Ba nhà khoa học trẻ nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu 2016

GS.TS Nguyễn Văn Hiếu (ĐH Bách khoa Hà Nội), PGS.TS Nguyễn Ngọc Minh (ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQGHN) và TS. Phùng Văn Đồng (Viện Vật lý, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) đã trở thành ba chủ nhân của Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2016 vì có các “công trình đều có những kết quả đỉnh cao tầm cỡ quốc tế”, theo đánh giá của GS.TS Đinh Dũng, thành viên Hội đồng xét duyệt giải thưởng.

Lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu diễn ra vào chiều ngày 18/5/2016 tại Bộ KH&CN. Tới dự có Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, các thành viên Hội đồng xét duyệt Giải thưởng.

Tại lễ trao giải, GS. TS Nguyễn Văn Hiếu với công trình “Chế tạo cấu trúc nano rẽ nhánh SnO2/ZnO trên cơ sở dây nano SnO2 (lõi) và thanh nano ZnO (nhánh) nhằm tăng cường tính chất nhạy khí với hơi cồn” (Design of SnO2/ZnO hierarchical nanostructures for enhanced ethanol gas-sensing performance), PGS. TS Nguyễn Ngọc Minh với công trình “Nghiên cứu sự giải phóng kali đi kèm với quá trình hòa tan phytolith trong rơm rạ” (Release of potassium accompanying the dissolution of rice straw phytolith) đã được trao giải thưởng chính. TS. Phùng Văn Đồng với công trình “Mô hình 3-3-1-2 cho vật chất tối” (3-3-1-1 for dark matter) được trao giải dành cho nhà khoa học trẻ.

GS.TS Nguyễn Văn Hiếu bày tỏ: “Giải thưởng danh giá này không những là niềm vinh dự mà còn là động lực mới đối với bản thân cũng như cho các nhà khoa học trẻ ở Việt Nam. Đặc biệt, nó là nguồn cảm hứng và động lực mới cho các nhà khoa học đẩy mạnh việc công bố các kết quả nghiên cứu trên các tạp chí quốc tế ISI, đưa hệ thống viện nghiên cứu, trường đại học của Việt Nam tiến kịp các trường đại học uy tín trong khu vực và trên thế giới”. Anh cũng chia sẻ những khó khăn mà những nhà khoa học trong thực nghiệm trong lĩnh vực vật lý- khoa học vật liệu gặp phải, “kinh nghiệm cho thấy, người hoạt động ở lĩnh vực này ở Việt Nam rất khó để được tặng giải thưởng danh  giá này, vì việc công bố các kết quả nghiên cứu thực nghiệm ở Việt Nam trên các tạp chí đỉnh cao là rất khó và để cộng đồng khoa học quốc tế trích dẫn các công trình thực nghiệm thực hiện hoàn toàn ở Việt Nam lại càng khó hơn.”.

Là nhà khoa học thứ hai được trao giải chính, PGS. TS Nguyễn Ngọc Minh đề cập đến ý nghĩa của giải thưởng “là động lực để các nhà khoa học nghĩ đến việc nâng cao chất lượng các công bố của mình”. Còn theo TS Phùng Văn Đồng, “những bài giảng hay, những công trình nổi trội, và tạo dựng được một nhóm nghiên cứu mạnh là  những gì khoa học nước nhà đang cần”.

* Công trình khoa học của GS.TS Nguyễn Văn Hiếu thuộc lĩnh vực Khoa học Vật liệu (Vật lý), đưa ra phương pháp mới chế tạo nano thứ cấp có khả năng mở rộng được ứng dụng không những trong nano cảm biến nhạy khí mà còn trong nhiều lĩnh vực khác như linh kiện điện tử nano, pin năng lượng.

* Công trình khoa học của PGS.TS Nguyễn Ngọc Minh thuộc lĩnh vực Khoa học Thổ nhưỡng và Đất, đề xuất ra quy trình xử lý rơm rạ tránh ô nhiễm môi trường và tăng độ phì cho đất trồng trọt có thể áp dụng được trên quy mô đại trà trên các vùng đồng bằng trồng lúa.

