Nobel Kinh tế 2022: Sao phải cứu các ông chủ ngân hàng ?

Dù bị chỉ trích không ít vì đã chi tiền cho các ông chủ ngân hàng giàu sụ thay vì dân nghèo, các ngân hàng trung ương khắp nơi vẫn tiếp tục các chính sách giải cứu được đặt nền móng từ thập kỷ 1980.

Giải Nobel Kinh tế được công bố hôm 10-10 thuộc về Ben S. Bernanke, Douglas W. Diamond và Philip H. Dybvig “vì những nghiên cứu về ngân hàng và khủng hoảng tài chính”. Ảnh: Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển

Trong quyển Sapiens: Lược sử loài người, tác giả Yuval Noah Harari dành hẳn một chương viết về vai trò của hệ thống ngân hàng như một nhân tố quan trọng cho sự bùng phát kinh tế ở các nước phương Tây sau cuộc Cách mạng Công nghiệp giữa thế kỷ 18. Cùng với hình thái công ty trách nhiệm hữu hạn, hệ thống ngân hàng thương mại (với dự trữ bán phần – fractional reserve banking, nghĩa là chỉ giữ lại một phần nhỏ so với tổng tài sản của nó, còn phần lớn là cho vay hoặc đầu tư) được một số nhà kinh tế cho là xương sống của chủ nghĩa tư bản. Sau này Ngân hàng Thế giới cũng cổ xúy cho tài chính hóa (financial deepening) như một trụ cột phát triển quan trọng cho các nước nghèo. Trọng tâm của chính sách này là tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận với hệ thống ngân hàng. Tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng và tỷ lệ tổng tín dụng trên GDP từ lâu đã là những thước đo cho phát triển kinh tế.

Vậy nhưng Milton Friedman, một đại thụ trong làng kinh tế học của thế kỷ 20 từng đoạt giải Nobel Kinh tế năm 1976, đã nhận xét mọi cuộc khủng hoảng kinh tế đều có bóng dáng của hệ thống ngân hàng. Quyển sách kinh điển của ông viết cùng Anna Schwartz, A Monetary History of the United States, đã chỉ ra sự sụp đổ của hơn 30% số ngân hàng thương mại Mỹ trong cuộc Đại Suy thoái 1929-1933 là nguyên nhân cơ bản làm nền kinh tế Mỹ sụp đổ và suy thoái kéo dài. Quĩ Tiền tệ Quốc tế đã từng có hẳn một chương trình đặc biệt theo dõi và đối phó với khủng hoảng ngân hàng ở các nước. Dù chỉ chuyển đổi qua kinh tế thị trường vài thập kỷ, người dân và các nhà làm chính sách Việt Nam đã không còn xa lạ với các cuộc khủng hoảng trong hệ thống ngân hàng. Mới tháng này một ngân hàng thương mại vừa bị đặt vào diện kiểm soát đặc biệt.

Mỹ và thế giới đã rất may mắn vì vô tình Ben Bernanke đã chuẩn bị cho ghế Chủ tịch Fed ngay trước cuộc khủng hoảng bằng toàn bộ sự nghiệp nghiên cứu.

Tại sao hệ thống ngân hàng vừa là anh hùng vừa là tội đồ trong một nền kinh tế tư bản? Mặc dù vai trò của hệ thống ngân hàng đã được đề cập đến rất sớm, từ thời David Hume và Adam Smith rồi đến Bagehot, Wicksell, Schumperter, giới kinh tế học hiện đại cho đến cuối thập niên 1970 dường như không quan tâm mô hình hóa hoạt động của các ngân hàng trong kinh tế vĩ mô. Họ chấp nhận cách nhìn giản lược (informal) hệ thống ngân hàng như là một loại hình dịch vụ bình thường làm trung gian cho dòng vốn. Sự tồn tại cũng như vai trò của các ngân hàng được coi là một ngẫu nhiên lịch sử (historical incident) không cần phải giải thích. Ngân hàng giống như các loại hình doanh nghiệp khác là một cỗ máy vô tri với nhiệm vụ duy nhất tối đa hóa lợi nhuận cho các chủ sở hữu.

