Khai thác tài sản trí tuệ của doanh nghiệp: Có khả thi tại Việt Nam ?

Lời tòa soạn: Trong khuôn khổ hợp tác giữa tạp chí Tia sáng và Làng Đổi mới sáng tạo mở Tập đoàn và doanh nghiệp – Techfest Vietnam 2022, chúng tôi sẽ đăng một loạt bài về những trường hợp doanh nghiệp tiên phong đầu tư trong đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ.

Ông Lý Ngọc Minh và sản phẩm nồi sứ dưỡng sinh.

“Since + năm” trở thành một cụm từ đầy kiêu hãnh tự hào đứng cạnh các biểu tượng thương hiệu, bởi lẽ tuổi đời của một thương hiệu là một minh chứng quan trọng cho những giá trị theo đuổi, và cũng bởi nói bao nhiêu cũng là không đủ, chỉ có sự tồn tại và phát triển của công ty là minh chứng mạnh mẽ nhất cho chữ tín, khả năng thích ứng và được thị trường công nhận của doanh nghiệp. “Since 1970” của Minh Long cũng là một thông điệp như vậy. Khó đếm hết được các bài viết về “Vua gốm sứ Lý Ngọc Minh”, những câu chuyện khởi nghiệp, cuộc đời và văn hóa mà Minh Long theo đuổi. Cũng không hề ít bài báo nói về những đột phá về công nghệ của Minh Long như công nghệ nung một lần, rồi gần đây là công nghệ cho dòng sản phẩm dưỡng sinh  chiếc nồi sứ công nghệ, có khả năng dẫn nhiệt tốt và chịu được sốc nhiệt lên đến 800oC (trên thế giới hiện chỉ đạt 500-600oC). Có một xu hướng trên thế giới theo thống kê là vòng đời của một doanh nghiệp đang ngày càng ngắn lại, những doanh nghiệp trường tồn đương nhiên phải trải qua rất nhiều cuộc cách mạng, rất nhiều những câu chuyện mới để lột xác và sống sót. Người viết bài này không có ý định khai thác góc nhìn về sự thành công của Minh Long, mà thực chất muốn đặt ra những câu hỏi, những hướng đi mới trong tương lai của Minh Long và những công ty tương tự khi sở hữu trong tay những công nghệ mới, có khả năng giúp sản phẩm cạnh tranh vượt trội ở Việt Nam và trên thế giới. Khả năng sống sót và phát triển tự thân nó hàm chứa bên trong rất nhiều những đổi mới sáng tạo diễn ra hằng ngày hằng giờ. Để khai thác hết những đổi mới này và thương mại hóa nó có lẽ là một hướng đi không hề đơn giản và hàm chứa nhiều câu hỏi cần được trả lời. 

Thói quen “sáng chế mọi thứ” và xu hướng đóng gói dịch vụ và khai thác tài sản trí tuệ cho đổi mới sáng tạo phục vụ đa mục tiêu

Cuộc chiến sở hữu trí tuệ (SHTT) giữa các công ty công nghệ hàng đầu trên thế giới vốn tốn rất nhiều giấy mực của báo chí trong những năm gần đây khiến người ta không nghi ngờ gì mà gọi quyền SHTT là vũ khí của doanh nghiệp trong nền kinh tế trên nền tảng tri thức. Trong bài viết mới nhất trên WIRED, sự ám ảnh của việc nắm giữ và khai thác sáng chế đã khiến các doanh nghiệp công nghệ lớn (big tech) lao vào một cuộc đua về sáng chế. Thói quen –“sáng chế mọi thứ” và xu hướng đóng gói dịch vụ và khai thác tài sản trí tuệ cho đổi mới sáng tạo phục vụ đa mục tiêu trở thành một thói quen quan trọng. 

