ADB hạ dự báo tăng trưởng 2011 của Việt Nam
Tiếp sau Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cũng vừa hạ mức dự báo tăng trưởng GDP năm 2011 của Việt Nam từ 7% xuống còn 6,1%.
Sau Tết Nguyên đán, Chính phủ đã nhanh chóng ban hành Nghị quyết 11 với mục tiêu tối thượng là kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô. Những thay đổi lớn xuất phát từ đây đã được cân nhắc trong báo cáo của ADB, thể hiện ở những điều chỉnh mạnh về mức tăng trưởng GDP và lạm phát.
Theo đó, GDP được dự báo tăng trưởng ở mức 6,1%, thấp hơn so với mức 7% cũng được tổ chức này đưa ra vào khoảng tháng 10/2010.
Và mặc dù đánh giá cao tính hiệu lực và hiệu quả của Nghị quyết 11 đối với kiềm chế lạm phát trong năm nay, ADB cho rằng khả năng tác động đến chỉ tiêu này có thể mạnh hơn vào năm 2012, nếu các biện pháp nêu trong nghị quyết được tiếp tục kéo dài.
Do tác động từ nhiều đợt điều chỉnh giá điện, xăng dầu gần đây, cùng với hiệu ứng của việc giai đoạn tháng 4-9/2010 lạm phát theo tháng tăng khá thấp ảnh hưởng đến mức tăng so với cùng kỳ của giai đoạn từ nay đến tháng 9/2011, ADB dự báo lạm phát sẽ đạt đỉnh ở mức khoảng 16% trong quý 3/2011, trước khi giảm dần và đến cuối năm sẽ đạt mức trung bình năm 13,3%.
Về giao thương quốc tế, ADB cho rằng thương mại toàn cầu năm nay sẽ giảm tốc so với năm 2010. Tác động từ chính sách thắt chặt đối với nhập khẩu cũng sẽ làm giảm tăng trưởng ngoại thương trong năm nay của Việt Nam. Tuy nhiên, kinh tế ổn định hơn sẽ kéo dòng vốn FDI chảy vào, ADB dự báo rằng cán cân thanh toán tổng thể sẽ được cải thiện.
Cân đối với dòng kiều hối, thu nhập từ du lịch, khả năng cán cân thanh toán của Việt Nam sẽ còn thâm hụt 3,8% GDP trong năm nay và 3,6% trong năm kế tiếp.
Mặc dù vậy, đánh giá của ADB về trung hạn là khá tích cực, với điều kiện ổn định vĩ mô được khôi phục và duy trì. Mức dự báo tăng trưởng GDP trong năm 2012 được cơ quan này đưa ra là 6,7%.
“Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài và có vị thế tốt để hưởng lợi từ sự phát triển ở Trung Quốc. Chi phí lao động tăng cao tại Trung Quốc sẽ chuyển hướng một số dòng vốn FDI sang nền kinh tế đang phát triển khác ở châu Á và nhu cầu tiêu dùng tại Trung Quốc tăng sẽ làm tăng nhu cầu nhập khẩu”, báo cáo của ADB nhìn nhận.