Công trình của Douglas Diamond và Philip Dybvig năm 1983 đánh dấu một bước ngoặt trong cách nhìn vĩ mô về hệ thống ngân hàng. Các ngân hàng thương mại ra đời khởi thủy vì nhu cầu của các nhà buôn ở Venice cần chỗ cất giữ các thỏi vàng, nhưng vai trò của nó trong một nền kinh tế hiện đại đã tiến hóa rất xa để hoán đổi dòng vốn của các khoản tiết kiệm ngắn hạn thành các dự án đầu tư dài hạn. Chức năng trung gian của các ngân hàng không chỉ là chỗ tập trung tiền gửi rồi cho vay mà còn là chỗ điều hòa rủi ro thời hạn (maturity mismatch) cam kết vốn. Chính vai trò này của hệ thống ngân hàng là chìa khóa cho sự phát triển kinh tế bởi dòng vốn nhàn rỗi tìm đến được các dự án đầu tư có triển vọng. Dù đây không phải là điều Diamond và Dybvig “khám phá” ra, họ chỉ mô hình hóa nó bằng ngôn ngữ toán học một cách trong sáng, hai nhà kinh tế này đã cho thấy, chính bàn tay vô hình của nền kinh tế thị trường đã kiến tạo nên dịch vụ ngân hàng. Đó là giải pháp win-win cho xã hội để dòng vốn nhàn rỗi có thể lưu thông đến những nơi có khả năng tạo ra các sản phẩm và công nghệ đột phá.

Tranh vẽ Milton Friedman, Nobel Kinh tế 1976 nhận xét rằng mọi cuộc khủng hoảng đều có bóng dáng của hệ thống ngân hàng. Ben Bernanke, một trong ba người đoạt giải Nobel năm nay từng tự nhận là “hậu bối” của ông. Ảnh: Milton Glaser.

Nhưng Diamond và Dybvig còn đi thêm một bước nữa. Chính bởi người gửi có thể rút tiền trong ngắn hạn trong khi người vay lại cần vay dài hạn, các ngân hàng có thể rơi vào tình trạng thiếu hụt thanh khoản khi số người đến rút tiền quá đông (bank run). Mô hình của Diamond và Dybvig chỉ ra đây là đặc thù quan trọng thứ hai của hệ thống ngân hàng. Theo ngôn ngữ kinh tế học, hệ thống ngân hàng có nhiều điểm cân bằng (multiple equilibria) tốt xấu khác nhau. Một ngân hàng có thể ở điểm cân bằng tốt (hoạt động đúng chức năng luân chuyển vốn) hoặc điểm cân bằng xấu (bank run) mặc dù mô hình kinh doanh, khách hàng, sản phẩm không hề thay đổi. Đây là đặc điểm quan trọng của giới ngân hàng khác với các doanh nghiệp bình thường. Các doanh nghiệp phá sản khi làm ăn không hiệu quả, thua lỗ, còn ngân hàng có thể phá sản khi rơi vào cân bằng xấu dù kết quả kinh doanh không tệ. Nói cách khác, bàn tay vô hình của thị trường lúc này không hoạt động hiệu quả, một ngân hàng thương mại đang là một thực thể hữu ích cho xã hội có thể biến thành thảm họa. Chính vì vậy Diamond và Dybvid đề xuất cần phải có bàn tay hữu hình của nhà nước can thiệp vào hệ thống ngân hàng thông qua bảo hiểm tiền gửi và người cho vay cuối cùng.