Những sáng tạo của Minh Long có thể là những ý tưởng “độc nhất vô nhị” trong ngành gốm sứ trên toàn thế giới. Bảo vệ, bảo hộ những ý tưởng lớn, ý nghĩa không chỉ là một cách thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong SMEs mà còn tăng sức cạnh tranh của các doanh nghiệp này trước các tập đoàn lớn, trước các tập đoàn nước ngoài không chỉ trong phạm vi quốc gia mà còn trên trường quốc tế.

“Sáng chế hóa” và đăng ký sáng chế không lạ lẫm gì với các tập đoàn công nghệ lớn như Amazon, Apple, Google hay Microsoft, Intel. Những sáng chế này không chỉ đến từ bộ phận nghiên cứu phát triển của công ty mà còn từ mọi nhân viên của công ty và được bộ phận pháp lý nội bộ lo phần đăng ký. Sau khi được đăng ký, các sáng chế này sẽ được đưa vào khai thác và sử dụng. Có thể sẽ có những sáng chế không bao giờ được dùng tới, hoàn toàn có thể trở thành những vũ khí lợi hại cho doanh nghiệp trong rất nhiều hoàn cảnh. Bởi lẽ bảo hộ các tài sản trí tuệ và đặc biệt là sáng chế không chỉ giúp các doanh nghiệp khai thác hiệu quả nguồn lực chất xám trong chính doanh nghiệp mình, mà còn giúp các nhà sáng chế trong doanh nghiệp có thêm những nguồn thu nhập, sự ghi nhận và đồng thời gắn bó với doanh nghiệp. Theo Alan Fisch của Fisch Sigler, một công ty tố tụng bằng sáng chế hàng đầu ở Washington, D.C, “bằng sáng chế là một cách để công ty tạo sự khác biệt, bằng sáng chế có thể bảo vệ sự đổi mới, tạo ra giá trị cấp phép, nâng cao thương hiệu và khen thưởng những nhân viên đổi mới – tất cả đều góp phần tạo nên bản sắc công ty lớn hơn”.1

Sớm  nhận ra những tiềm năng và sự lợi hại của thứ vũ khí có thể mang lại từ tài sản trí tuệ, các quốc gia châu Á lớn cũng sớm gia nhập cuộc đua này, các doanh nghiệp tập đoàn lớn của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều tham gia rất nhanh và mạnh mẽ. Các doanh nghiệp nhanh chóng đăng ký sáng chế cho các công nghệ mình phát triển được và sớm đưa nó vào thành một công cụ cho marketing, phát triển sản phẩm mới. 

Xu hướng này không chỉ được bắt gặp ở các công ty công nghệ lớn, những công ty vốn sản xuất và kinh doanh các sản phẩm hữu hình cũng thể hiện rõ những hoạt động này. Uniqlo, nhãn hiệu thời trang hàng đầu Nhật Bản định vị mình không phải là một hãng thời trang mà là một công ty công nghệ. Việc dành thời gian nghiên cứu phát triển các loại vải công nghệ để phục vụ người tiêu dùng với những sản phẩm có chất lượng cao trở thành một tôn chỉ của Uniqlo. Nói đến việc khai thác sáng chế của Uniqlo, không thể không kể đến ba sáng chế quan trọng được truyền thông nhắc đến rất nhiều, đồng thời cũng tạo ra nét đặc trưng có một không hai của Uniqlo đó là HeatTech (công nghệ sản xuất vải giữ nhiệt), LifeWear (công nghệ thiết kế đơn giản, hữu dụng, có tính thẩm mĩ và thời trang vượt thời gian) và AIRism (công nghệ sản xuất vải thấm hút mồ hôi, nhưng khô nhanh và tỏa nhiệt nhanh). Đúng với tôn chỉ của mình là một công ty hiện đại, Uniqlo áp dụng công nghệ cao, phát triển lối sống mới – ăn mặc tối giản và tối ưu hóa trải nghiệm của khách hàng thông qua kinh doanh trực tuyến cũng như số hóa quy trình kinh doanh. Dữ liệu thu về từ những trải nghiệm của khách hàng giúp Uniqlo đáp ứng tốt hơn nhu cầu của họ, đồng thời giúp các đối tác của Uniqlo linh hoạt hơn, ứng biến tốt hơn. Nếu nghiên cứu kỹ hơn về chuỗi giá trị toàn cầu của Uniqlo, có thể thấy, doanh nghiệp này sử dụng hiệu quả các kiến thức kỹ thuật công nghệ, nhằm trang bị cho các đối tác của mình các kỹ năng nghiệp vụ cần thiết để họ có khả năng ứng biến cao, không chỉ đáp ứng nhu cầu của Uniqlo mà còn đáp ứng nhu cầu của thị trường. Nghe thì có vẻ mâu thuẫn, nhưng chính tư duy mở, đưa tri thức và công nghệ của mình chia sẻ với đối tác, giúp họ độc lập tự chủ không lệ thuộc vào mình lại là cách củng cố vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu của mình một cách hiệu quả nhất.

