Áp dụng khoán chi để “giải phóng” các nhà khoa học
Áp dụng phương thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng để các nhà khoa học thoát khỏi tình trạng mất nhiều thời gian làm chứng từ thanh toán hơn là làm nghiên cứu.
Đây là câu trả lời của Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân sau chất vấn của đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) về việc các nhà khoa học mất quá nhiều thời gian cho các công việc ngoài chuyên môn của mình.
Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết các văn bản của Bộ KH&CN mới ban hành (50 Thông tư) đã thay đổi toàn bộ hệ thống quản lý KHCN so với trước đây.
Theo đó, phương thức “khoán chi” đến sản phẩm cuối cùng được áp dụng để các nhà khoa học không phải quá vất vả việc thanh toán kết quả các đề tài, dự án. “Nếu nhà khoa học cam kết nếu mình làm ra sản phẩm cuối cùng đúng như mục tiêu đặt ra thì toàn bộ quá trình chi tiêu của nhà khoa học là được khoán”.
Thông tư quy định về vấn đề này sẽ có hiệu lực trong quý III/2015 và hy vọng giải phóng các nhà khoa học khỏi tình trạng làm chứng từ mất nhiều thời gian hơn làm nghiên cứu như lời các nhà khoa học hay phàn nàn.
Đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Quân vấn đề làm thế nào để KHCN trở thành động lực phát triển đất nước, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng KHCN là động lực nhưng nền kinh tế chúng ta chưa hấp thụ được do thiếu cơ chế và điều kiện tốt cho công nghệ mới, công nghệ cao. Cơ chế chính sách hỗ trợ cho KHCN chưa hoàn chỉnh để có thể nhận chuyển giao KHCN từ nước ngoài, các viện nghiên cứu nên chưa tăng được tỷ lệ công nghệ cao trong các DN.
Trao đổi lại về câu hỏi của đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) vì sao KHCN chưa tương xứng với vị trí quốc sách hàng đầu, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng, mức đầu tư của chúng ta cho KHCN còn dưới ngưỡng để KHCN có thể trở thành động lực. Nếu như Hàn Quốc đầu tư 1.100 USD/một người dân cho KHCN thì Việt Nam mới chỉ 10 USD/người dân với 5 USD từ ngân sách, 5 USD từ xã hội.
“Để có một sáng chế trị giá 2 triệu USD thì phải đầu tư 150.000 USD. Chúng ta huy động được xã hội đầu tư cho KHCN, nếu tất cả các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đầu tư như Hàn Quốc thì chúng ta sẽ không thua kém các nước trong khu vực, lúc đó KHCN thực sự giữ vai trò quốc sách hàng đầu”, ông Quân nói.
Trả lời câu hỏi của một số đại biểu về liên kết “bốn nhà” hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng, trong “bốn nhà” thì vai trò quan trọng nhất là Nhà nước bởi nếu Nhà nước không có cơ chế chính sách phù hợp, không đứng ra tổ chức và bảo đảm cho sự an toàn của DN thì “ba nhà” còn lại rất khó liên kết được với nhau.
Bộ trưởng chỉ rõ mô hình liên kết “bốn nhà” thuyết phục nhất, như Công ty Bảo vệ thực vật An Giang. Trong doanh nghiệp này có 2 viện nghiên cứu, 1.200 kỹ sư nông nghiệp, mỗi kỹ sư là bạn của một số hộ nông dân, họ chịu trách nhiệm cho toàn bộ số hộ nông dân về quy trình canh tác, trồng cây gì, phun thuốc nào cho phù hợp, đến khâu cuối là chế biến và xuất khẩu sản phẩm cho nông dân.
“Nếu địa phương nào cũng tổ chức được mô hình như vậy, tôi tin là chúng ta không cần băn khoăn về mối liên kết “bốn nhà” hiện nay. Lúc đó sẽ không có tình trạng được mùa rớt giá, sẽ có nền nông nghiệp sản xuất lớn hay giá xuất khẩu thấp như hiện nay”, Bộ trưởng Quân khẳng định.
Vai trò của nhà khoa học nên nằm trong doanh nghiệp, nên “ba cùng” với doanh nghiệp và chỉ nghiên cứu những gì doanh nghiệp cần, đừng nghiên cứu những gì mình thích. Khó khăn lớn nhất hiện nay là khi có kết quả nghiên cứu rồi thì nguồn lực nào để thương mại hóa, sản xuất thực hiện. Băn khoăn nhất là nguồn lực đầu tư của DN không đến được với các nhà khoa học.
Trả lời đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) vấn đề trong khi kinh phí KHCN thì tiêu không hết thì có tình trạng một số sáng chế của người dân lại không có tiền triển khai. Bộ trưởng Nguyễn Quân thừa nhận đây là thực trạng có thật. Tại cuộc gặp mới đây giữa các “nhà sáng chế chân đất” với Bộ KH&CN, đa số đều có tâm tư này. Nhưng khó khăn trong danh mục chi ngân sách lại không có mục chi này.
Nguồn: http://baodientu.chinhphu.vn/Hoat-dong-Bo-nganh/Ap-dung-khoan-chi-de-giai-phong-cac-nha-khoa-hoc/229174.vgp