết áp tăng 36%.1 Sự tích lũy đường trong cơ thể theo thời gian còn đáng ngại hơn bởi những trọng lượng dư thừa có khả năng kéo dài khi các em đến tuổi trưởng thành, làm tăng nguy cơ mắc bệnh không lây nhiễm ở độ tuổi trẻ hơn và có thể rút ngắn tuổi thọ. Thêm vào đó, cân nặng quá mức của trẻ em và thanh thiếu niên cũng có thể gây tổn hại về tâm lý do kỳ thị cân nặng, làm tăng nguy cơ trầm cảm và lo lắng cho các em ở độ tuổi dậy thì.

Cái giá phải trả cho việc sử dụng đường quá mức nằm ngoài sự tưởng tượng của chúng ta. Hiện nay, trên thế giới mỗi năm có hơn 4,5 triệu người chết do béo phì hoặc thừa cân, tổng chi phí trực tiếp của cho các dịch vụ y tế có liên quan tới chỉ số BMI2 cao là 990 tỷ USD (hơn 13% tổng chi phí chăm sóc sức khỏe) và thiệt hại kinh tế do bệnh béo phì gây ra ước tính vào khoảng 2.000 tỷ USD mỗi năm (gần 3% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu). Tương tự, 1,5 triệu người chết mỗi năm vì bệnh tiểu đường, với thiệt hại tương đương là 1,31 nghìn tỷ USD. Điều trị bệnh răng miệng tiêu tốn 5–10% ngân sách chăm sóc sức khỏe ở các quốc gia có thu nhập cao và sẽ vượt quá nguồn tài chính dành cho chăm sóc sức khỏe trẻ em ở hầu hết các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.3

Thuế đồ uống có đường là lựa chọn chính sách ba bên cùng có lợi, hiệu quả về chi phí, có thể cải thiện sức khỏe người dân, tăng doanh thu của chính phủ, đồng thời giảm chi phí chăm sóc sức khỏe và môi trường.

Một nghiên cứu về lượng tiêu thụ đồ uống có đường tại các quốc gia đang phát triển đã chỉ ra rằng mức tiêu thụ đồ uống có đường tại các quốc gia này tăng trung bình 6.6%/năm. Việt Nam cũng không ngoại lệ với quá nhiều yếu tố đặc trưng về kinh tế xã hội có thể khiến đồ uống có đường lên ngôi. Cùng với sự phát triển về kinh tế, các mặt hàng đồ uống có đường ngày một đa dạng hơn, hấp dẫn hơn, nhiều phân khúc giá cả hơn và quan trọng là sẵn có hơn. Đồ uống có đường có thể bắt gặp ở rất nhiều nơi, từ các cửa hiệu tạp hóa nhỏ, hàng quán ven đường tới các hệ thống siêu thị lớn. Đây cũng là một trong những yếu tố thúc đẩy mức tiêu thụ đồ uống có đường của người Việt đã tăng lên đáng kể. Một vài con số thống kê cho thấy, trong giai đoạn 2002 – 2016, lượng tiêu thụ nước uống có ga tăng gấp ba lần, nước trái cây tăng gấp 10 lần, nước tăng lực thể thao tăng gấp chín lần và trà tăng gấp sáu lần4).

Hệ quả của mức tăng này là một bức tranh thực trạng về sức khỏe thanh thiếu niên khiến chúng ta phải quan tâm: tỉ lệ béo phì gia tăng nhanh từ 2,6% năm 2010 lên đến 3,6% năm 2014, tương đương với tốc độ tăng là 38%. Ở một khung thời gian dài hơn, tương đương với quãng thời gian để một trẻ em trưởng thành, trong giai đoạn 2002 – 2020, tỷ lệ người trưởng thành thừa cân và béo phì tăng gần gấp đôi, từ 10,9% lên 19%, tỷ lệ béo phì ở trẻ em và thanh thiếu niên tăng bảy lần từ 2,6% lên 19%.

Không chỉ là tác nhân gây ra béo phì, đường còn là nguyên nhân dẫn đến các bệnh răng miệng. Nghiên cứu về tình trạng sâu răng vĩnh viễn ở trẻ em Việt Nam tại 17 tỉnh cho thấy: 20,9% trẻ từ 6-8 tuổi; 43,7% trẻ từ 12-14 tuổi; 36,3% trẻ 15-17 tuổi và 34,4% trẻ 9-11 tuổi bị sâu răng vĩnh viễn.