Ảnh: Cục Sở hữu trí tuệ

Đến câu chuyện tiềm năng khai thác tài sản trí tuệ của một thương hiệu hơn 50 tuổi

Quay trở lại câu chuyện của Minh Long, khi năm 2018, công ty này đưa ra một sản phẩm có thể gọi là có một không hai trên thế giới. Đây cũng không phải lần đầu Minh Long có những công nghệ đột phá như vậy. Làm chủ công nghệ, tạo ra những màu men thế giới chưa thể làm được, tạo ra những sản phẩm thượng hạng với công nghệ mới nung một lần để tiết kiệm năng lượng, thời gian và công sức; hay đưa ra sản phẩm nồi bằng sứ có khả năng chịu sốc nhiệt cao, an toàn cho người sử dụng. Xét về giá trị tác động đến môi trường của sản phẩm thì đột phá này thực sự có tiềm năng rất lớn lao trên toàn thế giới bởi nó là chiếc nồi tiết kiệm nước và điện. Dù chưa có con số chính thức từ phía Minh Long tính toán nhưng với những tính năng này, chiếc nồi có thể giúp tiết kiệm nước và điện đun nấu. Tại Minh Long, con số mà ông Minh đưa ra là tiết kiệm tới 30% điện năng sử dụng. 

Xét về tính mới của công nghệ, rất nhiều doanh nghiệp gốm sứ quan tâm đến nồi dưỡng sinh của Minh Long và tiềm năng xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường khó tính như châu Âu rất lớn.

Ông Minh từng kể câu chuyện khi sang nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc nghiên cứu về chiếc nồi với công nghệ mới của họ có khả năng chịu sốc nhiệt cao tới hơn 650oC, có một đối tác ngỏ ý muốn chuyển giao công nghệ cho ông với một mức giá rất cao. Chưa kể, sau khi được khai thác sáng chế này của họ, doanh nghiệp của ông còn cần phải mua đất của họ để có thể sản xuất được sản phẩm và mỗi một sản phẩm bán được sẽ phải tiếp tục trả cho họ một khoản tiền. Ông Minh đã từ chối lời đề nghị này và quyết tâm phát triển công nghệ của riêng mình. Trên thực tế, với nỗ lực đáng khâm phục, trong vòng 15 năm ông đã phát triển được công nghệ của riêng mình, chủ động hoàn toàn trước đối tác. Nhưng nhìn ở khía cạnh khác của câu chuyện, đối tác nước ngoài bán một mô hình kinh doanh bằng khai thác tài sản trí tuệ mà họ sở hữu. Trên thế giới, không nhiều doanh nghiệp có khả năng về tài chính, nhân lực và quyết tâm theo đuổi như ông Minh và Minh Long. Rất nhiều doanh nghiệp theo đuổi công nghệ này đều mất 7-8 năm và bỏ cuộc chơi theo đuổi công nghệ và đỉnh cao chất lượng sản phẩm như vậy. Đúng như nhận định của Rita Gunther Mcgrath – “Những công ty gia đình có đủ thời gian theo đuổi những điều đúng đắn, nên lợi thế về giá cả và mô hình kinh doanh sẽ tồn tại lâu bền. Họ có thể đầu tư vào khoa học chuyên sâu vì họ sở hữu tư nhân trong một thời gian dài”2. Với những lợi thế hiện có và công nghệ với nhiều tính năng đặc biệt như Minh Long, trên lý thuyết, rất có tiềm năng đóng gói và phát triển công nghệ theo hướng một mô hình kinh doanh mới trong khi vẫn tiếp tục tối ưu mô hình kinh doanh hiện tại. Câu hỏi đặt ra với chính chúng tôi khi tìm hiểu về Minh Long là liệu Minh Long có ý định phát triển mô hình kinh doanh theo hướng này không? 