Gần như song song với Diamond và Dybvig, Ben Bernanke, người sau này trở thành Chủ tịch Fed vào năm 2006, đã thực hiện một khảo cứu thực nghiệm (empirical research) về tác động của khủng hoảng ngân hàng vào nền kinh tế trong Đại Suy thoái. Trong khi Friedman và Schwartz chỉ trú trọng vào sự sụp đổ của cung tiền khi hệ thống ngân hàng bị khủng hoảng trong giai đoạn 1929-1933, Bernanke chỉ ra một kênh tác động khác rất gần với lập luận của Diamond và Dybvig. Khi các doanh nghiệp đi vay, lãi suất họ phải trả cao hơn lãi suất tiền gửi một khoản Bernanke gọi là CCI (Cost of Credit Intermediation) bao gồm phí bảo hiểm cho chức năng chuyển đổi ngắn hạn-dài hạn và chi phí giám sát khoản vay. Khi khủng hoảng xảy ra, CCI tăng lên rất cao, nhất là cho những doanh nghiệp nhỏ, hộ gia đình và nông dân. Thêm vào đó khi một ngân hàng mới bước vào khoảng trống do một ngân hàng vừa phá sản để lại, CCI tăng vọt vì ngân hàng mới phải tốn rất nhiều thời gian, công sức gây dựng lại quan hệ với các doanh nghiệp địa phương. Do đó tín dụng cho nền kinh tế, nhất là cho giới doanh nghiệp nhỏ, sụt giảm gây tác động trực tiếp lên sản lượng GDP, đồng thời có tác động tiêu cực gián tiếp vì tổng cầu suy giảm.

Không chỉ giới hạn trong cuộc Đại Suy thoái, Ben Bernanke (cùng với Mark Gertler) chứng minh rằng biến động của tổng tín dụng cho nền kinh tế mỗi khi CCI thay đổi làm sự khuếch đại các chu kỳ kinh tế (business cycle) trầm trọng hơn. Bởi vậy bàn tay hữu hình mà Diamond và Dybvid đề xuất không chỉ dừng lại ở bảo hiểm tiền gửi hay người cho vay cuối cùng mà có thể mở rộng ra các chính sách giải cứu ngân hàng để hạn chế tác động tiêu cực vào nền kinh tế thực. Khi Lehman Brothers phá sản dẫn đến nguy cơ khủng hoảng dây chuyền cho hệ thống ngân hàng Mỹ, Fed dưới sự lãnh đạo của Bernanke đã quyết liệt thực thi các chính sách giải cứu toàn bộ hệ thống ngân hàng. Kết quả là so với 30% ngân hàng phá sản trong giai đoạn 1929-1933, chỉ có 0.6% số ngân hàng Mỹ giai đoạn 2007-2009 phá sản. Nước Mỹ và cả thế giới đã tránh được một cuộc đại suy thoái thứ hai. Greg Ip, một nhà bình luận tên tuổi của tờ WSJ, cho rằng Mỹ và thế giới đã rất may mắn vì vô tình Ben Bernanke đã chuẩn bị cho ghế Chủ tịch Fed ngay trước cuộc khủng hoảng bằng toàn bộ sự nghiệp nghiên cứu. Nhiều nhà kinh tế như Paul Krugman, Olivier Blanchard, Scott Sumner cũng đồng tình với nhận định đó, không ai phù hợp hơn Bernanke ở vị trí lèo lái con thuyền tài chính qua cuộc khủng hoảng 2007-2009.

Hàng ngàn người xếp hàng rút tiền từ ngân hàng American Union vào thời kì Đại suy thoái, năm 1932.

