36,8 tỷ tấn khí CO2 đã được thải ra khí quyển trong năm 2023

Báo cáo Ngân sách Carbon Toàn cầu ước tính 36,8 tỷ tấn khí CO2 đã được thải ra khí quyển do đốt nhiên liệu hóa thạch trong năm nay, tăng 1,1% so với năm 2022.

Phát thải đã giảm ở một số khu vực, như một số vùng ở châu Âu và Mỹ, nhưng vẫn tăng về tổng thể. Các nhà khoa học cho biết hành động toàn cầu để cắt giảm nhiên liệu hóa thạch không diễn ra đủ nhanh để ngăn cản tình trạng biến đổi khí hậu nguy hiểm.

Phát thải từ việc thay đổi sử dụng đất (chẳng hạn như nạn phá rừng) dự tính giảm đôi chút nhưng vẫn quá cao để có thể bù đắp lại bằng mức độ phục hồi rừng và trồng rừng mới hiện nay.

Báo cáo dự đoán tổng phát thải CO2 toàn cầu (nhiên liệu hóa thạch + thay đổi sử dụng dất) sẽ là 40,9 tỷ tấn trong năm 2023.

Giáo sư Pierre Friedlingstein từ Viện Hệ thống Toàn cầu tại Exeter, người chủ trì nghiên cứu, cho biết: “Giờ đây, chúng ta không thể tránh khỏi việc vượt quá mục tiêu 1,5oC của Hiệp định Paris, và các nhà lãnh đạp họp mặt tại COP28 sẽ phải đồng ý với việc cắt giảm nhanh chóng phát thải từ nhiên liệu hóa thạch để giữ cho mục tiêu 2oC khả thi”.

Các phát hiện quan trọng khác từ báo cáo Ngân sách Carbon Toàn cầu năm 2023:

– Xu hướng phát thải có sự khác biệt rất lớn giữa các khu vực. Phát thải trong năm 2023 dự kiến tăng ở Ấn Độ (8,2%), Trung Quốc (4%); và giảm ở châu Âu (-7,4%), Mỹ (-3%) và phần còn lại của thế giới (-0,4%).

– Phát thải toàn cầu từ than, dầu, và khí dự tính đều tăng – lần lượt là 1,1%, 1,5%, và 0,5%.

– Mức độ khí CO2 trong bầu khí quyển dự tính sẽ đạt trung bình 419,3 phần triệu vào năm 2023, cao hơn 51% so với mức tiền công nghiệp.

– Khoảng nửa tổng lượng khí CO2 thải ra tiếp tục được “các bể chứa” đất liền và đại dương hấp thụ, phần còn lại tồn tại trong bầu khí quyển, gây ra biến đổi khí hậu.

– Phát thải CO2 toàn cầu từ hỏa hoạn trong năm 2023 lớn hơn trung bình (dựa trên hồ sơ vệ tinh từ năm 2003) do mùa cháy rừng cực đoan tại Canada, tại đây phát thải cao hơn trung bình gấp 6 – 8 lần.

– Mức độ loại bỏ khí CO2 dựa vào công nghệ hiện nay (tức là bỏ qua các phương pháp dựa vào thiên nhiên như phục hồi rừng) chiếm 0,01 triệu tấn CO2, nhỏ hơn một triệu lần so với mức phát thải CO2 từ nhiên liệu hóa thạch hiện nay.

Nhóm thực hiện báo cáo gồm các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Exeter, Đại học Đông Anglia (UEA), Trung tâm Nghiên cứu Khí hậu Quốc tế CICERO, Đại học Ludwig-Maximilian Munich và 90 tổ chức khác trên thế giới.

Báo cáo Ngân sách Carbon Toàn cầu 2023 (báo cáo hằng năm thứ 18) sẽ được đăng trên tạp chí Earth System Science Data.

Ngoc Đỗ

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)