Bằng con đường phát triển mô hình kinh doanh mới từ những tiềm năng của công nghệ sẵn có 

Một công ty như Minh Long thay vì chỉ sản xuất các sản phẩm có chất lượng tốt, cũng có thể sẽ trở thành công ty công nghệ gốm sứ và chuyển giao công nghệ ra khắp thế giới nếu những cải tiến, công nghệ đã được thực hiện trong suốt quá trình sản xuất được đóng gói và định hướng thương mại hóa.  

STT Các cấu phần của mô hình kinh doanh Mô hình kinh doanh truyền thống Mô hình kinh doanh mới
1 Sản phẩm dịch vụ Sản phẩm hữu hình SP hữu hình

Tài sản trí tuệ

Chuyển giao công nghệ

2 Phân khúc Khách hàng Khách hàng truyền thống Khách hàng truyền thống

Doanh nghiệp cần mua/chuyển giao công nghệ

3 Các dòng doanh thu Từ bán sản phẩm truyền thống Từ bán sản phẩm truyền thống

Từ chuyển giao công nghệ / cho thuê tài sản trí tuệ

Từ các khoản đầu tư sử dụng tài sản trí tuệ như một nguồn lực để đầu tư

4 Các nguồn lực chính Nhà xưởng máy móc Nhà xưởng máy móc, nhân lực, tài lực

Tài sản trí tuệ

5 Các hoạt động chính Sản xuất sản phẩm

Kinh doanh sản phẩm

Sản xuất sản phẩm

Kinh doanh sản phẩm

Nghiên cứu phát triển

Đăng ký và thương mại hóa tài sản trí tuệ

Thử làm một phép so sánh đơn giản giữa một số cấu phần quan trọng Mô hình kinh doanh kiểu truyền thống và mô hình kinh doanh kiểu mới của các doanh nghiệp vốn từ trước tập trung vào các sản phẩm hữu hình. 

Với câu chuyện của Minh Long, doanh nghiệp này có đầy đủ các yếu tố tiềm năng xét về lý thuyết để chuyển giao công nghệ hoặc khai thác các sáng chế cải tiến hữu ích và chuyển giao ngược lại cho những hãng lớn hay biến thành tài sản đầu tư. 

Tuy vậy, hướng đi này có hoàn toàn khả thi? 

