Tọa đàm “Bất cập về sách giáo khoa: Nhìn từ định hướng triết lý hệ thống”

Vấn đề quan trọng lúc này, không chỉ là đi nhặt từng “hạt sạn” mà quan trọng hơn là cái nhìn hệ thống về việc liên tục cải cách chương trình và thay sách giáo khoa để có phần trả lời thấu đáo hơn cho những câu hỏi sát sườn: liệu bộ sách mới có ưu việt so với bộ sách cũ? do đâu có những bất cập trong quá trình triển khai sách giáo khoa? Làm cách nào khắc phục?

Hình minh họa: internet

Mặc dù việc triển khai chủ trương “Một chương trình, nhiều sách giáo khoa” ở các lớp 1, 2 và lớp 6 đã sang năm học thứ hai nhưng dư luận xã hội và giới chuyên môn vẫn nóng lên vì lỗi trong các bộ sách giáo khoa. Những “hạt sạn” trong sách giáo khoa cũng như những bất cập trong biên soạn, quy trình thẩm định, lựa chọn, tiếp thu góp ý, sửa chữa… đã làm giảm ý nghĩa của chủ trương này.

Có lẽ, vấn đề quan trọng lúc này, không chỉ là đi nhặt từng “hạt sạn” mà quan trọng hơn là cái nhìn hệ thống về việc liên tục cải cách chương trình và thay sách giáo khoa để có phần trả lời thấu đáo hơn cho những câu hỏi sát sườn: liệu bộ sách mới có ưu việt so với bộ sách cũ? do đâu có những bất cập trong quá trình triển khai sách giáo khoa? làm cách nào khắc phục, vv.? Để hiểu được, chúng ta cần có cái nhìn hệ thống vào việc biên soạn sách giáo khoa, đặt nó vào trong tiến trình lịch sử đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông, thay sách giáo khoa mới trong hệ thống giáo dục phổ thông quốc dân.

Trong tọa đàm “Bất cập về sách giáo khoa: Nhìn từ định hướng triết lý hệ thống” vào 14h30, ngày 29/10/2022 do Tia Sáng tổ chức, TS Đỗ Thị Ngọc Quyên, chuyên gia giáo dục độc lập, sẽ thảo luận về bộ sách giáo khoa mới được biên soạn theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và hiện trạng triển khai trong hai năm qua, đánh giá tính đồng bộ, sự sẵn sàng của hệ thống giáo dục phổ thông khi triển khai nhiều bộ sách giáo khoa; cũng như những lỗ hổng trong quy định biên soạn và thẩm định, đánh giá và lựa chọn sách giáo khoa.

Để có cái nhìn đa chiều và thấu đáo về vấn đề này, diễn giả cũng sẽ hệ thống hóa về việc thay sách trong bối cảnh kinh tế, xã hội, giáo dục và lịch sử của sách giáo khoa trong nền giáo dục phổ thông của Việt Nam.

Trong các công cuộc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông của Việt Nam những cải cách, thay đổi sách giáo khoa đều chiếm vị trí chính yếu. Kể từ sau khi thống nhất đất nước năm 1975 đến nay, hệ thống giáo dục phổ thông quốc dân đã trải qua 3 lần cải cách chương trình, trong đó lần đầu được bắt đầu vào năm 1981 nhằm thống nhất chương trình giáo dục phổ thông ở miền Nam (hệ 12 năm) và miền Bắc (hệ 10 năm) thành hệ chuẩn 12 năm. Khoảng cách giữa các kỳ cải cách chương trình và thay sách giáo khoa (lần 2 vào 2000 và lần 3 gần nhất vào 2018) là khoảng 18-20 năm. Nếu tính cả thời gian xây dựng đề án, xây dựng chương trình, phát triển sách giáo khoa và triển khai sách giáo khoa theo cách cuốn chiếu, thì có thể nói khoảng thời gian này chỉ đủ cho một vòng chương trình 12 năm diễn ra trọn vẹn.

Thông tin về tọa đàm “Bất cập về sách giáo khoa: Nhìn từ định hướng triết lý hệ thống”

Thời gian: 14h30, ngày 29/10/2022

Địa điểm: café Trung Nguyên, 52, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Để thuận lợi cho việc đón tiếp, Tia Sáng mời bạn đăng ký và để lại thông tin theo form dưới đây.

https://bit.ly/dang_ky_toadam_SGK

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)