Chi phí môi trường nghiêm trọng từ đồ uống có đường

Chúng ta không thể giữ cái nhìn ngây thơ về tác hại của các loại đồ uống có đường. Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng, các sản phẩm ngọt ngào và quyến rũ này còn có khả năng tác động đến chính môi trường sống của chúng ta. Hầu hết các sản phẩm đồ uống có đường đều được chứa trong các chai làm từ nhựa có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch, hàng tỷ chai không được tái chế mỗi năm sẽ bị đốt, chôn lấp hoặc thải ra môi trường tự nhiên. Quá trình sản xuất và quá trình thải bỏ chai nhựa hiện nay đều tạo ra lượng khí thải carbon khổng lồ. Chỉ tính riêng trong năm 2018 đã có khoảng 21–34 tỷ chai nhựa đã được xả ra các đại dương trên thế giới – tương đương với 1,1 triệu tấn chất thải chai nhựa.

Hình 2. Ảnh hưởng của thuế đánh vào đồ uống có đường tới các bệnh không lây nhiễm. Nguồn: WHO (2022)

Vào năm 2020, ba trong số các công ty đồ uống lớn nhất thế giới đã tạo ra 121 triệu tấn khí nhà kính, vượt quá sản lượng của nhiều quốc gia. Ước tính, khoảng 168–309 lít nước được sử dụng để sản xuất một loại đồ uống có đường thông thường 500ml (16,9oz) (mức độ sử dụng thay đổi tùy thuộc vào nguồn nguyên liệu được dùng để sản xuất đường và các thành phần của sản phẩm như caffein hoặc chiết xuất vani).

Ngoài ra, còn có một lợi ích khác khi giảm tiêu thụ đường, đó là giảm nhu cầu về sản lượng mía. Hành động này một mặt vừa góp phần làm ngăn chặn việc phá hủy hệ sinh thái bản địa, mặt khác, chuyển một phần nguyên liệu mía sang sản xuất nhiên liệu sinh học, qua đó có thể giúp đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với các nguồn năng lượng thay thế. Thống kê cho thấy 30–54 tấn khí thải nhà kính có thể được loại bỏ hằng năm nếu Liên minh châu Âu giảm tiêu thụ đường để phù hợp với các khuyến nghị về sức khỏe và lượng mía dư thừa được chuyển hướng sang sản xuất ethanol.

Cách nào để giảm tiêu thụ đồ uống có đường?

Có lẽ đọc tới đây ai cũng nhận thấy sự cần thiết của việc giảm lượng tiêu thụ đồ uống có đường. Nhưng bằng cách nào? Trên thế giới, hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ đã  giảm tiêu thụ đồ uống có đường và các ảnh hưởng tiêu cực từ sử dụng bằng nhiều chính sách, một trong số đó là đánh thuế các sản phẩm này nhằm giảm khả năng chi trả, từ đó giảm nhu cầu của người tiêu dùng, cũng như giảm gánh nặng bệnh tật do tiêu thụ nhiều đường.5 Lợi ích của việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường đối với y tế công cộng được nhìn nhận từ ba khía cạnh khác nhau như mô tả trong hình 2.

Thứ nhất, có thể sử dụng nguồn thu từ thuế để trợ cấp cho các thực phẩm và đồ uống lành mạnh, cũng như tài trợ cho các sáng kiến sức khỏe khác nhằm ngăn ngừa béo phì và nâng cao sức khỏe cộng đồng. Kinh nghiệm từ các quốc gia cho thấy, các sáng kiến cải thiện sức khỏe cộng đồng rất đa dạng, bao gồm trợ cấp trái cây và rau quả cho những người có thu nhập thấp; hỗ trợ bữa ăn lành mạnh trong trường học; phát triển các chính sách và chương trình giúp trẻ em duy trì chế độ ăn uống lành mạnh; các chiến dịch truyền thông giáo dục về dinh dưỡng cũng như tư vấn dinh dưỡng và chế độ ăn uống tại các cơ sở khám chữa bệnh ban đầu.6