Là một doanh nghiệp khoa học công nghệ điển hình của tỉnh Bình Dương, Minh Long hoàn toàn hiểu rõ giá trị của những kết quả nghiên cứu của mình. Việc đăng ký bằng sáng chế trong đó có hai dự án lớn là công nghệ một lần nung và nồi sứ dưỡng sinh Minh Long là một trong hai đề tài lớn của Minh Long và sẽ được thực hiện trong tương lai. Tuy nhiên, lý giải cho việc chưa hình thành mô hình kinh doanh mới theo hướng này tại thời điểm hiện tại, Minh Long cho rằng có nhiều lý do: (1) Doanh nghiệp tập trung sản xuất sản phẩm dịch vụ, chưa có thời gian để đóng gói những công nghệ này và khi muốn đóng gói, phải thực sự phân tích và nghiên cứu sâu nhu cầu của người dùng trước khi thực sự biến thành hàng hóa – điều này có rủi ro khiến Minh Long xa rời hoạt động kinh doanh cốt lõi của mình (2) Doanh nghiệp chưa thấy nhu cầu đủ lớn từ thị trường chuyển giao/cho thuê công nghệ (3) Nhận thức và hiện trạng thị trường chưa đủ quy tụ các yếu tố cần thiết cụ thể là môi trường pháp lý và thực thi pháp luật để bảo hộ cho các tài sản công nghệ của Việt Nam còn rất yếu. Minh Long là một trong những thương hiệu có sản phẩm bị làm giả làm nhái rất nhiều và gần như không thể xử lý được. Mẫu mã, kiểu dáng công nghiệp, thương hiệu của các sản phẩm được đăng ký nhiều nhưng bị sử dụng, nhái tràn lan trên thị trường và khó giải quyết triệt để đã dẫn đến những tín hiệu không hề tích cực, trở thành những vấn đề không hề nhỏ trong việc thực thi những mô hình kinh doanh mới theo hướng kể trên. 

Với những lợi thế hiện có và công nghệ với nhiều tính năng đặc biệt như Minh Long, trên lý thuyết, rất có tiềm năng đóng gói và phát triển công nghệ theo hướng một mô hình kinh doanh mới trong khi vẫn tiếp tục tối ưu mô hình kinh doanh hiện tại.

Điều đó cho thấy, khi điều kiện hội tụ đầy đủ, chắc chắn chúng ta sẽ có những doanh nghiệp khoa học công nghệ sở hữu những công nghệ có thể vươn ra các thị trường quốc tế, tài sản trí tuệ của doanh nghiệp khi đó có thể được sử dụng với nhiều mục đích và khai thác hiệu quả hơn. 

Vai trò của nhà nước trong hỗ trợ doanh nghiệp thương mại hóa các kết quả nghiên cứu phát triển

Các chương trình hỗ trợ đăng ký sở hữu trí tuệ ở Việt Nam chủ yếu mới chỉ dừng lại ở việc gia tăng nhận thức về tầm quan trọng của việc đăng ký sở hữu trí tuệ và tập trung hướng tới các trường đại học và viện nghiên cứu. Trong khi những đối mới sáng tạo của các doanh nghiệp SMEs – chiếm đại đa số các tổ chức kinh doanh ở Việt Nam thì lại chưa được chú trọng. Mặc dù trong những năm qua, số lượng sáng chế của doanh nghiệp đăng ký có xu hướng gia tăng mạnh mẽ nhưng tỷ lệ của doanh Việt Nam so với doanh nghiệp nước ngoài vẫn rất khiêm tốn.

Những sáng tạo của Minh Long có thể là những ý tưởng “độc nhất vô nhị” trong ngành gốm sứ trên toàn thế giới. Bảo vệ, bảo hộ những ý tưởng lớn, ý nghĩa không chỉ là một cách thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong SMEs mà còn tăng sức cạnh tranh của các doanh nghiệp này trước các tập đoàn lớn, trước các tập đoàn nước ngoài không chỉ trong phạm vi quốc gia mà còn trên trường quốc tế.

Chiến dịch quảng cáo của Uniqlo năm 2017, trong ảnh là họ đang biểu diễn đặc điểm của loại vải siêu nhẹ. Ảnh: wwd.com

Việt Nam có thể học cách làm của Chính phủ Anh trong3 việc đồng hành cùng các SMEs nhận ra, bảo vệ và khai thác những tài sản trí tuệ của mình. Các tài sản trí tuệ bao gồm (nhưng không giới hạn ở) nhãn hiệu, bằng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và bản quyền. Nghiên cứu của họ cho thấy, chỉ riêng việc sử dụng nhãn hiệu (Trade mark) – tài sản trí tuệ dễ đăng ký nhất, đã có mối liên hệ với đổi mới sáng tạo tốt hơn, tăng trưởng nhanh hơn và năng suất lớn hơn của doanh nghiệp.

