Ngành công nghiệp thuốc lá VN: Lợi bất cập hại

Ngành công nghiệp thuốc lá Việt Nam đạt tỉ USD nhưng hệ quả của thuốc lá lên đời sống kinh tế xã hội lại lớn hơn rất nhiều. Đóng góp kinh tế của ngành công nghiệp thuốc lá nói chung không đủ bù đắp những thiệt hại về sức khỏe và kinh tế.

Nguồn ảnh : Tạp chí Công thương.

Tăng gánh nặng kinh tế cho quốc gia

Tiêu dùng thuốc lá vẫn đang là một thách thức đối với sự phát triển bền vững của nhiều quốc gia trên thế giới. Bên cạnh các tác động trực tiếp tới lĩnh vực y tế công cộng, các khoản chi tiêu liên quan tới thuốc lá còn gây áp lực lên đời sống kinh tế xã hội, gia tăng bất bình đẳng, thậm chí cản trở quá trình xóa đói giảm nghèo ở các quốc gia có mức thu nhập thấp và trung bình như Việt Nam. Thuốc lá không chỉ ảnh hưởng tới 15,6 triệu người đang hút thuốc lá (và trung bình cứ hai đàn ông Việt Nam thì có một người đang hút thuốc lá) mà còn dẫn tới số lượng người hút thuốc lá thụ động lớn gấp nhiều lần – 5,9 triệu người hút thuốc thụ động tại nơi làm việc và 28,5 triệu người hút thuốc thụ động tại nhà.

Năm 2017, tổng doanh thu của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) đạt hơn 1 tỷ USD. Tuy nhiên, hệ quả của việc sử dụng thuốc lá lên đời sống kinh tế xã hội và sức khỏe cộng đồng lớn hơn rất nhiều và đóng góp kinh tế của ngành công nghiệp thuốc lá nói chung không đủ bù lại những thiệt hại về sức khỏe và kinh tế. Ước tính chi tiêu cho các sản phẩm thuốc lá trong năm 2015 cho Việt Nam là khoảng 1.400 triệu USD, tương đương với 0,72% GDP1. Tổn hại kinh tế do sử dụng thuốc lá gây ra năm 2011 ước tính là 1173,2 triệu USD, tương đương gần 1% tổng sản phẩm quốc nội. Trong khi đó, chi tiêu của Chính phủ cho y tế trong cùng năm chỉ là 5,62% GDP. Mỗi năm ở Việt Nam có hơn 40.000 ca tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá như ung thư, tim mạch và các bệnh mãn tính về đường hô hấp. Nếu không có các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá một cách hiệu quả, ước tính số ca tử vong do hút thuốc sẽ lên tới 70.000 mỗi năm vào năm 2030.

Không chỉ làm tăng gánh nặng kinh tế cho quốc gia, thuốc lá còn ảnh hưởng tới chi tiêu và làm gia tăng tình trạng nghèo đói ở các nhóm nghèo. Các nghiên cứu gần đây của chúng tôi tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phát triển (DEPOCEN) đã tập trung phân tích các tác động gián tiếp của tiêu dùng thuốc lá ở cấp độ hộ gia đình tại Việt Nam và chỉ ra rằng chi tiêu cho thuốc lá làm giảm khả năng chi tiêu cho các hàng hóa cơ bản khác ở các nhóm nghèo, và làm gia tăng khả năng tái nghèo. Ngược lại, do giá thuốc lá ở Việt Nam hiện vẫn thấp, nên tác động chi tiêu trong ngắn hạn của nó tới các gia đình trung lưu không đáng kể. Điều này một mặt khiến các hậu quả mà thuốc lá gây ra trong dài hạn bị che mờ, khó quan sát. Mặt khác, do áp lực lên các nhóm dân số rất khác nhau, thuốc lá trở thành một trong những nhân tố làm doãng rộng bất bình đẳng giữa các nhóm và kìm hãm phát triển bền vững.

Tác động rõ rệt tới nhóm nghèo

Lãng phí nguồn ngân sách eo hẹp của hộ nghèo

Hút thuốc gây lãng phí phần đáng kể nguồn ngân sách vốn đã rất eo hẹp của các gia đình nghèo. Tiền mua thuốc lá làm giảm chi cho giáo dục, lương thực và chăm sóc sức khỏe hộ gia đình. Theo tính toán của chúng tôi từ dữ liệu VHLSS, mức chi tiêu cho thuốc lá bình quân trong năm ở nhóm thu nhập thấp khoảng 1.170.000 đồng, dù chưa bằng một nửa so với nhóm thu nhập cao (chi khoảng 2.463.000 đồng) nhưng số tiền chi cho thuốc lá đã “lậm” vào chi cho các khoản khác trong tổng mức chi của hộ gia đình nghèo. Ước tính, các hộ gia đình nghèo đã tiêu tốn khoảng 160 triệu USD/ năm vào thuốc lá để “hứng” lấy các hệ lụy sức khỏe thay vì mua sách vở, đầu tư cho giáo dục hay mua lương thực.

