Bộ KH&CN tổng kết công tác năm 2012 và triển khai kế hoạch 2013
Hội nghị Tổng kết Công tác năm 2012 và Triển khai Kế hoạch Công tác năm 2013 được tổ chức ngày 19/1/2013, là dịp để Bộ KH&CN nhìn lại những việc đã làm được và quán triệt những mục tiêu cần đạt được trong năm 2013
Năm 2012, Bộ KH&CN đã hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó quan trọng nhất là hoàn thiện thể chế và tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách phát triển KH&CN. Nhiều văn bản mang tính bản lề được tập trung xây dựng và hoàn thành trong năm, như Đề án phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020; dự án Luật KH&CN sửa đổi; đề án Tiếp tục đổi mới đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH&CN. Bộ đã tập trung triển khai các chương trình, đề án quốc gia dài hạn, đa mục tiêu, như các chương trình đổi mới công nghệ, phát triển công nghệ cao, sản phẩm quốc gia. Đến nay ba chương trình quốc gia này đã có các thông tư hướng dẫn quản lý (riêng chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đang chờ Bộ Tài chính thống nhất Thông tư liên tịch hướng dẫn quản lý tài chính). Việc quản lý hoạt động KH&CN cấp Nhà nước được tăng cường đổi mới, trong đó phương thức đầu tư và cơ chế tài chính cho hoạt động KH&CN bước đầu đã chuyển biến, cơ chế quản lý và phương thức tổ chức các nhiệm vụ KH&CN được điều chỉnh phủ hợp với yêu cầu thực tế.
Bộ KH&CN đã tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương triển khai chuyển đổi các tổ chức KH&CN công lập sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và hình thành các doanh nghiệp KH&CN. Trong số 587 tổ chức KH&CN công lập thuộc diện chuyển đổi, 267 tổ chức đã được phê duyệt đề án chuyển đổi. Đã có một số mô hình chuyển đôi tự chủ thành công, như Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp của Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, Trung tâm An ninh mạng và Trung tâm Chế tạo máy CNC của Đại học Bách khoa Hà Nội, hay Viện Nghiên cứu Vật liệu xây dựng, Viện Công nghệ thực phẩm, v.v.
Cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ KH&CN được tiếp tục nâng cấp. Đến nay, Khu CNC Hòa Lạc đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 65 dự án với tổng số vốn đăng ký là 52.000 tỷ đồng (tuy nhiên, số lượng dự án và vốn đầu tư được triển khai thực tế còn những hạn chế). Khu CNC TP. Hồ Chí Minh đã triển khai được nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh, với tổng giá trị sản xuất đạt hơn 2,2 tỷ USD và xuất khẩu đạt hơn 2,1 tỷ USD, và số lượng lao động đạt hơn 17 nghìn người. Khu CNC Đà Nẵng được thành lập cuối năm 2010 đến nay về cơ bản đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và quy hoạch tổng thể.
Về hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ và thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN, những kết quả đạt được còn hạn chế, do ít có doanh nghiệp trên cả nước quan tâm đầu tư đổi mới công nghệ, khiến thị trường công nghệ chậm phát triển, cơ cấu đầu tư cho xã hội thấp hơn nhiều so với đầu tư từ Ngân sách Nhà nước (cơ cấu khoảng 30/70). Cơ chế vận hành thị trường KH&CN còn chưa đồng bộ, cơ chế thực thi quyền sở hữu trí tuệ còn yếu, tỷ lệ kết quả nghiên cứu được ứng dụng sản xuất và thương mại hóa còn thấp. Trước tình trạng này, Bộ KH&CN đã và đang phối hợp với Bộ Tài chính để sửa đổi Luật thuế thu nhập doanh nghiệp theo đó doanh nghiệp có thể trích một phần thu nhập tính thuế hàng năm để thành lập quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp hoặc đóng góp cho quỹ phát triển KH&CN của địa phương. Bộ cũng đang chuẩn bị các điều kiện pháp lý, tài chính, và nhân lực để vận hành Quỹ Đổi mới Công nghệ Quốc gia nhằm đẩy mạnh hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong đầu tư nghiên cứu, ứng dụng công nghệ phục vụ sản xuất kinh doanh.
Để chuẩn bị cho việc khởi động và vận hành nhà máy điện hạt nhân, Bộ đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các đối tác từ Nga, Nhật, Pháp, Hoa Kỳ, đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ của IAEA để xây dựng hệ thống văn bản pháp luật về điện hạt nhân và an toàn hạt nhân, đào tạo nhân lực KH&CN và đội ngũ kỹ sư, chuyên gia vận hành nhà máy điện hạt nhân; triển khai dự án xây dựng trung tâm KH&CN hạt nhân Việt – Nga; chương trình KH&CN về năng lượng nguyên tử và các dạng năng lượng mới. Năm 2012, Bộ cũng đã trình và được Chủ tịch nước phê chuẩn việc Việt Nam tham gia Công ước bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân và các hiệp định liên quan đến Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Ngoài ra, trong năm 2012 Bộ KH&CN đã tăng cường hạ tầng thông tin, truyền thông KH&CN; đẩy mạnh hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng; tăng cường hệ thống bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ; đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế; tăng cường công tác thanh tra, tổ chức cán bộ, cải cách hành chính và thi đua, khen thưởng.
Bước sang năm 2013, nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu được Bộ KH&CN đặt ra là hoàn thiện thể chế và đổi mới cơ chế quản lý tổ chức hoạt động KH&CN, như hoàn thiện trình Quốc hội thông qua Luật KH&CN sửa đổi, phối hợp với Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách Nhà nước và Luật thuế thu nhập doanh nghiệp theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI, nghiên cứu sửa đổi bổ sung Luật Năng lượng Nguyên tử, Luật chuyển giao công nghệ, Luật sở hữu trí tuệ để đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. Bộ sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ KH&CN và tăng cường tiềm lực KH&CN quốc gia, phát triển thị trường KH&CN và đẩy mạnh đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp, tăng cường hiệu quả hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng và thực thi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Bộ cũng sẽ thúc đẩy hoạt động ứng dụng năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ hạt nhân phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, trong đó tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp phù hợp với hoàn cảnh trong nước và thông lệ quốc tế, tập trung chuẩn bị các điều kiện vật chất – kỹ thuật và đào tạo đội ngũ cán bộ