Chương trình của Chính phủ Anh do Cục Sở hữu trí tuệ (IPO) của nước này khởi xướng, nhưng không được thực hiện một cách độc lập mà liên kết với tất cả các chương trình khác của chính phủ như: Hội đồng Chiến lược Công nghệ, Thư viện Quốc gia Anh, Hội đồng Thiết kế, Dịch vụ Tư vấn Sản xuất,… để không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp về sở hữu trí tuệ mà còn hướng dẫn họ sử dụng tài sản đó một cách hiệu quả nhất.

Chương trình này có hai điểm nhấn đáng lưu ý: (1) Xây dựng các công cụ và chương trình đào tạo online để doanh nghiệp “đủ hiểu” về sở hữu trí tuệ và (2) Xây dựng các dịch vụ giá rẻ và miễn phí để tư vấn về việc làm sao tích hợp những tài sản trí tuệ (IP) với mô hình kinh doanh của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp thế nào là “đủ hiểu” về sở hữu trí tuệ? Theo khảo sát, chương trình của Anh đúc rút rằng, SMEs không có nhu cầu hiểu về tài sản trí tuệ quá chi tiết mà chỉ cần những kiến thức cơ bản để có thể xác định được giá trị và các nguy cơ trong các tài sản trí tuệ mà họ đang sở hữu. Nói cách khác “đủ biết” là biết khi nào cần thuê luật sư và chi phí cho việc đó là bao nhiêu, và họ sẽ mất gì nếu không làm như vậy. Bởi vậy, các khóa học và công cụ online của họ được thiết kế rất dễ tiếp cận với doanh nghiệp: nội dung được chia theo từng lĩnh vực kinh doanh, các bài giảng xoay quanh nhiều trường hợp thực tế và có diễn đàn trực tuyến để họ hỏi ý kiến chuyên gia.

Để cung cấp những dịch vụ giá rẻ và miễn phí giúp doanh nghiệp tận dụng được các tài sản trí tuệ trong kinh doanh, Cục sở hữu trí tuệ của Anh phải “huy động” và liên kết với các cơ quan và chương trình khác sẵn có của Chính phủ Anh. Chẳng hạn như họ kết hợp tư vấn về phát triển các chiến lược để khai thác những đổi mới sáng tạo và IP trong chương trình Huấn luyện doanh nghiệp tăng trưởng của Bộ Kinh doanh, Đổi mới sáng tạo và kĩ năng của Anh. Hay họ kết hợp với Hội đồng Chiến lược Công nghệ để hình thành một chương trình hỗ trợ các SMEs vừa tiếp cận vốn, công nghệ mới, kết hợp với viện – trường đại học và vừa bảo vệ và tận dụng IP của mình trong quá trình đó.

Thậm chí, không cần chờ các chương trình quốc gia, bản thân các tỉnh, thành phố cũng có thể xây dựng trước một chương trình tương tự. Trên thực tế, ở Canada, nhận thức được sự nghiêm trọng của việc SME không khai thác tài sản trí tuệ hiệu quả, một số tỉnh không chờ chính phủ liên bang hành động. Vào năm 2020, Ontario đã đưa ra Kế hoạch hành động IP để thành lập một cơ quan cấp tỉnh mới, Cơ quan tài nguyên tập trung về sở hữu trí tuệ. Cơ quan này không chỉ hỗ trợ các doanh nhân có thể tiếp cận với các thông tin và chuyên gia pháp lí về sở hữu trí tuệ.4 

———

1 https://www.wired.com/story/big-tech-patent-intellectual-property/

2 Đổi mới mô hình kinh doanh. Harvard Business Review. Alphabooks, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân. 2022

3 https://assets.publishing.service.gov.uk/government/uploads/system/uploads/attachment_data/file/316116/ip4b-sme.pdf

4 https://policyoptions.irpp.org/magazines/november-2021/businesses-need-public-support-to-commercialize-intellectual-property/

Tác giả

(Visited 33 times, 1 visits today)