Ước tính, các hộ gia đình nghèo đã tiêu tốn khoảng 160 triệu USD/năm vào thuốc lá để “mua” lấy các hệ lụy sức khỏe thay vì mua sách vở, đầu tư cho giáo dục hay mua lương thực.

Trong nghiên cứu “Hiệu ứng lấn át của tiêu dùng thuốc lá ở Việt Nam”, đã xuất bản trên tạp chí Tobacco control, sử dụng dữ liệu VHLSS năm 2016, chúng tôi thấy rằng chi tiêu cho thuốc lá đã tạo “hiệu ứng lấn át”: Dù số tiền chi tiêu cho thuốc lá trong tổng ngân sách hộ gia đình không quá lớn nhưng lại có tác động dài hạn vẫn rất đáng để lo ngại: việc tăng chi tiêu cho thuốc lá dẫn đến giảm chi cho giáo dục của hộ gia đình, trực tiếp tác động đến sự phát triển của trẻ em, những nạn nhân vô tình của người lớn hút thuốc lá.

Đặc biệt, “hiệu ứng lấn át” chủ yếu chỉ xuất hiện ở các hộ gia đình có thu nhập thấp, càng dễ làm tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội. Và chi tiêu dành cho thuốc lá thường luôn đi kèm với chi tiêu cho các đồ uống có cồn như rượu bia. Kết hợp lại, những hiệu ứng này có thể dẫn đến những tác động tiêu cực trong dài hạn đến mức sống của từng hộ gia đình nói riêng, cũng như sự phát triển bền vững và bình đẳng của cả xã hội nói chung.

Theo số liệu VHLSS 2018, tỷ lệ tiêu dùng thuốc lá giữa các nhóm dân cư có sự khác biệt đáng kể. Thứ nhất, tỷ lệ tiêu thụ thuốc lá ở khu vực nông thôn cao hơn khoảng 10 điểm phần trăm so với khu vực thành thị. Thứ hai, tỷ lệ sử dụng thuốc lá của các dân tộc thiểu số là 64,57 phần trăm, cao hơn 9,39 điểm phần trăm so với người Kinh và Hoa. Thứ ba, nếu chia dân số thành năm nhóm theo tổng mức chi tiêu, khoảng cách về tỷ lệ sử dụng thuốc lá giữa nhóm dân số có chi tiêu cao nhất là thấp nhất là 12,22 điểm phần trăm. Rõ ràng, các gia đình có tổng mức tiêu dùng thấp thường có tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao hơn. Ngoài ra, số liệu cũng cho thấy tổng chi tiêu của các hộ gia đình sử dụng thuốc lá thấp hơn đáng kể so với các hộ gia đình không sử dụng thuốc lá, điều này có nghĩa là các hộ gia đình sử dụng thuốc lá sẽ có xác suất nghèo đói cao hơn.

Làm gia tăng tỷ lệ nghèo đói

Thứ nhất, việc sử dụng rộng rãi các sản phẩm thuốc lá gây ra những tác hại đối với sức khỏe cá nhân. Hút thuốc lá làm tăng khả năng mắc bệnh ung thư, bệnh tim mạch, bệnh hô hấp mãn tính và các bệnh khác liên quan đến thuốc lá. Những căn bệnh này trực tiếp làm tăng chi phí chăm sóc sức khỏe và một lần nữa làm giảm nguồn lực sẵn có của hộ gia đình để đáp ứng các nhu cầu khác.

Trong bối cảnh Việt Nam, nơi hệ thống bảo hiểm xã hội yếu kém và chăm sóc sức khỏe thường đắt đỏ, các hộ gia đình sử dụng thuốc lá có thể đối mặt với nguy cơ nghèo đói cao hơn. Thứ nhất, tiêu thụ thuốc lá trực tiếp làm giảm nguồn lực sẵn có của hộ gia đình để đáp ứng các nhu cầu cơ bản khác như chi tiêu cho thực phẩm, giáo dục, y tế. Đối với các gia đình có thu nhập thấp, ngay cả một lượng nhỏ tiêu thụ thuốc lá cũng có thể tạo ra một sự đánh đổi đáng kể với các hàng hóa thiết yếu. Như đã phân tích ở trên, sự thiếu hụt đầu tư cho giáo dục ở các gia đình có mức thu nhập thấp sẽ gây ra những rào cản trong dài hạn đối với sự phát triển chung của đất nước cũng như đối với công cuộc xóa đói giảm nghèo.