Những nghiên cứu của Diamond, Dybvig, Bernanke sau này đã mở ra một hướng nghiên cứu mới với hàng ngàn bài viết về hệ thống ngân hàng. Nhiều khía cạnh mà các nghiên cứu khởi đầu chưa đề cập đến đã được các nhà kinh tế hậu bối đào xới và ứng dụng vào chính sách. Nổi bật nhất có thể kể đến các mảng nghiên cứu về tác động của khủng hoảng ngân hàng lên giá chứng khoán (Kiyotaki và Moore 1997) là nền tảng cho Chương trình trợ cấp các tài sản xấu (TARP) trị giá 250 tỉ USD của Chính phủ Mỹ, nhằm mua lại các tài sản xấu hoặc cổ phần của các ngân hàng lớn sau khủng hoảng tài chính 2008. TARP được cho là đã giúp ổn định một hệ thống tài chính đang ở bờ vực sụp đổ và ngăn chặn Đại khủng hoảng lần thứ hai ở Mỹ. Các nghiên cứu về lãi suất cận không (zero lower bound) của Bernanke là nền tảng cho các gói QE (Nới lỏng định lượng) của ngân hàng Trung ương mua trái phiếu chính phủ hoặc các chứng khoán khác để giảm lãi suất cho vay và bơm tiền kích thích nền kinh tế. Các nghiên cứu của Bernake về rủi ro bảng cân đối tài chính của các ngân hàng là cơ sở cho Basel II và III – các khung khổ quản trị ngân hàng trung ương tốt được công nhận trên thế giới. Tuyên bố can thiệp không giới hạn (whatever it takes) của thống đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi để cứu đồng Euro năm 2012 hay một loạt gói giải cứu và can thiệp của Fed, ECB, Ngân hàng Anh (BoE), Ngân hàng Nhật Bản (BoJ) và nhiều ngân hàng trung ương khác khi Covid-19 ập đến có thể truy gốc gác từ lý thuyết của Diamond, Dybvig và Bernanke.

Năm 2002 chỉ vài tháng sau khi Bernanke được Tổng thống Bush đề cử vào Hội đồng Thống đốc (Board of Governors) của Fed, Bernanke đã nói với Milton Friedman trong một buổi mừng thọ 90 tuổi của nhà kinh tế này rằng năm 1929 Fed đã mắc sai lầm góp phần gây ra cuộc Đại Suy thoái. Bernanke hứa với Friedman sẽ không lặp lại sai lầm đó nữa bởi những gì Friedman đã chỉ ra. Bằng chứng trong hai thập kỷ qua cho thấy Bernanke và các thống đốc ngân hàng trung ương khác đã giữ lời hứa, nhưng không chỉ nhờ nghiên cứu của Friedman mà cả của chính Bernanke và Diamond, Dybvig. Dù bị chỉ trích không ít vì đã chi tiền cho các ông chủ ngân hàng giàu sụ thay vì dân nghèo, các ngân hàng trung ương khắp nơi vẫn tiếp tục các chính sách giải cứu được đặt nền móng từ thập kỷ 1980. Ba đại diện tiêu biểu nhất của những nghiên cứu đó vừa được Ủy ban Giải Nobel Kinh tế 2022 vinh danh, một quyết định trao giải vô cùng xứng đáng.□

—-

Các công trình của Friedman và Bernanke tập trung vào thời kì Đại khủng hoảng – Great Depression (1929-1933), giải thích tại sao khi hệ thống ngân hàng Mỹ sụp đổ (phá sản 30%) thì nền kinh tế sụp theo. Nền kinh tế Việt Nam hiện tại phụ thuộc vào tín dụng của ngân hàng có lẽ còn nhiều hơn ở Mỹ thời kì đó. Bởi vậy, nếu hệ thống ngân hàng Việt Nam đổ vỡ thì ảnh hưởng lên kinh tế có thể còn xấu hơn Great Depression. Có lẽ vì thế, Ngân hàng Nhà nước từ trước tới nay chưa để cho một ngân hàng thương mại nào, dù nhỏ phá sản. Tuy nhiên, khác với nhiều quốc gia, Ngân hàng Nhà nước cũng không/chưa đủ năng lực để can thiệp vào hệ thống ngân hàng bằng công cụ thị trường nên phải sử dụng nhiều biện pháp hành chính để ngăn chặn điều này, làm méo mó hệ thống và có khả năng tiêu cực. Việt Nam trước mắt cần phải thực hành cách giám sát (tiêu chuẩn Basel) cũng như điều hành chính sách tiền tệ ngắn hạn. Còn về lâu dài, Việt Nam nên tham khảo các bài học của Bernanke đã thực hiện trong giai đoạn Khủng hoảng tài chính toàn cầu (2007-2009) hay của FED trong đợt COVID-19 gần đây giải cứu khi các ngân hàng lâm nguy.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)