 * Công trình khoa học của TS Phùng Văn Đồng thuộc lĩnh vực thiên văn học và vật lý năng lượng cao có ý nghĩa lý thuyết rất cao, góp phần vào việc giải thích cấu tạo vật chất và năng lượng của vũ trụ, đã phát triển và hiệu chỉnh mô hình chuẩn đã có 3-3-1 của vật chất tối trong vũ trụ thành mô hình 3-3-1-1 thông qua sử dụng các tính chất đối xứng. (GS. TS Đinh Dũng)

Thay mặt Hội đồng xét duyệt giải thưởng, GS. TS Đinh Dũng, người cũng từng nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2015, khẳng định, quy trình xét chọn các nhà khoa học đoạt giải là “chặt chẽ, khoa học, công khai và minh bạch. Đây là giải thưởng duy nhất mà các nhà khoa học đóng vai trò quyết định trong việc xét chọn… Các công trình được đánh giá qua uy tín của tạp chí chuyên ngành thuộc tốp đầu trong hàng trăm các tạp chí ISI có uy tín trong từng chuyên ngành và mỗi công trình đều có những kết quả đỉnh cao tầm cỡ quốc tế”.

GS. TS Đinh Dũng cũng nhận xét các nhà khoa học đoạt giải “đều là tác giả chính của công trình khoa học xuất sắc tầm cỡ quốc tế, được đăng tải trên các tạp chí khoa học chuyên ngành quốc tế hàng đầu”. Ông cho biết, giải thưởng năm nay có ba nét nổi bật: 1. Cả hai giải thưởng chính đều thuộc các nhà khoa học trẻ, góp phần khẳng định cơ hội được nhận giải thưởng chính là như nhau đối với các nhà khoa học; 2. Các công trình khoa học của tác giả đoạt giải đều mang “đậm đà bản sắc Việt Nam”, đều được tài trợ và thực hiện trong khuôn khổ các đề tài nghiên cứu cơ bản thực hiện trong nước; 3. Các công trình khoa học của hai giải thưởng chính đều thuộc lĩnh vực khoa học thực nghiệm, có ý nghĩa thực tiễn và khả năng ứng dụng rất lớn.

Với những hồ sơ đề cử không lọt vào danh sách trao giải, ông cho rằng, “đều là những công trình khoa học rất tốt mang tầm quốc tế. Chất lượng khoa học của các tác giả được đề cử ở phía Nam cũng đã có những tiến bộ vượt bậc, đặc biệt là các đề cử cho giải thưởng trẻ”. Vì vậy, đây là những tín hiệu vui cho thấy sự khởi sắc trong nghiên cứu khoa học ở Việt Nam và hứa hẹn vào khả năng đón nhận những tên tuổi mới trong kỳ trao giải năm sau.

Cũng có cái nhìn lạc quan về một thế hệ các nhà khoa học trẻ nhưng đã bộc lộ khả năng sáng tạo và vươn lên, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng, họ sẽ đem lại sức sống mới của KH&CN Việt Nam trong thời gian tới, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thành công Chiến lược phát triển KH&CN 2015-2020, đưa Việt Nam lọt vào tốp đầu về KH&CN của các quốc gia ASEAN cũng như góp phần giải quyết được những vấn đề đặt ra cho Việt Nam trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, để giúp cho các nhà khoa học Việt Nam có thể tham gia nghiên cứu và đưa các kết quả nghiên cứu vào ứng dụng trong thực tiễn đời sống kinh tế xã hội, một trong những yếu tố sống còn là các nhà quản lý duy trì một môi trường nghiên cứu minh bạch cũng như tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn nữa cho họ có nhiều cơ hội nghiên cứu, hợp tác với các nhà khoa học quốc tế.

Giải thưởng Tạ Quang Bửu là giải thưởng được tổ chức hàng năm của Bộ KH&CN nhằm khích lệ và tôn vinh các nhà khoa học có những thành tựu nổi bật trong nghiên cứu cơ bản thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật, góp phần thúc đẩy nghiên cứu khoa học cơ bản nói riêng và KH&CN Việt Nam nói chung tiếp cận trình độ quốc tế, tạo tiền đề cho KH&CN của đất nước hội nhập và phát triển.

Ở năm thứ ba xét tặng giải thưởng, Ban tổ chức đã nhận được 49 hồ sơ đăng ký tham gia. Sau khi qua vòng đánh giá của Hội đồng khoa học chuyên ngành thuộc lĩnh vực Khoa học tự nhiên của Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia (Nafosted), 9 hồ sơ một lần nữa lại được Hội đồng xét chọn giải thưởng, bao gồm các nhà khoa học có uy tín đại điện của các hội đồng ngành và các nhà khoa học Việt Nam và nước ngoài, tiếp tục đánh giá, bình chọn.


 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)