Hơn nữa, trong khi đa phần người hút thuốc lá ở Việt Nam là nam giới – những người vẫn đang đóng vai trò là chủ gia đình và có đóng góp chính tới thu nhập của hộ, bệnh tật do hút thuốc lá gây ra đối với họ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến mức sống của cả hộ gia đình. Trong trường hợp xấu nhất, khi người mắc bệnh liên quan đến thuốc lá tử vong sớm thì cả gia đình sẽ phải gánh chịu những thiệt hại kinh tế trong dài hạn. Điều này đặc biệt đúng với các trường hợp hộ nghèo và hộ cận nghèo.

Một nghiên cứu trước của chúng tôi chỉ ra rằng tiêu dùng thuốc lá đã làm hơn 305.090 người Việt Nam sống trong nghèo đói thứ cấp vào năm 2018, mặc dùng tổng chi tiêu của họ trên ngưỡng nghèo quốc gia. Một phần ba trong số này là trẻ em – những người dù không hút thuốc nhưng một cách gián tiếp bị cắt giảm chi tiêu cho giáo dục, phải sống ở mức sống thấp hơn do chi tiêu cho thuốc lá gây ra, và khả năng cao phải gánh chịu những tác động về mặt sức khỏe trong dài hạn chưa đo lường được.

Mặc dù thuốc lá có những tác hại trực tiếp lên mức chi của hộ gia đình nghèo và gây gánh nặng bệnh tật, gánh nặng y tế như vậy nhưng chúng ta chưa có chính sách nào để giảm khả năng tiếp cận thuốc lá, giảm tính sẵn có của các sản phẩm thuốc lá. Từ năm 2005 đến năm 2016, trong khi thu nhập danh nghĩa bình quân đầu người tăng 4,7 lần, giá bán lẻ các sản phẩm thuốc lá phổ biến nhất của Việt Nam chỉ tăng 2,2 lần. Bên cạnh đó, trong cùng thời kỳ, giá so sánh theo thu nhập (RIP, được đo bởi tỉ lệ phần trăm GDP bình quân đầu người hằng năm cần có để mua 100 gói thuốc lá) ở Việt Nam đã giảm từ 9% xuống chỉ còn 4,3%.6 Giá thuốc lá thấp đã thúc đẩy chi tiêu cho thuốc lá của các hộ gia đình.

Những điều đó đòi hỏi phải có những thay đổi trong công tác phòng chống tác hại thuốc lá nhằm giảm tỷ lệ hút thuốc lá hiện nay ở Việt Nam. Một mặt, các chính sách phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả sẽ giúp cải thiện phúc lợi tổng thể của hộ gia đình thông qua việc giảm bớt hiệu ứng lấn át của chi tiêu cho thuốc lá. Mặt khác, một chiến lược toàn diện để hạn chế tiêu thụ và sử dụng thuốc lá, đặc biệt quan tâm tới lợi ích của các hộ gia đình có thu nhập thấp sẽ giúp ích cho công tác giảm nghèo, gia tăng bình đẳng trong xã hội. □

——–

Tài liệu tham khảo

1 Theo Khảo sát toàn cầu về thuốc lá dành cho người trưởng thành năm 2015 của Tổ chức Sức khỏe thế giới WHO.

2 Tobacco Taxes in Vietnam. Questions and answer, Tobacco control fund of the Ministry of Health Viet Nam, Health bridge Viet Nam and the World Health Organization country office in Viet Nam, 2018.

3  Hoang Anh PT, Thu LT, Ross H, et al. Direct and indirect costs of smoking in Vietnam. Tob Control 2016;25:96–100

4  Levy DT, Bales S, Lam NT, Nikolayev L. The role of public policies in reducing smoking and deaths caused by smoking in Vietnam: Results from the Vietnam tobacco policy simulation model. Soc Sci Med 2006;62:1819–30

5 Nguyen NM, Nguyen A. Crowding-out effect of tobacco expenditure in Vietnam. Tob Control. 2020;29(suppl 5):s326-s330. doi:10.1136/ tobaccocontrol-2019-055307

6 Nguyen AN, Nguyen NM, & Bui TH (2021). The Impoverishing Effect of Tobacco Use in Viet Nam [Report]. DEPOCEN. https://tobacconomics.org/files/research/730/dpc-rp-poverty-final.pdf

Tác giả