Thứ hai, thuế đánh vào đồ uống có đường sẽ làm giảm khả năng chi trả của người tiêu dùng. Đây là một yêu cầu cần thiết bởi hiện nay nhiều quốc gia giá đồ uống có đường thậm chí còn rẻ hơn nước đóng chai. Thực tế trước đây, giá đồ uống có đường rẻ đã kích thích tiêu dùng đường. Trong giai đoạn từ năm 1990 tới năm 2016, chi phí cho đồ uống có đường tính theo tỷ lệ thu nhập đã giảm trung bình 9% ở các quốc gia có thu nhập thấp và 2% ở các quốc gia có thu nhập cao, tạo điều kiện khuyến khích người dân tiêu dùng loại đồ uống có hại này. Một nghiên cứu về lượng tiêu thụ đồ uống có đường tại các quốc gia đang phát triển đã chỉ ra rằng mức tiêu thụ đồ uống có đường tăng trung bình 6.6%/năm. Riêng tại Việt Nam, từ năm 1997 tới năm 2021 mức tiêu thụ bình quân đầu người của nước giải khát đóng chai đã tăng gấp 5,3 lần (từ 9ml/ngày lên tới 48ml/ngày – Hình 3). Thuế đánh vào đồ uống có đường sẽ làm tăng giá bán lẻ của sản phẩm. Theo quy luật cung cầu, một khi giá thành tăng, lượng tiêu thụ các sản phẩm này sẽ giảm.

Hình 3. Mức tiêu thụ nước giải khát đóng chai bình quân đầu người. Nguồn: GFRP (2022)

Nhưng điều quan trọng là thuế đánh vào đồ uống có đường có thể giúp cải thiện công bằng sức khỏe. Giảm tiêu thụ đồ uống có đường có tác động tích cực đối với nhóm dân số có mức thu nhập trung bình thấp, những người có khả năng mắc béo phì và các bệnh không lây nhiễm khác cao hơn so với nhóm có thu nhập cao.

Thứ ba, những thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng cũng có thể tạo động lực cho các nhà sản xuất thay đổi công thức sản phẩm, hướng tới sản xuất sản phẩm ít đường hơn. Ví dụ, thuế đánh theo hàm lượng đường, nghĩa là đồ uống có lượng đường cao hơn phải chịu mức thuế cao hơn nên có thể khuyến khích các nhà sản xuất cắt giảm lượng đường trong các sản phẩm của họ, tăng khả năng cải thiện sức khỏe người dân nhiều hơn. Khi các sản phẩm đồ uống có đường được tiêu thụ rộng rãi, chỉ một thay đổi nhỏ trong hành vi tiêu dùng cũng có thể góp phần làm giảm đáng kể tỷ lệ mắc bệnh và tử vong, cũng như các chi phí liên quan tới sức khỏe và môi trường. 

Đề xuất thuế tiêu thụ đặc biệt tại Việt Nam và hiệu quả ước tính

Những năm gần đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nêu các khuyến nghị rằng, bên cạnh các chính sách như dán nhãn sản phẩm để cảnh báo khả năng gây hại tới sức khỏe và hạn chế quảng cáo đồ uống có đường, Chính phủ Việt Nam cần phải áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường, đồng thời, mức thuế phải đủ mạnh để giảm được tiêu dùng bởi loại đồ uống này đang gây ra những hệ lụy tiêu cực cho sức khỏe người Việt. Năm 2017, Bộ Tài chính đã đề xuất sửa đổi thuế tiêu thụ đặc biệt, đề nghị áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường với mức thuế suất đề xuất là 10% trên giá xuất xưởng. Tuy nhiên, dự thảo luật thuế được đề xuất đã bị ngành công nghiệp nước giải khát phản đối.7 Gần đây, ngày 21/2/2023 Bộ Tài chính đã gửi Văn bản số 1585/BTC-VCS để lấy ý kiến về việc lập đề nghị xây dựng dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi. Nội dung đáng lưu ý của đề xuất lần này là bổ sung đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Mức tiêu thụ bình quân đầu người của nước giải khát đóng chai ở Việt Nam đã tăng nhanh chóng từ 9ml/ngày vào năm 1997 tới 48ml/ngày vào năm 2021.

Vậy việc áp dụng một công cụ thuế mới cho những đồ uống có đường này có thực sự đem lại hiệu quả như mong đợi? Một nghiên cứu mô hình vào năm 2020 cho thấy, nếu đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với mức thuế suất 10% có thể làm giảm lượng tiêu thụ đồ uống có đường 11,4%, đồng thời người tiêu dùng sẽ chuyển sang sử dụng các sản phẩm thay thế khác như sữa (tăng 2,3%), chè (tăng 2,2%) – giả sử giá các sản phẩm này là không đổi.8 Một nghiên cứu khác về tác động của thuế tiêu thụ đặc biệt lên đồ uống có đường tại Việt Nam cũng chỉ ra, mức thuế suất 10% làm tăng giá bán lên 5% và giúp tỉ lệ thừa cân béo phì từ 19% xuống còn 13.2% và giúp tiết kiệm gần 7 triệu USD cho các gánh nặng y tế trực tiếp liên quan.

Nếu các mức thuế suất có thể khiến giá của các sản phẩm đồ uống có đường tăng lên 20%, tỷ lệ thừa cân và béo phì ở Việt Nam sẽ lần lượt giảm xuống còn 12,7% và 12,4%. Điều này có thể giúp tiết kiệm trực tiếp 27 triệu USD cho các gánh nặng y tế liên quan. Tỷ lệ giảm nhiều nhất được ghi nhận đối với người thừa cân (23≤BMI<25) và béo phì độ 1 (25≤BMI<30).9

Có thể nói, thuế đồ uống có đường là lựa chọn chính sách ba bên cùng có lợi, hiệu quả về chi phí, có thể cải thiện sức khỏe người dân, tăng doanh thu của chính phủ, đồng thời giảm chi phí chăm sóc sức khỏe và môi trường. Các nghiên cứu về kinh nghiệm quốc tế cũng như nghiên cứu cho trường hợp của Việt Nam đều khẳng định lợi ích của việc đánh thuế đối với đồ uống có đường. Vì vậy, đánh thuế đồ uống có đường ở Việt Nam thực sự cần thiết để góp phần giảm tác hại do sử dụng các sản phẩm này gây ra, đồng thời khuyến khích ngành công nghiệp cải cách công thức sản phẩm và giới thiệu các sản phẩm đồ uống lành mạnh hơn trong tương lai.□

——

Chú thích

1 Global Food Research Program at University of Nort Calorina at Chapel Hill. (2022). Taxing sugary drinks: A fiscal policy to improve public health.

2 Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ. Chỉ số khối cơ thể (BMI). Đường dẫn: https://www.cdc.gov/healthyweight/assessing/bmi/index.html

3 Geneva: World Health Organization. (2022). WHO manual on sugar-sweetened beverage taxation policies to promote healthy diets.

4 Nguyen, T. D., Hoang, V. M., Dao, S., Do, P., H., Nguyen, Q. D., Jewell, J., Amies-Cull, B., Muthu, M., Hoang, L., Le, T. H., Nguyen, A., T., Tran, B., Q., & O’Neill, C. (2022). Estimating the health impacts of sugar-sweetened beverage tax for informing policy decisions about the obesity burden in Vietnam. MedRxiv (Cold Spring Harbor Laboratory). https://doi.org/10.1101/2022.09.08.22279712

5 Global Food Research Program at University of Nort Calorina at Chapel Hill. (2022). Taxing sugary drinks: A fiscal policy to improve public health.

6 Geneva: World Health Organization. (2022). WHO manual on sugar-sweetened beverage taxation policies to promote healthy diets.

7 https://baochinhphu.vn/danh-thue-nuoc-ngot-co-giam-duoc-beo-phi-tieu-duong-102227064.htm; https://dantri.com.vn/kinh-doanh/cac-bo-tranh-cai-voi-bo-tai-chinh-ve-danh-thue-tieu-thu-dac-biet-len-nuoc-ngot-20180108122547211.htm

8 Linh, Luong & Vu, Linh. (2020). Impacts of Excise Taxation on Non-Alcoholic Beverage Consumption in Vietnam. Sustainability. 12. 1092. 10.3390/su12031092.

9 Nguyen, T. D., Hoang, V. M., Dao, S., Do, P., H., Nguyen, Q. D., Jewell, J., Amies-Cull, B., Muthu, M., Hoang, L., Le, T. H., Nguyen, A., T., Tran, B., Q., & O’Neill, C. (2022). Estimating the health impacts of sugar-sweetened beverage tax for informing policy decisions about the obesity burden in Vietnam. MedRxiv (Cold Spring Harbor Laboratory). https://doi.org/10.1101/2022.09.08.22279712

Tác giả